Friday, March 29, 2024

Ngọn nến Thái Hà, ngọn nến cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình

Cali Today News – Một Thánh lễ cầu nguyện có tên là Công lý và Hòa bình diễn ra vào tối Chủ nhật của tuần cuối tháng, tại nhà thờ Thái Hà (số 180/2 phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội) thường thu hút hàng ngàn giáo dân lẫn người thường dân đến tham dự. Người đến tham dự Thánh lễ không chỉ được nghe tiếng kinh cầu nguyện, bài thánh giảng do các Linh mục chủ tế mà còn để cầu nguyện cho gia đình, người dân và đất nước Việt Nam được bình an, công lý và hòa bình phản ánh đúng sự thật với những sự kiện đang diễn ra ở hiện thực…

Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình vào tối ngày 1 tháng 1 năn 2017 (ảnh; Facebook JB Nguyễn Hữu Vinh)
Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình vào tối ngày 1 tháng 1 năn 2017 (ảnh; Facebook JB Nguyễn Hữu Vinh)

Ngọn nến cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình
“Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa… “

Đó là lời mở đầu của bài hát Kinh Hòa Bình thường vang lên trong mỗi tối có tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình. Đây vốn là một bài kinh nguyện còn gọi là Lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô, nó phổ biến trong cộng đồng Kitô giáo, đặc biệt là Công giáo nhưng chưa biết từ khi nào nó đã phổ thành nhạc được đông đảo người dân ở khắp nơi ca hát. Tại Việt Nam, đạo Công giáo có mặt từ khoảng thế kỷ XVI khi các nhà truyền giáo Châu Âu tới giảng đạo. Cộng đồng Công giáo Việt Nam là bộ phận của Giáo hội Công giáo Rôma, theo ước tính thì hiện nay ở Việt Nam có khoảng 7 triệu dân là người theo đạo Công giáo. Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa Bình là một trong những hạt động thường niên của đạo Công giáo. Do hoàn cảnh xã hội, chính trị nên biền biệt một khoảng thời gian dài, Cali Today ghi nhận số lượng người dân Việt Nam (không kể người theo đạo Công giáo) rất ít biết đến Thánh lễ này nhưng trong khoảng thời gian độc hơn chục năm trở lại đây, do sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các trang xã hội phổ biến khá nhiều thông tin liên quan đến các hoạt động của người theo đạo Công giáo gần với người thường dân hơn. Vì vậy, những hoạt động của đạo Công giáo nói chung và Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình nói riêng cũng từ đó được người dân biết đến nhiều hơn.

Theo Linh mục Gioan Nam Phong ở nhà thờ Thái Hà chia sẻ với Cali Today, Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình là một hoạt động nhưng cũng là nhu cầu chung của người theo đạo Công giáo.

“Thực ra thì nhu cầu cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình là nhu cầu chung và trong các lễ của Hội thánh có lễ cầu cho Công lý và Hòa bình. Cho nên nó là một nhu cầu, các nơi nếu người ta thấy cần thiết thì người ta cứ việc tổ chức.”

Tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình là hợp pháp về các mặt như về mặt giáo luật thì chẳng có gì cấm đoán gì. Tuy nhiên, Linh mục Gioan Nam Phong cho biết là việc tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa Bình còn tùy nhu cầu mọi nơi, ở Việt Nam hiện nay chỉ có ở nhà thờ Thái Hà hoặc bên Dòng Chúa Cứu Thế mấy năm nay mới tổ chức Thánh lễ. Linh mục Gioan Nam Phong giải thích:

“Tại vì nhu cầu chúng tôi thấy việc cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình là một trong những việc làm quan trọng nhất trong việc thay đổi cuộc sống con người nói chung kể cả việc thay đổi xã hội nữa.”

Và ý nghĩa của Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình vẫn giữ gìn một niềm tin tuyệt đối vào Đức Chúa Trời:

“Đối với chúng tôi, chúng tôi tin Thiên Chúa mới là đấng làm chủ của lịch sử, Chúa là đấng làm chủ của thời gian cho nên giao phó để Ngài hướng dẫn con người, nhất là những người có trách nhiệm trong xã hội thì phải biết chung tay xây dựng một xã hội hòa bình, ấm no thì đấy là lý do chúng tôi tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình”- Linh mục Gioan Nam Phong nói.

thien-2
Linh mục Gioan Nam Phong ở nhà thờ Thái Hà Hình (ảnh; Facebook JB Nguyễn Hữu Vinh)

Lần gần đây nhất mà nhà thờ Thái Hà tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình là vào ngày 1/1/2017, ngoài bài kinh giảng thì nội dung buổi Thánh lễ có thêm phần cầu nguyện cho các Tù nhân lương tâm. Nhìn xa hơn với những buổi Thánh lễ được tổ chức trước đây, nội dung Thánh lễ cũng có phần cầu nguyện cho sự bình an, công lý và hòa bình cho những người dân oan bị mất đất, những người bị tù oan sai hoặc những thảm họa của đất nước như nạn ngoại xâm, ô mỗi trường, giáo dục, y tế…Do đây toàn là những vấn đề “nóng” và “nhạy cảm” đang là thực tại ở xã hội Việt Nam nên đã có không ít nguồn dư luận trái chiều nói rằng một số nhà thờ Công gíao đã mượn danh tổ chức hoạt động tôn giáo nhưng lại nhằm mục đích để tuyên truyền chính trị, có những hoạt động biểu hiện đi ngược với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam (CSVN). Phản biện lại nguồn dư luận này, Linh mục Gioan Nam Phong cho rằng người ta có quyền suy diễn theo lối hiểu của người ta. Linh mục Gioan Nam Phong nói:

