Monday, March 18, 2024

Biến chuyển lịch sử: TT Biden dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Venezuela

Hoa Kỳ bắt buộc phải suy nghĩ lại về mối quan hệ với các quốc gia có nhiều dầu mỏ như Venezuela, nhiều phần là vì cuộc chiến ở Ukraine.

Nhiều thay đổi ở Caracas, thủ đô của Venezuela. Kẹt xe là hình ảnh ít thấy ở đây thì nay lại bắt đầu thấy cảnh kẹt xe thường xuyên hơn. Những tấm áp phích chính trị từng treo khắp thành phố rao giảng những câu thần chú nghiệt ngã như “chủ nghĩa xã hội hay cái chết” đã được thay thế bằng quảng cáo rượu whisky hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Tiếng xe máy, từng là điều đáng sợ ở thủ đô bạo lực nổi tiếng này, có nhiều khả năng báo trước sự xuất hiện của một người chạy giao đồ ăn nhanh hơn là một vụ cướp có vũ trang.

Nhưng bất chấp thời kỳ tốt đẹp hơn, sau quyết định của chính phủ vào năm 2019 về việc nới lỏng kiểm soát giá cả và cho phép giao dịch bằng đồng đô la Mỹ, những rắc rối cơ bản của đất nước giàu dầu mỏ này vẫn chưa được giải quyết.

Trong thập niên qua, GDP của Venezuela đã giảm 70% và khoảng 7 triệu người, tương đương một phần tư dân số, đã rời khỏi đất nước.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2022, Venezuela đã rất khác so với năm 2019. Vào thời điểm đó, Juan Guaido, một nhà lãnh đạo phe đối lập ít được biết đến, được chính quyền của Donald Trump ở Mỹ và phần lớn thế giới phương Tây ủng hộ. Trong một khoảnh khắc, ông Juan Guaido dường như đã có thể lật đổ được quyền lực của nhà độc tài cánh tả không được lòng dân, Nicolas Maduro, người đã gian lận một cuộc bầu cử vào năm trước.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Nhưng ông Juan Guaido và những người ủng hộ ông đã đánh giá sai lòng trung thành mà ông Maduro và Hugo Chavez, người tiền nhiệm của ông từ năm 1999 đến năm 2013, đã có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới quân sự hàng đầu. Họ đã đánh giá thấp sự tàn nhẫn của chế độ. Và họ đã đi sai đường trong cuộc chiến ở Ukraine, cuộc chiến đã tạo ra một môi trường mà Hoa Kỳ đang xem xét lại mối quan hệ của mình với các nhà sản xuất dầu mỏ.

Ngày nay, ông Juan Guaidó, mặc dù vẫn được Hoa Kỳ và Anh gọi là “tổng thống” với tư cách là một trong số các nhà lãnh đạo phe đối lập, ông dành phần lớn thời gian trong ngày để thực hiện các cuộc gọi Zoom từ một văn phòng nhỏ phía trên một trung tâm mua sắm. Cơ sở hiến pháp cho tuyên bố nắm quyền của ông trước đây, rằng ông đang lãnh đạo một Quốc hội do dân bầu của đất nước ngày càng trở nên yếu đi. Quốc hội đó đã được thay thế bằng một Quốc hội do chế độ của ông Maduro kiểm soát sau một cuộc bỏ phiếu gian lận vào năm 2020. Và nhiệm kỳ lãnh đạo của Nicolas Maduro sẽ mãn nhiệm vào ngày 5 tháng 1 năm 2023.

Nicolás Maduro đã nắm quyền trong 9 năm qua. Và trong sáu tháng qua, con lắc địa chính trị đã nghiêng về phía ông. Venezuela chiếm 20% trữ lượng dầu đã được chứng minh của thế giới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến mọi người lo lắng hơn về nguồn cung dầu, và do đó khiến chi phí cô lập Venezuela dường như cao hơn. Sau nhiều thập niên quản lý yếu kém, ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela đã quá xuống cấp để tạo ra nhiều khác biệt cho thị trường dầu mỏ toàn cầu trong ngắn hạn, nhưng Mỹ và các nước khác đang nghĩ về dài hạn.

Dưới thời Donald Trump, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ, ngân hàng và khai thác mỏ của Venezuela cũng như hơn 140 người trong chính quyền.

Ngược lại, Tổng thống Joe Biden đang tái can dự một cách thận trọng với Venezuela. Các phái viên của Tổng thống Biden đã gặp các thành viên của chế độ ông Maduro hai lần ở thủ đô Caracas.

Vào tháng 10, bảy công dân Mỹ bị cầm tù ở Venezuela đã được đổi lấy hai người cháu của vợ ông Maduro, bà Cilia Flores.

