Ai hưởng lợi nhiều nhất từ ​​858 tỷ chi tiêu quốc phòng?

1
2645

Vào tháng trước, Tổng thống Biden đã ký một dự luật quốc phòng với khoản chi tiêu 858 tỷ đô la của Bộ Quốc Phòng và chi tiêu cho các công việc lo về vũ khí hạt nhân tại Bộ Năng lượng vào năm 2023.

Con số 858 tỷ Mỹ kim này nhiều hơn những gì Washington dự kiến ​​cho các mục đích quân sự ở đỉnh cao của cuộc chiến tranh Triều Tiên hoặc Việt Nam hay thậm chí trong những năm đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Trên thực tế, khoản tăng 80 tỷ USD từ ngân sách Ngũ Giác Đài năm 2022 tự nó đã nhiều hơn ngân sách quân sự của bất kỳ quốc gia nào ngoài Trung Quốc. Trong khi đó, nếu việc hạch toán đầy đủ tất cả các khoản chi tiêu hợp lý dưới danh nghĩa an ninh quốc gia, bao gồm cả an ninh nội địa, chăm sóc cựu chiến binh thì chắc chắn con số này phải vượt quá 1.400 tỷ Mỹ kim.

Và xin lưu ý rằng, những con số đó không bao gồm hơn 50 tỷ đô la trong viện trợ quân sự mà Washington đã gửi tới Ukraine, cũng như cho các đồng minh NATO ở tuyến đầu, để đáp trả cuộc xâm lược của Nga.

Nhưng điều tôi muốn nói đến hôm nay là, liệu việc chi tiêu cho quân đội và các hoạt động liên quan nhiều hơn có luôn luôn luôn tốt hơn hay không?

Nhưng, trước hết, dù số tiền của chính phủ dùng cho chi tiêu quốc phòng là bao nhiêu, vài chục hay vài trăm tỷ thì duy nhất chỉ có một nhóm sẽ được hưởng lợi một cách chủ yếu từ sự gia tăng chi tiêu mới, đó là: ngành công nghiệp vũ khí.

Với 858 tỷ Mỹ kim thì chắc chắn là sẽ có hơn một nửa trong số tiền này sẽ thuộc về các công ty tư nhân. Chỉ riêng năm nhà thầu hàng đầu — Lockheed Martin, Raytheon, Boeing, General Dynamics và Northrop Grumman — sẽ phân chia từ 150 tỷ đến 200 tỷ đô la trong các hợp đồng của Ngũ Giác Đài. Trong khi đó, họ sẽ trả trung bình cho các CEO của mình hơn 20 triệu đô la một năm và tham gia vào các đợt mua lại cổ phiếu trị giá hàng tỷ đô la được thiết kế để tăng giá cổ phiếu của họ.

Những khoản “đầu tư” như vậy được thiết kế một cách hoàn hảo để móc hầu bao của các giám đốc điều hành ngành công nghiệp vũ khí và các cổ đông của họ. Tuy nhiên, họ làm rất ít hoặc không làm gì để giúp bảo vệ đất nước Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Hoa Kỳ.

Chiến lược Quốc phòng của Lầu Năm Góc kêu gọi chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để giành chiến thắng trong các cuộc chiến chống lại Nga hoặc Trung Quốc, tham gia hành động quân sự chống lại Iran hoặc Triều Tiên và tiếp tục tiến hành Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu liên quan đến việc khai triển 200.000 quân ở nước ngoài, đồng thời tham gia các hoạt động chống khủng bố ở ít nhất 85 quốc gia, theo số liệu được tổng hợp bởi dự án Chi phí Chiến tranh của Đại học Brown.

Tổng thống Biden xứng đáng được ghi nhận công lao vì đã can đảm chấm dứt 20 năm thất bại của Mỹ ở Afghanistan, bất chấp sự phản đối của một bộ phận quan trọng ở Washington và các cơ quan truyền thông.

Không có gì đáng ngạc nhiên hay đáng bị lên án, chỉ trích như sự đe dọa của các đảng viên Cộng Hòa đang hăm he điều tra cuộc rút quân trong hỗn loạn khỏi Afghanistan, những sai lầm đã xảy ra khi thực hiện việc rút quân khỏi quốc gia đó, nhưng chúng không đáng kể so với chi phí kinh tế to lớn và hậu quả về con người của cuộc chiến đó và sự thất bại chắc chắn sẽ là liên tục, nếu cuộc chiến đó vẫn còn tiếp diễn vô thời hạn.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là sự kết thúc của cuộc chiến Afghanistan hoàn toàn không đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên chiến tranh kéo dài hơn 20 năm của đất nước này.

