Cali Today News – Đáp lời kêu gọi từ các trang mạng Internet, một số người dân ở khu vực Hà Nội, Sài Gòn và ở các tỉnh, thành khác trong cả nước tiến hành các hoạt động nhân dịp tưởng niệm 29 năm ngày “thảm sát Trường Sa” (14/03/1988 – 14/03/2017), đã có 64 tử sĩ quân đội Cộng sản Việt Nam (CSVN) bị Hải quân Trung Cộng giết trong ngày 14/03/1988 tại quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, buổi tưởng niệm năm nay, được người dân đánh giá là diễn ra không như mong đợi bởi nhà cầm quyền ở các điạ phương đã “tích cực” bắt bớ, ngăn chặn và gây khó khăn cho những người tham gia tưởng niệm khiến người dân rất thất vọng cho đây là hành động “vong ân bội nghĩa”…

Vong ân bội nghĩa…!
Cũng cần phải rõ là sự kiện “thảm sát Trường Sa 14/03/1988” và “Hải chiến Hoàng Sa 19/01/1974” tuy có chung một kẻ thù ngoại bang là Trung Cộng nhưng khác ở chỗ: Hải chiến Hoàng Sa 1974 những người nằm xuống là những tử sĩ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa còn Thảm sát Trường Sa 1988 những người nằm xuống là những tử sĩ phục vụ trong hàng ngũ quân đội CSVN, cũng là quân đội của thể chế đang nắm quyền ở Việt Nam hiện tại.
Theo trang Wikipedia lưu trữ thông tin,Thảm sát Trường Sa 1988 hay còn gọi là Hải chiến Trường Sa 1988 là tên gọi của một trận đánh trên biển Đông năm 1988 khi Hải quân Trung Cộng đưa quân tấn công hòng chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Sự kiện xảy ra vào mùa xuân 1988, khi mà dư luận thế giới đang tập trung vào tình hình Campuchia, trước khi các nước ASEAN lắng dịu lại quan hệ với Việt Nam trong vấn đề Campuchia. Do ba bãi đá này không có quân đội đồn trú nên Hải quân CSVN phải đưa quân ra bảo vệ và xây công trình trên các đảo này. Phía Trung Cộng cho quân đổ bộ ngăn chặn, nổ súng để giật cờ CSVN trên bãi đá Gạc Ma, sau đó lại dùng pháo trên chiếm hạn bắn vào tàu vận tải hải quân CSVN (không có pháo để tự vệ), khiến cuộc chiến nổ ra vào ngày 134/03/1988. Phía Hải quân CSVN bị mất ba tàu vận tải, 64 người đã thiệt mạng. Trung Cộng bị hư hại một số xuồng đổ bộ, thương vong 24 thủy binh. Sau đó, Trung Cộng đổ quân chiếm đóng bãi đá Gạc Ma. Trong các tài liệu của Hải quân CSVN, sự kiện này được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88). Sở dĩ Việt Nam gọi đây là trận Thảm sát chứ không gọi trận Hải chiến là vì lúc đụng độ nổ ra, phía quân đội CSVN đa phần là những công binh xây dựng không đủ sức kháng cự trước lực lượng hùng mạnh của Hải quân Trung Cộng nên mặc nhiên đón nhận sự những làn đạn.

Tính thời điểm nổ ra trận Thảm sát Trường Sa 1988 thì năm nay 2017 tròn 29 năm xảy ra sự kiện.
Sáng nay ngày 14/03/2017, tại tượng đài Lý Thái Tổ có rất ít người dân ở khu vực Hà Nội đến tham gia các hoạt động dâng hoa, thắp hương tưởng niệm và sau đó nhiều người trong số đó bị lực lượng công an bắt đưa về các đồn công an để làm việc vì lý do an ninh trật tự.
Anh Nguyễn Huy Tuấn, người có tham dự buổi tưởng niệm sáng nay tại tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) đã cho Cali Today biết quang cảnh buổi tưởng niệm 29 năm ngày thảm sát Trường Sa (14/03/1988 – 14/03/2017), tại Hà Nội là không như mong đợi. Anh Tuấn chia sẻ:

