Thursday, March 28, 2024

THUỐC CHỦNG NGỪA ĐỂ CHỐNG COVID-19

Cali Today News – Câu thành ngữ “Người tính không bằng Trời tính” thường đem lại những phản ứng không vui cho một số người, nhất là những ai có những ý định không thành thật. Vào ngày 10 tháng 11 vừa qua, sau khi có tin loại thuốc chủng ngừa do hãng bào chế Pfizer phối hợp với công ty BioNTech của Đức chế tạo ra có mức hữu hiệu trên 90%, ông Mike Pence đã bắn ra một mẩu tin ngắn trên mạng Twitter để nói rằng sự kiện vui mừng này là một thành quả có được là “nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và các công ty tư nhân được lèo lái bởi TT Trump”.

Từ 4 năm qua, nhân vật số 2 của Hoa Kỳ được biết tiếng như là một phụ tá trung thành ngoan ngoãn nhất tại Toà Bạch Ốc, lúc nào cũng tiên phong trong số những viên chức cao cấp trong chính quyền để mở đầu bất cứ những câu nói trong mọi sinh hoạt bằng những lời lẽ ca ngợi TT Trump đến “tận mây xanh”, và còn kèm theo câu cám ơn rất tâng bốc rằng ông rất hãnh diện được phục vụ dưới một vị lãnh tụ tài ba và anh minh nhất.

Tuy nhiên, liền sau đó không lâu, bà Kathrin Jansen, phó tổng giám đốc và cũng là người đứng đầu phân bộ nghiên cứu và phát triển về thuốc chủng ngừa của Pfizer đã lên tiếng minh xác rằng công ty của họ không hề nằm trong chiến dịch gọi là Operation War Speed (OWS), và cũng đã không nhận được đồng tiền trợ cấp nào từ phía chính quyền Mỹ trong vụ này. Chiến dịch này được phát động vào tháng 5 vừa qua, được xem như là giải pháp chính mà TT Trump muốn dựa vào để trấn an người dân Mỹ về phương cách đối phó với cơn đại dịch COVID-19, và qua đó chính quyền Mỹ đã chi ra gần 12 tỷ rưởi Mỹ-kim với nhiều đại công ty bào chế thuốc trên thế giới để có thể sản xuất đủ số lượng thuốc chủng ngừa cung cấp cho hơn 300 triệu dân Mỹ.

Nhưng điều đáng nói nhất là lần này chính quyền Trump, trong nỗ lực tìm đủ mọi cách để có được số thuốc này càng sớm càng tốt để đem khoe với mọi người, cũng như để chống chế lại trước những lời chỉ trích nặng nề từ mọi phía về thành tích tệ hại của mình trong việc đối phó với cơn đại dịch so với những nước khác trên thế giới từ Âu sang Á.

(Thí dụ điển hình là Hoa Kỳ và Nam Hàn có vụ lây nhiễm đầu tiên vào ngày 21/1 nhưng đến nay, sau 11 tháng trời, đã có hơn 18 triệu rưởi người bị lây nhiễm và hơn 326,000 người bị tử vong (và những con số này tiếp tục tăng vọt từng ngày) tại Hoa Kỳ trong khi Nam Hàn chỉ có khoảng hơn 50,000 người bị lây nhiễm và hơn 698 người tử vong. Nếu so với Đài Loan, đảo quốc sát nách với Trung Cộng là nơi xuất phát siêu-vi-khuẩn từ Vũ Hán, sự so sánh còn thê thảm hơn nữa vì cả nước Đài Loan chỉ có 766 người bị lây nhiễm và 7 người bị tử vong! Một trong những lý do đơn giản là Đài Loan đã học được kinh nghiệm của cơn dịch bệnh SARS từ năm 2003 nên đã phòng bị và kiểm soát gắt gao ngay từ lúc đầu, trái ngược với phản ứng của TT Trump luôn luôn chối biến tầm mức nguy hiểm của dịch bệnh, lại còn nói dối với dân chúng, và sau cùng còn làm ngược lại với những khuyến cáo của các viên chức hàng đầu về phòng chống dịch bệnh.)