“Khi người ta không ưa thì người ta gán cho nó nhiều chuyện. Còn việc của chúng tôi làm là chúng tôi làm theo hướng dẫn của Hội thánh, làm theo hướng dẫn của Gíao huấn của Giáo hội Công giáo. Nói là làm chính trị cũng không hẳn đúng cũng không hẳn sai bởi vì mọi hoạt động trong xã hội đều liên quan đến chính trị, nói đến tôn giáo mà không có dính dáng đến chính trị thì chẳng đúng mà cũng chẳng sai vì cơ bản sự hiện diện của một tổ chức Tôn giáo nó cũng góp phần vào việc làm thay đổi xã hội và đất nước mà sự thay đổi này có liên quan đến chính trị. Cho nên việc có những dư luận như vậy thì chúng tôi cho là chuyện bình thường, còn việc chúng tôi nghĩ chúng tôi làm đúng thì cứ thế mà làm thôi, chẳng có cái gì phải trăn trở hay là để suy nghĩ, vấn đề là hiệu quả công việc mình làm có ảnh hưởng tốt hay xấu, nếu ảnh hưởng tốt đến xã hội thì chúng tôi nghĩ là nên làm và nên tiếp tục làm. “

Hà Nội vốn là nơi tập trung của những cơ quan đầu não Trung ương CSVN, trong những năm gần đây lúc nào cũng có đến hàng ngàn dân oan từ mọi miền đất nước tập trung về khiếu kiện, kêu oan. Và cũng hàng ngàn dân oan ấy không ai không biết đến nhà thờ Thái Hà, nhà thờ Thái Hà trở thành chổ để họ có được nơi che nắng che mưa trong hành trình đi tìm công lý, đòi quyền lợi thiết thực của bản thân bị tước đoạt không rõ ràng. Nhà thờ Thái Hà còn là nơi để các nhà hoạt động, những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam tìm đến cầu nguyện cho sự bình an, công lý và hòa bình cho người thân, người dân và đất nước. Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình ở nhà thờ Thái Hà trở thành Thánh lễ chứng giám cho niềm tin của những người gặp cảnh khổ ải, đọa đày đang khát khao ánh sáng. Tuy vậy, thứ ánh sáng này lại có phần nào đó đụng chạm tới lợi ích của cá nhân hay nhóm quyền lực ở bên phía nhà cầm quyền nên…

“Thực ra nóng hay nhạy cảm thì do ở suy nghĩ của chúng ta, chúng ta suy nghĩ như vậy thì nó như vậy còn tôi nghĩ đó là những vấn đề bình thường của xã hội, đấy là những sự thật của xã hội chứ không phải nóng hay nhạy cảm. Còn đối với anh em Nhà nước thấy việc tổ chức có đụng chạm đến quyền lợi của họ chắc chắn họ cũng sẽ tìm cách gây khó khăn thôi.”

Tuy nhiên, Linh mục Gioan Nam Phong nói rằng, những việc tổ chức Thánh lễ cầu nguyện ở nhà thờ Thái Hà không có gì sai về mặt pháp luật cũng như về mặt Gíao luật, Giáo lý cho nên Nhà nước mà có gây khó khăn gì thì nhà thờ Thái Hà cũng không thấy ái ngại cho lắm, dĩ nhiên là có khó khăn về mặt áp lực này kia. Linh mục Gioan Nam Phong nói tiếp:

“Như chúng tôi đã nói, việc chúng tôi làm không có gì sai, nhiều lần chúng tôi cũng đã nói với những người lãnh đạo, những người có trách nhiệm trong xã hội khi họ đề cập đến vấn đề này nếu là sai thì Nhà nước phải có văn bản cấm còn nếu không cấm thì chúng tôi được phép làm. Cho nên, đến bây giờ chúng tôi tổ chức Thánh lễ như vậy nói chung là cũng không bị gây cản trở, không bị gây khó khăn gì nhiều. Hôm Noel vừa rồi nhiều vị trong các cấp chính quyền đến chúc Giáng sinh thì chúng tôi có nói với họ là chúng tôi sẽ cầu nguyện cho họ trong các Thánh lễ Công lý và Hòa bình, và chúng tôi không thấy họ có phản ứng gì, họ cũng có vẻ ngầm ủng hộ vì đây là một việc làm tốt khi cầu nguyện cho họ.”

Theo như Cali Today tìm hiểu thì nhà thờ Thái Hà có không ít lần đụng độ căng thẳng với nhà cầm quyền Hà Nội như về vấn đề đất đai và cũng có bị nguồn dư luận “ăn theo” cho là nơi chứa chấp những kẻ “phản động”, những kẻ “chống đối Đảng và Nhà nước CSVN” hay những những kẻ “gây rối trật tự công cộng vi phạm pháp luật CSVN”…Tuy vậy, vượt lên bao khó khăn nhà thờ Thái Hà vẫn còn đó, tiếng Kinh Hòa Bình trong những buổi Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa Bình ở nhà thời Thái Hà vẫn ngân vang. Mùa đông ở Hà Nội lạnh lẽo, buốt giá nhưng đã có hàng ngàn ngọn nến ở bên trong nhà thờ Thái Hà được thắp sáng, hàng ngàn người được sưởi ấm và sẽ tiếp tục lan tỏa hơi ấm đến nhiều nơi./.

THIÊN HÀ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img