Thursday, March 28, 2024

“Sẽ không có Bolsonaro ở Brazil nếu không có Trump ở Hoa Kỳ”

Vào ngày 11 tháng 8, hàng ngàn người Brazil đã tập trung bên trong và bên ngoài trường luật của Đại học São Paulo để theo dõi việc đọc hai lá thư bảo vệ nền dân chủ. Hai lá thư mang tầm vóc rất quan trọng được ký tên bởi các cựu tổng thống, nghệ sĩ, học giả và doanh nhân, nhằm đáp lại các cuộc tấn công liên tục của Tổng thống sắp mãn nhiệm Jair Bolsonaro vào Tòa án Tối cao và hệ thống bầu cử trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Một trong những bức thư lấy cảm hứng từ “Thư gửi người Brazil” năm 1977 tố cáo chế độ độc tài quân sự đang cai trị đất nước vào thời điểm đó.

Hai lá thư đó được xem là một bản Tuyên ngôn năm 2022 đã thu thập được hơn 1 triệu chữ ký nêu rõ: “Ở Brazil ngày nay, không còn chỗ cho những thất bại độc đoán. Chế độ độc tài và tra tấn đã thuộc về quá khứ. Giải pháp cho những thách thức to lớn mà xã hội Brazil đang đối mặt phải gắn liền với sự tôn trọng kết quả bầu cử.”

Tuyên bố ủng hộ dân chủ cũng đề cập đến “sự điên rồ của chế độ độc đoán khiến nền dân chủ hàng thế kỷ của Hoa Kỳ gặp rủi ro như thế nào” và những “nỗ lực nhằm phá vỡ nền dân chủ và niềm tin của người dân vào độ tin cậy của quy trình bầu cử đã không thành công ở Hoa Kỳ, và chúng cũng sẽ không thành công ờ nơi đây.”

Một Bolsonaro bị dồn vào chân tường, người đã nắm quyền từ năm 2019, đã chứng kiến ​​tỷ lệ ủng hộ của ông giảm một phần không nhỏ do cách giải quyết thảm hại của ông đối với đại dịch Covid-19, khiến hơn 680.000 người chết ở nước này. Nhà lãnh đạo độc đoán không hối lỗi được nhận thấy là ông sợ hãi về việc có thể bị tống vào tù vì các tội có thể xảy ra bao gồm tham nhũng và tội ác chống lại loài người nếu ông ta không còn tại vị nữa.

Bolsonaro đã từng nói vào năm ngoái rằng: “Tôi có ba lựa chọn thay thế cho tương lai của mình: ngồi tù, chết hoặc chiến thắng,”

Căng thẳng đang dâng cao ở Brazil và nguy cơ bất ổn chính trị và bạo lực trong vài tuần tới dường như ngày càng có thể xảy ra. Những người ủng hộ Bolsonaro đã tấn công các cuộc biểu tình của những người ủng hộ người thắng cử, ông Lula da Silva bằng phân và nước tiểu.

Tổng thống đắc cử, Lula da Silva kể từ đó đã tăng cường bộ máy an ninh của mình và bắt đầu mặc áo chống đạn khi tới tham dự các sự kiện công cộng. Ngoài mối đe dọa leo thang của bạo lực chính trị thậm chí còn lớn hơn, một số người lo lắng về một kịch bản trong đó trật tự dân chủ sẽ bị phá vỡ hoàn toàn.

Quá trình cực đoan hóa của Jair Bolsonaro, với nhiều khả năng xảy ra “hỗn loạn xã hội” và viễn cảnh về một ngày 6 tháng Giêng giống như kịch bản ở đồi Capitol của Donald Trump từ nước Mỹ.

Đây là tôi chưa nói đến quan điểm kỳ thị phụ nữ của ông ta và các cuộc tấn công vào người thiểu số, điều này cũng rất nghiêm trọng, những quan điểm kỳ thị, phân biệt sắc tộc này của Jair Bolsonaro hoàn toàn rập khuôn y như Donald Trump tại Hoa Kỳ.

Sau khi cố gắng thu hút được Quốc hội và những người theo chủ nghĩa Tự do trung dung , ông ta bắt đầu kích động mọi người chống lại Tòa án Tối cao. Bằng cách tạo ra sự đối lập này, ông ta làm suy yếu nền dân chủ từ bên trong và làm suy yếu chính khả năng của nền dân chủ trong việc tự tổ chức chống lại thái độ độc đoán của ông ta để có thể nắm được quyền lực nhiều hơn.