Và vào ngày 26 tháng 11, chính quyền Biden đã có một sự thay đổi đáng chú ý. Họ đã trao cho Chevron, một công ty dầu mỏ của Mỹ hiện có bốn liên doanh không hoạt động với PDVSA, gã khổng lồ dầu mỏ thuộc sở hữu nhà nước của Venezuela, một giấy phép hạn chế để bắt đầu bơm và xuất khẩu dầu trở lại Hoa Kỳ. Số tiền thu được nhằm mục đích thanh toán khoản nợ tích lũy hàng tỷ đô la mà Venezuela nợ Chevron. Các khoản thanh toán tiền bản quyền hoặc thuế cho chế độ, hoặc bất kỳ khoản cổ tức nào cho PDVSA đều bị cấm.

Các chính sách có đi có lại là chế độ Venezuela đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán với phe đối lập mà họ đã đình chỉ vào tháng 10 năm 2021. Các cuộc đàm phán này đã được khởi động lại ở Thành phố Mexico vào cùng ngày với thông báo của Mỹ. Bản thân ông Maduro không tham dự các cuộc đàm phán nhưng con trai ông, Nicolas Maduro Guerra, sẽ tham dự.

Thể diện và uy tín của Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro đã được phục hồi khi ông thực hiện chuyến thăm nước ngoài hiếm hoi tới dự hội nghị thượng đỉnh COP 27 ở Ai Cập vào tháng 11.

Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, chào đón ông bên lề hội nghị. Hai người nói chuyện chưa đầy hai phút, nhưng đã phá bỏ rào cản trong nhiều năm qua. Tổng thống Macron gọi ông Maduro là “tổng thống”, mặc dù Pháp không chính thức công nhận ông là một nhà lãnh đạo hợp pháp. Mọi thứ dường như “tiếp tục tốt hơn” với ông Maduro và người dân Venezuela.

Ông Maduro cũng cố gắng có được một cuộc trò chuyện ngắn với John Kerry, đặc phái viên trưởng về khí hậu của Tổng thống Biden. Đây là một chiến thắng nhỏ cho nhà độc tài Venezuela, vì Hoa Kỳ đã truy tố ông ta về tội “khủng bố ma túy” và treo thưởng 15 triệu đô la cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ ông ta. Bộ ngoại giao sau đó cho biết ông Maduro đã khiến ông John Kerry cảm thấy bất ngờ.

Các sự kiện thân thiện khác cũng đang giúp nhà độc tài Nicolas Maduro thoát khỏi sự lạnh lùng, ghẻ lạnh của các nhà lãnh đạo khác. Chiến thắng của Luiz Inácio Lula da Silva trong cuộc bầu cử tổng thống ở Brazil có nghĩa là tất cả các nền kinh tế chính của khu vực sẽ sớm được lãnh đạo bởi các chính phủ cánh tả, những chính phủ thường ít thù địch với ông Maduro hơn so với các chính phủ cánh hữu trước đây.

Khi ông Lula, tân Tổng thống Brazil, người sẽ nhậm chức vào tháng 1, cho biết rằng ông sẽ nhanh chóng nối lại quan hệ ngoại giao với chính quyền Venezuela. Chính phủ Colombia, dưới sự lãnh đạo của Gustavo Petro, tân tổng thống cánh tả, cũng đã bắt đầu hàn gắn các mối quan hệ với Venezuela. Vào ngày 1 tháng 11, ông Petro đã trở thành nhà lãnh đạo Colombia đầu tiên trong một thập niên được đón tiếp tại dinh tổng thống ở thủ đô Caracas.

Nhưng các chính phủ nước ngoài có thể đang đánh cá cược bằng cách làm thân với ông Nicolas Maduro. Tại sao tôi gọi là một ván cá cược? Đầu tiên, dầu của Venezuela có thể dồi dào, nhưng nó cũng có vấn đề. Dầu của họ nặng nề, phải tốn nhiều công sức để tinh lọc, và sau nhiều năm thiếu đầu tư và tham nhũng, phần lớn cơ sở hạ tầng hiện có của công ty dầu mỏ của Venezuela PDVSA đã bị hủy hoại trầm trọng. Sản lượng năm nay dự kiến đạt trung bình 650.000 thùng/ngày, chỉ bằng một phần nhỏ so với mục tiêu của chính phủ là 2 triệu thùng/ngày và thấp hơn 1/5 so với mức cao nhất trước thời Hugo Chavez năm 1998 là 3,4 triệu thùng/ngày.

Ángel Alvarado, một nghị sĩ đối lập hiện đang làm việc tại Đại học Pennsylvania, cho biết sẽ phải đến năm 2024, một lượng dầu đáng kể mới được tiếp cận thị trường của thế giới. Ngay cả khi Venezuela sản xuất 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025, nó chỉ chiếm khoảng 1% sản lượng dầu toàn cầu trong hiện tại.