Bản thân Tổng thống Biden đã nhấn mạnh điểm này trong bài phát biểu tuyên bố Mỹ rút quân khỏi Afghanistan khi nói rằng: “Ngày nay, mối đe dọa khủng bố đã lan ra ngoài Afghanistan. Vì vậy, chúng tôi đang định vị lại các nguồn lực của mình và điều chỉnh cách thức chống khủng bố của mình để đáp ứng các mối đe dọa hiện đang cao hơn đáng kể ở Nam Á, Trung Đông và Châu Phi.”

Để phù hợp với cam kết của Tổng thống Biden, sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ vào Iraq , Syria và Somalia vẫn đang tiếp diễn. Trong khi đó, chính quyền tiếp tục tập trung vào chính sách châu Phi của mình về viện trợ quân sự và đào tạo, hỗ trợ phi quân sự cho các quốc gia đang đối mặt với những thách thức với các cuộc tấn công khủng bố mà còn chống cả tham nhũng, vi phạm nhân quyền và sự tàn phá của biến đổi khí hậu.

Nhưng nhìn lại để suy tính thiệt hơn để thấy một điều mỉa mai rằng ngân sách của Ngũ Giác Đài được chính quyền Mỹ xây dựng và được Quốc hội mở rộng đã không thật sự thích ứng với điều kiện công nghệ phát triển trong thế kỷ 21.

Mua một tàu Hàng không Mẫu hạm trị giá 13 tỷ USD vẫn không thể thoát khỏi việc bị tên lửa tốc độ cao hiện đại với giá chỉ khoảng 1 triệu đô trở lại tấn công và tiêu hủy.

Mua một máy bay chiến đấu F-35 đắt khủng khiếp nhưng vẫn có nguy cơ bị hủy diệt bởi một chiến đấu cơ rẻ tiền hơn của đối thủ.

Mua vũ khí dư thừa có nhiều khả năng thúc đẩy chiến tranh hơn là giảm bớt một cuộc chạy đua vũ trang và làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân thảm khốc.

Việc duy trì một lực lượng với hơn 450.000 quân tại ngũ về cơ bản sẽ không liên quan trong bất cứ cuộc xung đột nào có thể xảy ra với Trung Quốc hoặc Nga. Vì chiến tranh trong thế kỷ 21 này không phải quân số đông mới đem đến chiến thắng, mà thời đại công nghệ, các quốc gia chỉ chú trọng đến máy bay không người lái, hỏa tiễn tầm xa, phi cơ chiến đấu mới quyết định thắng bại. Một cuộc chiến thời đại mới với những người lính của hai đội quân không còn nhìn tận mặt nhau như những trận đánh trực chiến như ngày xưa.

Trớ trêu thay, một đối trọng tiềm năng của Quốc hội trong việc ngăn cản chi tiêu nhiều hơn nữa cho Ngũ Giác Đài có thể là Cuộc họp kín nguy hiểm của những người ủng hộ Trump tại Hạ viện. Các thành viên của nhóm Taliban 20 gần đây đã kêu gọi đóng băng chi tiêu của chính phủ, bao gồm cả ngân sách quân sự.

Hiện tại, còn quá sớm để nói liệu việc đóng băng như vậy có triển vọng được thông qua hay không, hoặc nếu có, thì nó có bao gồm chi tiêu của Ngũ Giác Đài hay không.

Nhưng có lẽ quý vị sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng có một lỗ hổng lớn đã được tạo ra cho Ngũ Giác Đài. Ngân sách chiến tranh, chính thức được gọi là tài khoản Hoạt động dự phòng ở nước ngoài, không bị giới hạn dưới bất kỳ hình thức nào và do đó có thể được sử dụng để chi trả cho tất cả các loại dự án khác không liên quan gì đến các cuộc chiến tranh.

Quý vị cũng sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng, ngành công nghiệp vũ khí đã mở rộng sự hợp tác với các đảng viên Cộng hòa, những người như Mike Rogers, đứng đầu Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện đã nhận được hơn 444.000 đô la từ các công ty sản xuất vũ khí trong chu kỳ bầu cử gần đây nhất và Ken Calvert, người đứng đầu mới của Phân bổ Quốc phòng Ủy ban, theo sát phía sau ở mức 390.000 đô la.

