Cali Today News – Khi con người cứ tống nhiều loại rác ra đại dương thì động vật của biển cả sẽ nhận hậu quả không nhỏ của việc này và các loại chim biển là một thí dụ. Chúng cứ ăn thả giàn các bao nhựa, một loại “thực phẩm” không có trong danh sách của con người.
Các nhà khoa học tìm hiểu hiện tượng kỳ lạ này và theo kết quả một cuộc nghiên cứu được đăng trên báo Science Advances thì chim biển cứ tưởng bao nhựa là đồ ăn ngon lành, vì chúng trôi lềnh bềnh trên mặt biển và thoát ra một mùi hương có vẻ quyết rũ mạnh mẽ bọn chim biển.
Mỗi năm có trên 10 triệu tấn chất plastic bị con người tống ra các đại dương trên Địa Cầu và có đến 90% các loài chim biển ăn “loại thực phẩm này”. Matthew Savoca, một giáo sư môi trường của đại học Davis của California nhận xét: “Tìm hiểu vì sao chim biển thích ăn plastic sẽ giúp ích cho giới khoa học”
Theo ông Savoca, một trong những cách mà con người có thể giúp bảo vệ các loài chim biển là làm sao chế tạo các loại plastic không còn “ngon lành cho khẩu vị” của chúng nữa, vì nếu chim biển ăn chất nhựa thì đây rõ ràng là lỗi của con người.
Theo giáo sư Savoca, các loài chim biển như hải âu cánh to, mòng biển và chim petrel đen trắng có khứu giác hết sức bén nhạy khi chúng phân biệt được mùi hương của chất dimethyl sulfide tiết ra khi bọn tôm nhỏ ăn tảo biển, nên chúng nhào xuống ăn bọn tôm.
Khốn khổ cho chúng là chất plastic cũng có mùi hương đặc biệt này nên bọn chim cứ tưởng đó là thực phẩm ưa thích. Nhiều con chim đã chết sau khi ăn ba nhựa.
Đào Nguyên (SCM)