Thursday, March 28, 2024

Số phận dự luật cải tổ thuế của Thượng viện Cộng hoà bấp bênh

Washington (New York Times) — Nỗ lực thông qua dự luật cắt giảm thuế $1,5 nghìn tỉ Mỹ kim của Thượng viện vào hôm thứ tư trở nên bấp bênh sau khi một Thượng nghị sĩ Cộng hoà tuyên bố không thể bỏ phiếu thuận, trong khi một số các nhà lập pháp khác bày tỏ sự hoài nghi về chi phí cũng như ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu.

Hạ viện vào thứ 5 ngày 16 tháng 11 bỏ phiếu dự luật cải tổ thuế riêng, trong đó cắt giảm hơn $1,4 nghìn tỉ Mỹ kim trong khoảng thời gian hơn 10 năm và sẽ sửa đổi quy định về thuế thương mại. Nhưng cũng như tranh cãi về dự luật chăm sóc sức khoẻ diễn ra hồi đầu năm, Thượng viện dường như là đồng minh bất thường với việc theo đuổi thành tựu lập pháp quan trọng trong năm đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng hoà – Wisconsin) vào hôm thứ tư lên tiếng phản đối cả hai dự luật cải tổ thuế của Thượng viện và Hạ viện. Ông cho rằng, hai dự luật ưu ái cho các công ty lớn hơn các cơ sở nhỏ, hay các công ty thuộc nhóm được chuyển thuế thu nhập công ty vào thu nhập cá nhân (pass-through) như cơ sở kinh doanh cá nhân, hợp tác thương mại, công ty LLC, …

“Những cơ sở này thực sự là động cơ đổi mới và tạo công ăn việc làm trong nền kinh tế của chúng ta, và họ không nên bị bỏ rơi,” ông Johnson ghi trong thông báo. “Thật không may, cả dự luật của Hạ viện lẫn Thượng viện đều không đối xử công bằng, vì vậy tôi không hậu thuẫn cả hai.”

Thượng nghị sĩ Susan Collins (Cộng hoà – Main) và Thượng nghị sĩ Bob Corker (Cộng hoà – Tennessee) cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về dự luật cải tổ thuế nói chung, và tuyên bố không cam kết bỏ phiếu thuận. “Tôi vẫn đang làm việc với những người khác để xem xem có cách nào bảo đảm chúng ta sẽ không tạo ra tổn hại đối với vấn đề thâm thủng,” ông Corker cho hay. “Tôi không ủng hộ, cũng không chống,” ông nói thêm.

Trong khi Hạ việc dự đoán sẽ thông qua dự luật thì số phận cuộc cải tổ rơi vào tay các vị Thượng nghị sĩ Cộng hoà, những người phải vật lộn với triển vọng chính trị trong việc thông qua dự luật bị những người phản đối chỉ trích rằng sẽ làm suy yếu hệ thống chăm sóc sức khoẻ và ưu ái các công ty lớn hơn là tầng lớp trung lưu. Trước đây, Hạ viện thông qua dự luật bãi bỏ thay thế ObamaCare vào tháng 5 thì Thượng viện Cộng hoà lại thất bại hai lần.
Các vị Thượng nghị sĩ hai bên vào hôm thứ tư đã tranh cãi gay gắt chung quanh những thay đổi Cộng hoà đưa vào dự luật cải tổ thuế đầy tham vọng của họ tối khuya thứ ba, trong đó bổ sung thêm điều khoản bãi bỏ yêu cầu bắt buộc cá nhân phải mua bảo hiểm theo quy định của ObamaCare. Các vị Thượng nghị sĩ Cộng hoà cũng cắt giảm thuế cá nhân tạm thời nhằm tuân thủ theo quy định về thủ tục của Thượng viện đòi hỏi dự luật thuế không tạo thêm thâm thủng sau một thập niên.

Photo Credit: NYT

Sau thất bại ObamaCare, các nhà lập pháp Cộng hoà tại Thượng viện mong muốn có được thành tựu lập pháp chính, vì vậy họ rất nhiệt tâm về dự luật cải tổ thuế. Tuy nhiên, với khoảng cách khá hẹp 52-48 trong thượng viện, việc một số nghị sĩ Cộng hoà do dự có thể khiến cho dự luật rơi vào tình trạng bấp bênh hoặc có thể thất bại.

Ngoài ông Johnson, một số Thượng nghị sĩ khác tỏ ra không chắc chắn, trong đó có ba người đã bóp chết nỗ lực thay thế và bãi bỏ ObamaCare, đó là bà Collins, ông John McCain (Arizona) và bà Lisa Murkowski (Alaska.)

“Tôi muốn nhìn thấy trọn gói trước khi đưa ra quyết định,” ông McCain cho hay.
Trong khi bà Collins quan ngại tầng lớp trung lưu có thể sẽ không được cắt giảm thuế do tiền bảo phí bảo hiểm sức khoẻ tăng từ việc bãi bỏ bắt buộc cá nhân mua bảo hiểm, thì ông Corker và Jeff Flake (Arizona) lại để mắt vào nợ quốc gia, $1,5 nghìn tỉ Mỹ kim trong hơn một thập niên.

Bãi bỏ điều khoản bắt buộc cá nhân mua bảo hiểm sẽ cho phép Cộng hoà tiết kiệm được hơn $300 tỉ Mỹ kim trong 10 năm, như vậy cho phép họ có thể giảm thuế hơn nữa. Tuy nhiên, theo phân tích của cơ quan Ngân sách Quốc hội (CBO) thì việc này cũng làm giảm 13 triệu người dân có bảo hiểm y tế, và bảo phí trung bình sẽ tăng khoảng 10%.
Tại Hạ viện, đe doạ lớn nhất đến từ những vị dân biểu Cộng hoà tại các tiểu bang có mức thuế cao như New York và New Jersey – những người đang đấu tranh bảo vệ khoản khấu trừ thuế tiểu bang và địa phương. Dự luật của Hạ viện cho phép khấu trừ thuế bất động sản lên đến $10.000 Mỹ kim nhưng điều khoản này không đủ để lấy được phiếu thuận từ một số dân biểu Cộng hoà.

Nếu tất cả dân biểu tại Hạ viện bỏ phiếu và mọi dân biểu Dân chủ phản đối, lãnh đạo Cộng hoà chỉ có thể mất không quá 22 phiếu từ đảng mình thì dự luật mới được thông qua.
Ít nhất có 5 dân biểu Cộng hoà từ New York và 3 từ New Jersey đã lên tiếng chống lại dự luật. Lãnh đạo Cộng hoà có thể sẽ mất một vài phiếu từ California, cũng là tiểu bang có thuế cao.

Hương Giang (New York Times)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img