Thursday, March 28, 2024

Đại hội của công an, quân đội và “thái tử đảng”

Cali Today News – Đại hội 12 đã kết thúc, ngoài việc phần thắng nghiêng về những người bảo thủ, thân Trung cộng, thì dư luận có thể nhận ra rằng, chính quyền CSVN đang thành lập một bộ máy để chuẩn bị cho những biến chuyển với thời cuộc sau khi gia nhập TPP. Cùng với việc hội nhập sâu với thế giới, coi nền kinh tế thị trường là khuôn mẫu để noi theo, chính quyền CSVN đã cho thiết lập một nhà nước công an trị vững chắc hơn để phù hợp với những biến động có thể đến.

Bộ Chính trị 19 nhân vật, thêm 3 người ở trong Ban Bí thư thì đã có đến 5 người là tướng công an. Đó là chưa tính trong Trung ương đảng có nhiều người đang là công an, hoặc là công an được biệt phái sang ngạch dân sự.

Tại Đại hội 12, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết sẽ thúc đẩy bằng mọi cách để Việt Nam sớm trở thành thành viên TPP. Đồng thời Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua một số điều luật mới cho phù hợp với sân chơi mới mẽ này. Một trong những thỏa thuận mà Việt Nam đã ký kết với Hoa Kỳ là cho thành lập các công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của công nhân lao động. Để lường trước những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, bộ máy công an trị sẽ được phình to, được tăng thêm nhiều quyền nhằm dễ dàng hơn cho việc đàn áp.

Có một chi tiết khá khôi hài nhưng phần nào cho thấy tình cảm của người dân Việt Nam dành cho ông Nguyễn Phú Trọng. Đó là sau khi có tin chính thức ông Trọng tái đắc cử chức Tổng Bí thư, trên Fanpage của báo Tuổi Trẻ liền cho đăng bài viết để chúc mừng. Nào ngờ, một loạt Facebookers vào comments mạ lỵ, nói ông Trọng nên về hưu, tham quyền cố vị…Trước cơn giận dữ của dư luận, quản trị Fanpage của tờ Tuổi Trẻ trên Facebook đã phải xóa bài viết ấy đi.

Có thể nói, Đại hội 12 là đại hội của công an, quân đội và “con ông cháu cha”. Dựa vào con số ủy viên Trung ương đã được công bố, Trung ương đảng có đến 13 người đang hoặc từng là tướng công an. Trong khi đó, phía quân đội với 22 người có chân trong Trung ương đảng. Người đứng đầu và chắc chắn sẽ lên nắm chức Bộ trưởng Quốc phòng là Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Trước khi có những đồn đoán ông Trần Đại Quang- Bộ trưởng công an lên nắm ghế Chủ tịch nước. Thì tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung- thiếu tướng công an cũng đã yên vị trên chiếc ghế Chủ tịch. Ông Chung không hề có đối thủ trong cuộc đua ấy, một mình một ngựa băng băng về đích.

Trong khi đó, tại Sài Gòn, dù ông Võ Văn Thưởng đã được vào Bộ Chính trị nhưng chưa chắc đã là Bí thư Thành ủy xứ này. Người thay ông có thể là Trương Hòa Bình, người đang là Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Trước khi được bổ nhiệm vào chức Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, ông Bình là trung tướng công an. Dư luận vẫn còn nhớ, trước khi diễn ra đại hội đảng bộ tại Sài Gòn, ông Nguyễn Phú Trọng đã vào dự, cùng đi với ông Trọng là ông Bình. Qua việc làm này, ông Trọng đã cho biết rằng, ông Trương Hòa Bình sẽ được chỉ định vào chức vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Hà Nội có Chủ tịch là tướng công an thì Sài Gòn cũng có Bí thư là tướng công an. Điều này sẽ làm cho lực lượng công an mạnh hơn, dễ dàng trấn áp mỗi khi có những biến chuyển phức tạp, không có lợi, ảnh hưởng đến việc độc tài cai trị của chính quyền CSVN.

Đại hội 12 cũng là một kỳ đại hội dành cho các “thái tử đảng”, khi rất nhiều trong số họ được lọt vào Trung ương. Đáng kể nhất phải là: Nguyễn Thanh Nghị- con ông Nguyễn Tấn Dũng; Nguyễn Xuân Anh- con ông Nguyễn Văn Chi; Trần Tuấn Anh- con ông Trần Đức Lương; Phạm Bình Minh- con ông Nguyễn Cơ Thạch; Nguyễn Chí Vịnh- con ông Nguyễn Chí Thanh; Trần Sỹ Thanh- cháu ông Nguyễn Sinh Hùng; Lê Thanh Quang- con ông Lê Thanh Liêm; Lê Minh Hưng- con ông Lê Minh Hương; Đặng Quốc Khánh- con ông Đặng Duy Báu.

Trong tất cả những người nói trên, có người vào Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương và ủy viên dự khuyết. Mẫu số chung ở những người này đều nắm giữ những chức vụ trọng yếu trong bộ máy trung ương hoặc địa phương. Chủ trương trẻ hóa bộ máy chính là cơ hội để cho “thái tử đảng” tiếp cận đến những chức vụ quyền lực mà cha ông họ đã nắm giữ trước đây. Hoặc nói theo cách khác là tập dần để trở thành những người cai trị dân tộc Việt Nam.

Sau Đại hội 12, nhiều người ngạc nhiên vì số ủy viên Trung ương có xuất thân từ tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một tỉnh nghèo, không có gì đặc biệt nhưng lại có đến 16 người trở thành ủy viên Trung ương. Nhiều lời đồn đoán cho rằng, chính việc cho Trung Cộng thành lập Đặc khu kinh tế Vũng Áng nên vùng đất này mới có nhiều ghế trong Trung ương. Tất thảy đều là lời đồn, chúng tôi chưa thể kiểm chứng. Song, với những gì đang diễn ra hiện nay tại chính trường Việt Nam, những lời đồn đoán như vậy không phải là không có cơ sở.

Một mùa Đại hội đảng nữa lại qua đi, một mơ ước đổi mới đã bị cánh bảo thủ Nguyễn Phú Trọng dập tắt. Kịch tính đến sớm khi mà Nguyễn Tấn Dũng- một người được cho là có hướng cởi mở, muốn hòa nhập sâu với các nước tiến bộ bị loại khỏi danh sách đề cử ủy viên Trung ương khóa 12. Sự lệ thuộc vào Trung Cộng là điều được nhiều người nói đến. Kinh tế trì trệ, người dân lại phải oằn lưng đóng nhiều khoản thuế, phí để nuôi bộ máy cồng kềnh và đội quân tham nhũng. Ánh sáng cuối đường hầm vẫn chưa hé lộ, cho dù phía trước là Việt Nam có gia nhập TPP đi chăng nữa.

Người Quan Sát

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img