Friday, March 29, 2024

Đường lối quốc phòng của Obama là mối nguy hiểm đối với Hoa Kỳ

Cali Today News – Tờ The Daily Caller vừa đăng một bài viết đáng chú ý của Joseph Miller, một bút hiệu của một viên chức có thứ hạng của Ngũ Giác Đài, với tựa đề “Pentagon Official: The Facts Are In, And Obama’s Policy Is A Direct Danger To The United States.” Tác giả là một người thông hiểu và có kiến thức về các cuộc hành quân đặc biệt của Mỹ và kinh nghiệm chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Ông ta đang làm việc về hoạch định chiến lược… Dưới đây là bài lược dịch để chúng ta có thể hiểu luận lý của tác giả về chính sách sai lầm về chiến lược quân sự của TT Obama có tác động xấu, tiêu cực và nguy hiểm như thế nào đối với Hoa Kỳ, và ông ta đề nghị sự tái thay đổi chiến lược sai lầm này càng sớm càng tốt.
 
Bản báo cáo đã được công bố và sự nhìn lại chính sách đối ngoại của tổng thống đã rõ ràng: Nếu không có sự đổi hướng ngay lập tức thì nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm.
 
Vào năm 2013, Viện Hòa Bình của Hoa Kỳ – một viện phi đảng phái, độc lập, do quốc hội tạo ra – mà “sứ mệnh là ngăn chận, làm giảm nhẹ, hay giải quyết các xung đột bạo động trên khắp thế giới” đã được yêu cầu nhằm giúp đỡ Ủy Ban Quốc Phòng (The National Defense Panel) xem lại Bản Lượng Định Quốc Phòng Mỗi 4 Năm Một Lần (Quadrennial Defense Review  – QDR). Ủy Ban Quốc Phòng là một ủy ban lưỡng đảng do quốc hội thành lập mà các đồng chủ tịch do Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel chỉ định.
 
Vào ngày 31 tháng 7 vừa qua, Ủy Ban Quốc Phòng đã công bố một bản tường trình mà bay lâu nay được chờ đợi về tính chất hiệu quả của Bản Lượng Định Quốc Phòng Mỗi 4 Năm Một Lần, và đã báo cáo những nhận định cho quốc hội Hoa Kỳ.
 
Ủy Ban Quốc Phòng không nhằm tấn công hay chỉ trích ai cả. Những phát hiện của ủy ban này là một bản cáo trạng gay gắt (scathing indictment) về chính sách ngoại giao, về chính sách quốc phòng và về an ninh quốc gia của TT Obama.
 
Ủy ban này nhận thấy rằng Bản Lượng Định Quốc Phòng Mỗi 4 Năm Một Lần của TT Obama, việc cắt giảm quân đội và việc cắt ngân sách quốc phòng hàng ngàn tỷ,… sẽ đưa đất nước Hoa Kỳ vào một tình trạng mà nơi đó không có khả năng chống trả lại những đe dọa đối với nền an ninh quốc gia. Ủy ban này kết luận rằng chính sách đó cần phải đảo ngược lại càng sớm càng tốt.
 
Đặc biệt hơn, bản tường trình này còn nhấn mạnh rằng chính quyền cần trở lại “luận thuyết phản ứng uyển chuyển” (the flexible response doctrine) – một luận thuyết mà trong đó quân đội Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ có thể tiến hành hai cuộc chiến tranh cùng một lúc.
 
Trong hoàn cảnh hiện tình và những sự đe dọa đối với quốc gia của chúng ta, ủy ban này nhận thấy rằng học thuyết hai chiến tranh vẫn còn được cần đến để đáp ứng những thử thách hiện nay đối với nền an ninh quốc gia của chúng ta. Sự cắt giảm binh sĩ và ngân sách đều là những biểu hiện của sự thay đổi chính sách, vì thế cần phải sớm thay đổi.
 
Vậy thì “luận thuyết phản ứng uyển chuyển” (the flexible response doctrine) là gì và tại sao lại quá quan trọng như thế?
 
Vào năm 1961, chính quyền của cố TT Kennedy đã tìm kiếm sự tái tạo tân luận thuyết quốc phòng, sau khi kết luận rằng luận thuyết “New Look” của cố tổng thống Dwight D. Eisenhower, một luận thuyết về sự hủy diệt tương hỗ (mutually-assured destruction) không còn phù hợp đối với cuộc Chiến Tranh Lạnh nữa.
 
Lúc đó, cố TT Kennedy quyết định rằng Mỹ sẽ phải theo đuổi luận thuyết “Flexible Response Doctrine” (luận thuyết phản ứng uyển chuyển) mà luận thuyết này nhằm “cột chân” đối phương qua những chiến lược ngăn chận và khả năng tiến hành hai cuộc chiến tranh và một cuộc xung đột đồng thời cùng lúc.
 
Luận thuyết này đưa nước Mỹ vượt qua cuộc Chiến Tranh Lạnh, và những cuộc chiến khác sau đó, bất kể đó là những cuộc chiến với các quốc gia khác hay không phải với các quốc gia.
 
