Thursday, March 28, 2024

TRUYỀN THỐNG TRANH ĐẤU TẠI HƯƠNG CẢNG

Trong một biến cố bất ngờ xảy ra khiến nhiều người xúc động và chú ý theo rõi, cả triệu cư dân của Hương Cảng (Hong Kong) đã đồng lòng xuống đường trong ngày Chủ Nhật cuối tuần qua để bày tỏ sự chống đối, và coi như bác bỏ lời xin lỗi của chính quyền địa phương trong việc giải quyết một dự luật đòi dẫn độ các can phạm. Điều này đã gây phẫn nộ và sự lo sợ của người dân tại đây trước việc nhà cầm quyền ở Bắc Kinh (Beijing) muốn nới rộng sự kiểm soát lên phần đất tự do vốn từng là thuộc địa của Anh Quốc trước đây.

Lời xuống nước xin lỗi này đã được đưa ra 24 giờ đồng hồ sau khi Đặc Khu Trưởng Hương Cảng là bà Carrie Lam tuyên bố sẽ đình chỉ việc thảo luận dự luật cho phép dẫn độ một số nghi can về lục địa Trung Hoa, vốn là điều những người chống đối coi như là một hành động nhằm đe doạ đến nền tự trị của vùng đất này.

Kể từ sau khi lãnh địa này được trao trả lại cho Trung Cộng sau giao kèo thuê mướn 99 năm trước đây với Liên Hiệp Anh, Hương Cảng tuy trở về quyền kiểm soát của Trung Cộng nhưng lại được hưởng quy chế đặc biệt gọi là “Một Quốc Gia, Hai Thể Chế”. Đó là trong vòng 50 năm sau ngày chuyển giao, người dân tại vùng đất này vẫn có quyền duy trì một hệ thống xã hội, pháp lý và chính trị như trước đó chứ không bắt buộc lệ thuộc theo nhà cầm quyền tại Bắc Kinh đang duy trì một chế độ đàn áp và độc tài trên khoảng 1 tỷ 400 triệu cư dân sinh sống tại Đại Lục.

Tuy nhiên, khi dự luật dẫn độ này được đem ra thảo luận và dự tính sẽ được thông qua, đám đông khoảng 1 triệu người đã xuống đường biểu tình trong tuần trước để bầy tỏ sự lo ngại của họ trước mối quan hệ đặc biệt này giữa Hương Cảng và chính quyền tại lục địa Trung Hoa.

Lần này, số người tham dự cuộc xuống đường tăng cao lên gấp đôi với con số được ước tính lên đến 2 triệu người (trong một nước có tổng cộng gần 7 triệu rưởi dân) và dường như những người biểu tình thuộc đủ tầng lớp đã không cần phải che mặt để giấu tung tích như những cuộc xuống đường trước đây vì lo sợ có thể bị trả đũa và bắt giữ sau này bởi lực lượng cảnh sát.

Protesters rally against the extradition bill outside the Legislative Council in Hong Kong. Hong Kong officials were ill-prepared for not anticipating the pushback. Photo: EPA

Người dân đông như kiến xuống đường biểu tình tại Hương Cảng (hình EPA)

Sự kiện một viên chức cao cấp nhất trong chính quyền địa phương là bà Đặc Khu Trưởng Carrie Lam đã lên tiếng xin lỗi có lẽ cũng đã biểu lộ phần nào tinh thần phẫn nộ và chống đối đã tràn lan trong mọi tầng lớp quần chúng tại đây.

Và điều đáng nói hơn nữa là lời xin lỗi này của bà Carrie Lam cũng không xoa dịu được sự bực tức của đám đông biểu tình, khi nhiều người lên tiếng kêu gọi cần phải loại bỏ hoàn toàn dự luật này chứ không phải tạm thời đình hoãn như bà Lam đã tuyên bố. Vì thế nên nhiều người lãnh đạo trong phong trào biểu tình cũng đòi hỏi bà Lam cần phải từ chức vì coi như đã không đáp ứng đúng nguyện vọng của đại đa số cư dân.

Những người biểu tình nghĩ rằng nền tự trị về pháp lý của vùng đất Hương Cảng sẽ bị siết chặt nghiêm trọng hơn nữa một khi dự luật về dẫn độ này sẽ được ban hành, mặc dù nhà cầm quyền tại Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh rằng họ luôn tôn trọng lời hứa về chính sách lúc ban đầu về “Một Quốc Gia, Hai Thể Chế”.