Vì mong muốn đạt được một thành quả cụ thể, chính quyền Trump đã không ngần ngại chi ra trước những số tiền to lớn, cho dù nó đã đi ngược lại những nguyên tắc của kinh tế theo tư bản chủ nghĩa và truyền thống của đảng Cộng Hoà: đó là chính phủ đã sẵn sàng tài trợ cho các viện bào chế thuốc những ngân khoản lớn lao để nghiên cứu và chế tạo ra những loại thuốc chủng ngừa, kể cả khâu sản xuất hàng loạt và phân phối đi khắp nơi, dù chưa biết chắc là có loại thuốc nào hữu hiệu và an toàn hay không.

[Thông thường, việc một viện bào chế sản xuất ra một loại thuốc mới nào đó thành công phải đi qua nhiều tiến trình mất nhiều thời gian và chi phí, từ việc nghiên cứu ở trong phòng bào chế ra kết quả sơ khởi, rồi thử nghiệm lên chuột bạch, rồi tiến đến trên người với thử nghiệm lâm sàng (clinical trial), và thử nghiệm này cũng phải qua 3 giai đoạn với giai đoạn cuối cùng quan trọng nhất với số lượng lớn bệnh nhân rộng rãi khắp nơi để có thể rút ra kết quả tương đối trung thực nhất để bảo đảm mức hiệu nghiệm và an toàn. Và trong suốt quá trình nghiên cứu và thử nghiệm này, bất cứ lúc nào gặp phải những kết quả bất lợi như khi những người được thử nghiệm có những phản ứng không tốt, các chuyên gia phải ngừng lại, và có thể bắt đầu lại từ đầu.

Sau cùng, khi mọi sự gần như đều tốt đẹp thì họ mới đệ trình lên cơ quan thẩm quyền như FDA của Hoa Kỳ để được cứu xét và chấp thuận, một tiến trình cũng rất khó khăn vì được kiểm nghiệm rất gắt gao.

Do vậy, việc sáng chế ra một loại thuốc mới rất tốn kém về tiền bạc và thời gian, khiến cho nhiều công ty phải bỏ cuộc dù rằng các chuyên gia nghiên cứu tin rằng những sáng chế của họ quả tình có thể đem lại những kết quả hữu hiệu. Theo mô thức của tư bản chủ nghĩa, các cá nhân hoặc công ty có thể tự động bỏ tiền và công sức ra để nghiên cứu; nếu thất bại thì phải gánh chịu nhưng nếu thành công thì sẽ được tưởng thưởng xứng đáng và tha hồ làm giầu vì nhờ bán được loại thuốc “thần dược”. Tuy nhiên, rất nhiều công ty không dám mạo hiểm bỏ ra số tiền rất lớn để nhập cuộc ở bước đầu, với một tương lai bất định.

Để giải quyết vấn nạn này, chính quyền Trump đành phải đánh liều trả tiền trước cho các viện bào chế thuốc mỗi công ty mấy trăm triệu Mỹ-kim để nghiên cứu và sản xuất. Nói lỡ dại, nếu như sau cùng các loại thuốc chế tạo ra được không thành công (hoặc có phản ứng phụ quá mạnh và nguy hiểm, thì coi như những số tiền hàng trăm triệu hoặc vài tỷ Mỹ-kim đó coi như bị tan thành mây khói. Nhưng nếu như may mắn có loại thuốc nào đó thành công, nó sẽ giúp cho chính phủ tiết kiệm được vài tháng trời chờ đợi để có thể cung ứng cho cư dân trong nước, một điều mọi người đều trông đợi.

Đây là một cái giá phải trả mà rất nhiều chính quyền khắp nơi trên thế giới đều phải cân nhắc và đem ra áp dụng, theo giống mô hình của xã hội chủ nghĩa khi các chính quyền phải sẵn sàng chi ra những ngân khoản lớn để hỗ trợ hoặc cứu giúp người dân chứ không thể khoanh tay đứng nhìn xem chế độ giao dịch tự do theo tư bản chủ nghĩa tự vận hành. Điều trớ trêu là nhiều người dân Mỹ thường hay mở miệng chê bai xã hội chủ nghĩa vì chi tiêu tốn kém và phung phí, nhưng không ngờ rằng chính họ là những người mong muốn và cũng được hưởng lợi nhiều nhất từ nó lúc cần thiết.]

