Monday, March 27, 2023
spot_img

Nhiều bạn trẻ trong nước bị bắt khi tưởng niệm ngày Hải chiến Hoàng Sa

Đáp lời kêu gọi của các Tổ chức dân sự, sáng nay ngày 19/1/2017 có khoảng mấy trăm người dân ở khu vực Hà Nội và vài chục người ở Sài Gòn có mặt tại tượng đại Lý Thái Tổ và tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo để tiến hành tưởng niệm nhân 43 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Cộng cưỡng chiếm (19/1/1974 – 19/1/2017) trong một trận Hải chiến với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Đáng chú ý là tại Hà Nội, các bạn trẻ yêu quân lực VNCH đã tích cực tổ chức các hoạt động tưởng niệm và sau buổi tưởng niệm có nhiều bạn bị công an, an ninh Hà Nội bắt giữ…

Vẫn còn bắt bớ và đánh dân

Bạn trẻ yêu quân lực VNCH có tên Lưu Quang Pháp có mặt tại tượng đài Lý Thái Tổ từ sáng sớm để tham gia buổi tưởng niệm 43 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Cộng cưỡng chiếm cùng với hàng trăm người dân tại Hà Nội. Pháp chia sẻ với Cali Today về diễn biến buổi tưởng niệm theo góc nhìn của Pháp như sau:

“Buổi tưởng niệm hôm nay theo góc nhìn của tôi là một buổi tưởng niệm thành công và đầy ý nghĩa. Khi tôi tiến ra khu vực tượng đài Lý Thái Tổ vào khoảng hơn 9 giờ sáng, tôi thực sự bất ngờ và xúc động vô cùng bởi vì đã có rất nhiều người già, trẻ, lớn, bé, các tầng lớp họ đã có mặt trước tôi để tham gia buổi lễ tưởng niệm các anh hùng tử sĩ thuộc Hải quân VNCH đã chiến đấu và hy sinh anh dũng để chống lại sự chiếm giữ phi pháp của Hải quân Trung Cộng tại Quần đảo Hoàng Sa nơi mà Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố chủ quyền sau khi được thừa hưởng Quần đảo này từ Quốc Gia Việt Nam và trước đó là Pháp trao trả cho Quốc Gia Việt Nam. Mọi người giơ các biểu ngữ chụp ảnh sau đó thắp hương và tiến ra bờ hồ Hoàn Kiếm tuần hành. Khi đoàn người vừa tiến ra bờ hồ từ khu vực tượng đài Lý Thái Tổ thì bắt đầu có sự bắt bớ đánh đập. Khi đó ngay trước khu vực tượng đài có rất nhiêu an ninh sắc phục, thường phục, cảnh sát trật tự, giao thông đã đợi sẵn cùng với những chiếc xe buýt.”

Pháp cho biết bản thân đã bị bắt trái phép lên xe buýt và đưa về công an quận Long Biên để làm việc và diễn biến tiếp theo của cuộc tuần hành ở khu vực hồ Hoàn Kiếm thì Pháp không rõ. Theo Cali Today được biết thì có khoảng 20 người tham gia tưởng niệm bị bắt đưa về các đồn công an khác nhau trên địa bàn Hà Nội để làm việc, phần lớn được thả ra vào buổi chiều và cho đến tối ngày 19/1 vẫn còn một vài người bị bắt giữ mà chưa được phía công an thả ra.

Trở lại trận Hải chiến Hoàng Sa của 43 năm về trước, đã có 74 (có tư liệu nói là 75) tử sĩ VNCH hy sinh trong trận hải chiến này. Mặc dù không giữ được quần đảo Hòang Sa cho đất mẹ Việt Nam vì nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tinh thần chiến đấu quả cảm và anh dũng hy sinh vì nước của các tử sĩ VNCH đáng được Tổ quốc và người dân ghi ơn. Buổi tưởng niệm mà người dân tiến hành hôm nay thể hiện cho đạo lý “uống nước nhớ nguồn” ngàn đời để lại.

