Thursday, March 28, 2024

Tại Sao Trên Bản Đồ Lãnh Thổ, Biển Đảo Của Việt Nam Không Có Trường Sa?

* Hồ Hải

Tháng 3 năm 2019, ông Tạ Đức Trí, Thị Trưởng thành phố Westminster miền Nam CA, Hoa Kỳ có hảo ý cấp Giấy Phép cho Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long xây Đài Tưởng Niệm để tri ân 74 Tử Sĩ Hoàng Sa trong khuôn viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, một nơi lý tưởng, trang trọng có nhiều người đến thăm viếng, chiêm ngưỡng, tưởng niệm. Việc thiết kế sơ đồ, mô hình từ hình thức đến nội dung, hợp đồng xây dựng và vận động tài chánh do Hội HQ Cửu Long đảm trách.

Hội HQ Cửu Long đã rất hăng hái nhiệt tình thực hiện ngay. Một Ủy Ban Xây Dựng Đài Tưởng Niệm (UBXDĐTN) đã được hình thành và tiến hành dự án. Tháng 4 năm 2019 Hội đã gửi Thông Báo cùng với bản phác họa mô hình ĐTN đến các chiến hữu và thân hữu Hải Quân khắp nơi biết đồng thời kêu gọi mọi người góp ý, hỗ trợ tinh thần cũng như vật chất để dự án sớm được hoàn tất và dự trù sẽ khánh thành đúng ngày 19 tháng 01 năm 2020, là ngày tưởng niệm trận Hoàng Sa năm 1974.

Do nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của ĐTN mang tính văn hóa (sự tri ân), lịch sử, địa lý, chủ quyền và chính trị này nên rất nhiều người đã nhiệt tình đóng góp tài chánh và ý kiến bổ túc, chỉnh sửa vài thiếu sót để ĐTN được hoàn hảo. UBXD lúc đầu đã có ghi nhận và sửa đổi những thiếu sót khá sơ đẳng, hiển nhiên. Tuy nhiên, phần phía bên phải của mô hình là bản đồ và quốc kỳ VNCH, có lãnh thổ và biển đảo, có quần đảo Hoàng Sa nhưng lại không có quần đảo Trường Sa thì UBXD không đồng ý phải thêm Trường Sa vào. Đây là vấn đề đang tranh cãi gay gắt trong nội bộ Hải Quân 6 tháng qua và, nay vấn đề đã được cộng đồng biết đến qua bài tường thuật cuộc tiếp xúc của phóng viên nhật báo Viễn Đông và Ủy Ban Góp Ý trong tuần rồi.

Sự việc này đã đưa ra cộng đồng, không có gì sai vì sự kiện có hay không có Trường Sa trên bản đồ lãnh thổ và chủ quyền của Việt Nam không chỉ là vấn đề trong nội bộ Hải Quân mà còn là trách nhiệm của tất cả người dân Việt trong cũng như ngoài nước.

Rất nhiều ý kiến gửi qua email, nhiều bài phân tích bình luận trên các website của HQ, ý kiến phản hồi của độc giả, tuyệt đại đa số đều yêu cầu phải có Trường Sa trên bản đồ Việt Nam nhưng UBXD không đồng ý.

Chúng tôi xin sơ lược vài ý chính của cả hai phía muốn và không muốn có Trường Sa trên ĐTN:

UBXD và những người không muốn có TS trên ĐTN:

– ĐTN Hoàng Sa thì chỉ nên có Hoàng Sa thôi, ghi thêm Trường Sa vào đó là lạc chủ đề.

Những người muốn có TS:

– Nếu ĐTN chỉ có trận chiến Hoàng Sa với sơ đồ trận liệt, các chiến hạm tham dự, bia 74 tử sĩ hy sinh  thôi thì có thêm TS hay bất cứ đảo nào khác đều bị lạc đề. Nhưng ĐTN này, chính xác là Đài Tưởng Niệm 74 tử sĩ hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa chứ không phải tưởng niệm Hoàng Sa. Tử sĩ chết mới tưởng niệm chứ Hoàng Sa mất chỉ là tạm thời đổi chủ, nói tưởng niệm HS là chấp nhận mất HS vĩnh viễn. Danh sách 74 tử sĩ đã được khắc rõ và đậm nét trên một nửa mô hình phía bên trái; nửa bên phải là bản đồ địa lý của Việt Nam có HS và TS như một phụ bản để xác định lãnh thổ và chủ quyền thuộc về Việt Nam nên không thể thiếu Trường Sa.