Trong chiến dịch OWS, theo tường thuật của hai nhà báo Michael Barbaro và Katie Thomas của tờ New York Times, chính quyền Trump đã chi trả khoảng 500 triệu Mỹ-kim cho công ty AstraZeneca, khoảng 1.2 tỷ Mỹ-kim cho viện bào chế Moderna, khoảng 500 triệu Mỹ-kim cho công ty Johnson & Johnson, và khoảng 1.6 tỷ Mỹ-kim cho Novanax (dù rằng Novanax là một công ty dược phẩm cỡ nhỏ, từ hơn 30 năm qua chưa bao giờ sản xuất thuốc chủng ngừa), một chi tiết khiến nhiều người có thể đặt ra câu hỏi về những liên hệ làm ăn và móc ngoặc sao đó đi đến những quyết định cấp phát rộng rãi như vậy.

Riêng công ty Pfizer không nhận trợ cấp từ chính quyền Trump mà chỉ ký giao kèo $1.95 tỷ Mỹ-kim để sản xuất số lượng 100 triệu liều thuốc chủng ngừa, và chỉ được thanh toán sau khi đã phân phối đủ số thuốc. Nhưng điều trớ trêu là Pfizer lại là công ty đầu tiên cung cấp thuốc đến mọi người, khiến cho chính quyền Trump mất đi một cơ hội tốt để có thể “ăn ké” trong việc tự khoe về thành quả của mình.

Vào ngày 14 tháng 12 vừa qua, những đợt thuốc chủng ngừa COVID-19 đầu tiên đã được chích cho những người ưu tiên hàng đầu gồm những bác sĩ và nhân viên y tế ở tuyến đầu đang điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, số lượng thuốc được sản xuất không đủ để có thể cung ứng cho một tỉ lệ rất lớn cư dân trên cả nước phải được chích ngừa để mong chế ngự được nguy cơ của cơn đại dịch. Rất may là loại thuốc chủng ngừa của Moderna cũng vừa được cơ quan FDA cho phép được sử dụng tương tự như Pfizer để góp phần vào việc chích ngừa cho nhiều người đang mong đợi. Chính quyền liên bang hy vọng rằng từ đây đến mùa hè năm sau sẽ có đủ thuốc chủng ngừa để bảo vệ cho khoảng 150 triệu người dân tại Hoa Kỳ.

Quả tình việc chế tạo được thuốc chủng ngừa lần này đến với một vận tốc nhanh nhất từ trước tới nay, bởi vì thông thường việc chế tạo thành công thuốc chủng ngừa đều phải mất thời gian dài trung bình từ 7 đến 10 năm. Có những chứng bệnh như Bại Liệt (Polio) phải mất đến 7 năm mới tìm ra được thuốc chủng ngừa, hoặc bệnh Sởi (Measles) phải mất đến 9 năm, bệnh Đậu Mùa (Chickenpox) phải mất đến 34 năm, hoặc HIV vẫn chưa tìm được dù hơn 30 năm qua. Cho đến nay, thời gian nhanh nhất cho thuốc chủng ngừa là 4 năm cho bệnh Quai Bị (Mumps).

Nhưng ở đời đôi khi có những chuyện bất ngờ không ai nghĩ đến. Chẳng hạn như cách nay 30 năm không ai nghĩ rằng một loại thuốc là Sildenafil Citrate để chữa triệu chứng áp huyết cao và đau tức ngực cho những người bệnh tim không thành công nhưng lại bỗng nhiên trở thành rất hữu hiệu để chữa trị chứng bệnh liệt dương nơi đàn ông và nhanh chóng được biết đến qua cái tên rất nổi tiếng là Viagra.

CÁC PHƯƠNG CÁCH CHẾ TẠO THUỐC CHỦNG NGỪA

1. Thuốc chủng ngừa mRNA

Cách đây không lâu nhiều chuyên gia y tế đều không nghĩ rằng kỹ thuật mRNA, hiện đang được hai hãng Pfizer và Moderna áp dụng, lại có thể thành công nhanh chóng để được cơ quan FDA chấp thuận áp dụng cho bệnh nhân. Kỹ thuật này khác hẳn với những loại thuốc chủng ngừa theo kiểu truyền thống, tức là dùng con siêu-vi-khuẩn đã chết hoặc đã yếu đi để chích vào người. Hoặc là chích một loại phân tử giống như siêu-vi-khuẩn được tổng hợp lại từ phòng thí nghiệm vào người, để từ đó hệ thống miễn nhiễm của mỗi người sẽ tự động sản xuất ra đội ngũ kháng thể để chống cự lại.

