Thursday, March 28, 2024

Hà Nam: Đụng độ căng thẳng giữa dân và Nhà cầm quyền vì nạn khai thác cát trái quy định

Cali Today News – Ngày 30/8/2016, đụng độ xảy ra giữa người dân xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam với lực lượng công an, cảnh sát cơ động. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân bất mãn trước tình trạng khai thác cát quá mức cho phép, khai thác không đúng giấy phép của các công ty Phú Gia, Tiến Lộc, Đồng Phát và công ty xây dựng và đầu tư (XD&ĐT) Phúc Lợi được Cục Đường thủy nội địa cấp giấy phép thực hiện dự án cải tạo luồng lạch sông Hồng. Người dân đã đánh đắm tàu cuốc số 19 của công ty XD&ĐT Phúc Lợi vào tháng 4/2016, nay chính quyền tỉnh Hà Nam huy động lực lượng đến trục vớt chiếc tàu cuốc này nhưng người dân yêu cầu phải có biên bản, giữ tang vật…

Đụng độ căng thẳng vì nạn khai thác cát trái quy định…

Từ những video được người dân quay lại cho thấy, một lực lượng khoảng mấy trăm công an, cảnh sát cơ động với đầy đủ dùi cui, khiêm chắn đối nghịch với phía người dân cũng khoảng mấy người nhưng tòan người già, phụ nữ tay không tắc sắt. Người dân đã dùng gạch, đá để chống trả lực lượng công an, cảnh sát cơ động đang bày binh bố trận để bắt người. Những video sau đó được đăng tải lên cộng đồng mạng Internet đã thu hút sự quan tâm, theo dõi đặc biệt của dư luận Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước.

Theo ông Trần Đăng Trào, một người dân sinh sống ở khu vực xảy ra đụng độ có biết đầu đuôi câu chuyện nhưng hôm 30/8/2016, khu vực nơi ông Trào sinh sống đã bị lực lượng công an, cảnh sát cơ động dùng dây, rào chắn phong tỏa nên ông Trào không ra được khu vực đụng độ nhưng có nghe người dân kể lại, chia sẻ với Cali Today rằng:

“Cách đây mấy ngày (ngày 30/8/2016), họ (lực lượng công an, cảnh sát cơ động) về trục vớt tàu cuốc (số 19) mà cách đây không lâu bị người dân họ đánh đắm. Giờ lực lượng chức năng trục vớt tàu để di chuyển, điều tra gì đó. Dân ra yêu cầu phải có biên bản này kia, giữ tang vật. Tôi ở trong vùng phong tỏa, không ra ngoài được”.
Từ ông Trào cũng như thông tin từ phía người dân địa phương thì Cali Today được biết, vào năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã cấp phép hoạt động khai thác cát cho 3 công ty là Phúc Gia, Tiến Lộc, Đồng Phát và năm 2015, Cục Đường thủy nội địa cấp phép thực hiện Dự án cải tạo luồng lạch sông Hồng cho công ty Phúc Lợi. Địa bàn hoạt động của các công ty này nằm ở đoạn sồng Hồng đi qua huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chỉ khoảng hơn 10km. Một mặc độ khai thác “rầm rộ” cả đêm lẫn ngày và hoạt động dày đặc là nguyên nhân gây sụt lún bờ kè, sạt lỡ đất canh tác của các hộ dân ở sát mép sông. Chưa dừng, ngoài những công ty được cấp phép trên, người dân điạ phương còn phản ánh có nhiều tàu hút cát từ nơi khác đến lén lút hoạt động, gây mất trật tự.

Một ông lão đương đầu với hàng rào cảnh sát cơ động đông đặc lúc xảy ra đụng độ (ảnh; cắt từ video Trần Thúy Nga)
Một ông lão đương đầu với hàng rào cảnh sát cơ động đông đặc lúc xảy ra đụng độ (ảnh; cắt từ video Trần Thúy Nga)

“Ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Thứ nhất, đêm hôm nó cũng hút suốt đêm ảnh hưởng đến bữa ăn giấc ngủ của dân. Thứ hai nữa là bờ kè bị sụt lún.”

Theo ông Trào, tình trạng khai thác cát quá mức, không đúng vị trí, người dân có đi gặp các công ty trên cũng như đơn từ lên các cấp chính quyền yêu cầu ngừng việc khai thác gần bờ nhưng không được đáp ứng, dẫn đến việc căng thẳng giữa người dân ven sông với các công ty, cá nhân khai thác cát xảy ra thường xuyên.

Từng trả lời trước báo chí Nhà nước Việt Nam, ông Trần Quang Vinh, chủ tịch xã Chân Lý xác nhận sự việc trên là có thật. Cũng theo ông Vinh, phía Công ty Phúc Lợi được sự chấp thuận của các cơ quan cấp trên (UBND tỉnh có văn bản chấp thuận số 1187/UBND ngày 18/7/2014, hợp đồng thực hiện dự án được ký kết giữa Công ty với Cục đường thủy nội địa Việt Nam). Thời gian triển khai dự án từ tháng quý IV/ 2014 đến quý IV/2017. Theo đó, khoảng cách được phép khai thác cách bờ kè nơi gần nhất là 170m, còn xa nhất là 220m, cao độ đáy tối đa là – 5,2m. Thời gian khai thác 8h/ngày và không được khai thác vào ban đêm. Tuy nhiên, theo ông Vinh: “Trên thực tế, nhiều khi, Công ty không thực hiện đúng như cam kết, họ khai thác cả vào ban đêm, không ít lần tiến sát vào đất liền.”