UBXD:

-Nếu ghi thêm Trường Sa vào thì phải thêm cả Côn Sơn, Phú Quốc và các đảo lớn nhỏ khác không cần thiết và làm loãng sự tập trung của người xem.

Những người muốn có TS:

Côn Sơn, Phú Quốc và các đảo khác nằm gần lãnh thổ VN, không có sự tranh chấp chủ quyền với nước khác, cũng không đã và đang bị mất về tay Trung Cộng, không giống như HS và TS.

Lời giải thích sau cùng của anh Trương Văn Song, Trưởng UBXD:

-Để Trường Sa vào có thể bị hiểu là vinh danh 68 HQ của CSVN ở Gạc Ma năm 1988, là có ý muốn bắt tay hòa hợp, hòa giải với VC.

Lập luận này đã bị phản ứng gay gắt. Những phản biện tiêu biểu:

Gạc Ma chỉ là một bãi đá cạn trong hàng trăm bãi cạn, đảo nhỏ, đảo lớn của quần đảo Trường Sa rộng lớn. Nếu CSVN để mất Gạc Ma về tay Trung cộng thì chúng ta lại càng phải xác nhận Gạc Ma thuộc Trường Sa là của Việt Nam để đấu tranh giành lại.

–  Nửa diện tích bên phải là Quốc kỳ và bản đồ Việt Nam có ý nghĩa xác định lãnh thổ, biển đảo và chủ quyền; không liên quan đến trận chiến Hoàng Sa năm 1974 hay Gạc Ma năm 1988.

– Tượng đài cao 9 ft, ngang 6 ft, diện tích bề mặt 54 ft vuông. Vài cái chấm cho quần đảo TS chỉ bằng cái nút áo vest, khoảng 15-20 inches vuông (01 ft vuông = 144 inches vuông) thì không thể nào nói sai/lạc/lệch/loãng chủ đề chính; không thể hiểu nhầm hay cố tình hiểu nhầm là muốn vinh danh 64 HQ của VNCS năm 1988 được.

– Hoàng Sa -Trường Sa là của Việt Nam đã được người dân trong và ngoài nước dùng làm khẩu hiệu để đấu tranh chống lại sự xâm chiếm của Tàu cộng. Trong nước nhiều người vì khẩu hiệu và hành động này đã bị VC đàn áp, trù dập. Ta ghi đầy đủ HS-TS trên bản đồ Việt Nam là đồng hành với người dân đấu tranh trong nước, sao gọi là bắt tay hòa hợp hòa giải với VC?

– Nếu CSVN thực hiện một bản đồ hay mô hình có lãnh thổ, biển đảo của VN mà không có một trong hai đảo hoặc Hoàng Sa hoặc Trường Sa thì chúng ta có chấp nhận không? đồng bào trong và ngoài nước sẽ phản ứng ra sao?

UBXD

UBXD nhận sự ủy nhiệm của Thị trưởng Trí Tạ tiến hành vận động tài chánh và xây ĐTN.  Quyền quyết định nội dung (không có TS) là do UB. Hải Quân và thân hữu các nơi chỉ góp ý kiến, tài chánh  và thi hành; đó là nguyên tắc và kỷ luật làm việc.

Quyết định này đã bị sự phản đối:

–  UBXDĐTN nhận nhiệm vụ xây ĐTN là điều ai cũng hoan nghênh và ghi nhận công sức và biết ơn nhưng ĐTN là biểu tượng của lòng tri ân, là vinh danh ý chí chống ngoại xâm để bảo vệ  lãnh thổ của tiền nhân để lại; về tài chánh là của rất nhiều người từ các nơi gửi về chung góp xây dựng mà ngay như tiền đó chỉ do quý vị trong UB tự bỏ ra, ngoại trừ quý vị xây ĐTN đó trong khuôn viên đất nhà của quý vị thì không ai ý kiến, nhưng nếu xây nơi công cộng dưới danh nghĩa của tập thể Hải Quân nói riêng và người Việt nói chung thì chúng tôi cũng phản đối và tranh đấu đến cùng.