Bà Carrie Lam biện minh rằng dự luật dẫn độ này là điều cần thiết để thực thi công lý cũng như để ngăn cản không cho những kẻ phạm tội có thể lợi dung Hương Cảng như là một nơi trú ẩn an toàn. Nếu được thông qua, đạo luật này sẽ cho phép chính quyền tại Hương Cảng dẫn độ các nghi phạm sang các nước khác như Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Macau và lục địa Trung Hoa.

NGUỒN GỐC CỦA DỰ LUẬT DẪN ĐỘ

Khi dự luật dẫn độ này bắt đầu được đem ra thảo luận hồi tháng Hai vừa qua, nhiều viên chức chính quyền tại Hương Cảng đều nghĩ rằng chuyện này cũng không có gì đặc biệt để gây tranh cãi và có lẽ cũng sẽ dễ dàng được thông qua.

Riêng bà Carrie Lam dường như đã chú ý đến khá nhiều và mong muốn nó được nhanh chóng thông qua, nhất là sau khi nhận được nhiều thỉnh-nguyện-thư của thân nhân một nạn nhân bị giết chết một cách man rợ. Đó là vụ án mạng liên hệ đến một thanh niên Hương Cảng có tên là Chan Tong-kai đã thú tội giết chết cô bồ của anh ta lúc đó đang mang bầu. Sau đó, anh ta còn nhét thi thể của nạn nhân trong một cái va-li bên thủ đô Đài Bắc vào năm ngoái trước khi trốn thoát bằng cách bay trở về Hương Cảng.

Vào tháng 4 vừa qua, anh Chan này đã bị tuyên án 29 tháng tù về những tội danh khác liên quan đến chuyện rửa tiền phi pháp. Nhưng kể từ khi anh ta bị bắt giữ vào năm ngoái, chính quyền Hương Cảng đã nhiều lần nhấn mạnh đến tính cách cần thiết phải thông qua một đạo luật về dẫn độ để có thể đưa anh ta trở về Trung Hoa Dân Quốc để xét xử tội danh cố sát trước khi anh ta có thể được thả tự do tại Hương Cảng.

Việc tìm cách nhanh chóng thông qua đạo luật này có vẻ như muốn đạt được cùng lúc hai mục đích. Thứ nhất, nó được xem là giúp đem lại công lý cho những thân nhân đau khổ của người đã bị thiệt mạng, và kế đó, là trám được một lỗ hổng luật pháp bởi vì nó sẽ cho phép dẫn độ các nghi phạm tuỳ theo từng trường hợp về những nơi có thẩm quyền xét xử, trong đó có Đài Loan và Trung Cộng, mà hiện nay những nước này không có những thoả thuận về dẫn độ với Hương Cảng.

Tuy nhiên, nhiều người lại nghi ngờ hoặc phán đoán rằng bà Carrie Lam muốn đẩy mạnh dự luật này là dưới sự áp lực của nhà cầm quyền ở Bắc Kinh, nhất là sau khi có một vài nhân vật trong Bộ Chính Trị của Trung Cộng lên tiếng ủng hộ dự luật này. Bà Lam đã cực lực phủ nhận điều đó và nói rằng bà không hề nhận bất cứ chỉ thị nào từ phía Bắc Kinh, và dự luật này cũng không hề được xuất phát từ phía chính quyền trung ương.

Điều này cũng có thể đúng. Theo nhà báo Wang Xiangwei, cựu chủ bút của tờ South China Morning Post, nhà cầm quyền Bắc Kinh vốn quan tâm nhiều hơn về việc thông qua dự luật về an ninh quốc gia, thường được gọi là Điều 23. Dự luật này nhằm ngăn cấm tại Hương Cảng những hành động được xem là phản quốc, ly khai và chống lại chính quyền trung ương ở Bắc Kinh được đệ trình vào năm 2003. Nhưng nó cũng bị nhanh chóng dẹp bỏ sau khi có hơn nửa triệu người biểu tình phản đối vì cho rằng nó sẽ dẫn đến việc suy giảm những quyền tự do dân sự được ghi rõ trong bộ Luật Căn Bản giành cho cư dân tại đảo quốc này. Kể từ đó đến nay, phía Bắc Kinh vẫn luôn tìm cách vận động chính quyền Hương Cảng hãy đưa trở lại nghị trường dự luật này.

Nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng không phản đối việc chính quyền Hương Cảng lần này muốn thông qua dự luật về dẫn độ, vì điều này sẽ giúp cho chính quyền trung ương ở Bắc Kinh có thể dễ dàng hơn trong việc bắt giữ và dẫn độ những doanh gia hay những viên chức tham nhũng luôn tìm cách ẩn náu tại Hương Cảng sau khi phạm luật tại lục địa Trung Hoa.

