Cali Today News – Ngô Quyền quê Đường Lâm (Hà Nội), cha là Ngô Mân, châu mục ở châu Đường Lâm. Ngô Quyền khôi ngô, trí dũng, sức lực hơn người.
Ông được Dương Diên Nghệ gả con gái là Dương Như Ngọc và cho trấn thủ Ái Châu, là một vị trí chiến lược quan trọng để ngăn ngừa quân Lâm Ấp.
Năm 937, loạn tướng Kiều Công Tiễn giết chết Dương Diên Nghệ, sau đấy nghe dân ai oán và sợ binh lực tinh nhuệ của Ngô Quyền, nên Tiễn lại thần phục Nam Hán. Từ lâu, Lưu Cung là vua Nam Hán đã dòm ngó đất Giao Châu nhưng còn ngần ngại vì ở Giao Châu có nhiều nhân tài kiệt xuất, đã biết bao lần đánh tan tác quân Hán (Tàu) xâm lược, như: Trưng Vương, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế…
Khi Kiều Công Tiễn cho sứ cầu cứu, đây là dịp thuận tiện để chúng xâm lược Giao Châu. Vua Nam Hán điểm 2 vạn tinh binh, sai con là Thái tử Lưu Hoằng Thao làm tiên phong, chính Lưu Cung dẫn quân hậu viện, ào ạt qua xâm lăng nước ta. Dương Cát Lợi cấp báo hung tin cho Ngô Quyền biết. Ngô Quyền ngẫm nghĩ suy tính tình hình, rồi đưa ra kế sách: “Trước phải khẩn cấp thanh toán thù trong để nội bộ thống nhất, sau dùng kế sách đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi”.
Ngô Quyền đem quân đến Đại La giết chết Kiều Công Tiễn, rồi hiệu triệu toàn quân dân cùng đồng tâm cứu nước, chuẩn bị chống giặc Nam Hán xâm lăng. Ngày 7 tháng Chạp Mậu Tuất (31-12-938) Ngô Quyền sai quân dùng cọc nhọn đầu bịt sắt, đóng giữa lòng sông Bạch Đằng, chờ nước thuỷ triều lên đem quân khiêu chiến, rồi giả thua nhử giặc vào giữa cọc trận, đợi nước thuỷ triều xuống, quân ta phục kích hai bên bờ sông đổ ra diệt giặc, cánh quân ta ở phía trên dòng sông tức tốc quay ngược thuyền lại đồng loạt phản công mãnh liệt.
Lúc ấy, gió thổi mạnh, sóng nước ào ào như có thiên thần trợ chiến, giúp quân dân ta đuổi giặc cứu nước vì chính nghĩa. Quân ta dùng tên lửa bắn như mưa, thuyền giặc bị cháy, giặc bị chết chìm chết cháy trôi chật cả lòng sông, máu đỏ sóng nước, Hoằng Thao bị bắt và bị giết. Lưu Cung nghe tin con chết, khóc rống rất thảm thiết, lo sợ nên vội vàng cho rút quân về Nam Hán. Về đến Nam Hán, nghĩ tên Lưu Cung xui xẻo đổi lại là Lưu Yểm. (Năm 1288, tại Bạch Đằng giang, một lần nữa Trần Hưng Đạo diệt quân xâm lược Nguyên).
Ngô Quyền quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, lên ngôi xưng Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa (Phúc Yên, không phải ở Đại La) là kinh đô của nước Âu Lạc từ thời An Dương Vương một nghìn năm trước. Ngô Vương đặt ra quan chức, chế triều nghi, củng cố quân ngũ, quyết tâm dựng nghiệp lâu dài, làm vua được 6 năm thì mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn (944), hưởng dương 47 tuổi.
Sau chiến thắng Bạch Đằng giang, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Đó là kỷ nguyên lẫy lừng của nước ta, cũng từ đấy mới có phá Tống, bình Chiêm oanh liệt, đuổi quân Nguyên và quân Minh giòn giã. Cũng từ đấy các triều đại: Lý, Trần, Lê… đã đưa Đại Việt lên rực rỡ. Sử gia Lê Văn Hưu, bàn về Ngô Quyền: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được”.
Trong “Việt sử Tiêu án”, sử gia Ngô Thì Sĩ, đã đánh giá: “Trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”.
Đền miếu thờ ông ở nhiều nơi, riêng khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng có đến hơn 30 đền miếu thờ Ngô Quyền.
*- Thiết nghĩ: Chiến thắng Bạch Đằng giang của Ngô Quyền có thể coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc ta trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc và chống đồng hóa. Nhìn vào bối cảnh Bắc thuộc kéo dài trên một nghìn (1000) năm, mới thấy hết ý nghĩa lịch sử vĩ đại của trận chiến này. Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc đó, kẻ thù là một đế chế mạnh bậc nhất ở phương Đông, với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đang lúc phát triển cao độ. Nhà Hán đã chinh phục Triều Tiên, chiếm đất đai các bộ lạc du mục phía Bắc, mở rộng lãnh thổ về phía Trung Á. Nhà Đường (Tàu) bành trướng về mọi phía, lập thành một đế chế bao la, Đường Thái Tông đã từng tuyên bố: “Ta đã chinh phục được hơn 200 vương quốc, dẹp yên bốn bề, bọn Di Man ở cõi xa cũng lần lượt về quy phục” (theo Đường thư).
Từ đầu công nguyên, dân tộc Hán đã có trên 50 triệu người. Trong khi đó, dân số của Việt Nam chỉ độ 1 triệu. Sau khi chiếm được Việt Nam, mưu đồ của nhà Hán không phải chỉ dừng lại ở chỗ thủ tiêu chủ quyền quốc gia, bóc lột nhân dân, vơ vét của cải, mà còn tiến tới đồng hóa vĩnh viễn dân tộc Việt, sát nhập đất Việt vào nước Tàu. Chính sách đồng hóa là đường lối của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, đã âm mưu thực hiện từ nhà Hán tới nhà Đường. Trong hoàn cảnh cực kỳ hiểm nghèo và thử thách này. Ngô Quyền, người anh hùng tạo ra chiến thắng Bạch Đằng giang năm 938, xứng đáng với danh hiệu là “vị tổ trung hưng” của dân tộc ta, như Phan Bội Châu đã viết trong “Việt Nam quốc sử khảo”.
Cảm bội: Ngô Vương
Diệt Hán, Ngô Vương cứu quốc gia!
Giặc ngoài, nội loạn khó dung tha
Thuyền Tàu bị cọc, tròng trành đắm
Quân Hán trúng tên, liểng xiểng sa
Xác giặc lửa thiêu, trôi lểnh nghểnh
Lính Tàu nước cuốn, nổi hằng hà!
Bạch Đằng muôn thuở tan tành giặc
Lẫm liệt chiến công, rạng nước nhà!
Nguyễn Lộc Yên