Thursday, March 28, 2024

Vì sao báo nhà nước được đăng vụ xử ‘gián điệp Trung Quốc’?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today News – Khác hẳn với tình trạng đăng lên gỡ xuống trong vụ xử “gián điệp Trung Quốc” – nhà báo Hà Huy Hoàng – vào cuối năm 2015, vụ xử án cán bộ công an Nguyễn Hoàng Dương diễn ra vào ngày 16/4/2018, cũng về hành vi “làm gián điệp cho Trung Quốc”, đã được báo chí quốc doanh đăng tải đồng loạt mà không bị ngăn cấm gì.

Trong vụ xử Hà Huy Hoàng, dường như tại Hà Nội khi đó đã diễn ra một cuộc xung đột về tư tưởng giữa những người muốn công khai vụ án gián điệp Trung Quốc, với phe phái không muốn làm Bắc Kinh phật lòng.

Còn với vụ xử án cán bộ công an Nguyễn Hoàng Dương, có thể nói đã rất lâu rồi mới xuất hiện một phiên tòa công khai theo đúng nghĩa về hoạt động gián điệp. Trước đây, nhiều thông tin cho biết số người Việt Nam làm gián điệp cho Trung Quốc bị công an Việt Nam bắt là khá nhiều, và đã bị xử án kín. Song rất hiếm khi chính quyền Việt Nam đưa ra xét xử công khai những vụ án gián điệp này.

 

Ông Trọng cho báo chí công khai vụ xử cán bộ công an Nguyễn Hoàng Dương để làm gì?
Ảnh: T.MAI

Nhưng dù vụ xử Nguyễn Hoàng Dương được chủ đích công khai cho báo chí, vẫn còn thiếu một chi tiết quan trọng: theo cáo trạng, Nguyễn Hoàng Dương là cán bộ đội 9, phòng 3, cục kỹ thuật nghiệp vụ I, Bộ Công an. Nhưng cáo trạng hoặc người cung cấp thông tin cho báo chí có vẻ đã cố tình không nêu rõ về chức năng và đơn vị chủ quản của “cục kỹ thuật nghiệp vụ I”.

Trong thực tế, “cục kỹ thuật nghiệp vụ I” chỉ có thể hoặc thuộc Tổng cục Tình báo, hoặc Tổng cục An ninh của Bộ Công an.

Nhưng cả hai cơ quan Tổng cục Tình báo và Tổng cục An ninh đều đang nằm trong danh sách 6 tổng cục bị coi là “cấp trung gian” và sẽ bị xóa trắng vai trò cơ cấu của chúng – theo đề án 106 của Đảng ủy công an trung ương và đã được Bộ Chính trị thông qua bằng một nghị quyết chuyên đề vào tháng Tư năm 2018.

Có vẻ như “rút kinh nghiệm sâu sắc” từ vụ Phan Văn Anh Vũ, những người thiết kế thông tin cho báo chí về vụ cán bộ công an Nguyễn Hoàng Dương đã cố ý giấu nhẹm đi tên cơ quan chủ quản của Dương.

Vào đầu năm 2018, Phan Văn Anh Vũ đã bị phát hiện là một viên thượng tá thuộc Tổng cục Tình báo Bộ Công an mà do đó đã làm cơ quan bộ có rất nhiều thứ được xếp vào loại “bí mật” – mà bằng chứng mới nhất là một lãnh đạo Bộ Công an đã ký văn bản công nhận độ “MẬT” cho vụ “Mobifone mua AVG”, nhưng lại quá tai tiếng về nhiều vụ làm ăn phi pháp mà không còn đất để chui xuống,

Tuy nhiên, cái tên cơ quan chủ quản của Nguyễn Hoàng Dương chỉ là “chuyện nhỏ”.

Bởi chuyện lớn hơn nhiều là khác hẳn với vai trò nhà báo không thuộc ngành công an của Hà Huy Hoàng, Nguyễn Hoàng Dương lại là “người trong ngành” và đã “tha hóa đạo đức” đến độ mang cả tài liệu mật đi bán cho Trung Quốc để lấy tiền đánh bạc.

Vụ xử công khai cán bộ công an Nguyễn Hoàng Dương lại diễn ra ngay sau khi lộ ra một sự thật quá khó tin nằm ngay trong Bộ Công an: chính những quan chức cao cấp phụ trách cảnh sát và mang chức năng “phòng chống tội phạm kỹ thuật cao” như Tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát – Trung tướng Phan Văn Vĩnh và Cục trưởng cục phòng chống tội phạm kỹ thuật cao – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, lại là những tội phạm đầu trò cho một vụ đánh bạc điện tử lên đến nhiều ngàn tỷ đồng ở Việt Nam, thậm chí còn kéo theo một thông tin chưa kiểm chứng cho rằng máy chủ của trò cờ bạc điện tử này nằm ngay trong… trụ sở Bộ Công an.

Nhưng khác hẳn với nhiều vụ việc cộm cán đã xảy ra trong ngành công an vào những năm trước nhưng đa phần đều được “xử lý nội bộ” và báo chí không được thông tin để đăng tải, vụ Phan Văn Vĩnh – Nguyễn Thanh Hóa đã đập vào mắt người dân với nhiều tình tiết, kể cả những chi tiết vụn vặt trên mặt báo chí.

Ai đã “cho phép” báo chí đăng tải công hai và còn đăng chi tiết về vụ Phan Văn Vĩnh – Nguyễn Thanh Hóa?

Nhiều khả năng, hoặc chỉ có một khả năng duy nhất, đó là “người đốt lò vĩ đại” – một tụng danh mà Đài Tiếng nói Việt Nam đặt cho Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng cũng đang nắm vai trò chủ chốt thông qua và triển khai nhanh chóng đề án 106 về “cải tổ” Bộ Công an.

Có thể cho rằng kể từ tháng Mười năm 2016 khi phải “tự cơ cấu” vào Thường vụ đảng ủy công an trung ương, cho đến lúc này thực quyền và uy quyền của Tổng bí thư Trọng trong cơ quan này, và trong cả “chính quyền Bộ Công an” đã có một bước tiến dài, tiến rất xa.

Sẽ không có gì phải “lăn tăn” nếu quả đúng là ông Trọng đã muốn cho báo chí công khai vụ xử cán bộ công an Nguyễn Hoàng Dương để làm gương cho vô số kẻ đã “nhúng chàm” nhưng chưa bị bắt, đồng thời “trấn” những nhân vật cứng đầu trong Bộ Công an trước khi bắt đầu chiến dịch “tổng cải tổ” cơ quan bộ này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img