Thursday, March 28, 2024

Hưởng ứng ngày “Công ước Chống tra tấn”, phản đối đánh đập và sách nhiễu người dân

Vietnam – Cali Today News – Một số nhà hoạt động và nhân sĩ trí thức ở vài tỉnh thành của Việt Nam vào ngày 26/6/2018, đã có những hoạt động hưởng ứng 31 năm ngày Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc có hiệu lực (26/6/1987- 26/6/2018), cũng nhằm lúc nhắc lại tình cảnh rất nhiều người biểu tình chống dự thảo Luật Đặc khu và luật An ninh mạng 2018 khoảng hai tuần vừa qua bị Công an, An ninh Việt Nam sách nhiễu, hành hung và đánh đập thô bạo tại các nơi tạm giam, tạm giữ…

Tên đầy đủ của “Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc” là “Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác” được Liên Hiệp Quốc chấp thuận vào ngày 10/12/1984 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Từ đây ngày 26/6 hằng năm được công nhận là “Ngày quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn” dịch theo Tiếng Anh là: (International Day in Support of Torture Victims).

Ngoài lời mở đầu thì Công ước có 33 điều khoản, được chia làm 3 phần có nội dung theo cấu trúc của các Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự& Chính trị và Công ước Quốc tế về các Quyền kinh tế, Xã hội và Văn hóa.

Theo Công ước này thì định nghĩa “Tra tấn” được hiểu là: bất kỳ hành động nào tạo ra sự đau đớn nặng nề hoặc đau khổ – dù thể xác hay tâm thần – do cố ý gây ra cho một người nhằm các mục đích là đạt được thông tin hay một lời thú nhận từ anh ta hoặc một người thứ ba, trừng phạt anh ta vì một hành động mà anh ta hoặc người thứ ba đã phạm hoặc bị nghi là đã phạm, hoặc đe dọa, ép buộc anh ta hoặc một người thứ ba, hoặc đối với bất kỳ lý do nào dựa trên sự phân biệt đối xử bất kỳ loại nào, khi nỗi đau đớn hay đau khổ như vậy gây ra bởi – hoặc theo sự xúi giục – hoặc với sự đồng ý – hoặc chấp thuận – của một quan chức hoặc người khác hành động trên cương vị chính quyền. Nó không bao gồm sự đau đớn hoặc đau khổ ngẫu nhiên hoặc vốn có khi bị các hình phạt đúng theo luật.

Việt Nam tham gia ký kết Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc vào ngày 7/11/2013 và chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 7 /3 /2015. Như vậy tính đến nay Công ước này đã có hiệu lực tại Việt Nam và người dân Việt Nam thừa hưởng thành quả này được hơn 3 năm nhưng sự thật chính quyền Việt Nam tôn trọng, tuân thủ những quy định của Công ước đã ký kết với quốc tế như thế nào?.

Một số nhân sĩ trí thức hưởng ứng ngày 26-6, công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc (ảnh;Tễu-Blog)

Cần phải nhắc lại, trước khi Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc chính thức có hiệu lực tại Việt Nam thì trong vòng 3 năm từ 2012-2015 báo đài Việt Nam cho biết là đã có 226 người dân thường chết trong các nhà tạm giam, tạm giữ của Công an Việt Nam. Từ năm 2015 đến nay, tức là khoảng thời gian Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc chính thức có hiệu lực tại Việt Nam thì chưa thấy báo đài Việt Nam công bố số liệu người dân chết trong các nhà tạm giam, tạm giữ của Công an Việt Nam là bao nhiêu? Nhưng chắc chắn là có không ít trường hợp tử vong và đặc biệt rõ ràng nhất là các hành vi dùng nhục hình, đánh đập của những viên Công an đối với người bị tạm giam, tạm giữ.

Mấy năm qua, Cali Today cũng đã phản ánh thông tin không ít trường hợp người dân ở các tỉnh thành Việt Nam, các nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam tố cáo bản thân những viên Công an Việt Nam lạm quyền hành hung, nhiều trường hợp bị thương tích khá nặng nề.

