Thursday, March 28, 2024

Phản đối trạm thu phí BOT móc túi diễn ra trên diện rộng

Vietnam – Cali Today news – Trước sự kiên trì và quyết tâm của tài xế và người dân Ninh Hòa, sáng ngày 4/1/2018, chủ đầu tư BOT Ninh An (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã đối thoại với các tài xế. Phía chủ đầu tư đã buộc phải chấp nhận miễn phí 100% cho loại xe dưới 12 chỗ ngồi cho tất cả 12 xã, phường trên địa bàn thị xã Ninh Hòa khi qua trạm BOT thay vì chỉ có 3 xã như trước đây.

Để có được kết quả ngày hôm nay, cánh tài xế đã kiên quyết chống lại BOT bẩn trong suốt thời gian dài. Trước đó, vào ngày 3/1/2018, tình hình tại trạm BOT Ninh An cực kỳ căng thẳng. Các tài xế chia thành nhiều tốp liên tục phản ứng. Xe của họ dừng ngay trước trạm thu phí mà không chịu di chuyển, bất chấp có sự hiện diện của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và lực lượng Cảnh sát giao thông.

Trước tình hình trên, chủ đầu tư BOT là Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa buộc phải mở barie xả trạm nhằm tránh tình trạng kẹt xe kéo dài. Tuy nhiên, sau khi đường thông thoáng, chủ đầu tư lại chỉ thị tiếp tục thu tiền. Lòng tham của chủ đầu tư đã không kéo dài được lâu khi các tài xế tỏ ra bất bình vì những xe đi trước được miễn phí, trong khi những xe đi sau phải trả tiền. Cứ thế, đôi bên giằng co nhau suốt thời gian dài. Chỉ riêng trong ngày 3/1, có đến 5 lần trạm BOT Ninh An phải xả trạm để cho xe qua lại để không bị kẹt xe.

Ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa nói “đứng về phía người dân”. Ảnh: Dân Trí

Bên cạnh đó, có những tài xế còn quyết liệt hơn, cho dù đã được xả trạm nhưng họ vẫn kiên quyết không chịu di chuyển để bày tỏ sự phản đối của mình.

Cũng như rất nhiều trạm BOT khác trên cả nước, Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa bất lực, không có bất cứ phản ứng nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết, ông không đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề căng thẳng này, vì đó là thỏa thuận giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trước khi lập trạm.

Ngày 4/1, trong buổi đối thoại với các tài xế, ông Trần Phúc Tự-Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa cho biết sẽ miễn phí 100% cho xe dưới 12 chỗ ngồi vào ngày mai (5/1/2018)

“Miễn phí 100% cho xe loại 1 cho 16 xã và miễn phí ngay từ ngày mai. Tôi sẽ làm lại văn bản. Nhưng tôi đề nghị, đây là ý kiến của chúng tôi đang đứng về phía lái xe, đứng về phía người dân, đồng hành cùng các anh. Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ GTVT (Giao thông vận tải-người viết). Trong quá trình báo cáo đề nghị địa phương tham gia cùng, có tiếng nói và đề nghị các anh cũng thống nhất, đồng lòng cùng chúng tôi để báo cáo các cơ quan cấp trên”- báo Dân Trí dẫn lời ông Tự.

Trạm thu phí Ninh An đã phải xả trạm đến 5 lần trong ngày 3/1 trước sự phản đối quyết liệt. Ảnh: Dân Trí

Cách nói “đứng về phía lái xe, đứng về phía người dân, đồng hành cùng các anh” không khiến cho dư luận cảm thấy nực cười. Vì nếu đứng về phía người dân, BOT Ninh An đã không đặt ngay tại địa bàn xã Ninh Lộc. Hơn nữa, nếu “đứng về phía người dân”, chủ đầu tư đã không cấu kết với Bộ Giao thông vận tải, chính quyền tỉnh Khánh Hòa để móc túi cánh lái xe trong suốt thời gian dài. Chủ đầu tư chỉ chịu miễn phía cho 16 xã phường thuộc thị xã Ninh Hòa chỉ khi gặp phải sự phản đối quyết liệt và kéo dài trong suốt thời gian dài.
Việc chủ đầu tư chịu xuống nước, chấp nhận miễn phí cho xe loại 1 ở 16 xã phường thuộc thị xã Ninh Hòa vẫn chưa làm cho cánh tài xế hài lòng. Rất nhiều người không ở trên địa phương tỏ ra bất bình và yêu cầu chủ đầu tư phải giải thích rõ vì sao BOT Ninh An nhưng lại đặt ở xã Ninh Lộc. Theo họ, việc đặt trạm trạm tại đây là không hợp lý, nó lộ rõ mục đích của chủ đầu tư là nhằm tận thu tất cả các xe lưu thông trên hai tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 26 Đắk Lắk-Nha Trang. Để làm được điều trên, nếu không có sự chấp thuận của chính quyền tỉnh Khánh Hòa chủ đầu tư cũng không làm được.