[Tưởng cũng nên nhắc lại một chi tiết nhiều người vẫn còn hay lầm lẫn giữa vi khuẩn, hay vi trùng (tức là bacteria) gây bệnh nhiễm trùng và được chữa trị bằng thuốc trụ sinh (antibiotics). Trong khi đó bệnh do virus gây ra không có thuốc nào chữa trị, chỉ trông mong vào hệ thống miễn nhiễm của bệnh nhân tự động sản xuất ra đội ngũ các tế bào kháng thể để chống trả, và người bệnh chỉ phải chịu đựng những triệu chứng hành hạ trong vài ngày (như nhức đầu, ho, sổ mũi, khó thở v.v.) cho đến khi nào đội ngũ kháng thể diệt hết được và cơ thể hồi phục dần. Những loại thuốc sử dụng chỉ có công dụng giúp cho bệnh nhân kéo dài thời gian cầm cự.]

Trong kỹ thuật mRNA, chữ “m” là viết tắt cho “messenger”, tức là người đưa tin, còn RNA xin được tạm giải thích như là một phần đơn giản của DNA là cấu trúc di thể đặc thù và riêng biệt cho các tế bào của mỗi sinh vật. Thay vì chích virus vào người, các khoa học gia chỉ lấy những mật mã về di thể của virus rồi tạo thành một phân tử mới để khi chích vào người sẽ kích thích cơ thể tạo ra một phương thức sẵn sàng để nhận diện các “spike protein” để có thể đối phó. “Spike protein” là một trong 4 thành phần cấu tạo nên và nằm ở bề mặt của coronavirus, giúp nó bám vào các tế bào lành mạnh trong cơ thể trước khi tấn công các tế bào khiến người bị nhiễm trở bệnh.

Nói một cách khác, loại thuốc chủng ngừa này dựa trên mật mã giống như coronavirus khi chích vào cơ thể sẽ kích động hệ miễn nhiễm của con người để có thể sẵn sàng hệ thống phản ứng nhanh nhẹn và hiệu quả khi gặp phải coronavirus thật sự trong tương lai. Do vậy cơ thể người được chích mRNA sẽ sẵn sàng để đối phó bằng cách sản xuất ra hai loại tế bào T-cell để tiêu diệt siêu-vi-khuẩn, và tế bào B-cell để ngăn chặn không cho những siêu-vi-khuẩn tiếp tục sinh sôi nữa. Các phân tử mRNA còn có lợi thế khác là được sản xuất khá dễ dàng và mau chóng trong các thùng chứa ở phòng thí nghiệm hơn là cách thông thường phải cấy vào các tế bào.

Tuy nhiên, phương thức này gặp một trở ngại rất lớn là khi chích vào người, chất mRNA tạo ra một phản ứng viêm dữ dội có thể nguy hiểm đến tính mạng. Mãi đến năm 2004 thì hai chuyên gia Katalin Kariko và Drew Weissman thuộc Đại học Pennsylvania mới nghĩ ra một cách thay đổi phần “nucleoside” trong cấu trúc của nó nên mRNA không còn gây ra phản ứng đáng sợ nữa. Tiến sĩ Karilo là một phụ nữ gốc Hung Gia Lợi di cư sang Hoa Kỳ, là một chuyên gia rất tài giỏi nhưng lại gặp rất nhiều điều không may trong sự nghiệp để rồi cuối cùng về làm cho công ty BioNTech tại Đức.

Cùng lúc đó, phương thức mRNA cũng được nghiên cứu bởi một giáo sư về sinh hóa tại Đại học MIT là Robert Langer, và sau đó cùng với sự hợp tác của hai giáo sư tại Đại học Harvard là Derrick Rossi và Timothy Springer và một chuyên gia về tim mạch là Kenneth Chien để thành lập công ty Moderna, được đặt tên từ chữ “modified RNA”.