Để đạt được điều đó, các công ty nước ngoài khác như Repsol của Tây Ban Nha hay Eni của Ý sẽ cần phải có khả năng hoạt động mà không bị hạn chế. Nó cũng sẽ đòi hỏi một sự gia tăng lớn về số lượng đầu tư nước ngoài, là điều dường như không thể xảy ra ngay trong thời điểm hiện nay.

José Toro Hardy, cựu giám đốc của công ty dầu mỏ Venezuela PDVSA, ước tính rằng công ty sẽ cần khoản đầu tư hàng năm trị giá 25 tỷ đô la trong vòng 8 năm để sản xuất được số lượng dầu nhiều như cách đây hai mươi năm. Với thành tích tham nhũng của chế độ Maduro về việc cứng rắn với các chủ nợ và ngược đãi các nhà đầu tư, thì việc tìm được một khoản đầu tư lớn như vậy là điều bất khả thi.

Thứ hai, hồ sơ của ông Nicolas Maduro cũng cho thấy rằng trên bàn đàm phán, ông thường không chơi sòng phẳng. Nói chung, thỏa thuận đang được tìm kiếm là chế độ đồng ý tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống với đủ biện pháp bảo vệ để họ có thể được coi là tự do và phe đối lập đồng ý tham gia.

Chính quyền Biden có thể đưa ra nhiều hơn đó là gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu các bước được thực hiện để đưa Venezuela trở lại chế độ dân chủ. Nhưng ông Maduro khó có thể đồng ý với một cuộc bầu cử đủ trong sạch khiến ông có thể thực sự bị thua cuộc.

Tuy nhiên, có lẽ ông ấy cũng nên tin rằng mình có thể giành được những phiếu bầu hợp pháp? Tỷ lệ ủng hộ ông Maduro hiện nay là 26%, theo một công ty thăm dò dư luận, đó được xem là một mức thấp, nhưng chỉ kém hơn một chút so với thủ lĩnh phe đối lập nổi tiếng nhất, ông Manuel Rosales, thống đốc bang Zulia, ở mức 30%. Và Maduro thì vượt xa ông Juan Guaido, người chỉ nhận được 16%. Một Thống đốc khác ủng hộ chế độ Maduro của bang Carabobo, Rafael Lacava, có tỷ lệ ủng hộ 40%, nhưng chưa bao giờ cho thấy ông sẽ chống lại ông Maduro và có thể trở thành tài sản cho chiến dịch tái tranh cử của tổng thống Maduro.

Một khả năng khác là ông Maduro có thể đang đóng kịch: chế độ của ông có kế hoạch chuẩn bị tham gia một cuộc bầu cử thực sự, và tỏ vẻ các thứ đều được chuẩn bị chu đáo, hợp pháp nhưng cuối cùng sẽ không bao giờ phục tùng mong muốn của cử tri .

Đàm phán luôn luôn tốt hơn là không đàm phán, có thể đem đến một số vấn đề không liên quan đến bầu cử mà hai bên có thể đồng ý vì lợi ích của người dân Venezuela bình thường.

Một là quyền truy cập vào khoảng 3 tỷ đô la tài sản của chính phủ Venezuela, hiện đang bị đóng băng tại các ngân hàng Mỹ và châu Âu. Khi các cuộc đàm phán bắt đầu ở Mexico, hai bên đã đồng ý thành lập một quỹ do Liên hợp quốc quản lý để tài trợ cho các chương trình y tế, lương thực và giáo dục cho người nghèo.

Một thỏa thuận về hình thức bầu cử dự kiến sẽ không được giải quyết trong vòng đàm phán đầu tiên. Nhưng một khi cuộc bầu cử đã được thống nhất, vẫn còn câu hỏi ai sẽ là ứng cử viên. Về phía chính phủ, ông Maduro được cho là sẽ không bị phản đối từ bên trong đảng PSUV cầm quyền. Về phía phe đối lập, hiện có ít nhất 20 ứng cử viên, bao gồm cả ông Juan Guaido. Đó là vấn đề của riêng phe đối lập Venezuela, với 20 người nhưng ai cũng muốn làm Tổng thống, còn phe chính phủ chỉ có một người, đó là ông Nicolas Maduro.

Thời điểm chính xác của cuộc bầu cử cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù hiến pháp quy định tổ chức sáu năm một lần, vì vậy, vào năm 2024, một số người trong chính phủ, bao gồm Diosdado Cabello, cựu chủ tịch quốc hội đầy quyền lực, gần đây đã ám chỉ về khả năng nó có thể được tổ chức trong vòng vài tháng. Một quyết định như vậy sẽ được đưa ra bởi hội đồng bầu cử, cơ quan mà chế độ độc tài vẫn đang kiểm soát. Đây có thể là một phần của chiến thuật nhằm đánh bại một phe đối lập chưa sẵn sàng và tổ chức chưa được chu đáo.

Việt Linh 29.11.2022

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img