Điều đó không có nghĩa là các đảng viên chủ chốt của Đảng Dân chủ bị bỏ rơi. Cựu chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện Adam Smith (D-Wash.) đã nhận được hơn 276.000 đô la từ ngành công nghiệp vũ khí trong cùng thời kỳ.

Nhưng cả Adam Smith và Mike Rogers đều xây dựng chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ với ý tưởng cho rằng Hoa Kỳ phải có khả năng đánh bại Trung Quốc trong một cuộc chiến tổng lực là sai lầm.

Đó không phải là cách mà một cuộc chiến giữa hai cường quốc diễn ra trong thời đại công nghệ cao phát triển như hiện nay. Nếu người Mỹ tham gia vào một cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc, thì cả người Trung Quốc và người Mỹ đều sẽ bị tiêu diệt.

Vì vậy, tốt hơn hết người Mỹ nên từ bỏ ý tưởng rằng họ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến ở châu Á với Trung Quốc mà không bị tổn thương, mất mát. Mà đúng ra, những gì chúng ta phải làm từ góc độ an ninh quốc gia, từ góc độ quân sự, là chúng ta phải đủ mạnh để ngăn chặn những hành vi tồi tệ nhất của Trung Quốc.

Ngoài các khoản đóng góp cho chiến dịch tranh cử của các nhà lập pháp có thể mang lại lợi ích cho các công ty sản xuất vũ khí thì không thể không nói đến mối liên hệ giữa những nhân viên chính phủ và lĩnh vực vũ khí.

Một báo cáo năm 2021 của Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ cho thấy, từ năm 2014 đến 2019, hơn 1.700 quan chức Ngũ Giác Đài đã rời chính phủ để làm việc cho ngành công nghiệp vũ khí.

Các cựu quan chức Ngũ Giác Đài và quân đội làm việc cho các tập đoàn vũ khí như vậy được sắp xếp để thao túng hệ thống theo hướng có lợi cho những người chủ mới của họ. Họ có thể sử dụng cả mối quan hệ của họ với các đồng nghiệp đang làm việc trong chính phủ để có được lợi thế trong cuộc cạnh tranh giành tài trợ của Bộ Quốc phòng.

Và khi chúng ta nói đến hai địch thủ của Hoa kỳ trong thế kỷ 21 này và chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ thì:

TRUNG QUỐC: Việc Washington ngày càng tập trung vào một cuộc chiến có thể xảy ra trong tương lai với Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan. Trái ngược với quan điểm của Ngũ Giác Đài, những thách thức chính từ Trung Quốc là chính trị và kinh tế chứ không phải quân sự.

Tình trạng của Đài Loan nên được giải quyết bằng con đường ngoại giao hơn là thông qua các mối đe dọa chiến tranh lẫn nhau. Việc Mỹ tăng cường quân sự ở Thái Bình Dương sẽ vừa nguy hiểm vừa lãng phí, làm cạn kiệt nguồn lực từ các ưu tiên cấp bách khác và làm suy yếu khả năng hợp tác của Mỹ và Trung Quốc trong việc giải quyết mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu.

Trong một báo cáo cho Dự án Giám sát của Chính phủ, Dan Grazier đã nhấn mạnh rằng: “Khi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc cố gắng tranh giành vị trí ở khu vực phía tây Thái Bình Dương để giành ảnh hưởng và lợi thế quân sự, khả năng xảy ra leo thang ngẫu nhiên sẽ tăng lên. Cả hai quốc gia cũng có nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế của mình với việc chi tiêu liều lĩnh cần thiết để tài trợ cho cuộc chạy đua vũ trang mới này.”

NGA: Khi nói đến nước Nga, khi xua quân xâm lược Ukraine, họ cũng phơi bày những điểm yếu nổi bật của quân đội Nga, cho thấy rằng họ sẽ không thể đe dọa NATO trong bất kỳ thời điểm nào của tương lai trong khi các cường quốc châu Âu đang tăng mạnh ngân sách quân sự của họ.

Lời kết:

Cuối cùng, việc hình thành một chiến lược quốc phòng hợp lý hơn cho nước Mỹ sẽ đòi hỏi việc phá vỡ một huyền thoại của giới công nghiệp vũ khí tạo ra, khi họ cho rằng nước Mỹ cần phải thống trị quân sự toàn cầu sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích của người dân Mỹ.

Đó là những lời nói láo trơ trẽn nhất của những kẻ giàu có trong ngành công nghiệp vũ khí ở Hoa Kỳ.

Việt Linh 23.01.2023

1 COMMENT