Một dấu hiệu xấu xí rất nghiêm trọng mà người dân Brazil không thể quên là việc Bolsonaro đã tạo dựng vây cánh trong quân đội để bảo vệ ông ta. Chuyện gì đến sẽ phải đến, quân đội bắt đầu thích thú với quyền lực, bỗng lộc và quen với cuộc sống quan liêu và cuối cùng đã trở thành đồng phạm trong dự án “Bolsonarismo” (tạm dịch là chủ nghĩa Bolsonaro), không khác gì với chủ nghĩa Trump tại Hoa Kỳ, nhưng chỉ khác ở chỗ thành phần ủng hộ, bảo vệ Trump tại Mỹ không phải là quân đội mà là các nhà lập pháp, các tổ chức dân quân cánh hữu và một nhóm thành viên cuồng tín MAGA.)

Hiện nay, nói về việc ủng hộ một cuộc đảo chính cuối cùng: Tôi không nghĩ rằng quân đội Brazil sẽ sẵn sàng bắt tay vào một cuộc đảo chính bấp bênh, không được lòng dân và thế giới sẽ sẵn sàng chống trả. Họ có ý thức về chủ nghĩa thực dụng và nếu mọi thứ có vẻ như không ổn thì họ có khả năng sẽ bỏ đi.

Vấn đề quan trọng là lực lượng vũ trang không phải là một thể chế lấy dân chủ làm ưu tiên hàng đầu. Bản thân dân chủ không phải là một cam kết lịch sử của quân đội Brazil. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, thì tất cả những đổ vỡ chính trị trong suốt chiều dài lịch sử Brazil đều do quân đội thực hiện. Chính quân đội đã hạ bệ hoàng đế, tiến hành cuộc Cách mạng 1930, và cuộc đảo chính 1964.

Chi phí cho một cuộc tự đảo chính khi Bolsonaro còn đang nắm quyền trong những tuần và ngày cuối cùng của nhiệm kỳ là rất cao. Nhưng những phản ứng nằm ngoài tầm kiểm soát của Bolsonaro là phản ứng và sự hỗ trợ quốc tế, phản ứng của thị trường tài chính và nền kinh tế và sau cùng, điều đáng sợ nhất là nguy cơ nội chiến.

Bolsonaro là một con cáo già nham hiểm, ông ta hiểu từ kinh nghiệm quốc tế rằng sẽ luôn là cách tốt hơn khi không tỏ ra đoạn tuyệt dứt tình thẳng thét với dân chủ, mà hãy phá hủy nó từ bên trong. Rằng hãy cứ chứng tỏ là đang theo đuổi con đường dân chủ và từ từ uyển chuyển thay đổi nó trở thành một thể chế chuyên quyền và sau đó là phi dân chủ hóa cả một hệ thống từ bên trong. Bolsonaro luôn tìm cách tạo thêm những sự rạn nứt dân chủ trong đất nước của ông ta.

Có một điều mà Bolsonaro có thể không lường trước được là không giống như năm 2018, thì giờ đây sự ủng hộ ông ta chỉ nằm ở khoảng 30 đến 35% phiếu bầu, con số không đủ để ông ta đánh bại đối thủ của mình. Và chiếc phao cuối cùng mà Bolsonaro đang cố bám vào là đặt cược vào giai đoạn cuối cùng của cuộc bầu cử vào điều có lẽ là phương án cuối cùng của ông ta, đó là chủ nghĩa dân túy về kinh tế.

Về tuyên bố gian lận bầu cử:  Lợi ích của Bolsonaro trong việc làm mất uy tín của quá trình bầu cử ở Brazil là rất rõ ràng. Ông ta đã đưa ra những dấu hiệu kể từ sau đại dịch rằng ông ta không tin tưởng vào quá trình bầu cử, chẳng hạn như gợi ý rằng các máy bỏ phiếu có thể bị gian lận và nói một cách mơ hồ về những bất thường trong các cuộc bầu cử trước đây.

Mặc dù chưa bao giờ chứng minh được điều gì, hay có được bằng chứng nào nhưng Bolsonaro đã gieo vào đầu những người ủng hộ mình rằng hệ thống bầu cử là không đáng tin cậy. Bolsonaro học theo sách lược của Trump không sai một chữ, đó là ông ta đã tuyên bố rất rõ ràng rằng, ông ta không quan tâm đến việc chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử nếu đó không phải là chiến thắng của chính ông ta.