Tuy nhiên, lần này, theo nhận định của nhà báo Wang Xiangwei, những diễn biến bất ngờ của những cuộc xuống đường biểu tình khổng lồ vừa qua cho thấy là bà Carrie Lam và các phụ tá cao cấp của bà đã đánh giá sai lầm và non nớt về tinh thần chống đối mạnh mẽ từ phía cư dân tại Hương Cảng thuộc đủ giai tầng trong xã hội, đặc biệt là từ tầng lớp các doanh gia vốn thường hiền hoà nhưng rất có thế lực tại đây, vốn luôn có sẵn niềm hoài nghi và lo sợ về tinh thần và thể chế không tôn trọng pháp luật tại lục địa Trung Hoa. Vì thế nên sau vụ này, dù kết quả của vụ khủng hoảng này đi về đâu, có lẽ không có người nào chiến thắng và Hương Cảng nói chung coi như cũng thất bại. Uy tín của nó, sự độc lập về hệ thống pháp lý, và niềm tin của cộng đồng quốc tế về Hương Cảng như là một trung tâm thương mại hàng đầu coi như sẽ khó lòng được giữ vững.

Hong Kong Chief Executive Carrie Lam Cheng Yuet-ngor: lacks political antennae. Photo: Winson Wong

Bà Carrie Lam, Đặc Khu Trưởng Hương Cảng (hình South China Morning Post)

TRUYỀN THỐNG TRANH ĐẦU TẠI HƯƠNG CẢNG

Theo nhà báo Antony Dapiran, tác giả một cuốn sách về lịch sử của Hương Cảng, trong một bài phân tích khá kỹ lưỡng mới nhất trên diễn đàn CNN, những hình ảnh đám đông cả triệu người xuống đường biểu tình bất chấp những biện pháp ngăn cản của cảnh sát như ném lựu đạn cay trong những ngày qua khiến nhiều người nghĩ rằng một thành phố như Hương Cảng, trước đây từng nổi tiếng là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới, giờ đây cũng mau chóng tạo cho mình một văn hoá chống đối chính trị.

Tuy nhiên, đối với cư dân tại đây, những cuộc biểu tình này chẳng phải là điều gì mới lạ, nếu không muốn nói là thành phố này đã có một quá trình tranh đấu và chống đối chính trị từ lâu, bắt đầu từ những ngày còn là một thuộc địa của Liên Hiệp Anh, và sau đó vẫn được tiếp tục kể cả khi nó được trao trả lại cho nhà cầm quyền Trung Cộng kể từ năm 1997.

Nói theo lời nhận xét của ông Chris Patten, vị toàn quyền sau cùng của Anh ở Hương Cảng, đây là một thành phố “tự do nhưng không có dân chủ”. Bởi lẽ những cư dân tại Hương Cảng không có toàn quyền bầu cử để lựa chọn chính quyền và người lãnh đạo cho họ. Điển hình là bà Đặc Khu Trưởng Carrie Lam không phải lên cầm quyền do lá phiếu phổ thông của toàn thể cư dân tại đây, mà là do sự lựa chọn của khoảng 1,200 nhân vật gồm có những đại diện doanh thương, chuyên gia và những thành phần ưu tú khác cùng nhau gộp lại thành một “uỷ ban bầu cử” để bầu ra.

Tuy vậy, người dân Hương Cảng vẫn tiếp tục được hưởng những quyền tự do cơ bản tốt hơn nhiều so với tại lục địa Trung Cộng. Đó là những quyền tự do về ngôn luận, tự do báo chí cũng như tự do hội họp, vốn là những điều không thể dễ dàng có được tại những quốc gia độc tài.

Nhiều cuộc xuống đường rộng lớn trong lịch sử cận đại của Hương Cảng đều có chung một chủ đề thu hút sự ủng hộ của đa số dân chúng: đó là người dân muốn bảo vệ cái bản sắc đặc thù của Hương Cảng. Những dự luật có thể tác động đến cái bản sắc này, dù là giảm bớt những quyền tự do quý giá mà người dân đã thừa hưởng được hoặc là huỷ hoại đi một phần nào của cái gia tài văn hoá đặc biệt của nó, đều sẽ gây ra những phản ứng dữ dội từ phía người dân địa phương, như trường hợp các cuộc biểu tình lần này.