Ngoài ra, thuốc chủng ngừa mRNA cũng còn có một bất lợi lớn là nó dễ bị phân huỷ khi được chích vào trong cơ thể, do đó cần phải được chích bằng hai lần để tăng mức độ hữu hiệu. Thuốc của Pfizer được chích cách nhau 3 tuần, trong khi thuốc của Moderna được chích cách nhau 4 tuần. Một điểm bất lợi khác nữa là nó phải được di chuyển và chứa ở những nhiệt độ cực lạnh: thuốc của Pfizer phải ở nhiệt độ -94 độ F (tương đương -70 độ C) trong khi thuốc của Moderna phải ở nhiệt độ -4 độ F (tức -20 độ C). Điều này khiến cho việc phân phối những loại thuốc chủng ngừa này không dễ dàng và nhanh chóng như các loại thuốc bình thường khác, khiến cho tiến trình chích ngừa cho hàng chục hay hàng trăm triệu dân trong một nước là cả một công tác rất tốn kém thời gian và công sức.

2. Thuốc chủng ngừa truyền thống

Kỹ thuật này được gọi là “recombinant protein”, có nghĩa là thay vì chích những chất đạm theo di thể của virus vào người để cho các tế bào trong cơ thể tự sản xuất ra các chất đạm siêu-vi-khuẩn, các chuyên gia sẽ chích thẳng vào cơ thể các chất đạm siêu-vi-khuẩn này.

Vào thập niên 1980, khi các chuyên gia chế tạo ra thuốc chủng ngừa Viêm gan B, họ khám phá ra là mình có thể tự mình cấy được chất đạm trên bề mặt của siêu-vi-khuẩn bên trong phòng thí nghiệm, và giờ đây họ muốn lập lại tiến trình tương tự với coronavirus.

Đó là phương thức mà hai viện bào chế Novanax và Sanofi (của Pháp) – Glaxo Smith Kline (GSK) đang chế tạo thuốc chủng ngừa bằng cách chế ra một loại “spike protein” tổng hợp được cấy từ các tế bào của côn trùng. Từ đó các “spike protein” này được tinh lọc trước khi chích vào cơ thể. Đây là một phương pháp truyền thống “đã được áp dụng từ lâu và rất đúng”, theo như lời nhận định của Bác sĩ Francis Collins, tổng giám đốc cơ quan NIH là Viện Y Tế Quốc Gia của Hoa Kỳ trong một phiên điều trần tại Thượng Viện Hoa Kỳ hồi tháng 9 vừa qua.

Nhưng phương pháp này dĩ nhiên chậm hơn các phương pháp với kỹ thuật mới do các công ty đối thủ khác đang sử dụng trong cuộc chạy đua này và hai công ty trên cũng chưa thực hiện những cuộc thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 là giai đoạn quan trọng nhất trước khi được chấp thuận. Mới đây công ty Sanofi còn gặp một trở ngại lớn khi một số các bệnh nhân lớn tuổi đang thử nghiệm thuốc chủng ngừa đã có những kết quả không tốt, khiến cho việc nghiên cứu này bị đình trệ đáng kể.

3. Thuốc chủng ngừa vector hoặc adenovirus

Với phương thức này, thay vì chích thẳng loại “spike protein” từ virus vào cơ thể, các chuyên gia sẽ phải nhờ đến một tác nhân thứ ba gọi là “adenovirus”, tức là một loại virus bớt độc hại hơn, gọi là “viral vector vaccine”.

Loại “adenovirus” thường gây ra triệu chứng cảm khi chích vào loài khỉ, nhưng lại không gây ra phản ứng với con người. Nhưng các chuyên gia có thể truyền vào “adenovirus” mật mã về di thể của “spike protein” để chuyên chở nó vào cơ thể mà không gây ra phản ứng mạnh vì “adenovirus” đã bị hoá giải trước khi được chích vào. Do vậy nó sẽ không gây ra phản ứng của bệnh cảm nhưng cũng khiến cho hệ miễn nhiễm sản xuất ra những kháng thể để đối phó với coronavirus.

