Thursday, March 28, 2024

“Đôi Bờ Thương Nhớ Quê”, nỗi đau của người Việt tị nạn chấp nhận kiếp sống tha hương !

* Bút kí của Lê Ngọc Châu

Dẫn nhập: Trước hết xin khẳng định rằng tôi không phải là ca-nhạc sĩ gì cả. Như viết lách, làm pps thì nhạc cũng là thú tiêu khiển riêng để cho tôi “giết chết bớt thời gian rảnh rỗi “.

* * *

Qua bài viết đã giới thiệu cùng Quý độc giả thì như tôi đã đề cập nhờ làm PPS, Youtube phải nghe nhạc nên với thời gian thì thích nhạc. Có lần phôn cho HH (một thuyền nhân tỵ nạn đang định cư ở Ý) nói chuyện thăm hỏi vì quen biết và HH tình cờ gợi ý nói tôi cũng có khiếu văn nghệ văn gừng thì hãy thử học nhạc đi. Tôi trả lời đi làm cả tuần, thì giờ đâu mà nhạc với nhọt … rồi nói chuyện vài phút với H, ông xã của HH. Sau vài câu trao đổi với H., đã từng soạn nhạc, có điều giống tôi (sau khi tôi biết soạn nhạc) nói H không phải là nhạc sĩ và nói qua phôn: ” Anh Châu ơi, soạn nhạc như Toán vậy, cứ thế mà làm cho R4-4, 3/4 hay 2/4 ….”. Nghe xong tôi trả lời H, vậy thì tôi có thể học được, dân ban B mà !”.

Sau khi suy nghĩ lại nếu chọn âm nhạc làm thú tiêu khiển riêng (hobby) cũng đâu hại gì. Nói là làm và vào ngay Google dạo phố tìm hiểu nhạc lý, tìm hiểu thêm về các thể điệu (Rythmus) và học lóm cách soạn nhạc của các bậc tiền bối, đàn anh văn nghệ…. Nhờ trời thương, kiểu thánh nhân đãi kẻ khù khờ nên sau thời gian rất ngắn tôi lựu đạn tìm dòng nhạc để kết thành một ca khúc. Bản nhạc đầu tay tôi chọn điệu Valse (R_3/4) phổ nhạc bài thơ của cô em thi sĩ MiênThụy tôi quen qua diễn đàn mang tên “Đôi Bờ Thương Nhớ Quê”, mở đầu cho hoài bão của mình. Lý do tôi chọn bài thơ vì MiênThụy – một nữ thuyền nhân tỵ nạn – ít nhiều đã thay riêng tôi diễn tả tâm trạng của mình, tâm trạng nhớ quê hương từ xứ tạm dung của một người tỵ nạn chính trị vì cộng sản, chấp nhận kiếp sống lưu vong từ 30.04.1975!.

Xin được đính kèm cuối bài bản nhạc đầu tay ” Đôi Bờ Thương Nhớ Quê ! “.

Gởi bản nhạc viết bằng tay cho Ca-Nhạc Sĩ HH thì HH ngạc nhiên không ngờ tôi học nhanh như vậy và vui hơn nữa đã không chê mà còn viết lại ký âm bằng Computer dùm cho nữa. Thật là một hân hạnh. Tưởng cũng sẽ dừng lại ở đó nhưng khi bước vào thế giới âm nhạc, soạn nhạc để thực hành những gì đã học mò tự nhiên bắt buộc phải đụng tới một nhạc cụ. Tôi chọn “Guitar cho đơn giản và với cây đàn Guitar rất cũ gõ tình tang để tìm nốt nhạc cho phù hợp theo ý riêng khi biên soạn một nhạc phẩm. Từ đó tự mò mẫm đánh đàn Guitar và tìm học thêm “accords” (thầy Google có hết, tha hồ tham khảo) và rồi nghêu ngao hát theo ..

Và rồi tôi cũng gởi “bản nhạc, đứa con đầu lòng của mình” cho cô em Miên Thụy (MT), tác giả bài thơ. Cô nàng chưng hững vì tôi hoàn toàn im lặng không hó hé nửa lời, đùng một cái gởi “bản nhạc phổ thơ của cô nàng khoe chơi”. Cái lạ khác là MT không ngờ tôi quá lựu đạn, tự soạn hợp âm cầm cây đàn Guitar cũ hát và thu âm luôn gởi “ép” mời cô nàng nghe. Tất cả tự biên tự diễn, KHÔNG micro gì ráo. Vốn dĩ là vô danh tiểu tốt, không phải là nhạc sĩ lại thêm nhạc đấu tranh nên “có ai mà hát hay để ý đến tác phẩm của mình” vì thế đành tìm cách tự biên tự diễn luôn cho xong vì biết chuyện nhờ ca sĩ hát (mà tham lam lại muốn được hát chùa nữa) nói chung rất khó, nhất là nhạc đấu tranh mà nhạc đối với tôi thật ra chỉ là “hobby” thôi.

Chưa hết, tìm cách thu âm kiểu dã chiến không micro để nghe thử “giọng ca sởi vượt thời gian” của mình, – thuộc loại chưa lên mà đã xuống – hát, à quên hét thế nào”. Điếc chẳng sợ súng tìm hình ảnh thực hiện luôn Youtube mục đích giới thiệu bạn bè, thân hữu để ai thích thì xem/nghe. Chuyện bị cười đã đoán biết trước rồi, sẵn sàng chấp nhận nên chẳng buồn gì hết vì mình 111% vốn không phải là ca nhạc sĩ mà, nếu ai khen vì tế nhị thì vui chút xíu như là khích lệ nhỏ để cứ thế mà tiếp tục, còn chê thì cũng cười trừ bởi lẽ thiên hạ ưu tiên nghe hát những bản nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng, thành danh. Chuyện rất thường tình thôi !.

