Friday, March 29, 2024

TRUMP ĐANG NHẤN CHÌM CUỘC BẦU CỬ SƠ BỘ CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA TRƯỚC KHI NÓ BẮT ĐẦU

  • Pfizer cho biết liều vắc xin tăng cường bảo vệ chống lại biến thể omicron
  • Thủ tướng Phần Lan xin lỗi vì đi tiệc khi đang nghi bị lây nhiễm Covid-19
  • TRUMP ĐANG NHẤN CHÌM CUỘC BẦU CỬ SƠ BỘ CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA TRƯỚC KHI NÓ BẮT ĐẦU
  • Nước Đức hôm nay chính thức có Thủ Tướng mới, ông Olaf Scholz
  • Tổng tham mưu trưởng tử nạn gây rúng động quân đội Ấn Độ
  • Tổng thống Biden tuyên bố không điều quân đội đến Ukraine
  • Đến lượt Canada và Anh tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022
  • Cảnh báo Trung Quốc có thể giấu hỏa tiễn trong container, có thể tấn công bất ngờ
  • TRUMP ĐANG GIÚP ĐỞ STACEY ABRAMS QUA VIỆC ỦNG HỘ DAVIS PERDUE ĐỂ TRẢ THÙ BRIAN KEMP
  • Tòa án tối cao để quyết định liệu các bang có thể từ chối trả tiền cho giáo dục tôn giáo hay không
  • TẠI SAO NGA MUỐN XÂM LƯỢC UKRAINE TRONG LÚC NÀY? LÀM THẾ NÀO TT BIDEN CÓ THỂ NGĂN CHẶN?

 Pfizer cho biết liều vắc xin tăng cường bảo vệ chống lại biến thể omicron

Công ty Pfizer cho biết hai liều vaccine Pfizer có thể không cung cấp đủ kháng thể chống lại biến thể mới, mặc dù chúng vẫn có thể ngăn ngừa bệnh nặng.

Qua kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy liều vaccine thứ ba có thể cung cấp mức kháng thể trung hòa chống lại Omicron hữu hiệu hơn.

Nếu quý vị đã chích xong hai mũi, thì hãy nên đi chích ngay mũi booster thì mới giảm được nguy cơ có thể bị lây nhiễm Omicron, và đó là điều mà các cơ quan y tế đã cân nhắc rất kỹ lưỡng và đưa ra khuyến nghị của họ.

Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến cáo tất cả người lớn từ 18 tuổi trở lên nên đi chích ngay mũi booster sau 6 tháng sau khi đã chích xong mũi thứ hai của Pfizer hoặc Moderna.

……………………………………………

Thủ tướng Phần Lan xin lỗi vì đi tiệc khi đang nghi bị lây nhiễm Covid-19

Thủ tướng Phần Lan đã bị chỉ trích sau khi có thông tin tiết lộ bà đi chơi tại hộp đêm vào cuối tuần, dù biết mình từng tiếp xúc gần với một bộ trưởng mắc dương tính với Covid-19.

Thủ tướng Sanna Marin (36 tuổi) đã xin lỗi người dân Phần Lan sau khi một tạp chí đăng những bức ảnh cho thấy bà vẫn ra ngoài khuya và có mặt ở một hộp đêm tại thủ đô Helsinki tới 4h sáng, sau khi biết tin Ngoại trưởng Pekka Haavisto, người mà bà tiếp xúc gần, dương tính với Covid-19.

Các đảng đối lập đã chỉ trích bà Marin vì có khả năng vi phạm các hướng dẫn Covid-19 và bỏ lỡ một tin nhắn văn bản sau đó cảnh báo bà nên tự cách ly.

Thủ tướng Phần Lan đã xét nghiệm Covid-19 và nhận được kết quả âm tính.

Phần Lan là nước có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp nhất châu Âu trong suốt đại dịch. Cho đến nay, nước này ghi nhận hơn 196.000 trường hợp mắc và 1.384 ca tử vong do Covid-19.

……………………………………………

TRUMP ĐANG NHẤN CHÌM CUỘC BẦU CỬ SƠ BỘ CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA

Chỉ với một câu tuyên bố úp mở “Hãy chờ và xem” của Donald Trump đối với cuộc bầu cử năm 2024 đã thực sự đóng băng các bước đi cần thiết của cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của đảng Cộng hòa trước khi nó bắt đầu.

Khi nhiều ứng cử viên có tham vọng trong năm 2024 đang lưỡng lự, ngần ngại xem liệu họ có nên công khai thừa nhận tham vọng giành lấy chiếc vé ứng cử viên tổng thống của mình hay không.

Một số ít các ứng cử viên GOP có tham vọng tiến vào cuộc đua của năm 2024 đã đưa ra cam kết hoặc ám chỉ mạnh mẽ rằng họ sẽ không thách thức Donald Trump trong một cuộc bầu cử sơ bộ. Cựu Thống đốc South Carolina Nikki Haley đã từng tuyên bố rằng bà “sẽ không ra tranh cử nếu Donald Trump ra tranh cử.”

Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói rằng: “Nếu Donald Trump ra tranh cử tổng thống vào năm 2024, ông ấy sẽ là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, chắc chắn, tôi sẽ ủng hộ ông ấy, Thượng nghị sĩ Florida, Rick Scott cũng cho rằng Trump “nên làm điều đó một lần nữa.”

Còn Josh Hawley ở Missouri và Tim Scott ở South Carolina, hai thượng nghị sĩ đã từng đề cập đến việc có thể sẽ ra tranh cử tổng thống cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Trump trong tương lai, có nghĩa là họ chịu thua và tự rút lui trước.

Hầu như tất cả các ứng cử viên gần như bắt buộc phải gạt bỏ tham vọng của riêng từng người họ để thể hiện sự ủng hộ đối với Trump trước khi cuộc bỏ phiếu sơ bộ của Đảng Cộng hòa bắt đầu.

Chỉ đặc biệt khác người một chút, là Ted Cruz của Texas, ông ta đã nói với CBS News ‘Face the Nation‘ rằng Donald Trump có thể là một đối thủ rất mạnh nhưng ông ta sẽ không chịu thua, vì trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống của GOP năm 2016, Ted Cruz đã về hạng nhì sau Donald Trump nhưng vẫn hy vọng có thể trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa vào năm 2024 khi tuyên bố rằng: “Tôi đã từng xếp hạng hai. Có một lịch sử bầu cử lâu dài về việc á quân thường sẽ trở thành ứng cử viên tiếp theo,”.

Đặc biệt Thống đốc tiểu bang Florida, Ron DeSantis, là người đã được thảo luận rộng rãi giữa các nhà tài trợ GOP về việc có thể là ứng cử viên năm 2024, vẫn chưa loại trừ việc thách thức Donald Trump trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ – điều này khiến Donald Trump tỏ ra bất bình.

Nhưng Ron DeSantis không phải là nhân vật duy nhất của đảng Cộng hòa vướng vào những lời bàn tán vào năm 2024. Hai đảng viên Cộng hòa khác được đề cập đến là ứng cử viên sát thủ của tiểu bang Texas, Greg Abbott và Thượng nghị sĩ Arkansas Tom Cotton – cũng từ chối đưa ra những đồn đoán về tham vọng tổng thống của họ hoặc đặt ra vị trí cạnh tranh trong cuộc bầu cử sơ bộ với Donald Trump.

Trong khi hai nhân vật khác – Dân biểu của tiểu bang Wyoming, Liz Cheney và Thống đốc Maryland, Larry Hogan – có khả năng sẽ tham gia cuộc đua với tư cách là ứng cử viên “Never Trump“, có nghĩa là quyết định của họ để chống lại Donald Trump sẽ thoải mái và dễ dàng hơn so với những người khác.

Bà Liz Cheney đã nói rằng, bà sẽ sẵn sàng làm “bất cứ điều gì cần thiết” để ngăn Trump tiến gần đến Phòng Bầu dục một lần nữa.

Tương tự, Thống đốc tiểu bang New Hampshire, Chris Sununu, người ủng hộ Trump vào năm 2020 nhưng đã chỉ trích các cáo buộc gian lận bầu cử của Donald Trump trong năm nay, nói với các phóng viên tại hội nghị thường niên của Hiệp hội các Thống đốc Đảng Cộng hòa vào tháng trước rằng, ông sẵn sàng ra tranh cử tổng thống và chiến đấu với Donald Trump.

Nhưng, cuối cùng, có lẽ đáng ngạc nhiên nhất là hai người trung thành với Trump lâu năm trước đây, cựu Phó Tổng thống, Mike Pence, người đã từ chối xác nhận rằng ông ta sẽ không thách thức ông chủ cũ của mình vào năm 2024. Và cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, người đã thực hiện chuyến đi tới Iowa và New Hampshire, cũng đã từ chối cân nhắc về việc tranh cử chống lại Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ mà chỉ nói rằng, nếu cần thiết, ông ta sẽ ra trận và chiến đấu hết mình.

Việt Linh

……………………………………………

Nước Đức hôm nay chính thức có Thủ Tướng mới, ông Olaf Scholz

Khác với các nước như Mỹ, lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz diễn ra không cờ, không trống.

Việc ông Scholz lên thay ghế thủ tướng của bà Merkel được Guardian gọi là “mở ra một kỷ nguyên mới cho chính trường Đức và châu Âu, khi thời đại Angela Merkel thực sự kết thúc“.

Ông Scholz được xe chở tới Điện Bellevue, tư dinh của tổng thống Đức. Tại đây, Tổng thống Steinmeier trao cho ông Scholz giấy bổ nhiệm bọc trong bìa da.

Khi ấy, ông Scholz về mặt pháp lý đã trở thành tân thủ tướng Đức nhưng quá trình chuyển giao quyền lực chưa được coi là hoàn tất cho đến lúc ông quay về phía đông và được Chủ tịch Quốc hội Barbel Bas làm lễ tuyên thệ.

Ngày ông Scholz trở thành tân thủ tướng khép lại với việc bà Merkel bàn giao quyền điều hành văn phòng thủ tướng – nơi bà từng làm việc 16 năm. Tại đây, bà Merkel nói lời cảm ơn với nhân viên rồi trao lại sự vụ hàng ngày cho người kế nhiệm.