Phương thức này cũng không phải là mới lạ vì đã được áp dụng từ thập niên 1980 nhưng cho tới nay chỉ có 1 loại thuốc chủng ngừa theo kiểu này được chấp thuận là thuốc chủng ngừa của Sanofi cho bệnh “Dengue” là một loại virus do muỗi chích, thường xảy ra tại một số nước ở Á châu và Nam Mỹ. Lợi thế của loại thuốc chủng ngừa này là nó có thể tăng mức độ đề kháng của hệ miễn nhiễm mà không cần đến chất “adjuvant”, là một hoá chất thêm vào để tăng thêm mức hữu hiệu của thuốc chủng ngừa.

Phương thức này cũng cho thấy một số những hứa hẹn, nhưng mấy tháng trước đây hai viện bào chế AstraZeneca (của Anh) và Johnson & Johnson đã phải tạm đình hoãn các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Hoa Kỳ để điều tra việc một số người thử nghiệm có những triệu chứng bất thường.

Theo bà Rachel Roper là một chuyên gia về hệ thống miễn dịch của Đại học East Carolina thì loại thuốc chủng ngừa với “adenovirus” có hiệu quả giống như là coronavirus thực sự và do đó sẽ kích thích hệ miễn dịch trong cơ thể có phản ứng kịp thời, và sẽ giúp bảo vệ hữu hiệu khi bị lây nhiễm bởi COVID-19. Tuy nhiên, những cuộc thử nghiệm của AstraZeneca tại Anh Quốc và Ba Tây (Brazil) cho thấy mức hữu hiệu của nó chỉ có 70%, kém hơn mức 95% của hai loại thuốc chủng ngừa của Pfizer và Moderna.

Nhưng nếu xét về mặt tích cực, ngay cả một loại thuốc chủng ngừa có mức hữu hiệu không được cao như 95% cũng có thể làm giảm bớt con số những người bị bệnh nặng vì COVID-19, dẫn đến việc nhiều người phải được đưa vào các giường bệnh cấp cứu ICU và số người bị tử vong. Đó cũng là nhận định của Bác sĩ Peter Hotez, Khoa trưởng Phân khoa Y Tế Nhiệt Đới thuộc Đại học Y Khoa Baylor và cũng là Giám đốc Viện Phát Triển Thuốc Chủng Ngừa tại Bệnh viện Nhi đồng Texas, và được xem là một chuyên gia hàng đầu về COVID-19 được giới truyền thông trong vùng Houston, Texas phỏng vấn thường xuyên.

Bác sĩ Hotez nói rằng nếu như cách nay vài tháng người ta báo tin là sẽ có 1 loại thuốc chủng ngừa có mức hiệu quả đến 70%, ông sẽ gọi đó là một tin mừng tuyệt vời. Đã đành là mọi người sẽ ưa chuộng được chích ngừa với thuốc hiệu quả đến 95% thay vì chỉ có 70%, nhưng trong tình cảnh hiện nay với tình trạng lây nhiễm tràn lan khắp nơi và số lượng thuốc chủng ngừa mới được cung cấp cũng còn bị giới hạn, con số khoảng 150 triệu liều thuốc của AstraZeneca, dự trù có thể được chấp thuận vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 năm 2021, có thể là lựa chọn duy nhất cho một số người muốn được chích ngừa sớm hơn là cứ chờ đợi.

Bác sĩ Hotez nói rằng nếu như được chấp thuận chích ngừa bất cứ lúc nào, mọi người không nên chần chừ vì đây là giai đoạn có mức rủi ro cao đáng ngại, và mọi người cần nên có thuốc chủng ngừa để có đầy đủ những chất kháng thể trong người để hoá giải bớt những tác hại của COVID-19. Có được thuốc chủng ngừa trong cơ thể, chúng ta cũng có thể giảm bớt cơ nguy bị nhiễm dịch bệnh và lây sang những người khác.

Chúng ta cũng hy vọng rằng đến tháng 3 năm sau cũng sẽ có thêm một loại thuốc chủng ngừa khác của viện bào chế Johnson & Johnson với 100 triệu liều thuốc, và loại này chỉ cần chích có một lần thay vì hai lần như tất cả những loại thuốc chủng ngừa khác.