Trở lại với chủ đề.

Khi tình cờ đọc bài thơ của Thi Sĩ Miên Thụy thì riêng tôi đã “chịu” ngay câu mở đầu :

          ” Quê hương tôi còn đó “.

Vâng, quê hương Việt Nam (VN) với hình cong cữ S đến nay vẫn còn đó (có thể sau 2020 như theo Internet sẽ là tỉnh nhỏ của Tàu cộng !). Từ trời Âu nhìn về quê hương mà lòng đau đứt ruột, để rồi chỉ biết nhớ thương đúng như Thi Sĩ MiênThụy (MT) diễn tả qua lời thơ, khó có thể nhạt phai trong tâm tư của một người đang sống lưu vong “… ngày tháng nào nhạt phai ?!”.

Đoạn thơ kế tiếp MT đã khéo léo đưa người đọc nhớ lại quê hương yêu dấu – vừa tả chân, vừa tả cảnh, quá hay, theo tôi – mà bây giờ là hai phương trời cách biệt :

          Quê hương ôi xa khuất,

          Đôi bờ thương nhớ nhau

          Nghìn trùng xa vời vợi …

Những câu thơ tiếp theo, Thi Sĩ Miên Thụy hồi tưởng lại cảnh chia tay với “Quê Mẹ” khi đã quyết định vượt biển tìm Tự Do. Cảnh biệt ly nào mà chẳng buồn, không nhỏ lệ. MT bày tỏ tâm trạng:

          Nhớ chiều Mẹ tiễn đưa,

          Lưng trời mây u ám

          Cánh hạc buồn trong mưa

Tuyệt. Chim hạc còn buồn vì thời tiết xấu, huống chi con người lại chẳng buồn trước sự chia ly (không rõ đoạn kết là sống hay chết nếu thiếu may mắn) nên cảnh có vui đâu bao giờ !.

Đoạn thơ kế đến phản ảnh rõ nét đối với những ai đang chấp nhận kiếp sống tha hương (hiểu theo nghĩa chính xác) vì không chấp nhận chế độ cộng sản phi nhân (ghi chú thôi: nhờ sống ở Tây Đức nên biết khá rõ về cộng sản DDR, vốn là đàn anh của cộng sản VN  thế nào trước khi DDR bị sụp đổ vào cuối thập niên 80 !). Thi sĩ MiênThụy đã thay chúng ta NVTNcs, diễn tả tâm trạng như sau:

          Đã khuất xa mấy mùa

          Quê hương ôi muôn đời

          Buồn cố quốc không nguôi

Nỗi đau của người mất nước thế nào chúng ta người Việt tị nạn chưa về VN đã biết (mà cho đến nay MT tuy là một nữ thuyền nhân tỵ nạn vẫn giữ lời hứa với chính mình vì tự trọng là một thí dụ), để rồi nỗi buồn tìm về khi nghĩ đến, buồn tủi cho riêng mình là kẻ đang sống tha hương:

          Nước mắt bao giờ cạn

          Thương thân phận kiếp người !

Mặc dầu chúng ta NVTN luôn ấp ủ hoài bảo là một ngày nào đó chế độ csVN sẽ sụp giống như DDR (cộng sản Đông Đức) và khối cộng sản Đông Âu trước đây 27 năm và VN sẽ có Tự Do, Dân Chủ (nếu không bị Tàu Cộng đô hộ !) để NVTN sống tạm dung xứ người từ khắp năm châu vì không chấp nhận chế độ cộng sản có dịp trở về để nhìn lại quê hương VN mến yêu, để có dịp hít thở không khí quê hương cho dù hiện tại vẫn còn là ước mơ, như Thi sĩ Miên Thụy đã kết thúc bài thơ :

          Đại dương còn ngăn cách

          Đôi bờ thương nhớ quê.

Và “Đôi Bờ Thương Nhớ Quê” cũng là Video Clip do tôi tự biên tự diễn, thực hiện với một số hình ảnh sưu tầm trên Internet. Xin cám ơn tác giả những tấm ảnh có trong Youtube. Cũng xin được nói thêm, tôi không phải là ca-nhạc sĩ gì cả, chỉ soạn nhạc vì đó là “môn giải trí tinh thần” nên xin quý độc giả, quý ca-nhạc sĩ chuyên nghiệp hoan hỷ cho mọi sơ sót khó tránh khỏi. Đa tạ (LNC).

Dựa trên căn bản “Hát hay không bằng hay hát” vì vậy tôi chỉ cố gắng diễn tả với tâm trạng của một người tỵ nạn chính trị vì cộng sản đang sống lưu vong và với khả năng tự học mò có được nên lần nữa mong quý vị thông cảm cho mọi sự.

          QUÊ HƯƠNG ĐÔi BỜ THƯƠNG NHỚ

          Lời: Thơ MiênThụy

          Nhạc: Lê-Ngọc Châu

          Hình ảnh : Internet & minh họa

          Video: Châu6168

          Đàn hát tài tử: Châu (Hát hay không bằng hay hát)

https://www.youtube.com/watch?v=kCMkMEKr6XE&feature=youtu.be

  • ©      Lê-Ngọc Châu (Nam Đức, Hè 2017, Chiều 15.08.2017)

                   * Xin được đính kèm bản nhạc có nốt với hy vọng biết đâu sẽ có Ca-nhạc sĩ nào đọc bài này thương tình hòa âm và hát giúp thì là hân hạnh lớn đối với người soạn bản nhạc. (LNC) .

 

 -/-

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img