Giải Nobel y học năm 2021 đã được trao cho hai nhà khoa học Mỹ, những người đã khám phá ra những bí mật về cơ chế thụ cảm nhiệt độ và xúc giác.
David Julius, Đại học California San Francisco, đã nhận được một nửa giải thưởng vì sử dụng “capsaicin, một hợp chất cay nồng từ ớt gây ra cảm giác nóng, để xác định một cảm biến trong các đầu dây thần kinh của da phản ứng với nhiệt”. Trong khi Ardem Patapoutian, thuộc Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, nhận được một nửa còn lại nhờ sử dụng “các tế bào nhạy cảm với áp suất để khám phá một lớp cảm biến mới phản ứng với các kích thích cơ học trong da và các cơ quan nội tạng”, Học viện Hoàng gia Thụy Điển của Khoa học đã công bố hôm thứ Hai (4 tháng 10).
Những khám phá của họ “đã cho phép chúng tôi hiểu được cách thức mà nhiệt độ nóng- lạnh và lực cơ học có thể khởi động các xung thần kinh cho phép chúng ta nhận thức và thích nghi với thế giới xung quanh”, Ủy ban Nobel cho biết trong một tuyên bố . “Kiến thức này đang được sử dụng để phát triển các phương pháp điều trị cho một loạt các tình trạng bệnh, bao gồm cả đau mãn tính.”
Giải thưởng đi kèm với phần thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (1,15 triệu USD) được chia đều cho hai người chiến thắng.
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến lễ trao giải thưởng Nobel theo truyền thống phải điều chỉnh hình thức tổ chức trong hai năm liên tiếp, song không thể thay đổi thời điểm công bố chủ nhân của các giải thưởng danh giá thường niên vốn rất được mong chờ này.
Chủ nhân mới của giải thưởng Nobel 2021 sẽ lần lượt được công bố trong tuần này, trong đó giải đầu tiên là Nobel Y học (chiều 4/10), tiếp theo đó là các giải Nobel Vật lý ngày 5/10, Hóa học ngày 6/10, Văn học ngày 7/10 và Hòa bình ngày 8/10. Giải Nobel Kinh tế được công bố cuối cùng, vào chiều 11/10.
Năm 2020, Giải Nobel Y học đã được trao cho ba nhà khoa học Harvey J. Alter (Mỹ), Michael Houghton (Anh) và Charles M.Rice (Mỹ) để vinh danh công trình nghiên cứu giúp giải thích nguồn gốc chính gây bệnh viêm gan qua truyền máu mà không phải do virus gây viêm gan A và B. Nhờ công trình của họ, nền y học thế giới có thể thực hiện xét nghiệm máu và phát triển thuốc mới, cứu sống hàng triệu người.
Năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm (Thụy Điển) sẽ không thể diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo thông báo ngày 23/9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ.
TH