“Sáng nay tôi cùng số anh em đấu tranh em dân chủ và số bà con ở khắp nơi về dâng hương tại tượng đài Lý Thái Tổ vào ngày này cũng như mọi năm. Tuy nhiên, năm nay 2017, quang cảnh được nhà cầm quyền bố trí lực lượng an ninh rất đông, vây kín tất cả các ngõ thậm chí ngay cả trong khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, tiếp nữa là quang cảnh trong khu vực tượng đài Lý Thái Tổ người ta đặt những chậu hoa đào choáng hết chỗ người dân đến dâng hương tưởng niệm 64 tử sĩ tại bãi đá Gạ Ma trực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và cuối cùng buổi lễ tưởng niệm năm nay diễn ra không được như mong đợi bởi nhà cầm quyền đã hành xử đối với những người đến dâng hương tưởng niệm đa phần bị bắt từ xa hoặc đến nơi tưởng niệm là bị bắt lên các xe bốn chỗ, bảy chỗ. Theo tôi được biết là khoảng chín, mười giờ sáng có bảy, tám người bị bắt như; nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cô Nguyễn Thúy Hạnh, ngoài ra một ra số lão thành có đến nhưng bị phá rối, phá đám nói chung là buổi tưởng niệm 64 tử sĩ Gạc Ma 14/03 năm nay diễn ra không như mong đợi.”

Trước ngày 14/03/2017 vài ngày, cũng tại Tượng đại Lý Tái Tổ nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ hội hoa Anh Đào kéo dài cho đến tối ngày 13/03 mới kết thúc. Có nguồn dư luận cho rằng, việc nhà cầm quyền thành phố Hà Nội tổ chức lễ hội hoa Anh Đào vào những ngày này là không ngoài mục đích ngăn người dân tập trung tiến hành việc tưởng niệm các tử sĩ, đồng đội của họ đã hy sinh tại Trường Sa 1988 vào sáng ngày 14/03.
Trước đó, tại Hà Nội cũng như tại Sài Gòn, có rất nhiều nhà hoạt động dân sự bị an ninh thường phục bao vây quanh nhà, có người bị phía công an đánh giấy mời mời làm việc đúng vào ngày giờ diễn ra buổi tưởng niệm như Facebooker Nguyễn Thúy Hạnh, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh.
Facebooker Dũng Phi Hổ, tức Nguyễn Viết Dũng và Facebooker Đỗ Thanh Vân sau khi đi tưởng niệm về thì bị những thanh niên mặc thường phục đánh đỗ máu ngay trước đồn công phường Bách Khoa, Hà Nội.
Một số tỉnh, thành như Nghệ An, Vũng Tàu người dân và các nhà hoạt động dân sự tuy có gặp không ít khó khăn từ phía nhà cầm quyền đem lại nhưng vẫn tổ chức thành công buổi tưởng niệm.
Thảm sát Trường Sa 1988, một trận thảm sát mang tầm vóc quốc tế, đã cướp đi nhiều mạng người và mất đi một phần chủ quyền lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông nhưng cho đến nay sách sử Việt Nam vẫn không được nhà cầm quyền CSVN cho phép đề cập. Danh sách các tử sĩ, đồng đội của nhà cầm quyền CSVN công bố khá hạn chế nên người dân rất ít người được biết đến.
Trước những hành động của nhà cầm quyền đã hành xử đối với người tham gia tưởng niệm thảm sát Trường Sa 1988 vào năm nay. Theo đánh giá cá nhân của bản thân, anh Huy Tuấn nói đây là hành động “vong ân bội nghĩa”.
“Theo ý kiến cá nhân của tôi, thứ nhất là nhà cầm quyền không tôn trọng quyền của người dân Việt Nam, thứ hai là nhà cầm quyền hành động đại khái giống như câu nói vong ơn bội nghĩa đối với những người vị quốc vong thân, đối với 64 tử sĩ tại Gạc Ma- Trường Sa. Cá nhân tôi, nếu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thực hiện đúng truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống nhớ ơn những người đã ngã xuống vì bảo vệ chủ quyền đất nước thì phải tổ chức một buổi lễ tưởng niệm đàng hoàng cho người dân được biết, phải công khai đầy đủ danh tính của 64 tử sĩ này chứ không phải ngăn cản những người dân đi tưởng niệm như thế này.”
Và anh Huy Tuấn nói anh rất thất vọng về những cách hành xử của nhà cầm quyền đối với người tham gia tưởng niệm ngày hôm nay mà anh chứng kiến.
“Cá nhân tôi rất thất vọng và không chỉ cá nhân tôi mà có cả hàng triệu người dân Việt Nam bao gồm cả những người chưa dám lên tiếng, chưa dám đi tham gia tưởng niệm vì lý do cá nhân đều tỏ thất vọng những cách hành xử của nhà cầm quyền đối với buổi tưởng niệm hôm nay.”./.
THIÊN HÀ