Bước ra ngoài sau buổi bàn giao, bà Merkel dặn ông Scholz: “Đến lúc làm việc rồi”.

Toàn bộ quy trình chuyển giao quyền lực nói trên khiến nhiều người Đức cảm thấy tự hào vì quá trình này diễn ra quá đỗi ôn hòa, tương phản với vụ bạo loạn ở Điện Capitol (Mỹ), sự kiện xảy ra sau khi người cựu Tổng thống Donald Trump khăng khăng rằng kết quả bầu cử năm 2020 bị “đánh cắp”.

Christoph Heusgen, người từng là trưởng cố vấn chính sách đối ngoại của bà Angela Merkel, tự hào nói rằng: “Tôi có niềm tự hào về nền dân chủ của chúng ta. Với quá trình chuyển giao quyền lực này, không có thù hận và ghét bỏ, chỉ có sự tương trợ và giúp đỡ nhau”.

Lễ tuyên thệ thủ tướng Đức là sự kiện đơn giản và không ồn ào. Đây cũng là đặc điểm của đa số hành động chính trị khác ở nước Đức ngày nay.

Nền chính trị theo xu hướng thỏa hiệp, với nền tảng là chính phủ liên minh, cũng góp phần giúp quá trình chuyển giao quyền lực ở Đức được hài hòa và không phô trương.

Xã hội Đức không bị chia rẽ nghiêm trọng như ở Mỹ và điều này có liên hệ với hệ thống đảng phái của chúng tôi. Việc hệ thống đảng phái của Đức phức tạp hơn, cùng với việc xã hội cũng ít phân cực hơn, là một trong những lý do chúng tôi không cần các lễ nghi hoành tráng để thể hiện sự đoàn kết”.

Chính phủ mới phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có đợt bùng dịch Covid-19 ở Đức, cho đến việc Nga điều quân tới biên giới Ukraine. Ngoài ra, ưu tiên hơn hết là phải đại tu nền kinh tế Đức bằng cách hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và giảm mạnh nhiên liệu hóa thạch.

Thủ tướng mới cho biết chuyến đi đầu tiên của ông bên ngoài nước Đức sẽ là đến Paris và Brussels, khi ông tìm cách bảo đảm rằng “Châu Âu an toàn và có chủ quyền”.

……………………………………………

Tổng tham mưu trưởng tử nạn gây rúng động quân đội Ấn Độ

Ngày 8/12, quân đội Ấn Độ trải qua một cú sốc lớn không tưởng. Tướng Bipin Rawat, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng trên đường tới thuyết giảng tại một trường cao đẳng quốc phòng ở Tamil Nadu.

Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh là người đầu tiên thông báo tin xấu trên Twitter, theo South China Morning Post.

Chúng tôi rất đau buồn trước sự ra đi đột ngột của Tổng tham mưu trưởng, tướng Bipin Rawat, vợ và 11 nhân viên lực lượng vũ trang khác trong vụ tai nạn trực thăng hôm nay ở Tamil Nadu“, ông viết. “Sự ra đi của ông là một tổn thất không gì bù đắp được đối với lực lượng vũ trang và đất nước chúng ta”.

Vụ tai nạn này như một đòn giáng mạnh vào quân đội Ấn Độ. Vị tướng quá cố được cho là người thân cận với Thủ tướng Narendra Modi.

Cái chết của ông cũng có nguy cơ gây ảnh hưởng tới khả năng phòng vệ của quân đội Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng chưa có dấu hiệu chấm dứt ở khu vực biên giới với Trung Quốc.

……………………………………………

Tổng thống Biden tuyên bố không điều quân đội đến Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông không xem xét việc điều quân đội Mỹ đến Ukraine để đáp trả việc Nga tăng cường quân sự ở biên giới nước này.

Tuyên bố trên của ông Biden được đưa ra vào hôm 8/12, một ngày sau khi ông có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nỗ lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng quân sự, Guardian đưa tin

Ông Biden đã cảnh báo ông Putin rằng sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ cung cấp “khả năng phòng thủ” cho quân đội Ukraine.

Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông hy vọng sẽ có “các cuộc họp ở cấp cao hơn” giữa Nga và ít nhất bốn thành viên NATO trong nỗ lực giải quyết các khiếu nại của Điện Kremlin về liên minh quân sự.

Trước đó, ông Putin đã yêu cầu ông Biden đưa ra “những bảo đảm mang tính ràng buộc pháp lý, đáng tin cậy” nhằm ngăn chặn NATO mở rộng lãnh thổ về phía Nga hoặc bố trí tên lửa ở các nước giáp biên giới với Nga.

……………………………………………

Đến lượt Canada và Anh tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022

Canada và Anh đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh do Trung Quốc tổ chức vào năm 2022, sau khi Mỹ và Australia có quyết định tương tự.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 8/12 thông báo sẽ tẩy chay Olympic Bắc Kinh và cho biết chính phủ của ông “rất lo lắng” trước những cáo buộc nhân quyền ở Trung Quốc.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ không cử bất cứ quan chức nào tham dự Thế vận hội.

