Friday, March 29, 2024

An Giang: Có đánh người và cưỡng chế đất

Việt Nam – Như Cali Today từng đưa tin trước đây về vụ việc “An Giang: Người dân khóc vật vã do lúa bị xịt chết trong quá trình cưỡng chế” ở xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang không chỉ nạn nhân Trần Thị Thùy Trang là nhân vật trong bài báo này tố cáo người thân của bà bị lực lượng cưỡng chế cuả nhà cầm quyền vào ngày 14/12/2017 đánh đập mà qua tìm hiểu, Cali Today còn nhận biết thêm một hộ gia đình khác đồng tố cáo lên dư luận là người thân của mình cũng bị đánh đến đổ máu, thô bạo trong cùng vụ việc này…

Có đánh người và cưỡng chế đất

Hộ gia đình mà Cali Today nhắc đến chính là hộ gia đình của ông Đinh Hữu Đức và vợ ông Đức là bà Dư Thị Kim Loan cũng ở xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Cali Today đã có cuộc trao đổi với ông Bảy là người thân của hộ gia đình này thì được ông Bảy cho biết vào ngày 14/12/2017, Cục thị hành án tỉnh An Giang đã tiến hành cưỡng chế để lấy đất ruộng của một số hộ dân ở xã Phú Thạnh đặng giao cho chủ đất mới có quyền sử dụng đất thông qua cuộc bán đấu giá đất của hộ gia đình ông Nguyễn Thành Nhơn và bà Nguyễn Thị Thu Thảo vào năm 2015. Qúa trình cưỡng chế, lực lượng cưỡng chế không chỉ đánh người thân của bà Trang như Cali Today từng phản ánh mà còn hành hung rất thô bạo đối anh Trường là cháu của ông Bảy, cũng là con của ông Đức và bà Loan khiến anh Trường đổ máu ở đầu, còn bị còng tay đưa lên xe như tội phạm.

“Có đánh cháu tôi(anh Trường),  mặt mày bùn dính không thấy gì hết, đổ máu chỉ vì nó nói là đất này đang kháng án lên Tòa án Giám đốc thẩm thành phố Long Xuyên rồi, chưa xử mà tại sao mấy ông lại cưỡng chế. Chỉ cãi nhau vậy thôi mà họ đánh thương tích nơi đầu thằng nhỏ, nhấn nó xuống bùn”

Hình 1. Vết thương trên mặt của anh Trường được cho là bị lực lượng cưỡng chế tỉnh An Giang đánh (ảnh_ Facebook Dinh truong)

Hộ gia đình ông Đức và hộ gia đình bà Trang là 02 trong số 27 hộ gia đình trước đó được hộ gia đình ông Nhơn cầm cố bằng hình thức viết giấy tay bên giao tiền, bên giao đất. Số tiền hộ gia đình ông Đức cầm cố để lấy phần một đất ruộng của hộ gia đình ông Nhơn là 230 triệu đồng.

Như Cali Today đưa tin trước đây đối với hộ gia đình bà Trang. Năm 2015, hộ gia đình ông Nhơn làm ăn thất bại, nợ Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Á Châu cùng với 27 hộ gia đình cầm cố, tức là chủ nợ với số tiền trên 47 tỷ đồng nên đã dùng toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đi vay ngân hàng. Biết được vụ việc này, hộ gia đình bà Trang, ông Đức cùng 25 hộ gia đình khác đã làm đơn khiếu kiện. Tòa án các cấp ở An Giang xét xử và ra quyết định cho phát mãi toàn bộ số đất đai của ông Nhơn, ưu tiên bán cho những hộ gia đình là chủ nợ của ông Nhơn, căn cứ vào Điều 196 Bộ luật Tố tụng Dân sự khi bán tài sản, chủ sở hữu được quyền ưu tiên mua. Cũng tại quyết định của Tòa án, có yêu cầu hộ gia đình ông Nhơn phải trả lại toàn bộ số tiền cầm cố đất trước kia cho hộ gia đình ông Đức, tức là 230 triệu. Tuy nhiên, do làm ăn phá sản nên hộ gia đình ông Nhơn đến nay vẫn không có khả năng trả tiền cho hộ gia đình ông Đức nên hộ gia đình ông Đức vẫn tiếp tục canh tác trên diện tích đất cầm cố chứ chưa thể giao đất cho hộ gia đình ông Thơ.

Khi phát mãi xong tài sản hộ gia đình ông Nhơn, Thi hành án tỉnh An Giang đã thanh toán cho ngân hàng Công thương với số tiền gần 641 triệu đồng và thanh toán cho ngân hàng Á Châu gần 11.9 tỷ đồng. Số tiền còn lại ưu tiên trả cho các hộ gia đình đã cầm cố với hộ gia đình ông Nhơn căn cứ vào Điều 308 Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, không biết các hộ gia đình khác có nhận khoản tiền trả nợ này hay không nhưng hộ gia đình bà Trang và ông Đức lại phản ánh với Cali Today chưa nhận được đồng nào, đồng thời đất cũng không được ưu tiên mua lại theo Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự mà đã bị bán đấu giá cho chủ sử dụng mới. Như vậy, hộ gia đình bà Trang và ông Đức đứng trước nguy cơ bị mất trắng tài sản. Hộ gia đình ông Đức làm đơn gửi lên Tòa án Long Xuyên xin Giám đốc thẩm vụ án.

“Tòa án sơ thẩm ở Phú Tân có xử, bắt buộc vợ chồng ông Nhơn phải trả tiền lại nhưng mà khi Cục Thi hành án giải quyết bán đấu giá, mình mới xin mua lại đất nhưng Cục Thi hành án giải quyết cho người khác mua. Tiền không trả, vì vậy đất còn ở đó cho đến khi nào trả tiền mới trả đất chứ giờ tay không, tiền vay ngân hàng lấy đâu trả.”- Lời của ông Bảy. 

Hình 2. bà Traang đau đớn vật vã trên ruộng lúa chết sau khi bị cưỡng chế (ảnh_ Facebook Dinh Truong)

Tuy nhiên, vào lúc khoảng từ 08-09h ngày 14/12/2017, đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang gồm các ông Nguyễn Thanh Huy và Trương Ngọc Thiệt kết hợp với lực lượng Công an, Cảnh sát, các đoàn thể chức năng khác lên đến khoảng 60 người tiến hành cưỡng chế lấy đất ruộng của hộ gia đình bà Trang, ông Đức nhằm giao cho hộ gia đình gọi chung là chủ đất mới. Các thành viên trong hộ gia đình ông Đức phản đối việc cưỡng chế. Anh Trường xuống ruộng phản đối bị lực lượng cưỡng chế nhấn xuống bùn, đánh đổ máu đầu, còng tay đưa lên xe. Bạn của anh Trường có mặt tại thời điểm cưỡng chế cũng bị đánh. Ông Bảy nói:

“Có thằng bạn của nó (anh Trường) vào can cũng bị đè, đánh đôi ba cái gì đó nhưng mà không có thương tích.”

“Bao nhiêu người đứng ở đó, cả trăm người ai cũng kêu trời…tôi nhìn thấy mà tôi muốn xỉu luôn. Tôi vào vừa tới là họ dẫn Trường đi, tôi muốn xỉu nhìn mặt mày hai đứa bùn lầy, máu chảy. Cả trăm người đứng ngoài ai cũng kêu trời hết.”

Cũng như bà Trang từng phản ánh ở bài báo trước, ông Bảy cũng khẳng định việc đánh người diễn ra công khai, có sự hiện sự của đội Thi hành án và lực lượng Công an thì khó lý giải do người dân tự phát mâu thuẫn được.

“Tại vì lúc này có mặt của đội Thi hành án ở đó, có cả Công an. Chỉ cãi nhau nội chuyện đó không thôi.”- Ông Bảy kết thúc cuộc tao đổi với Cali Today./.

QUÊ HƯƠNG

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img