Phải nói rằng, cảm hứng từ việc phản đối BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã lan truyền ra khắp cả nước. Tối ngày 3/1, trạm thu phí BOT Bắc Bình Định đã kẹt xe liên tục trong 3 giờ đồng hồ vì gặp phải sự phản đối của cánh tài xế.

Tài xế dừng xe tại luồng thu phí để phản đối. Ảnh: Tuổi Trẻ

Cũng với phương pháp tương tự như BOT Ninh An, các tài xế chạy xe đến giữa luồng thu phí nhưng không chịu chạy qua. Ngay cả khi trạm thu phí mở thanh chắn barie thì những tài xế vẫn không chịu di chuyển để phản đối.

Rất nhiều tài xế khi qua lại trên tuyến đường này bất bình cho biết, trên khắp cả nước chẳng nơi nào đường lại xấu, nhiều ổ voi, ổ gà như qua tỉnh Bình Định. Đường xấu nhưng chính quyền lại để cho chủ đầu tư thoải mái móc túi người dân.

“Chúng tôi thường xuyên đi xuyên Việt thấy rằng không có đoạn đường nào xấu như đoạn qua Bình Định. Chúng tôi bỏ tiền ra mua dịch vụ thì dịch vụ đó phải xứng đáng, không thể bắt chúng tôi trả phí lại phải đi trên đoạn đường đầy ổ voi thế này”- một tài xế nói với báo Tuổi Trẻ.

Trong khi đó, sáng ngày 4/1, rất nhiều tài xế đã tập trung tại Trạm thu phí BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp để phản đối khiến cho xe cộ qua lại bị ùn tắc nghiêm trọng. Trong số những xe có mặt để phản đối có rất nhiều xe còn mang theo cả bandroll. Một số khác cho đậu xe ngay trên 6 làn thu phí, không chịu mua vé cũng không chịu di chuyển.

Người dân dán bandroll để phản đối trạm thu phí Cần Thơ-Phụng Hiệp. Ảnh: Dân Trí

Các tài xế cho rằng, họ chỉ sử dụng tuyến đường rất ngắn, chỉ 200m nhưng lại phải trả tiền cho toàn tuyến hơn 20km là điều vô lý. Việc phản đối của các tài xế lại còn được người dân hưởng ứng nên tạo ra bầu không khí vô cùng căng thẳng tại trạm BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp. Lực lượng cảnh sát giao thông đã được điều động đến để phân luồng. Bên cạnh đó, trạm thu phí cũng phải xả trạm để tránh kẹt xe. Tuy nhiên, mãi đến 11 giờ trưa tình trạng kẹt xe vẫn còn tiếp diễn.

Tình trạng bọn “tư bản đỏ” dùng quyền lực mà họ có được thông qua việc móc nối với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải để móc túi người dân có từ thời ông Đinh La Thăng còn làm Bộ trưởng. Sự việc này còn tiếp diễn, kéo dài cho đến thời ông Trương Quang Nghĩa (nay là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) và nay là ông Nguyễn Văn Thể. Mặc dù không đi mét đường của chủ đầu tư làm ra, nhưng người dân bị các ông chủ “tư bản đỏ” móc túi trong suốt thời gian dài.

Để chống lại những bất công có hệ thống trên, các tài xế chỉ còn biết tuân thủ pháp luật, dùng các điều luật để phản đối. Trong đó có những việc, như: dùng tiền lẻ, dùng tiền chẵn, không đóng phí qua trạm vì đã đóng phí đường bộ…Việc sử dụng luật pháp, cho dù đó là luật do chế độ độc tài toàn trị CSVN lập ra để bảo vệ quyền cai trị thì vẫn tỏ ra hữu hiệu, ít nhất cho đến tận thời điểm này.

Nguoi Quan Sat

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img