Sự kiện đã đi từ góp ý, tranh luận đến tranh cãi giữa hai phía muốn và không muốn có Trường Sa đã đi từ bất đồng rồi bất hòa trong nội bộ gia đình Hải Quân. Rất nhiểu cựu HQ và thân hữu lo là sự việc sẽ ra ngoài cộng đồng, sẽ có thêm nhiều ý kiến khác nhau; người tốt tích cực ý kiến xây dựng cũng có, người xấu lợi dụng cơ hội để xuyên tạc đánh phá cũng có, cộng đồng thêm bất ổn, chẳng những Hải Quân bị chê trách, chỉ trích mà còn phương hại đến uy tín của ông Thị Trưởng, người đã có lòng tốt giúp cho dự án này. Do đó, một Ủy Ban Góp Ý được thành lập với một số thành viên thuộc vùng Orange County và San Diego, Trưởng Ban là cựu HQ Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí. Mục đích của UB là trung gian lắng nghe và ghi nhận thêm ý kiến qua e-mail, trang Web, bài phân tích bình luận, comments, survey … từ các chiến hữu, thân hữu ở xa, “đàm phán” với UBXD để có được sự đồng thuận và đoàn kết.

Thị Trưởng Trí Tạ cũng đã nhận được nhiều điện thoại, e-mails phân trần, khiếu nại nên ông đã trả lời qua e-mail cũng có, tiếp xúc cũng có. Quan điểm của ông là:

– Việc thêm Trường Sa vào ĐTN không có gì trở ngại, quan trọng là các chú, các bác trong gia đình Hải Quân đồng thuận với nhau, có được sự đoàn kết để cùng đấu tranh cho Việt Nam có được tự do và dân chủ.

UBXD nhận thấy có nhiều người ủng hộ việc phải có TS với những lý lẽ không thể phản biện nên đã “nhượng bộ” bằng cách vẽ thêm 6 cái chấm nhỏ lên vị trị của quần đảo TS, vài cái chấm trên vị trí của hai đảo Côn Sơn và Phú Quốc nhưng không chịu ghi tên các địa danh này, Anh Trương Văn Song ra Thông Báo số 5, cho biết đây là Thông Báo cuối cùng, UBXD quyết định tiến hành công trình xây dựng, không có các chữ Trường Sa (Spratly Islands) trên bản đồ.

Hành động “nhượng bộ” và Thông báo số 5 này mang tính bôi bát, “xin-cho”, trịch thượng và độc đoán.

UB Góp Ý xét thấy không thể thuyết phục được UBXD thay đổi quyết định nên đã tiếp xúc với nhật báo Viễn Đông với ý muốn đưa sự việc này ra cộng đồng để có được thêm nhận định, ý kiến rộng rãi của đồng bào khắp nơi và cũng theo bản tin của Viễn Đông, UBGY đã gửi thông báo đến cho UBXD biết đến cuối tháng 10/2019 nếu UBXD không thay đổi ý định thì UBGY sẽ gửi một Tâm Thư đến ông Thị Trưởng Trí Tạ với đề nghị ông thẩm định lại lý lẽ của hai quan điểm có và không có TS như đã trình bày, để có được sự đồng thuận, đoàn kết như ông mong muốn. Trường hợp ông Thị Trưởng đồng ý với UBXD là không cần có hai chữ Trường Sa thì xin ông cho một lời giải thích khác hơn là lý luận của UBXD.

Cá nhân tôi, người viết bài này cũng xin chia sẻ đến với quý độc giả một chút tâm tư.

Tôi có được hân hạnh tham dự trận Hoàng Sa năm 1974 này và may mắn được sống sót.  Đơn vị tôi là Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng (HQ5), HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc trên HQ5 để chỉ huy nên HQ5 là Soái hạm. Tôi là SQ Truyền tin của HQ5 và cũng là SQTT của BCH hành quân nên cũng biết rõ được nhiều dữ kiện và thông tin liên quan đến trận chiến. Khi được tin Thị Trưởng Trí Tạ gợi ý và chấp thuận cho xây ĐTN tri ân 74 Tử Sĩ trận Hoàng Sa và Hội Ái Hữu Cửu Long nhận lãnh trách nhiệm xây dựng, tôi vui mừng, xúc động và thầm biết ơn. Thời chiến hàng trăm ngàn người tử trận nghe/biết nhiều rồi cũng quen, cảm xúc năm tháng dần cũng vơi đi nhưng đối với những người trực tiếp tham dự trận chiến, chứng kiến tận mắt đồng đội mình, bạn thân mình ngã gục, tan xác, hình ảnh đó in đậm trong ký ức suốt đời không phai.