New Zealand trong tuần này cũng cho biết họ sẽ không cử đại diện ngoại giao ở cấp bộ trưởng đến Olympic Bắc Kinh năm 2022, nhưng không mô tả đây là một cuộc tẩy chay mà thay vào đó viện lý do lo ngại về Covid-19.

……………………………………………

Cảnh báo Trung Quốc có thể giấu hỏa tiễn trong container, có thể tấn công bất ngờ

Việc “giấu” hệ thống hỏa tiễn trong container không phải là một khái niệm quân sự gì mới lạ, vì một số quốc gia đã phát triển công nghệ này trong nhiều năm qua.

Công nghệ này được đặt tên là những “Con ngựa Thành Troy” này cho phép viện vận chuyển vũ khí diễn ra nhanh chóng và bí mật, đồng thời hệ thống tên lửa cũng có thể dễ dàng lắp đặt trên tàu hoặc một vị trí ven biển; điều này cho phép một quốc gia có thể dễ dàng tiếp cận bất cứ cảng biển nào trên thế giới.

Những “Con ngựa Thành Troy” nói trên có thể được lắp đặt trên bất cứ con tàu nào, kể cả các con tàu tư nhân cũng có thể được biến thành một hạm đội quân sự, theo đúng nghĩa đen.

Trung Quốc đang đặt trọng tâm cho một chiến lược gây bất ngờ, để ngụy trang và tiến hành tấn công bất ngờ nhằm vào các hệ thống phòng thủ bờ biển để hỗ trợ các lực lượng đổ bộ và lính dù.

Các đầu đạn xung điện từ (EMP) của hỏa tiễn Trung Quốc có khả năng vô hiệu hóa bất cứ căn cứ tàu ngầm hỏa tiễn đạn đạo hạt nhân gần đó: “Một vụ nổ EMP có thể ngắt điện các tàu ngầm và căn cứ, mà không cần Trung Quốc phải phóng một hỏa tiễn hạt nhân nào“.

Có thể trong bối cảnh đó, Washington sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, không biết phải trả đũa ai, ai đang tấn công nước Mỹ và từ đâu, vì trên biển lúc nào cũng có hàng trăm, hàng ngàn con tàu đang chạy qua lại gần các bờ biển của nước Mỹ, làm sao có thể chận xét từng con tàu và có lẽ Trung Quốc sẽ sử dụng sự phân tâm của Mỹ để bắt đầu mục tiêu thực sự của mình – thống nhất đảo Đài Loan bằng vũ lực.

……………………………………………

TRUMP ĐANG GIÚP ĐỞ STACEY ABRAMS QUA VIỆC ỦNG HỘ DAVIS PERDUE ĐỂ TRẢ THÙ BRIAN KEMP

Những trò hề hiện nay của Trump có thể là sự mở đầu cho việc đảng Cộng Hòa rơi vào vực thẳm cho chính người trong đảng tạo nên, điều này đang xảy ra tại Georgia.

Cuộc chiến khó khăn hiện tại của các đảng viên Dân chủ tại Quốc Hội nhằm có thể duy trì thế đa số tại Hạ viện và Thượng viện và chống lại “làn sóng đỏ” đáng sợ vào năm 2022 đang thực sự đem lại những sự thất vọng cho những đảng viên Dân Chủ trên toàn quốc, nhưng giữa những cơn sóng dữ, các đảng viên Dân Chủ lại được chính Donald Trump quăng cho cái phao cứu sinh khổng lồ, khi ông ta một lần nữa thúc giục đảng Cộng hòa phải ưu tiên chủ trương bầu cử bằng sự kêu gào hãy tiếp tục lên tiếng đòi chiến thắng cho bản thân ông ta trong cuộc bầu cử TT năm 2020.

Ra quân cho một cuộc tranh cử TT năm 2024 nhưng vẫn không quên đòi chiến thắng của năm 2020, Donald Trump đang muốn làm gì đây, thực sự không thể hiểu nổi.

Sau khi những nghi ngờ mà Trump đã gieo rắc về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử dường như đã làm giảm tỷ lệ cử tri đi bầu cử của Đảng Cộng hòa trong các cuộc bỏ phiếu quan trọng của Thượng viện ở Georgia vào tháng 01.2021, vô tình tạo nên chiến thắng, trao hai ghế thượng nghị sĩ cho đảng Dân chủ và thế đa số tại Thượng Viện, Trump vẫn chưa học được kinh nghiệm và tiếp tục làm nên sai lầm khi cố tình phá hoại cuộc đua thống đốc ở tiểu bang miền Nam quan trọng này.

Hôm thứ Hai, cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ David Perdue đã công bố một thách thức chính được Trump hậu thuẫn đối với Thống đốc đương nhiệm Brian Kemp, phần lớn là do sự bất chấp từ Trump và những người ủng hộ ông ta về sự khẳng định đúng đắn của Brian Kemp, rằng không có gian lận cử tri ở Georgia vào năm ngoái. Thực sự, Trump đang ủng hộ một đảng viên Cộng Hòa để chống lại một đảng viên Cộng Hòa khác chỉ vì người khác này, đã từ chối những áp lực của Trump để lật ngược cuộc bầu cử hầu đem lại chiến thắng cho Donald Trump.

