Thursday, March 28, 2024

Chính quyền CSVN cho phép nhà máy điện đổ bùn xuống biển

Vietnam –  Cali Today news – Bất chấp những phản đối của các nhà khoa học, các tổ chức bảo vệ môi sinh và đông đảo người dân trong nước. Ngày 28/6, ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường đã ký giấy cấp phép cho Nhà máy điện than Vĩnh Tân đổ 1 triệu m3 chất thải gồm: bùn, cát, chất thải ra biển Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).


Khu bảo tồn Hòn Cau. Ảnh: Thanh Niên

Việc làm này đã khiến dân chúng trong nước hết sức bàng hoàng và phẫn nộ. Vì trước đó, rất nhiều lãnh đạo cấp cao từ Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN cho đến những thành viên chính phủ đều lớn tiếng khằng định rằng, không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế.

Theo giấy cấp phép, tổng diện tích được cho nhấn chìm là 30ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá 30m.

Trước đó, nhà máy điện than Vĩnh Tân đã xin phép chính quyền CSVN cho đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển Vĩnh Tân. Đây là khối lượng bùn cát có được do quá trình vét vũng quay tàu và khu cảng để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy điện than.

Cách nhà máy điện than Vĩnh Tân chỉ vài kilomet là khu bảo tồn biển Hòn Cau (hay còn gọi là Cù Lao Câu). Nơi này là một trong 16 khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Tại đây có quần thể san hô nguyên sinh với chiều dài lên đến hơn 2km, với 234 loại san hô, các rạn đá ngầm là nơi sinh sôi, nảy nở của các loại tôm hùm. Chưa hết, nơi này còn có rất nhiều loài hải sản nằm trong danh mục quý hiếm nằm trong danh sách tuyệt chủng. Các loại đồi mồi, rùa biển cũng chọn Hòn Cau làm nơi sinh sản.

Theo người dân sống trên Hòn Cau cho biết, kể từ khi có nhà máy điện than, những tác động về môi trường rất lớn. Các loại hải sản dần dần bị mất đi. Độ khoảng vài năm trở lại đây, các loại rùa và đồi mồi không còn chọn nơi này làm nơi sinh sản nữa.

Nhà máy điện than Vĩnh Tân vẫn đang tiếp tục cho xây rất nhiều hạng mục mới. Ảnh: Thanh Niên

Với việc cấp phép cho nhà máy điện thả đổ chất thải xuống biển, điều này đồng nghĩa với việc đe dọa trực tiếp đến quần thể san hô và các loại hải sản quý hiếm cần được bảo tồn ở nơi này. Đó là chưa nói, chắc chắn tới đây, chính quyền sẽ cho thu hep diện tích khu bảo tồn để lấy diện tích cho nhà máy điện than.

Nhà máy điện than Vĩnh Tân có chủ đầu tư từ Trung Cộng, nên tất cả công nghệ, hạng mục, kỹ sư đều từ Trung Quốc mang qua. Chính vì sử dụng công nghệ của Trung Cộng nên vấn đề ô nhiễm là điều không tránh khỏi. Trong khi trên thế giới lần lượt loại bỏ các nhà máy điện than vì không bảo đảm được vấn đề môi sinh, thì chính quyền CSVN lại chọn loại nhà máy sản xuất ra điện này để bảo đảm an toàn năng lượng điện cho cả nước.

Từ khi nhà máy điện than Vĩnh Tân hoạt động tại huyện Tuy Phong, nơi này đã trở thành điểm nóng của vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tháng 4/2015, trước việc nhà máy điện than Vĩnh Tân xả khói mù trời, bụi xỉ theo gió bay khắp nơi làm cho đời sống người dân vô cùng khốn đốn. Đã rất nhiều lần người dân gởi kiện cáo lên chính quyền, nhưng cái mà họ nhận được là sự im lặng. Trước tình hình đó, người dân xã Vĩnh Tân đã nổi dậy, chặn đường quốc lộ 1A để gây áp lực. Chính quyền đã cử người đến thương thuyết, nhưng mọi sự đều bất thành. Để giải quyết tình trạng trên, tỉnh Bình Thuận đã cử một đội Cảnh sát cơ động để giải tán đám đông.

Trước việc chính quyền chủ trương sử dụng bạo lực, người dân đã đồng loạt nổi dậy. Họ dùng gậy gộc, gạch đá và bom xăng để chống lại cảnh sát. Lực lượng cảnh sát phải tháo chạy. Ngay sau đó, Bộ Công an đã điều động cảnh sát chống bạo động từ bộ vào. Với lựu đạn, súng ống, hơi cay…cuộc bạo loạn mới chấm dứt.

Từ đó cho đến nay, môi trường ở Vĩnh Tân luôn là vấn đề nóng của tỉnh Bình Thuận.
Từ sau Tết Dương lịch 2017, cây cối của người dân xã Vĩnh Tân trụi lá, chết hàng loạt. Các giếng nước trở mặn. Mặc dù là vùng khô hạn, nhưng chỉ cần vài nhát cuốc là đã có nước.

Người dân nghi ngờ nhà máy điện than Vĩnh Tân sử dụng nước biển để xịt vào các bãi bụi xỉ nhằm tránh bị gió phát tán. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà máy khẳng định không hề có chuyện đó và họ khẳng định sử dụng nguồn nước ngọt để xịt vào các bãi xỉ.

Giếng nước của người dân ở Vĩnh Tân rất mặn do nhiễm nước mặn từ nhà máy xả ra. Ảnh: Tiếp Thị Thế Giới

Tháng 4/2017, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã có bản phúc trình xác định nguyên nhân làm cho cây chết hàng loạt ở xã Vĩnh Tân. Theo đó, hàm lượng muối trong nước ngầm ở Vĩnh Tân tăng từ 1 đến hai lần. Nước giếng ở khu vực này rất mặn. Chính quyền ra khuyến cáo người dân không nên uống nước giếng. Hoa màu ở xã Vinh Tân bị thiệt hại nặng nề.

Mặc dù vậy vẫn không thấy báo chí nói gì về việc đền bù thiệt hại cho người dân.

Người dân Vĩnh Tân đa phần sống nhờ vào biển, nhưng kể từ khi có nhà máy điện than, các loại hải sản sống gần bờ gần như bị tuyệt chủng. Muốn đánh bắt phải đi ra xa. Nay, với việc cho phép nhà máy điện than Vĩnh Tân đổ 1 triệu m3 chất thải xuống biển, đời sống người dân sẽ bị xáo trộn.

Nguoi Quan Sat

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img