Thursday, March 28, 2024

Hàng trăm nhà khoa học tranh luận coronavirus lây qua không khí

Một nhóm gồm 239 nhà khoa học đại diện cho 32 quốc gia được cho là đang chuẩn bị yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sửa đổi các khuyến nghị đối với loại coronavirus mới do bằng chứng cho thấy họ ủng hộ tuyên bố căn bệnh này lây mạnh qua đường không khí 

Các nhà khoa học dự kiến ​​sẽ công bố một bức thư ngỏ đưa ra yêu cầu trên một tạp chí khoa học vào tuần tới, theo tờ New York Times. Virus SARS-CoV-2 có lây qua không khí (các hạt sol khí…) hay không là vấn đề gây tranh cãi dữ dội khi đại dịch bùng phát từ Trung Quốc cách đây 6 tháng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) vẫn giữ quan điểm chỉ cần đề phòng 2 đường lây chính: Hít phải dịch hô hấp từ người bệnh ở khoảng cách gần, hoặc chạm tay vào bề mặt dính virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Một bộ phận của cộng đồng khoa học cho biết bằng chứng cho thấy virus này lây truyền qua không khí và có thể lây nhiễm cho các cá nhân khi hít phải, Times đưa tin, lưu ý rằng các hạt nhỏ có thể di chuyển nhanh sau khi hắt hơi. 

Tiến sĩ Benedetta Allegranzi, trưởng nhóm kỹ thuật về kiểm soát nhiễm trùng của WHO, nói với tờ Times rằng vẫn còn thiếu bằng chứng vững chắc về lây truyền qua đường không khí

“Đặc biệt trong vài tháng qua, chúng tôi đã tuyên bố nhiều lần rằng chúng tôi coi việc truyền qua không khí là có thể nhưng chưa có bằng chứng vững chắc hoặc thậm chí rõ ràng”, Tiến sĩ Benedetta Allegranzi nói.

Tuy nhiên, bà Lidia Morawska, giáo sư Đại học Queensland (Úc) – đại diện cho 239 nhà khoa học đến từ 32 quốc gia, khẳng định, “Chúng tôi tin chắc 100% về kết luận này”

Nhóm của giáo sư Morawska giải thích rằng nhiều nghiên cứu đã chứng minh được các hạt sol khí – phiên bản hiển vi của các hạt dịch lỏng đường hô hấp – có thể lơ lửng lâu trong không khí và bay xa hàng chục mét.

Như vậy, những căn phòng thông khí kém, xe buýt, không gian nhỏ hẹp… là môi trường rất dễ lây lan COVID-19, thậm chí khi mọi người giữ khoảng cách vài mét với nhau theo khuyến cáo.

Ban đầu, WHO và CDC Mỹ từng nói đeo khẩu trang là “làm quá” đối với người thường, nó chỉ nên để dành cho nhân viên y tế. 

Sau đó ít lâu CDC đề nghị người có triệu chứng bệnh mang khẩu trang. Rồi đến tháng 4 khi biết người không triệu chứng cũng phát tán virus thì khẩu trang được khuyên dùng khi không thể giữ khoảng cách, WHO cũng nối gót.

Đến bây giờ khi dịch COVID-19 đã bùng lên không kiểm soát nổi trên khắp nước Mỹ, gần như mọi tiểu bang đều yêu cầu hoặc khuyến nghị người dân che mặt khi ra đường, không trừ một ai.

WHO đã báo cáo hơn 200.000 trường hợp nhiễm virus vào thứ Bảy, đánh dấu mức nhiễm mới cao trong khoảng thời gian 24 giờ.

Tính đến Chủ nhật, các viên chức y tế đã báo cáo hơn 11 triệu trường hợp COVID-19, căn bệnh do coronavirus mới gây ra và khoảng 530.000 ca tử vong  trên toàn thế giới, theo cơ sở dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.

TH

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img