Ngày 3/1/2016, ông Trào cùng người dân của xóm 1 và xóm 2 của thôn Đông Yên, xã Chân Lý đến gặp một công ty con của công ty Phúc Lợi yêu cầu ngừng hoạt động và di chuyển sang nơi khác nhưng công nhân của công ty này đã dùng bình gas cùng bật lửa đe dọa dân, dùng xăng đổ té ra đường và hất xăng vào dân hậu quả là ông Trào đã bị xăng hất vào mặt. Theo kết quả khám tại bệnh viện mắt Hà Nam, ông Trào bị bỏng giác mạc độ II. Chia sẻ về vụ việc này, ông Trào nói:

“Giữa dân và công ty khai thác có xảy ra xô xát với nhau, tôi có ở đấy và bị họ hất xăng vào mặt. Vụ việc này cách đây cũng lâu rồi, tháng 1/2016.”

Chưa dừng, ngày 17/4/2016, người dân phát hiện tàu cuốc số 19 của công ty XD&ĐT Phúc Lợi đang hoạt động trên sông liền tự phát đập phá, đánh đắm chiếc tàu cuốc này.

Sau hơn 4 tháng, Cơ quan công an tỉnh Hà Nam thành lập chuyên án xác minh và làm sáng tỏ vụ việc theo quy định của pháp luật, đồng thời tổ chức trục vớt tàu cuốc số 19 để giám định.

Đụng độ giữa người dân với lực lượng công an, cảnh sát cơ động (ảnh; cắt từ video Trần Thúy Nga)
Đụng độ giữa người dân với lực lượng công an, cảnh sát cơ động (ảnh; cắt từ video Trần Thúy Nga)

Ngày 30/8/2016 vừa qua, mấy trăm công an, cảnh sát cơ động đã được điều động về xã Chân Lý, huyện Lý Nhân để bảo vệ tổ trục vớt nhưng như phản ánh trên là đã xảy đụng độ với mấy trăm người dân tại địa phương.
“Dân chúng tôi đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng thôi nhưng không hiểu sao họ (chính quyền) đưa một lực lượng rất đông. Hôm đó gia đình tôi ở khu vực gần bờ sông nên bị phong tỏa không cho ra vào. Ở ngoài người dân bức xúc, ném đá vào lực lượng cảnh sát cơ động”.

Ông Trào nói:

“Có một người phụ nữ bị chúng (lực lượng công an, cảnh sát cơ động) dùng dùi cui đánh, con của nạn nhân lên đấu tranh bị cơ động nó bắt vào cơ quan công an huyện. Tôi chỉ nghe nói vậy.”

Ông Trào giải thích về việc, có hay không việc chính quyền tỉnh Hà Nam huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động đông đảo như vậy là để bảo vệ nhóm lợi ích, đàn áp dân?

“Chính quyền điều động lực lượng vũ trang về bảo vệ đơn vị trục vớt nhưng thật sự cũng có khía cạnh đúng vì tự nhiên cả làng thì nó nhỏ mà đem cả năm, sáu trăm công an, cảnh sát về nhiều khi nó gây phản ứng. Việc này đúng ra thông báo cho dân, không ảnh hưởng tiền của, công sức của lực lượng chính quyền.”

Toàn khu vực bị ảnh hưởng bởi nạn khai thác cát trái quy định ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam theo ông Trào là có hơn 1000 hộ dân. Người dân nhiều lần yêu cầu chính quyền giải quyết nhưng không thấy chính quyền giải quyết nên phát sinh ra sự đối đầu giữa dân với chính quyền.

Giấy ra viện của ông Trần Đăng Trào, nạn nhân bị hất xăng vào mặt vào tháng 1-2016 (ảnh;thươnghieucongluan.com)
Giấy ra viện của ông Trần Đăng Trào, nạn nhân bị hất xăng vào mặt vào tháng 1-2016 (ảnh;thươnghieucongluan.com)

“Chính quyền cấp xã thì nói là không phải thẩm quyền của xã, lên huyện thì huyện cũng nói không phải thẩm quyền, thẩm quyền cấp phép là ở tỉnh hoặc Trung ương. Dân có đơn từ lên tỉnh, có đơn lên văn phòng Quốc hội, văn phòng Chính phủ đều có cả nhưng không thấy giải quyết. Có một phóng sự của đài hình cũng về điều tra, phía Cục trưởng Cục Đường thủy nói không cấp phép nhưng giờ lại cấp phép trong khi dân không có đủ điều kiện để điều tra, nói chung việc này chủ yếu là ở phía chính quyền”- lời ông Trào.

Theo một người dân giấu tên cho biết, người dân xã Chân Lý, huyện Nhân Lý đã va chạm rất nhiều lần với nhóm “cát tặc” nhưng không hiểu sao các cấp chính quyền vẫn như không hay biết. “Cát tặc” ngày càng lộng hành khiến người dân đã đặt câu hỏi; Khả năng đang có một nhóm lợi ích nào đó đang chống lưng cho bọn “cát tặc” nên chúng mới côn đồ, lộng hành như vậy?

THIÊN HÀ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img