HQ5 có 11 người bị thương và 3 người chết, không nhiều nếu không nói là ít so với các trận đánh khác của các đơn vị tác chiến trên bờ. Trung sĩ I Quang, xạ thủ đại liên 50 ly bị trúng đạn thân thể bê bết máu, kéo vào nằm ngay trước cửa phòng truyền tin và phòng ngủ Hạm trưởng. Trung Úy Đồng (K25 VBĐL), người bạn thân ngủ chung phòng, sát giường với tôi, đúng một năm rưỡi. Chúng tôi thân nhau vì cùng có máu văn nghệ thích thơ văn, bút hiệu của Đồng là Trầm Kha. Đồng bị đạn đại bác địch bắn bể pháo tháp đại bác 127 ly, Đồng là trưởng khẩu, chết ngay trong đó. Người thứ ba là Hảo, phụ tá ngành Điện tử của tôi, bị một mảnh đạn đại bác 100 ly của địch, không thấy máu ướt áo, nằm chết như ngủ mê. Tôi có cái vinh dự được đưa bán tiểu đội dàn chào tiễn Thượng sĩ Hảo ra nghĩa trang Hòa Khánh, Đà Nẵng. Tôi thầm nghĩ: Từ nay những chiến hữu của tôi, những người đã hy sinh trong trận HS năm xưa đã có được một nơi an nghỉ trang trọng và đầy ý nghĩa rồi.

ĐTN Tử Sĩ HS là biểu tượng của lòng tri ân, tinh thần đoàn kết, yêu nước, chống ngoại xâm để bảo toàn lãnh thổ, biển đảo Việt Nam.

Do đó mà nếu chúng ta chỉ tập trung vào trận chiến mà đồng đội của ta tham dự, vinh danh, tưởng niệm nhưng lại loại bỏ Trường Sa ra khỏi bản đồ Việt Nam, hành động này không tránh khỏi bị cho là kiến thức nông cạn, tầm nhìn rất ngắn, cực đoan, ích kỷ không màng đến hậu quả việc mình làm.

UBXD và những người ủng hộ không có TS trên ĐTN phản hồi:

-Chúng tôi thực hiện ĐTN là để tri ân 74 tử sĩ hy sinh ở Hoàng Sa chứ không liên quan đến chính trị, đấu tranh, đất nước gì hết

Đây là lập luận cùn/bựa của những người có cái đầu lớn nhưng có cái óc cực nhỏ.

Xin hỏi:

Không liên quan đến chính trị tại sao quý vị nói có TS thì bị hiểu là vinh danh 64 tử sĩ của CSVN? Là có ý “đánh đồng” để chạy tôi cho CSVN trận Gạc Ma và bắt tay hòa hợp hòa giải với VC?   

Chúng tôi nghĩ, lúc đầu UBXDĐTN không ghi TS vào ĐTN có thể vì do cảm tính, định kiến (prejudice), nhạy cảm … nhưng sau khi nghe nhiều người phân tích hơn thiệt như trên thì ắt phải thấy quyết định của mình là không hợp tình, hợp lý nhưng UBXD đã không thay đổi quyết định là do bị phê phán, chỉ trích của nhiều người, đặc biệt  một vài vị vốn sẵn có máu nhà binh, ăn ngay nói thẳng, thiếu sự tương kính cần có nên UBXD cũng bị xúc phạm, tự ái, sĩ diện không chịu nghe theo. Về mặt tâm lý thì chúng tôi thông cảm được. Tuy nhiên nếu quý vị vì tự ái, sĩ diện mà ngoan cố giữ nguyên quyết định thì quý vị đã đặt cái TÔI của mình trên danh dự, uy tín và nguyện vọng của tập thể rồi. 

Tôi xin được chia sẻ thêm đến quý vị về sự liên quan giữa HS và TS trong trận chiến HS đấu năm 1974, tôi đã giải thích trong bài viết trước đây trên trang web hoangsaparacels.blogspots.com do một cựu SQHQ phụ trách:

