Friday, March 29, 2024

Lá Thư Từ Đức Quốc: Kết quả bầu cử Quốc hội Đức 2017

* Lê-Ngọc Châu

Cali Today News – Tôi tóm lược nhanh tin liên quan đến bầu cử Quốc Hội Đức đã xảy ra vào ngày Chủ Nhật 24-9-2017 và thử phân tích tổng quát khó khăn nào đối với CDU khi muốn thành lập tân chính phủ Đức nhiệm kỳ 2017 – 2021 ??

***
Hôm nay 24.09.2017, 61,5 triệu cử tri Đức được kêu gọi đi bầu lại Quốc hội Đức và hãy sử dụng quyền công dân của mình chọn người / đảng đại diện.

Xin sơ lược thể thức bầu cử Đức. Quốc hội Đức được bầu lại sau nhiệm kỳ 4 năm. Chỉ được lọt vào Quốc hội Đức với điều kiện đảng đó phải đạt tối thiểu là 5% số phiếu của cử tri theo luật pháp ấn định. Đảng mạnh nhất trên nguyên tắc ưu tiên tìm liên minh để thành lập tân chính phủ và thông thường đảng này cũng nắm chức Thủ tướng, người lãnh đạo cơ quan hành pháp Đức. Người đứng đầu của đảng cùng liên minh sẽ nắm giữ một chức Bộ trưởng kiêm Phó thủ tướng. Liên minh chính phủ sẽ chia nhau các ghế Bộ trưởng trong khi thương thảo. Tuy nhiên nếu một liên minh tay ba nào (ví dụ) có thể chiếm đa số tuyệt đối thì đảng mạnh nhất vẫn bị “cho ra rìa” và trở thành đối lập tại Quốc hội Đức.

Mỗi cử tri Đức có hai lá phiếu. Với lá phiếu thứ nhất, cử tri có thể bầu một ứng cử viên trực tiếp vào Quốc hội ( Bundestag). Lá phiếu thứ hai bầu cho một đảng đã đề cử ứng viên vào danh sách quốc gia. Lá phiếu thứ hai do đó quyết định đến thành phần nghị viên của đảng trong Quốc hội, vì các ghế được phân phối tương xứng cho các đảng theo kết quả lá phiếu thứ hai trên toàn quốc của họ.

Photo Credit: AP

Cuộc chiến giành vị trí thứ 3 sau CDU / CSU và SPD căng thẳng. Tả Khuynh (Linke) , Xanh và FDP tuyên bố vị trí này cho chính họ. Mối quan tâm đang có của các đảng đương nhiệm là kết quả của đảng AFD trong các cuộc thăm dò. Theo đó, các nhà “dân chủ cánh hữu” có cơ hội tốt để trở thành lực lượng mạnh thứ ba trong Quốc hội mới, và từ đó có thể dẫn đầu phe đối lập. Câu hỏi, bên nào dẫn đầu phe đối lập không phải là một biểu tượng thuần túy. Theo truyền thống, đảng này chủ trì ủy ban ngân sách quan trọng của Quốc hội. Thêm vào đó, nhà lãnh đạo phe đối lập cũng là người kế tiếp được đọc tuyên bố chính phủ sau Thủ tướng.

Hôm thứ Sáu 22.09.2017, AfD đạt 11% trong một cuộc khảo sát do Emnid thực hiện. CDU / CSU mất đi một phần trăm còn 35 phần trăm. Tất cả các đảng khác vẫn duy trì giá trị của họ: SPD chiếm 22%, Xanh (Greens) 8%, FDP được 9% và Linke 10%.

Một mô hình khảo sát mới cũng cho thấy đảng hữu khuynh AFD rõ ràng là lực lượng mạnh thứ ba trong cuộc bầu cử năm 2017. Các số liệu thú vị cũng đã mang một mô hình khảo sát mới của Viện nghiên cứu ý kiến quốc tế YouGov vào đầu tuần, cho thấy AFD rõ ràng là một lực lượng thứ ba. Điều khá ngạc nhiên là cử tri Đức đều muốn có một Tân Thủ tướng theo kết quả cuộc khảo sát trước cuộc bầu cử Bundestag. 50% trong tổng số 2308 người được hỏi trong một cuộc khảo sát trực tuyến mang tính cách đại diện do Viện YouGov tiến hành, được công bố vào thứ Sáu trả lời là nên chấm dứt “với triều đại Angela Merkel !” (theo Berlin, dpa-AFX, ngày 22 tháng 9).

Khảo sát thì như trên nhưng thực tế thì sao ?, có đúng như vậy hay không?. Liệu chuyện này có thể xảy ra với CDU và bà Merkel ?. Mời xem kết quả bầu cử sau đây sẽ rõ.