Một bạn trẻ khác cũng yêu quân lực VNCH tên là Nghĩa có tham dự buổi tưởng niệm sáng nay tại Hà Nội đã chia sẻ ý nghĩa của buổi tưởng niệm mà bản thân Nghĩa cảm nhận được với Cali Today:

“Là một công dân thì tôi có ý thức trách nhiệm đối với thế hệ cha anh đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền Quốc gia”

Pháp cũng chia sẻ ý nghĩa mà bản thân Pháp cảm nhận được thông qua việc tham dự buổi tưởng niệm như sau:

“Buổi tưởng niệm ngày 19/1 hàng năm thực sự có ý nghĩa với tôi rất lớn vì đó là ngày mà để tôi tưởng nhớ lại sự hy sinh anh dũng của các anh hùng ” Vị Quốc Vong Thân ” Nó cũng nhắc nhở tôi về tránh nhiệm của bản thân đối với vận mệnh dân tộc khi mà biết bao máu xương các tiền nhân đã đổ xuống để bảo vệ lãnh thổ lãnh hải quốc gia.”

Buổi tưởng niệm 43 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm năm nay xét chung thì diễn ra thành công, kết thúc vào lúc khoảng trưa cùng ngày.

Có nên tin vào thành ý “Hòa hợp Hòa giải dân tộc”…?

Mặc dù trong những năm gần đây, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã có phần nào tỏ ra “nhẹ nhàng” với những người ngày trước phục vụ cho chế độ VNCH, họ nêu cao sự “hòa hợp hòa giải dân tộc” nhưng có nhiều nguồn dư luận đã căn cứ vào hiện tình đất nước Việt Nam ở hiện tại đã kết luận là không nên tin nhà cầm quyền CSVN thật lòng muốn “hòa hợp hòa giải dân tộc”. Bằng chứng là nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa hết gây khó khăn cho những cá nhân, tổ chức tiến hành các hoạt động hướng về những người phục vụ cho thể chế VNCH như; Chương trình truy ân Thương phế binh VNCH hay viếng thăm, thắp hương tại nghĩa trang quân lực VNCH đều bị an ninh, công an của nhà cầm quyền CSVN bày trò gây khó khăn nhất định.

Chia sẻ với Cali Today về vấn đề “hòa hợp hòa giả dân tộc”, Nghĩa cho rằng mình không tin là nhà cầm quyền CSVN thật lòng. Nghĩa nói:

“Dựa vào những động thái của nhà cầm quyền thì tôi không tin họ thực lòng muốn hoà hợp hoà giải dân tộc. Ví dụ như sáng nay, là ngày tưởng niệm 43 năm trận hải chiến Hoàng Sa (19/1/1974), những người lính Hải quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã hi sinh để bảo vệ Hoàng Sa, vậy mà các kênh thông tin của nhà nước gần như không đề cập tới. Hoặc những gì liên quan tới chính thể Việt Nam Cộng Hoà đều bị bóp méo và nói xấu. Những người tham dự buổi tưởng niệm như tôi thì bị bắt, bị đánh và đẩy lên xe buýt và đưa về đồn công an.”
Trong khi Pháp thì cho biết vấn đề “hòa hợp hòa giải dân tộc” là không muốn nói nhiều nhưng cho rằng đã có sự thay đổi nhất định từ phía nhà cầm quyền CSVN.

“Tôi xin phép không được nói nhiều, chúng ta có thể tự nhìn vào thực tế nhưng tôi chỉ có nhận xét về thông tin trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974 trước đây thì bị bưng bít nhưng vài năm gần đây báo chí nhà nước cũng đã công khai đăng tin tôi nhận thấy đó cũng là một sự thay đổi nhỏ nhưng rất tốt.”

Theo Pháp, nhà cầm quyền CSVN tỏ ý muốn thay đổi là vì không còn nhiều lý do khác. Bản thân Pháp cảm thấy đúng hơn là nhờ có sự lên tiếng của những người đấu tranh, sức mạnh internet, sự thật thì mãi là sự thật và nhà cầm quyền CSVN không thể dấu giếm mãi được.

Cũng xin được nói thêm, Pháp nhiều bạn của Pháp trong nhóm những người bạn yêu quân lực VNCH đã bị bắt vào sáng nay. Bản thân Pháp lúc làm việc với công an Long Biên có bị một viên An ninh không rõ danh tính, đặc điểm đeo kính cận có tát mạnh vào mặt Pháp đến ba cái khi Pháp không chấp nhận ký kết bất cứ thứ gì.
“Họ bắt tôi viết tường trình và sau đó là làm việc với viên an ninh bên Hoàn Kiếm mang hàm Đại úy tên Hà Minh Hải hay Mạnh Hải gì đó số hiệu 124794 làm việc và tôi cũng không ký kết bất cứ giấy tờ gì cho đến khoảng hơn 14 giờ chiều tôi được một viên an ninh đưa ra cổng ra về.”- Pháp kết lời./.

THIÊN HÀ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT