Việt Nam – Nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An vào hôm 26/01/2018 vừa qua, đã huy động hơn 1000 người bao gồm: công an, cảnh sát cơ động và các lực lượng chức năng khác để cưỡng chế lấy đất của 54 hộ dân ở xã Nghi Kim, sinh sống gần Giáo họ Đông Yên nhằm phục vụ dự án: Xây dựng trụ sở làm việc của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Nghệ An. Cuộc cưỡng chế với kết quả là nhà cầm quyền đã giành “thắng lợi” một cách nhanh chóng trước người dân…
Chênh lệch, thiệt thòi tiền đền bù cho người dân là rất lớn
Theo ông Thu, một giáo dân ở khu vực có diện tích đất nông nghiệp bị cưỡng chế đã cho Cali Today biết, diện tích đất này vốn thuộc của 54 hộ dân hiện ở xóm 13A, xóm 14 xã Nghi Kim, thành phố Vinh nhưng trước kia thuộc xã Nghi Phú, do ông bà để lại. Việc nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An cưỡng chế lấy đất là nhằm phục vụ dự án: Xây dựng trụ sở làm việc của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Nghệ An. Ông Thu chia sẻ:
“Đất này là đất của bà con do cha ông để lại, vùng đất này trước đây thuộc xã Nghi Phú nhưng sau đó phân chia, thuộc địa giới hành chính xã Nghi Kim và vẫn để người dân ở Nghi Phú canh tác, sản xuất hằng năm. Vừa rồi, chính quyền có chủ trương thu hồi làm dự án; Xây dựng trụ sở làm việc của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Nghệ An.”

Vụ cưỡng chế xảy ra vào sáng ngày 26/01/2018, ông Thu cho Cali Today biết ước chừng nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã huy động khoảng hơn 1000 người hoặc hơn nữa chứ không thể thấp hơn bao gồm: công an, cảnh sát cơ động và các lực lượng chức năng khác, áp đảo người dân có mặt để giữ đất tại thời điểm đó khoảng hơn 100 người. Cuộc cưỡng chế có kết quả “thắng lợi” nhanh chóng giành cho phía nhà cầm quyền.
“Dùng lực lượng cả hơn ngàn người trong khi giáo họ của chúng tôi khỏang 100 người thì làm sao trứng mà chọi lại được với đá. Cho nên giờ họ huy động máy san lắp, coi như họ ăn lấy luôn đất của chúng tôi”- Lời của ông Thu.
Việc thực hiện cưỡng chế được thực hiện theo Quyết định số 5474/QĐ-UBND ngày 17/08/2017, Quyết định số 6430/QĐ-UBND của Thành phố Vinh về việc thu hồi đất ở xã Nghi Kim và Quyết định 9715 ngày 29/12/2017 về việc gia hạn thời gian cưỡng chế.
Trong khi đó, tại Biên bản xác nhận nguồn gốc diện tích đất SXNN thuộc xứ đồng Xăng Dầu- Bắc đường 46 do Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đóng dấu là ông Đặng Xuân Đình ký ngày 10/05/2017 có nội dung: Căn cứ cuộc họp mở rộng BQL HTX DVNN Hùng Mạnh Tiến, xã Nghi Phú ngày 20/04/2017 về việc xác định nguồn gốc, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện dự án; Xây dựng trụ sở làm việc của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Nghệ An.
1.Nguồn gốc: -Trước năm 1970 xã Nghi Phú thuộc về huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Khi chưa thành lập HTX NN thì số diện tích này là của người dân xã Nghi Phú quản lý và canh tác hằng năm.
-Từ năm 1960-1962 có chủ trương của Đảng và Nhà nước thành lập HTX NN Hùng Tiến làm ăn tập thể, sau khi HTX được thành lập đã trực tiếp vận động bà con nông dân xây dựng đóng góp các tư liệu sản xuất như: đất đai, trâu bò, cày cuốc. Trong đó có một số đất sản xuất thuộc xứ đồng Xăng dầu (bắc đường 46), sau khi người dân đóng góp đất đai và các tư liệu sản xuất giao cho HTX quản lý điều hành. Sau đó một thời gian có chủ trương thành lập HTX gọi là Hùng Mạnh Tiến. Trong xã có 3 HTX Hùng Mạnh Tiến, Hồng Hoa Thái, Yên Mỹ vào năm 1977 chủ trương của nhà nước đã nhập 3 HTX thành 1 HTX thống nhất nhưng đến năm 1980 do làm ăn không có hiệu quả nên nhà nước lại chia cắt ra thành 3 HTX Hùng Mạnh Tiến, Hồng Hoa Thái, Yên Mỹ.