NHỮNG THẮC MẮC KHÁC VỀ THUỐC CHỦNG NGỪA

Mới đây, các nhà báo của tờ Washington Post đã làm một bản tổng kết tất cả những câu hỏi thắc mắc của cư dân liên quan đến đề tài này để đưa ra những lời giải thích cho mọi người hiểu rõ và an tâm hơn.

Về vấn đề thứ tự ưu tiên cho những ai được chích thuốc ngừa trước, cơ quan CDC, Tổng Nha Phòng Chống Dịch Bệnh của Hoa Kỳ, luôn dựa theo một bản đề nghị của một hội đồng chuyên gia độc lập về chích ngừa từ mấy thập niên qua. Đầu tiên là những bác sĩ và nhân viên chăm sóc y tế và những người cư ngụ tại những nhà dưỡng lão hoặc các viện chăm sóc bệnh nhân dài hạn. Uỷ Ban này sẽ đưa ra những đề nghị cho các thứ tự ưu tiên kế tiếp sau cuộc họp vào ngày 20 tháng 12. Một số các chính quyền tiểu bang có thể lên kế hoạch về thứ tự ưu tiên này khác nhau, nhưng phần lớn đều dựa theo những tiêu chuẩn đưa ra từ chính quyền liên bang.

Số lượng thuốc chủng ngừa sẽ được phân phối đến từng tiểu bang dựa vào số lượng cư dân trên 18 tuổi của mỗi tiểu bang. Tuy nhiên cũng có một số các vùng đô thị lớn như New York, thủ đô Washington và Philadelphia cũng có thể nhận thêm được số lượng lớn đặc biệt.

Hiện vẫn chưa rõ về thời điểm nào để cung cấp thuốc chủng ngừa cho trẻ em và thiếu niên dưới 16 tuổi, một phần cũng vì dịch bệnh COVID-19 dường như chưa gây ra rủi ro lây nhiễm lan rộng và trầm trọng cho giới này. Hồi tháng 10 vừa qua, công ty Pfizer đã nới rộng việc thử nghiệm cho các em từ 12 tuổi trở lên, và công ty Moderna cũng cho thử nghiệm cho các em từ 12 đến 18 tuổi vào tuần trước.

Hiện nay, cơ quan FDA, Tổng Nha Thực và Dược Phẩm của Hoa Kỳ, cho biết là họ không đưa ra những lời khuyến cáo cho những phụ nữ có bầu là nên hoặc không nên chích ngừa, bởi lý do chính là chưa có đầy đủ bằng chứng về những rủi ro và ích lợi. Do đó mọi người nên tham khảo với bác sĩ riêng của mình. Hội đồng Các Bác sĩ Sản Phụ Khoa cũng đã đưa ra những thông báo cho biết nhiều ích lợi về thuốc chủng ngừa và chưa có rủi ro đặc biệt nào.

Hiện còn quá sớm để có thể nói loại thuốc chủng ngừa của viện bào chế nào được xem là thích hợp cho từng loại người. Hai loại đầu tiên của Pfizer và Moderna gần như rất giống nhau. Với những loại thuốc sắp được chấp nhận trong thời gian tới, may ra các bác sĩ và giới chức y tế có thể đưa ra những quyết định liên hệ. Tuy nhiên với số lượng thuốc cung ứng hiện nay còn quá ít so với nhu cầu của mấy trăm triệu cư dân tại Hoa Kỳ, lời khuyên của các chuyên gia là không nên “kén cá chọn canh” vào lúc này. Các bác sĩ và chuyên gia nói rằng mỗi năm hàng chục triệu dân Mỹ chích ngừa cúm do nhiều công ty chế ra nhưng nào có ai thèm quan tâm để biết hãng sản xuất?

Một vấn đề gây nhiều chú ý là những phản ứng phụ sau khi chích ngừa. Có khoảng phân nửa những người sau khi chích ngừa đều cảm thấy một số những phản ứng phụ không đáng kể, như hơi đau nhức nơi chỗ bị chích, mệt mỏi hoặc nhức đầu. Các triệu chứng này thường chỉ kéo dài trong 1 hay 2 ngày sau đó, và đó cũng là phản ứng tự nhiên và bình thường do hệ thống miễn dịch trong cơ thể gây ra. Những phản ứng phụ này thường thấy hơn ở giới trẻ (do bởi cơ thể khoẻ mạnh của họ khiến hệ miễn dịch sẽ phản ứng mạnh hơn khi gặp phải chất lạ vào người là thuốc chủng ngừa), cũng như thường xảy ra hơn ở kỳ chích ngừa lần thứ nhì.