Đối với một đảng Cộng Hòa cực đoan, hung hăng, họ đang có một kế hoạch phối hợp chặt chẽ để thực hiện các cuộc tấn công vào các đảng viên Dân chủ ngày càng có tổ chức chu đáo hơn, thì việc Trump tái gia nhập chính trường Georgia một cách hùng hổ, công khai ra mặt ủng hộ David Perdue để chống lại Brian Kemp khiến các đảng viên Cộng Hòa chới với, không có phản ứng kịp thời, ra mặt ủng hộ Brian Kemp cũng kẹt mà theo Trump ủng hộ David Perdue cũng chết vì như vậy là ủng hộ những lời kêu gọi giành lại chiến thắng cho ông ta vì bị gian lận trong năm 2020, và càng khó khăn hơn cho các đảng viên Cộng Hòa tại Georgia, là khi các đảng viên Đảng Dân chủ đang tập hợp xung quanh sự trở lại của ngôi sao chính trị Stacey Abrams, người đã tuyên bố tranh cử thống đốc lần thứ hai vào tuần trước.

Dĩ nhiên Brian Kemp sẽ là một ứng cử viên đáng gờm cho bất kỳ kẻ thách thức nào. Một cuộc khảo sát của Morning Consult từ tháng 4 cho thấy Brian Kemp nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri GOP, với 3/4 người tán thành công việc của ông ta. Và chiến dịch đầu tiên của Trump để chống lại Brian Kemp, bao gồm một loạt các vụ kiện nhắm vào Brian Kemp cũng như một loạt các phương tiện truyền thông kéo dài hàng tháng, nhưng đã không bao giờ có thể kéo xếp hạng chấp thuận của thống đốc xuống dưới 62 phần trăm.

Một người đương nhiệm với sự nổi tiếng có sẵn như Brian Kemp đã không tỏ ra nao núng hay ngán sợ những đòn thù từ Donald Trump, nhưng Trump không phải là một chính trị gia bình thường, vì sự ủng hộ của Trump dành cho David Perdue chỉ là muốn thỏa mãn sự trả thù và thúc đẩy sự phẫn nộ của ông ta hơn là chọn các ứng cử viên mạnh mẽ hơn Brian Kemp, ai cũng được, David Perdue hay bất cứ nhân vật nào khác, miễn là ra tranh cử với Brian Kemp, đều sẽ nhận được sự ủng hộ của Trump. Nhưng đối với Trump, tất cả gần như là công dã tràng, vì thời gian và tiền bạc được chi ra cho David Perdue chỉ giành được tổng số phiếu bầu bằng một chữ số.

Các đảng viên Cộng hòa giấu tên khác đã phải lên tiếng: “Đây là một cuộc đua xấu xí nhất, tồi tệ nhất mà tiểu bang này từng chứng kiến. Khi David Perdue trổ tài hùng biện  bài nói chuyện với chủ đề “Stop the Steal” đã cố gắng đánh lừa chính ông ta và cử tri đến hai lần chỉ để làm vui lòng Donald Trump. Tôi không hiểu làm thế nào mọi người có thể tranh luận đó là cách để giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới ”. 

Đối với những người hiểu biết thuộc Đảng Cộng hòa, họ không thích tư duy ma thuật của Donald Trump chỉ mải miết nói về gian lận bầu cử, về quá khứ và những điều không có thực, thay vì sử dụng thời gian đó để nói về những chuyện hiện tại và tương lai để tấn công đối thủ, ông ta đang kể lể để thanh minh rằng mình không có lỗi, rằng thất cử không phải vì ông ta yếu kém, những điều này chẳng giúp ích gì cho đảng Cộng Hòa cả.

Về phần mình, David Perdue là một người không còn gì để mất. Chiến dịch tái tranh cử Thượng viện năm 2020 của ông đã nhấn chìm trong biển lửa một phần lớn là do cuộc vận động không được lòng cử tri của Trump với các quan chức Đảng Cộng hòa Georgia về tính hợp pháp của chiến thắng năm 2020 của Tổng thống Joe Biden. Vào thời điểm đó, khi phát biểu, Trump đã say sưa kể về những tổn thất nhục nhã của Perdue và đồng nghiệp Kelly Loeffler trước các đảng viên Dân chủ Raphael Warnock và Jon Ossoff, và phàn nàn với các trợ lý TBO rằng David Perdue đã không bảo vệ ông ta.

David Perdue sẽ đấu tranh với cựu dân biểu tiểu bang Georgia, Vernon Jones, một đảng viên Cộng hòa khác ủng hộ Trump nhiệt tình, người tin vào lời Trump cho rằng kết quả bầu cử năm 2020 là gian lận. Vernon Jones, một người bảo thủ Da đen từng là đảng viên Đảng Dân chủ đã chuyển đảng dưới thời Trump, thu hút sự chú ý cuồng nhiệt từ những người trung hữu cực hữu. Sự ủng hộ của Trump dành cho David Perdue đã đưa Perdue vượt qua Brian Kemp từ 6 điểm lên dẫn trước 15 điểm.