Cuộc hành quân tại Hoàng Sa mang tên Trần Hưng Đạo 47 do HQ Đại tá Hà Văn Ngạc chỉ huy và cuộc hành quân tại Trường Sa mang tên Trần Hưng Đạo 48 do HQ Đại tá Nguyễn Văn May chỉ huy. Cựu HQ Thềm Sơn Hà đã có bài tường thuật chi tiết và gần đây, nhà văn Điệp Mỹ Linh cũng đã có phỏng vấn cựu Đại Tá May về cuộc hành quân THĐ 48 này. Ngay sau khi trận HS chấm dứt, HQ5 bị gần 100 lỗ đạn lớn nhỏ nhưng may mắn hai máy tàu vẫn còn khiển dụng, về Đà Nẳng nghỉ bến 2 ngày để thay gấp các cơ phận súng bị bể/hỏng, hàn vá các lỗ thủng lớn ngoài vỏ tàu, nhận tiếp tế rồi trực chỉ TS để tham dự hành quân THĐ 48 cùng với các chiến hạm khác và một đơn vị Địa phương quân từ Tiểu khu Bình Tuy ra tăng phái. Tôi nhận định không sợ sai rằng trận Hoàng Sa tuy ta bị mất đảo nhưng sự chiến đấu và tổn thất của ta và Trung cộng đã ngăn chận được tham vọng của TC thừa thắng xông lên tiến chiếm luôn Trường Sa trước khi đàn em cộng sản Bắc Việt của họ chiếm được miền Nam, điều mà TC biết chắc từ sau hiệp định Paris năm 1973 và nhất là sau khi Hoa Kỳ rút quân, cắt hẳn viện trợ cho miền Nam Việt Nam.

Tóm lại, Hoàng Sa và Trường Sa có lịch sử, địa- chính- trị như nhau. Sự hy sinh của 74 tử sĩ tại Hoàng Sa, tuy HS bị mất nhưng cũng đã góp công giữ được TS cho đến ngày 30/4/1975. Do đó mà hai quần đảo có tên Hoàng Sa và Trường Sa trên ĐTN, nhìn ở góc độ nào, lăng kính nào cũng đều thấy cần thiết và hợp lý.

Tôi theo dõi diễn tiến công trình ngay từ đầu nên tôi biết rất rõ những ý kiến tích cực, đồng thuận cũng như những ý kiến trái chiều gây bất đồng/ tranh luận như đã trình bày trên. Do đó tôi thấy mình có bổn phận phải trình bày chi tiết để quý đồng hương khắp nơi biết rõ vấn đề, tránh hiểu lầm hoặc suy diễn không cần thiết.

Nói suy diễn không cần thiết là vì trong thời gian qua, phía ủng hộ không có TS thì cho những người muốn có TS là đánh phá, tranh công hoặc do có một thế lực chính trị bên sau ảnh hưởng, xúi giục. Phía muốn có TS thì thấy lời giải thích phía bên không muốn có TS vô lý đến nghịch lý, cho rằng không biết có “ý đồ” gì bên sau không? v.v…

Cho đến hôm nay, UBGY và UBXD đều giữ vững lập trường, không thể cùng nhau họp  để thảo luận, thương lượng gì được.

Những người quan tâm đến công trình xây dựng ĐTN rất nóng lòng muốn biết quyết định sau cùng ông Thị Trưởng Trí Tạ vào đầu tháng 11/2019 này.

Trước mắt, chúng tôi không thấy có một giải pháp nào khác để ông Thị Trưởng có thể làm vừa lòng đôi bên. Tình hình này chắc  ông Thị Trưởng phải chọn hoặc có hoặc không có Trường Sa trên ĐTN.

Nếu ông Thị Trưởng đồng ý với UBXD là không cần có tên Trường Sa (Spratly Islands) thì chúng tôi cũng như UBGY muốn được nghe một lời giải thích thuyết phục để chấp nhận và yên tâm rằng khi ĐTN hoàn tất sẽ không bị đồng bào trong và ngoài nước phản đối, chỉ trích, không bị kẻ xấu xuyên tạc, đánh phá gây thêm bất ổn trong cộng đồng và ảnh hưởng đến uy tín và sự nghiệp chính trị của ông.

Chúng ta ở hải ngoại, nếu chỉ kêu gọi đoàn kết đấu tranh, đòi tự do nhân quyền như một chiếu bài (slogan) tự “dán nhãn” để người khác cho mình là người chống cộng triệt để nhưng  lại tự động cắt bỏ mất quần đảo TS rộng lớn trên bản đồ Việt Nam, không coi TS là của Việt Nam, giữa lúc TC đang từng bước lấn chiếm TS, thì làm sao có được sự đồng thuận, đoàn kết với người dân trong nước để cùng đấu tranh cho một Việt Nam có được tự do, dân chủ và nhân quyền như ông Thị Trưởng mong muốn?

Hoàng Đế Napoleon, Pháp có nói:

“Thế giới đã phải chịu những tổn thất lớn không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt.”

Rất mong được nghe ý kiến đóng góp của quý vị: Nên hay không nên có Trường Sa trên bản đồ Việt Nam nơi Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa?

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img