Để quý độc giả tiện theo dõi, tôi ghi ra kết quả cuộc tổng tuyển cử của Đức quốc ngày 24.09.2017: Kết quả theo dpa công bố (trong ngoặc đơn là của 2013 để quý độc giả tiện so sánh), như sau: CDU/CSU: 33% (41,5%); SPD: 20,7% (25,7% FDP: 10,6%; (4,8%) Xanh: 8,9% (8,4%), Tả Khuynh: 9% (8,6%) và AfD là đảng mới thành lập cách đây vài năm: 13%. Dựa theo kết quả trên, tính ra thì CDU/CSU được 239 ghế tại quốc hội (gồm tất cả 331 ghế), SPD : 150 ghế (192), Xanh: 65 (63) và Tả Khuynh: 65 ghế (64), FDP: 77 và AfD : 94. Muốn cầm quyền thi liên minh tối thiểu phải có ít nhất 346 ghế .

CDU/CSU và vì FDP không chiếm được đa số phiếu tuyệt đối tại Quốc hội việc thành lập chính phủ gặp nhiều khó khăn. Như chúng ta thấy với đa số phiếu tuyệt đối NẾU CDU/CSU và SPD đồng ý liên minh thì tất cả vẫn như cũ, liên minh lớn nắm quyền và bà Merkel sẽ trở thành thủ tướng Đức!. Chuyện thành lập một liên minh gồm Đỏ+Đỏ+Xanh (SPD + Gruene + die Linke) dù đó là ước vọng của SPD sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ mới 2017-2021 vì tổng cọng cả ba đảng chưa được 40%..

Photo Credit: AP

Đức là nước dân chủ, đa đảng nên trên nguyên tắc đảng mạnh nhất CDU sẵn sàng / có thể thương lượng với tất cả đảng phái thắng cử còn lại để lập chính quyền tại nước Đức. Nhưng chuyện liên minh với Tả Khuynh (hậu thân đảng cộng sản Đông Đức cũ) và AfD từ phía CDU trước cũng như sau cuộc bầu cử là điều không tưởng và đi từ các dữ kiện kể trên, câu hỏi còn lại sẽ liên minh với đảng nào: SPD hay FDP và Xanh?. Nếu nhìn từ khía cạnh chính trị liệu Xanh hay FDP có chịu liên minh với nhau hay không ??. Và trong trường hợp SDP chấp nhận vai trò đối lập không liên minh với CDU/CSU thì chính trị Đức sẽ ra sao?. Chuyện bầu cử lại khó xảy ra vì các đảng sợ mất lòng cử tri đưa đến việc mất sự ủng hộ !

Vậy thì những khó khăn hay trở ngại nào ảnh hưởng đến việc liên minh với CDU ?

Giữa FDP + Xanh có quá nhiều dị biệt về đường lối chính trị, năng lượng, chính sách tị nạn và tin học nên khó mà có thể làm việc chung. Điều này FDP cũng như Xanh nhấn mạnh nhiều lần trước bầu cử. Chưa hết, chủ tịch đảng chị em CSU của CDU là Seehofer (thống đốc tiểu bang Bavaria) cho biết là không muốn liên minh với Xanh vì có quá nhiều dị biệt sợ sẽ gặp trở ngại sau này.

Bây giờ trở lại chuyện SPD. Trước bầu cử SPD từng tuyên bố, xác quyết là SPD và ông ta muốn cùng với Xanh + Linke lên thay quyền bà Merkel và sẽ “không thành lập liên minh lớn, không chịu đứng dưới trướng của bà Merkel (sic)”. Bây giờ thất bại, mộng ước trở thành thủ tướng Đức của Schulz (SPD) bất thành. SPD tuyên bố không tham chính vì rõ ràng CDU/CSU và SPD mất đi sự ủng hộ của cử tri nặng nề, nhất là CDU/CSU mất đến 8,5%. Lý do dễ hiểu, cử tri Đức phản đối qua lá phiếu mạnh mẽ và vì sợ mất sự ủng hộ trong lần bầu cử lại 4 năm tới nên SPD quyết định và tuyên bố chấp nhận làm đối lập tại Quốc hội Đức.