Bolsonaro có một yếu tố rất giống Trump khiến ông ta không sẵn sàng chấp nhận một kết quả bất lợi dựa trên một câu chuyện gian lận. Trong trường hợp của Trump và đất nước Hoa Kỳ, tôi nghĩ nó đã không thể trở nên tồi tệ hơn bởi vì vẫn còn một số phản kháng bởi các thể chế của đất nước. Quân đội Hoa Kỳ không dấn thân vào cuộc phiêu lưu đảo chính của Trump, một số dân biểu Cộng hòa cũng không chấp nhận hoặc muốn tạo khoảng cách. Bây giờ ngày 6 tháng 1 đang được điều tra. Nhưng với đất nước Brazil, điều này trông ra có vẻ khác, đó là quân đội có thể sẽ nhúng tay vào, đặc biệt khi các sự phản kháng dân chủ từ người dân, giới công nhân, sinh viên không đủ mạnh ở Brazil, nếu sự thể là như vậy thì một xã hội dân sự không thể đứng vững. Vì sự phản kháng của người dân không thôi là chưa đủ nếu các thể chế chính trị như Tư pháp, Quốc Hội, Tòa án đồng lòng với Bolsonaro để giữ lấy quyền lực bất hợp pháp cho ông ta, một phần cũng là giữ lấy quyền lực và lợi ích của những thể chế đó.

Về những điểm tương đồng với Hoa Kỳ: Phần lớn kinh nghiệm của Bolsonaro ở Brazil là sự sao chép, mô phỏng những gì chúng ta đã thấy xảy ra ở Hoa Kỳ. Nếu chúng ta nhìn vào chiến lược bầu cử và các kỹ thuật truyền thông, tất cả đều giống với những thứ mà chúng ta biết là đã hoạt động tốt ở Hoa Kỳ.

Chắc chắn rằng, sẽ không có Bolsonaro ở Brazil nếu không có Trump ở Hoa Kỳ.

Và điều mà thời điểm này trong lịch sử Hoa Kỳ đã dạy cho Bolsonaro là sự cực đoan hóa chính trị sẽ được đền đáp. Donald Trump không tái đắc cử nhưng chủ nghĩa Trump vẫn là một phong trào chính trị rất mạnh mẽ, có thể mở đường cho ông ta tái đắc cử vào năm 2024, và ở Brazil, chủ nghĩa cực đoan Bolsonarismo cũng có thể mở đường cho Bolsonaro quay trở lại mạnh mẽ hơn sau bốn năm nữa.

Lời kết:

Vào chiều thứ Hai, Tòa án bầu cử của Brazil đã chính thức chứng nhận Luiz Inácio Lula da Silva được bầu làm tổng thống hợp pháp, đưa đất nước tiến một bước gần hơn đến việc chôn vùi mọi thách thức bất hợp pháp đối với quy trình bầu cử trước lễ nhậm chức của Lula vào ngày 1 tháng 1.

Trong một bài phát biểu đầy cảm xúc, vị tổng thống đắc cử, Lula da Silva, người đã đánh bại Jair Bolsonaro cực hữu, đã giành lại quyền sống trong một nền dân chủ cho người dân Brazil.

Thẩm phán Alexandre de Moraes, người đứng đầu tòa án bầu cử của Brazil, đã từ chối yêu cầu từ đảng của Bolsonaro về việc vô hiệu hóa các phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu dựa trên những tuyên bố về sự cố phần mềm chưa được chứng minh với các máy bỏ phiếu điện tử. Thẩm phán Moraes mô tả thách thức của Bolsonaro là dựa trên “một câu chuyện hoàn toàn gian dối về sự thật”. Trong buổi lễ chứng nhận, thẩm phán Moraes đã tái khẳng định tính hợp pháp của quy trình bầu cử minh bạch và an toàn, đồng thời lên án mạnh mẽ “các cuộc tấn công hèn nhát” từ các nhóm cực đoan với mục tiêu “thay thế phổ thông đầu phiếu bằng một chế độ độc tài” chống lại các thể chế dân chủ của Brazil. Ông cũng tố cáo việc lan truyền tin tức giả mạo và phát ngôn thù địch trên mạng xã hội và thề sẽ quy trách nhiệm cho họ phải “hoàn toàn chịu trách nhiệm để điều này sẽ không xảy ra nữa trong cuộc bầu cử tiếp theo.”

Liệu những người có trách nhiệm trong Tòa án Tối cao của Mỹ có đưa ra được những lời tuyên bố đanh thép, mạnh mẽ như thẩm phán Alexandre de Moraes hay không?Nền dân chủ Brazil đúng là “đi sau về trước” và là tấm gương sáng cho các nền dân chủ lâu đời như Hoa Kỳ phải ganh tị và có một chút gì đó xấu hổ.

Việt Linh 14.12.2022

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img