Vào năm 2012, chính quyền của TT Obama đã quyết định thay đổi chính sách “hai cuộc chiến tranh rưởi” (Flexible Response doctrine) của cố TT Kennedy, một phần do sự mệt mõi chiến tranh của nước Mỹ, sau khi tham chiến trên một thập niên, và một phần vì sự giới hạn ngân sách do kinh tế suy thoái tạo ra.
 
Chính quyền đã tuyên bố ý định cắt giảm mạnh mẽ ngân sách quốc phòng và tái xem xét việc đặt mua các hệ thống và phương tiện quốc phòng quy mô, mà những điều này sẽ tạo ra tầm vóc và quy mô của quân đội Hoa Kỳ trong tương lai.
 
Bởi vì TT Obama lần đầu được bầu lên trong bối cảnh phản chiến, nên quyết định trên là có thể hiểu được.
Vấn đề ở đây là vào lúc chính quyền Obama công bố sự thay đổi của học thuyết quốc phòng, thì TT Obama vẫn xuất hiện trên truyền hình đe dọa sử dụng quân đội ở Iran và Syria, công bố chuyển trục chiến lược về Á châu để đối đầu với sự trổi dậy của Trung Quốc, hay thề giữ các hiệp ước quốc phòng với Do Thái, Đài Loan, Nam Hàn và Nato,…
 
Tất cả những điều đó diễn ra trong lúc chúng ta vẫn còn tham chiến tại Afghanistan. Làm sao mà bạn có thể đe dọa ra tay quân sự mà điều này có thể dẫn tới chiến tranh khi mà bạn đang tham chiến tại Afghanistan, nếu như bạn thay đổi học thuyết quốc phòng chỉ tham chiến một cuộc chiến vào một thời điểm nào đó mà thôi?
 
Những kẻ xấu miệng thì tranh luận rằng đây cũng là điều tốt, bởi vì điều này sẽ ngăn cản tổng thống mở ra cuộc chiến khác.
 
Cũng đáng nói ra rằng không phải cuộc chiến nào cũng do chúng ta chọn lựa. Nước Mỹ tham chiến 2 lần trong 50 năm qua bởi vì đất nước chúng ta bị kẻ thù tấn công. Và không giống thế chiến thứ hai, kẻ thù của chúng ta hiện chưa bị đánh bại, dù cho rằng tổng thống hoạch định rút lui quân đội khỏi Afghanistan và chọn không ra đòn tấn công chống lại những kẻ thù ở Iraq, Syria, Africa,… Đó là những kẻ thù tìm cách làm hại chúng ta. Và kẻ thù đó đã thề rằng chỉ làm hại chúng ta mà thôi.
 
Một điều còn buồn phiền hơn là học thuyết quốc phòng này cũng sẽ hạn chế tối đa chiến lược đặt hàng quốc phòng.
 
Hải quân Hoa Kỳ mua tàu để sử dụng trong 50 năm tới. Điều này có nghĩa rằng tàu chiến mà chúng ta mua bây giờ sẽ bổ sung vào chiến thuyền của hải quân Hoa Kỳ vào năm 2065.
 
Sự thay đổi học thuyết quân sự mà TT Obama đang làm sẽ có hiệu quả tiêu cực trên quy mô và tầm vóc của quân đội vũ trang Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới.
 
Với một Trung Quốc trổi dậy, với một nước Nga đang tái xuất hiện, và với sự đe dọa liên tục của chủ nghĩa khủng bố trên tòan cầu, liệu ai dám biết trước vào lúc nào đó, Mỹ sẽ có còn khả năng đáp ứng những thử thách ập đến hay không?
 
Cựu bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld nhận định rằng “Bạn sẽ tham chiến với một quân đội mà bạn có, chứ không phải bằng một quân đội mà bạn muốn.” Ông ta bị phê phán vì nhận định này, nhưng nhận định đó phản ảnh một thực tế là ông ta phải tham chiến với một quân đội suy yếu sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh dưới thời kỳ Bill Clinton.
 
Chiến tranh không phải là trò chơi điện tử. Bạn không thể bấm nút dừng lại khi khủng hoảng đang diễn ra, và yêu cầu ngành kỹ nghệ quốc phòng cũng như các dịch vụ quân đội cung cấp những nhu cầu để qúy vị tiến hành chiến tranh.
 
Nhu cầu đó xuất phát từ một chiến lược đặt mua vũ khí dài hạn mà học thuyết quốc phòng nêu ra, phản ảnh đúng những đe dọa sẽ xảy ra trong tương lai.
 
Nếu chính quyền hiện nay của TT Obama không thay đổi ngược lại chiến lược quốc phòng, và yêu cầu các nhà dân cử đảng Dân Chủ thay đổi chính sách cắt giảm quốc phòng, thì quốc gia của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng mà nơi đó chúng ta không có khả năng tự phòng thủ và có thể sẽ trở thành nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố trên đất Mỹ một lần nữa.
 
Nguyễn Xuân Nam
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img