Sau đây là một số những cuộc biểu tình chống đối nổi tiếng và đáng chú ý tại Hương Cảng.

Bến phà Star Ferry (1966-67)

Vào năm 1966, chính quyền Anh dự tính tăng giá vé trên phà Star Ferry, phương tiện duy nhất để đi từ Hương Cảng sang bán đảo Kowloon, khiến cư dân bất mãn. Một thanh niên phản đối bằng cách tuyệt thực và bị bắt giam 4 ngày, dẫn đến những cuộc biểu tình nổi loạn khiến cảnh sát Anh phải đàn áp.

Qua năm sau, nhiều công nhân đình công dẫn đến tình trạng tê liệt trên khắp đảo quốc và bạo loạn khắp nơi, khiến cho 51 người bị thiệt mạng, trong đó có 10 cảnh sát viên. Sau đó, chính quyền Anh ban hành một số các biện pháp cải tổ nhằm nâng cao quyền lợi của giới nhân công, cải thiện đời sống trên nhiều mặt từ gia cư tới học đường miễn phí để giúp giảm bớt sự bất mãn của người dân địa phương.

Thắp nến ủng hộ biểu tình tại Bắc Kinh (1989)

Vấn đề chuyển giao quyền hành tại Hương Cảng đã được thảo luận giữa hai nước Anh và Trung Cộng và ký kết vào cuối năm 1984, với những chính sách được chuẩn bị cho ngày 1 tháng 7/1997.

Nhưng vào mùa xuân năm 1989, cả thế giới bỗng chú ý đến những cuộc biểu tình tranh đấu cho dân chủ bùng lên tại Quảng trường Thiên An Môn. Đặc biệt, những cư dân tại Hương Cảng càng chú ý hơn nữa để biết xem nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ áp dụng những chính sách nào khi đối xử với làn sóng biểu tình và những đòi hỏi chính đáng của giới trẻ.

Khi Bắc Kinh tuyên bố thiết-quân-luật vào ngày 21/5/1989, khoảng 600,000 cư dân Hương Cảng xuống đường để bày tỏ tinh thần đoàn kết với người dân tại Bắc Kinh. Qua tuần sau, số người biểu tình tại Hương Cảng lên đến khoảng 1 triệu rưởi người khi có tin đồn là chính quyền Bắc Kinh sẽ bắt đầu đàn áp mạnh tay. Khi những tiếng súng và xe tăng tràn lên để uy hiếp và đàn áp dã man vào những ngày sau, người dân Hương Cảng phải đau lòng chứng kiến những thảm cảnh và trong đầu hiện lên ý nghĩ “Một ngày nào đó có lẽ cũng đến phiên chúng ta lãnh đủ như vậy.” Từ đó đến nay, mỗi năm hàng chục ngàn dân tiếp tục biểu tình vào ngày 4 tháng 6 để tưởng niệm biến cố Thiên An Môn này.

Chống đối Điều luật 23 (2003)

Khoảng thời gian sau ngày chuyển quyền năm 1997 được xem là thời kỳ đen tối cho Hương Cảng: từ vụ Khủng hoảng Kinh tế tại Á Châu (1997-1998) đến tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu sau cơn khủng hoảng vỡ bong bóng của thị trường dotcom; rồi vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 9/11 và cơn dịch bệnh SARS tràn lan đã ảnh hưởng tai hại đến nền kinh tế tại đây.

Cùng với tỉ lệ thất nghiệp rất cao dẫn đến sự bất mãn của dân chúng, việc chính quyền đương thời của ông Tung Chee-Hwa đề nghị áp dụng việc trừng phạt các hành động đòi ly khai hoặc chống phá lục địa Trung Hoa, được tóm gọn trong Điều luật 23, đương nhiên dẫn đến sự nổi loạn của dân chúng. Khoảng nửa triệu người đã xuống đường biểu tình để đòi dẹp bỏ dự luật này và yêu cầu ông Đặc Khu Trưởng phải từ chức. Dự luật này đã bị dẹp bỏ, và qua năm sau ông Tung Chee-Hwa cũng từ chức sau một cuộc biểu tình khác.

Chống đối Chương trình Công Dân Giáo Dục của Trung Cộng (2011)

Vào tháng 5/2011, Hội đồng Soạn thảo Giáo dục của Hương Cảng đưa ra đề nghị áp dụng chương trình công dân giáo dục cho toàn thể các trường học tại đây, được coi như là một biện pháp nhằm lấy lòng các viên chức cao cấp ở Bắc Kinh muốn thấy giới trẻ ở Hương Cảng cần phải được dạy dỗ từ bé những bài học về “cách thức yêu mẫu quốc”.