Liên quan đến những phản ứng phụ có tính cách nghiêm trọng hơn, cho đến nay cũng chưa có thấy điều gì đáng ngại. Theo Bác sĩ Paul Offit là một chuyên gia trong ngành, phản ứng phụ nặng nhất là “anaphylaxis”, tức là dị ứng mạnh mẽ có thể dẫn đến tử vong sau khi được chích ngừa nếu như không có bác sĩ để chích thuốc hoá giải như EpiPen, và điều này có thể xảy ra với bất cứ thuốc chủng ngừa nào, nhưng với tỉ lệ rất thấp là 1 trên 1 triệu người.

Để phòng ngừa, các chuyên gia y tế đều đưa ra lời khuyên với những ai thường có phản ứng mạnh sau khi chích ngừa nên ngồi lại tại chỗ khoảng 30 phút sau khi chích ngừa để các chuyên gia có thể quan sát. Riêng những người khác không thường có những phản ứng phụ có thể chỉ cần ngồi lại khoảng 15 phút. Cho đến nay chỉ có 3 trường hợp phản ứng phụ mạnh bạo, với hai vụ tại nước Anh và một vụ khác tại tiểu bang Alaska. Và những phản ứng phụ này đều xảy ra rất nhanh sau khi được chích ngừa.

Một tin vui là chính quyền liên bang đã đặt mua trước số lượng hàng trăm triệu liều thuốc chủng ngừa từ ngân sách quốc gia, tức là tiền thuế của người dân, và cũng hứa hẹn là sẽ cung cấp miễn phí cho mọi người.

Sau cùng, mọi người cũng nên biết là thuốc chủng ngừa được xem là phương thuốc hữu hiệu nhất để chống lại siêu-vi-khuẩn, nhưng không nên coi nó như là thần dược chữa bá bệnh, nhất là trong tình cảnh hiện nay với con số người bị lây nhiễm tăng cao kỷ lục, đi kèm với số người bệnh nặng phải vào điều trị ở nhà thương cùng với số người bị tử vong cũng lên cao kinh khủng, chưa có dấu hiệu giảm bớt đáng kể.

Do vậy, cho dù có được chích ngừa, mọi người vẫn nên tuân thủ theo các lời khuyến cáo của các chuyên gia y tế để giảm bớt đà lây nhiễm: đó là tiếp tục đeo mặt nạ nơi công cộng, giữ khoảng cách xa 6 feet trong giao tiếp xã hội, tránh những nơi tụ tập đông người, và siêng năng rửa tay.

Các chuyên gia y tế hàng đầu khắp nơi đều cho rằng mọi người nên chấp nhận những hy sinh và kiên nhẫn chờ đợi thêm một thời gian khoảng vài tháng hoặc lâu hơn nữa trước khi mọi sinh hoạt có thể trở lại bình thường như trước đây.

 MAI LOAN

Houston, Texas, ngày 23 tháng 12/2020

anhtuantaberd5674@gmail.com

Nguồn tham khảo:

https://nymag.com/intelligencer/2020/12/pfizer-moderna-johnson-and-johnson-vaccines-will-end-covid.html

https://www.washingtonpost.com/health/2020/11/17/covid-vaccines-what-you-need-to-know/?arc404=true&utm_campaign=wp_must_reads&utm_medium=email&utm_source=newsletter&wpisrc=nl_mustreads&carta-url=https%3A%2F%2Fs2.washingtonpost.com%2Fcar-ln-tr%2F2ce802d%2F5fde07989d2fda0efb8d49a1%2F5a4fbd619bbc0f03594892a3%2F36%2F106%2F5fde07989d2fda0efb8d49a1

https://www.nytimes.com/2020/08/02/us/politics/coronavirus-vaccine.html

https://www.businessinsider.com/mrna-vaccine-pfizer-moderna-coronavirus-2020-12

‘Redemption’: How a scientist’s unwavering belief in mRNA gave the world a Covid-19 vaccine

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img