Thay lời kết:

Người viết mạo muội đưa ra vài nhận định riêng sau đây đi từ những dữ kiện nêu trên:
Kết quả bầu cử cho thấy cử tri không đồng ý với đường lối chính trị của liên minh lớn trong nhiệm kỳ qua. CDU/CSU mất 8,5% phiếu là hậu quả chính sách tị nạn mở cửa của bà Merkel. SPD cùng nắm quyền nên chịu chung số phận, giảm gần 5%, Merkel và Schulz thất vọng nhiều. FDP và AfD thắng lớn, nhất là AfD trở thành lực lượng mạnh thứ ba sau SPD và CDU/CSU nên tất cả các đảng phái còn lại cho biết phải tìm cách “khóa” sự phát triển của AfD trong tương lai.

Những chính trị gia hàng đầu của SPD nói không đồng ý cho giải pháp liên minh lớn. Lãnh đạo SPD cũng đã tuyên bố ngay sau khi kết quả bầu cử tuyên bố qua ZDF là không liên minh với CDU/CSU, muốn làm đối lập tại Quốc hội Đức.

Khó khăn nào đã làm cho SPD không muốn liên minh với CDU?

Theo tôi, có khá nhiều nguyên nhân. Ngoài đường lối chính trị dị biệt liên quan đến mức lương tối thiểu, thuế má … thì quan trọng hơn cả là kinh nghiệm xấu đối với SPD sau nhiệm kỳ từ 2005-2009 và 2013 -2017. Trong nhiệm kỳ 2005-2009 và nhiệm kỳ vừa qua 2013 -2017, tuy SPD cùng CDU giải quyết mọi chuyện từ kinh tế, xã hội, ngoại giao, công ăn việc làm, học đường, năng lượng .v.v… nhưng kết quả CDU hưởng hết và chua cay hơn họ không được sự chú ý, ủng hộ của cử tri Đức (năm 2009 SPD chiếm 23% và năm 2013 đạt 25,7%, 2017:20,7% trong cuộc bầu cử quốc hội !). SPD sợ tình trạng này tái diễn. Chính điều này đã làm SPD lo sợ nên trở thành đối lập. Ngoài ra SPD còn viện dẫn như sau: Quốc hội Đức cần đối lập mạnh vì dân muốn vậy. Và quan trọng SPD không thể để cho AfD lãnh đạo khối đối lập!.

SPD từ chối tham gia chính phủ nên chỉ còn giải pháp duy nhất là liên minh tay ba giữa CDU/CSU+FDP+Xanh và một tân chính phủ giữa CDU/CSU, FDP và Xanh có thể thành hình.

Có nhiều chi tiết khác có thể ảnh hưởng đến việc thương thảo để thành lập liên minh chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của bà Merkel nhưng tôi chỉ tóm lược những điểm chính. Chúng ta có thể hiểu và đoán ra được rằng sự thành lập một liên minh lên cầm quyền Đức lần này có lẽ không đơn giản. Ngay cả với đảng FDP và Xanh cũng thế. Chưa hết, FDP mạnh hơn Xanh nên các bộ khá quan trong và chức phó thủ tướng thế nào cũng sẽ thuộc về FDP nếu có liên minh tay ba giữa Đen+Vàng+Xanh (CDU/CSU+FDP+Xanh). Chắc chắn là Xanh sẽ phải chịu lếp vế nếu muốn cùng cầm quyền nước Đức. Liên minh thành hình, bà Merkel sẽ là thủ tướng nhiệm kỳ 4, kể từ 2005.

Rõ ràng có khá nhiều dị biệt giữa bốn đảng CDU/CSU, SPD, FDP và Xanh, sau khi SPD trở thành đối lập. Cho nên nếu trong trường hợp các đảng vẫn khư khư giữ vững lập trường, đường lối chính trị của họ đã tuyên bố với cử tri trước khi bầu cử, điển hình FDP và Xanh tuyên bố là họ khó ngồi lại với nhau vì quá nhiều dị biệt; riêng CSU, chủ tịch đảng Seehofer đã cho biết là chỉ liên minh với Xanh trong điều kiện không hủy bỏ động cơ nổ (sic). Nếu như vậy thì CDU/CSU sẽ không tìm được liên minh chính phủ và chính trị Đức sẽ đi về đâu ?. Một chính phủ thiểu số giữa CDU/CSU + FDP (nếu có) hay là bầu cử lại ?. Chúng ta chờ xem kết quả thương thảo !

Lá Thư từ Đức quốc khá dài rồi nên xin tạm dừng ở đây. Sẽ trở lại với quý độc giả nay mai với bài tham luận ngắn khác về hậu bầu cử Quốc hội Đức, nếu thời gian cho phép.

• © Lê-Ngọc Châu (Nam Đức, 22h15 tối chủ Nhật 24.09.2017)
• (Tài liệu tham khảo: ARD, ZDF, DPA, Spiegel Online, Yahoo-News, Handelsblatt)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img