Chương trình giáo dục đề nghị này mang tên là “Mô Hình Trung Hoa” đã gây ra phản ứng báo động cho nhiều giới. Từ các phụ huynh đến thầy cô giáo và các em học sinh đều cảm thấy bất mãn trước nội dung của chương trình giáo dục này mà họ xem là rất thiên vị, chứa đầy những thông tin sai lệch về lục địa Trung Hoa, đi kèm với những lời khen nịnh hót quá lố đối với chính quyền trung ương. Theo họ, những chương trình giáo dục kiểu này chẳng khác gì một lối nhồi sọ để “tẩy não”.

Một nhóm học sinh trung học dẫn đầu bởi Joshua Wong, lúc đó chỉ mới 15 tuổi, đã cùng thành lập một nhóm tranh đấu lấy tên là Scholarism, tạm dịch là phát triển kiến thức theo khoa học hàn lâm. (Một số các bản văn dịch từ ngữ này là “Học Dân Tư Triều”, có lẽ vì muốn dịch theo nguyên tác tiếng Hoa là Hok Min Su Cau, nhưng từ ngữ này quả thật rất tối nghĩa và ngô nghê. Trước đây, nhiều cơ quan ngôn luận lớn như BBC, VOA, RFI, RFA cũng mắc phải lỗi lầm này khi dịch chữ “Đặc Khu Trưởng” của Hương Cảng là Hành Chánh Trưởng Quan từ chữ “Executive Officer”).

Nhóm Scolarism đã dẫn đầu chiến dịch chống lại chương trình công dân giáo dục theo Trung Cộng, với cả trăm ngàn người biểu tình ủng hộ, khiến chính quyền địa phương phải nhượng bộ và rút lại đề nghị này. 

Phong trào chống đối Ô Dù (2014)

Vào năm 2014, chính quyền địa phương đề ra những cải tổ về hiến pháp để có thể cho cư dân tại Hương Cảng lần đầu tiên được quyền đi bầu lựa chọn người đứng đầu chính quyền. Tuy nhiên, cuối cùng những đề nghị này không có thực chất vì chỉ cho phép một số nhỏ ứng viên trước đó phải được chấp thuận bởi một “uỷ ban đề nghị”, tức là gián tiếp phải qua một cuộc thanh lọc do chính quyền trung ương kiểm soát.

Điều này dẫn đến sự thất vọng của những người tranh đấu cho phong trào dân chủ, và sau đó là thái độ chống đối xuyên qua những cuộc xuống đường chiếm đóng các toà nhà chính quyền, bắt chước theo phong trào “Occupy Wall Street” nổi tiếng tại Hoa Kỳ vào lúc đó.

Trước đó, đã có những cuộc xuống đường của Phong trào Scholarism và một liên minh của nhiều hội đoàn sinh viên khác. Lần này các nhóm biểu tình này đã cùng đoàn kết và phối hợp nhiều cuộc xuống đường rộng lớn hơn, khiến cho lực lượng cảnh sát bị bó tay trong thời gian đầu. Phản ứng mạnh bạo của cảnh sát sau đó đã làm tăng cao tinh thần phản kháng, khiến cho làn sóng biểu tình kéo dài đến 79 ngày, với hình ảnh biểu tượng của những chiếc dù được dân biểu tình giương lên để bảo vệ trước những vụ ném lựu đạn cay của cảnh sát.

Police forces march toward pro-democracy protesters during a standoff outside the central government offices in Hong Kong on October 14, 2014.

Cảnh sát đang tiến đến gần nhóm người biểu tình của Phong trào Ô Dù tại Hương Cảng vào năm 2014.

Cuối cùng, những cuộc xuống đường này cũng bị dập tắt, và những lãnh tụ của các phong trào này cũng bị đưa ra toà xét xử, tuy với những bản án không nặng nề, nhưng hệ thống chính quyền và bầu cử tại Hương Cảng vẫn tiếp tục đứng vững.

Tình hình tiếp tục yên tĩnh như bình thường cho đến khi một biến cố mới như dự luật dẫn độ mới được đề nghị và đã dẫn đến những làn sống biểu tình và xuống đường rầm rộ chưa từng thấy như vừa mới xảy ra trong những ngày qua tại Hương Cảng.  

 

MAI LOAN

Houston, Texas, ngày 23 tháng 6/2019

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img