Ngày 26/6/2018, một số nhà hoạt động cũng như vài nhân sĩ trí thức ở Sài Gòn, Hà Nội và vài tỉnh, thành khác của Việt Nam đã có những hoạt động nhằm hưởng ứng “Ngày quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn”, đồng thời phản đối việc nhà cầm quyền Việt Nam đã để cho lực lượng Công an ở các tỉnh thành bắt bớ, đánh đập thô bạo những người biểu tình khi họ có những hoạt động bày tỏ chính kiến, phản đối dự thảo luật Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và luật An ninh mạng 2018 vào các ngày Chủ nhật 10/6, 17/6 khiến cho rất nhiều người bị trọng thương, nhiều người bị khởi tố chuẩn bị đối mặt với bản án tù, ngoài ra còn có rất nhiều người bị đưa giấy mời mời tới trụ sở Công an làm việc, bị phạt hành chính, bị canh cửa gây trở ngại cho việc đi lại, trở ngại các sinh hoạt thường ngày…

Tại Sài Gòn. Chị X cùng chồng vào ngày 17/6/2018 có đến nhà thờ Đức Bà dự tính sau khi dự lễ xong sẽ cùng một số người dân hưởng ứng cuộc biểu tình bày tỏ chính kiến phản đối dự thảo luật Đặc khu và luật An ninh mạng 2018 thì ban đầu bị những thanh niên mặc thường phục ập tớ kiểm tra giấy tờ, túi xách. Vợ chồng chị X không chấp nhận việc bị kiểm tra vô cớ nên đã bị những thanh niên này áp sát vào hành hung và bắt giải về trại tập trung được lực lượng Công an, An ninh Sài Gòn dựng tạm ở Công viên Tao Đàn.

Chị X cho biết bản thân chị và chồng của chị tiếp tục bị những viên Công an, An ninh đánh đập, tra tấn hết sức thô bạo đặc biệt là đối với chồng chị X. Chia sẻ qua trang Facebook cá nhân chị X nói:

“Những cú đập đầu và vỗ vào tai khiến tôi ù tai, nhức óc chịu không nổi. Tôi bị chúng đá như quả bóng. Chồng tôi bị chúng lấy nón bảo hiểm đập vào đầu và dùng chân đá mạnh vào bụng. Anh ấy ngất xỉu nhiều giờ liền nhưng chúng không quan tâm. Khi tôi yêu cầu đưa chồng tôi đi bệnh viện để cấp cứu thì có một viên an ninh đeo bản tên tên là Lê Cao Minh Quân chỉ thẳng mặt tôi nói “mày câm mồm đi con kia. Đây không phải ngoài đường nhá !”.”

“Cứ một lúc chúng lại lôi vào một người bị còng tay và chúng thi nhau tra tấn. những cú đấm, cú đạp chủ yếu lên đầu liên tiếp diễn ra như thời trung cổ. Tôi không thể tưởng tượng được mức độ ác độc của an ninh đối với những người dân vô tội như chúng tôi.”

“Tới 14 giờ chiều cùng ngày, chồng tôi không thở được nên tôi cố gắng dìu anh ra ngoài kêu xe đi cấp cứu”

Đó là những lời thuật lại vắn tắt của chị X, một trường hợp trong số rất nhiều trường hợp về việc người dân tố cáo bản thân bị những người công tác trong ngành Công an Việt Nam đánh đập, hành hung tại những nơi tạm giam, tạm giữ đặc biệt là đối với những người hoạt động dân chủ-nhân quyền, bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Có lẽ đây là câu trả lời xác đáng nhất cho câu hỏi rằng, nhà cầm quyền Việt Nam có thực sự tôn trọng, nghiêm túc tuân thủ đối với những quy định nằm trong Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế hay không?./.

QUÊ HƯƠNG

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img