Nếu những con số đó là chính xác, thì Brian Kemp có thể đốt cháy một phần đáng kể trong số tiền 12 triệu đô la chiến dịch tranh cử của mình trước khi ông ta trực diện đối đầu với Stacey Abrams và đảng Dân chủ Georgia được tổ chức tốt của bà ấy. Stacey Abrams đã huy động tiền cao hơn Brian Kemp 27,7 triệu đô la trong trận đấu năm 2018, khiến bà trở thành người nổi tiếng của Đảng Dân chủ trên toàn quốc mặc dù thua cuộc đua sát nút.

Với hồ sơ nổi bật của mình, Stacey Abrams có thể dễ dàng huy động một số tiền gây quỹ lớn hơn, trong khi đó, Brian Kemp sẽ cần phải làm tốt hơn việc gây quỹ của mình từ thời điểm GOP Georgia phần lớn  ủng hộ Trump, khiến việc kiếm tiền từ những cử tri nghĩ rằng ông ta đã phản bội Donald Trump sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn nếu David Perdue vượt qua Brian Kemp với những lợi thế do Trump thiết lập. Các chiến dịch tập trung vào MAGA của họ gần như chắc chắn sẽ dựa vào 2/3 số cử tri đảng Cộng hòa trên toàn quốc tin vào Lời nói dối lớn của Trump. Nhưng để đạt được chiến thắng tại một tiểu bang sẽ là một chặng đường khó khăn do vấn đề phân cực ngay bên trong đảng Cộng Hòa tại Georgia.

Một trận đấu Brian Kemp / Stacey Abrams vẫn là kết quả có nhiều khả năng xảy ra nhất, nhưng những trò hề của Donald Trump có nhiều khả năng khiến các thành viên đảng Cộng hòa tránh xa Brian Kemp hơn , vô hình chung sẽ có ít người đi bỏ phiếu hơn hay đẩy chiến thắng đến gần với Stacey Abrams hơn. Và nhờ nhiều thập niên tổ chức tốt trên thực địa của các nhà hoạt động như Stacey Abrams, gần như mọi đảng viên đảng Dân chủ ở tiểu bang Georgia đều được đăng ký bỏ phiếu.

Stacey Abrams đã xây dựng được một tổ chức hoạt động đáng khen ngợi trong nhiều năm kể từ 2018. Giờ đây, bà ấy sẽ có cơ hội khai triển nó để công khai chống lại một đảng Cộng hòa trong tiểu bang trong bối cảnh hỗn loạn.

Stacey Abrams đã trở thành ngôi sao nổi tiếng nhất của đảng Dân chủ sau khi giúp đưa được hai đảng viên Dân chủ, Raphael Warnock và Jon Ossoff giành được chiến thắng tại Thượng viện để chuyển đổi quyền lực. Khi Trump đang biến cuộc vận động cho David Perdue thành một sân khấu rẻ tiền để đòi một chiến thắng tưởng tượng thì cũng chính Trump sẽ đưa Stacey Abrams trở lại trung tâm của sự chú ý của giới truyền thông. Đó là một nơi tuyệt vời cho Stacey Abrams trước năm 2024, một trận đại hồng thủy mà những đảng viên Cộng Hòa không thể cản sự trỗi dậy của bà.

Thay vì các đảng viên Dân chủ lo lắng về số lượng cuộc thăm dò tín nhiệm đang giảm của TT Biden, Stacey Abrams đang cho họ cơ hội để biến lo lắng thành hành động thực tiễn. Nếu Stacey Abrams và các đảng viên Đảng Dân chủ có thể tận dụng vòng quay của cỗ máy hỗn loạn do Trump đang tạo ra, thì có thể, một chiến thắng bất ngờ của “Blue Georgia” năm 2020 sẽ có thể đi tiếp một chặng đường dài trong tương lai sắp tới, các đảng viên Dân chủ cần tận dụng cơ hội và hành động, thời gian cho họ không còn nhiều.

Việt Linh

……………………………………………

Tòa án tối cao để quyết định liệu các bang có thể từ chối trả tiền cho giáo dục tôn giáo hay không

Tòa án Tối cao hôm thứ Tư sẽ xem xét liệu các tiểu bang cấp tiền cho cha mẹ để trả học phí trung học của con họ có thể loại trừ các trường cung cấp giáo dục tôn giáo hay không.

Trong những năm gần đây, Tòa án Tối cao từ khi có thêm những thẩm phán bảo thủ do phía các TT Cộng Hòa bổ nhiệm, họ đã dễ dàng tiếp nhận các tuyên bố phân biệt đối xử tôn giáo. 

Với dẫn chứng, một chương trình học ở Montana, một số thẩm phán bảo thủ đã đặt câu hỏi liệu có sự khác biệt có ý nghĩa giữa sự phân biệt đối xử dựa trên tình trạng tôn giáo của trường học và việc trường học sử dụng tiền của chính phủ để giảng dạy tôn giáo hay không.

Thông thường, các trường học không thể bị loại trừ ngay cả khi họ cung cấp chương trình giảng dạy tôn giáo.