-Năm 1970 nhà nước có chủ trương tách xã Nghi Phú để sát nhập vào thành phố Vinh, sau khi tách ra huyện Nghi Lộc đã bàn giao đất đai và các tư liệu sản xuất về cho HTX, xã Nghi Phú chịu trách nhiệm quản lý và điều hành.
-Từ năm 1986 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, HTX NN Hùng Mạnh Tiến để điều hành thực hiện giao khoán gọn cho hộ gia đình quản lý và sử dụng ổn định theo định suất lao động và nhân khẩu đồng thời làm nghĩa vụ nộp thuế hằng năm cho Nhà nước.
Hiện nay có chủ trương thu hồi một số diện tích tại vùng xăng dầu để thực hiện dự án xây dựng trụ sở làm việc của cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Nghệ An.
– Số hộ bị thu hồi: 54 hộ.
– Tổng số diện tích bị thu hồi: 41.382,2m2
Trong đó: Đất HTXX được hỗ trợ chi phí đầu tư: 4.543m2
Đất sản xuất hộ cá thể: 01 hộ 3328m2
Vậy cuộc họp thống nhất ý kiến xác minh nguồn gốc đất diện tích bị thu hồi của 54 hộ để thực hiện dự án trên là đúng sự thật.

Ông Thu cho Cali Today biết thêm, cho đến trước ngày cưỡng chế 26/01/2018 vừa qua thì từ năm 2016 đến nay phía nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An nhiều lần dọa cưỡng chế nhưng cũng nhiều lần không thành, một phần do người dân của 54 hộ dân liên tục khiếu nại lên các cấp chức năng. 54 hộ dân thực ra cũng không muốn giữ đất hoặc cản ngăn gì về việc nhà cầm quyền Nghệ An muốn lấy đất để xây dựng dự án trụ sở làm việc của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, căng thẳng với nhà cầm quyền.
Theo ông Thu và đông đảo người dân cho Cali Today biết chủ yếu là do việc đền bù có những phi lý về giá cả nên 54 hộ dân không chấp nhận. Ông Thu nói:
“Đền bù cho dân, các dự án trong xã, dự án phòng cảnh sát công an là 750 triệu đồng/sào (500m2), trường quốc phòng Quân Khu IV cũng 750 triệu, Tòa án tỉnh cũng 750 triệu…nhưng đền bù cho ở đây chỉ có 170 triệu đồng. Dân không đồng ý”
“Chúng tôi yêu cầu họ đền bù 750 triệu/sào, tức là bằng tất cả dự án khác trong xã mà giờ họ chỉ chi trả cho 170 triệu, chênh lệch nhau 580 triệu.”
Ngày 24/01, nhiều hộ dân gửi đơn từ, phía nhà cầm quyền nói là sẽ thanh tra trong vòng 49 ngày nhưng sau đó thì người dân không thấy trả lời như thế nào.
“Chiều ngày 24/01, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An có mời 54 hộ dân có diện tích đất nằm trong dự án và trong đó có một sào của giáo họ Đông Yên…thông báo cưỡng chế…”
“Ngày 26/01 họ tổ chức cưỡng chế, chúng tôi ra là họ đánh đập. Họ đập anh Sơn cũng đau lắm, đồng thời bắt đi một số người. Họ bắt đi để họ cưỡng chế mà họ dùng biện pháp đánh đập tàn nhẫn, ai đưa diện thoại quay là họ lấy điện thoại, nghe điện thoại họ cũng đánh rồi.”
Số người bị bắt, sau khi cưỡng chế xong phía Công an đã thả họ ra hết. Đất đai của 54 hộ dân hiện đã bị cưỡng chế, nhà cầm quyền Nghệ An đưa máy ủi, máy xúc vào xúc đất, tiến hành việc xây dựng dự án. Người dân có đất bị cưỡng chế cho biết vẫn tiếp tục con đường đấu tranh bằng con đường khiếu nại, khiếu kiện chứ không thể làm gì khác hơn./.
QUÊ HƯƠNG