Tuy nhiên, chính quyền tiểu bang Maine đã quyết định rằng nền giáo dục công lập nên là “một nền giáo dục không theo giáo phái cho trẻ em tiếp xúc với các quan điểm đa dạng, thúc đẩy sự khoan dung và chấp nhận, dạy các môn học theo cách trung lập về tôn giáo, và không thúc đẩy một hệ thống tín ngưỡng hoặc đức tin cụ thể duy nhất“.

……………………………………………

TẠI SAO NGA MUỐN XÂM LƯỢC UKRAINE TRONG LÚC NÀY? LÀM THẾ NÀO TT BIDEN CÓ THỂ NGĂN CHẶN?

Kể từ năm 1999, với tư cách là nhà lãnh đạo nước Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã theo dõi các tổng thống Mỹ đến và đi. Không rõ liệu Putin có nghiêm túc với ước mơ tái thiết Liên Xô bằng cách tiến xa hơn vào Ukraine so với năm 2014 hay không. Đối với Putin, nếu ông ta quyết định bốc đồng, tạo ra chiến tranh thì có lẽ sự kết hợp độc hại của áp lực trong nước và những sự trừng phạt, tẩy chay từ quốc tế có thể sẽ định hình một kết quả thảm khốc cho người dân và nền kinh tế èo uột trong đại dịch của nước Nga.

Cựu Đại sứ Mỹ Bill Taylor nhận định rằng: ‘Nước Nga không hoàn toàn trọn vẹn trong mắt Vladimir Putin nếu bản đồ nước Ukraine nằm kế nước Nga vẫn còn đường biên giới“.

TT Biden đã coi nhiệm kỳ tổng thống của mình là một nỗ lực để khẳng định lại các nền dân chủ chống lại các chế độ chuyên quyền, và nỗ lực trong tuần này nhằm cản trở sự xâm lược của Nga đối với Ukraine đã chứng minh quan điểm này. Và tầm quan trọng của khí đốt tự nhiên ở Châu Âu một sự lệ thuộc vào nước Nga là một phức tạp lớn trong nỗ lực thúc đẩy dân chủ của TT Biden khi các nền kinh tế dân chủ đan xen với các nền kinh tế chuyên quyền.

Quân đội Nga có thể sẽ hành động như họ đã làm cách đây 7 năm trước khi xảy ra cuộc xâm lược Crimea, tập trung lực lượng dọc theo phần lớn biên giới giữa hai quốc gia.

Nước Nga đang dùng sức mạnh quân sự đe dọa nước láng giềng bằng việc dàn quân sát biên giới với Ukraine. Nhưng bên trong lòng Ukraine, mối đe dọa có thể còn gay gắt hơn. Trong những tuần gần đây, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, đã nói với các nhà báo rằng ông có bằng chứng cụ thể cho thấy đã có một cuộc đảo chính – do một nhà tài phiệt Ukraine, ông này là bạn thân của Tổng thống Nga Vladimir Putin – đã được lên kế hoạch vào ngày 1 hoặc 2 tháng 12 để tạo ra một cuộc đảo chính, nhưng may mắn là kế hoạch này đã được phát hiện và ngăn chặn thành công.

Có lẽ Vladimir Putin đã quên một bài học Afghanistan vẫn còn trước mắt, một lực lượng quân sự hùng hậu có thể lật đổ một chính phủ ở Libya, Iraq, Afghanistan nhưng lực lượng chiếm đóng sẽ không thể khuất phục người dân của những xứ sở này, họ có thế trường kỳ kháng chiến chống lại lực lượng chiếm đóng trong 5 năm, 10 năm hay 20 năm như Afghanistan, nếu xâm lược Ukraine, có thể nước Nga sẽ theo chân Mỹ trở thành lực lượng chiếm đóng bị thất bại và phải từ bỏ, rời đi sau 20 năm và tốn biết bao nhiêu tiền và sinh mạng của những người lính, nhưng nước Mỹ khác với nước Nga, nước Nga nghèo hơn, không thể tung hàng ngàn tỷ Mỹ kim vào một đất nước khác khi trong nước họ còn chật vật, khốn khó.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Joe Biden đã có một cuộc hội đàm trực tuyến với Putin. Đó là thời điểm quan trọng đối với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, người vừa phải giữ vững lập trường vừa phải chứng minh hậu quả của cuộc xâm lược trong điều kiện mà nhà lãnh đạo Nga có thể đánh giá đầy đủ. Và đó là một cuộc họp trực tuyến rất quan trọng. 

Thời điểm này, các quốc gia thuộc khối NATO và cả Mỹ đều đang lao đao chống đỡ với đại dịch Covid-19, phân cực chính trị và xã hội chia rẽ tại Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu cũng rơi vào tình trạng khốn đốn vì đại dịch, chết chóc và một mùa đông lạnh giá, đây có thể là những nguyên nhân khiến Putin nghĩ rằng không có thời điểm nào tốt hơn để ra tay thôn tính một quốc gia nhỏ bên cạnh, và sẽ chẳng có ai nhảy vào can thiệp.

Có điều, Putin không được phép quên rằng, nước Nga vẫn đang bị đại dịch Covid-19 tàn phá, với số người chết vì virus lên đến hơn ngàn người mỗi ngày và tỷ lệ lạm phát hơn 8% đã làm giảm sức mua và tăng lãi suất cho vay, khiến nước cũng đang lao đao, khốn đốn. Liệu đây có phải là một quyết định liều lĩnh, đẩy đất nước vào một cuộc chiến tranh vô nghĩa, khi thời tiết mùa đông lạnh giá, đại dịch và chết chóc khắp nơi, và dĩ nhiên, quân đội, người dân Ukraine sẽ không đứng yên nhìn người Nga xâm lược đất nước mình.

Nga có đòn bẩy đối với châu Âu kể từ khi nước này cung cấp khí đốt tự nhiên, và Mỹ đã đấu tranh chống lại đường ống Nord Stream 2, là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga đến thẳng nước Đức mà không đi qua Ukraine.

Tuy nhiên nước Đức đã tuyên bố họ sẽ đóng cửa hoàn toàn đường ống dẫn dầu nếu Nga xâm lược Ukraine.

Rất có thể, Putin nhìn thấy nhiều cơ hội địa chính trị lớn, với một nước Đức, khi vị Thủ tướng sắt đá lâu năm của Đức, bà Angela Merkel, người mà Putin dường như vừa sợ hãi vừa kính trọng, đã nhường chỗ cho một người kế nhiệm tự do mới, chưa được thử nghiệm đứng đầu một liên minh mong manh ở Berlin.

Còn với khối NATO, trong 5 năm qua, Donald Trump và hiện tại là TT Joe Biden đã luôn tranh cãi gay gắt về sự thống nhất được ca ngợi của khối NATO. Donald Trump đã thẳng thừng hoạnh hoẹ, đe dọa việc NATO từ chối gánh thêm gánh nặng tài chính cho liên minh. Còn TT Joe Biden, trong khi công khai tán thành các nguyên tắc dân chủ của mình, đã phá hoại NATO bằng quyết định đơn phương rút khỏi Afghanistan và sau đó ngang nhiên đánh một cú đánh sau lưng người Pháp bằng một thỏa thuận tàu ngầm với Australia và Anh.

Chính phần lớn những thay đổi địa chính trị này và những bất đồng ngay trong khối NATO đã khiến Putin tự đặt câu hỏi, liệu TT Biden có khả năng phản ứng hiệu quả hay không hay khối NATO có đủ khả năng để tập hợp các đồng minh một cách nhanh chóng hay không.

Các chính sách của Mỹ đã không làm được gì nhiều khi đối mặt với các mối đe dọa từ Nga kể từ khi Putin xâm lược Georgia năm 2008 và sau đó là Crimea năm 2014. Cả Mỹ và khối NATO đã không có phản ứng mạnh nào qua hai vụ xâm lược được xem là thành công của một nước Nga hung hăng, vậy thì lần thứ ba này, xâm lược Ukraine, người Nga có lẽ nghĩ đơn giản là sẽ không hề có sự chống cự lớn nào xảy ra hay sao?

Trong khi đó, Putin và các nhà tài phiệt trong vây cánh của ông ta phần lớn đã tự bảo vệ mình trước tác động của những sự trừng phạt kéo dài qua nhiều năm của phương Tây và Hoa Kỳ. Nước Nga đã học được rất nhiều cách để sống chung với các lệnh trừng phạt, là những thứ vũ khí được lựa chọn bởi Mỹ và các nước Châu Âu có cùng quan điểm nhưng vẫn chưa làm suy suyển, hề hấn gì một nước Nga của Putin. Nước Nga hiện đang nắm giữ nhiều vàng hơn đô la trong dự trữ quốc tế, nước Nga đã chuyển hầu hết các tài sản trong các ngân hàng ra khỏi Mỹ, nước Nga đã không sử dụng đồng Mỹ kim trong các hoạt động ngoại thương.

Nhưng điều đáng buồn nhất cho một nước nhỏ như Ukraine, đó là chính quyền Biden dường như không nắm vững lắm tình hình chính trị của Nga và các quốc gia trong khối NATO, ít nhất là cho đến nay. Và nếu không có sự lãnh đạo vững chắc của Mỹ, phương Tây có thể không có đủ động lực để chống lại một nước Nga đầy quyết tâm và động lực dưới thời Putin. Một mặt trận vững chắc và thống nhất của NATO vẫn cần có một anh khổng lồ đầu đàn mới có thể phát huy được sức mạnh và khiến Putin sẽ không thể manh động làm càn.

Những gì mà đất nước Ukraine nhận được cho đến nay từ Hoa Kỳ là câu trấn an của Ngoại Trưởng Antony Blinken chỉ vỏn vẹn có mấy chữ: “Chúng tôi muốn tái khẳng định sự ủng hộ kiên định của Hoa Kỳ đối với chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Hy vọng TT Biden có thể nói ra những câu dài hơn hay có thể đưa ra những hành động quyết đoán hơn để khẳng định những hành động mạnh mẽ đi cùng với những lời ủng hộ. Những quốc gia nhỏ như Ukraine, Afghanistan luôn là những miếng mồi béo bở cho các cường quốc thay nhau xé nát đất nước họ.

Việt Linh

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img