Thursday, March 28, 2024

5 điểm nổi bật trong phiên điều trần chuẩn thuận Giám đốc FBI

Washington (Washington Post) – Vào sáng hôm nay, cựu viên chức Bộ Tư pháp Christopher A. Wray – người được ông Trump bổ nhiệm thay thế cựu Giám đốc FBI James Comey – đã có phiên điều trần chuẩn thuận trước Uỷ ban Tư pháp Thượng viện.

Hơn 2 tháng sau khi Tổng thống Donald Trump sa thải ông Comey, Quốc hội Hoa Kỳ tỏ ra rất thận trọng trong việc xem xét người thay thế. Dự kiến sau phiên điều trần, Uỷ ban sẽ bỏ phiếu thuận trước khi chuyển sang toàn Thượng viện phê chuẩn bổ nhiệm.

Có 5 điểm nổi bật trong phiên điều trần kéo dài 5 tiếng.

1) Tổng thống Trump cũng có thể sa thải ông Wray

Trong phần phát biểu khai mạc, Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Thượng viện Charles E. Grassley (Cộng hoà – Iowa) nhắc nhở, vị trí Giám đốc FBI được Thượng viện phê chuẩn nhiệm kỳ 10 năm nhưng Tổng thống có quyền sa thải bất cứ khi nào.

“Giám đốc FBI có nhiệm kỳ giới hạn 10 năm, và tổng thống không bị hạn chế trong việc sa thải giám đốc cơ quan,” ông Grassley nói. “… trong khi sự độc lập khỏi đảng phái tối quan trọng … thì lịch sử đã cho thấy, giới hạn nhiệm kỳ 10 năm không phải để bảo vệ giám đốc FBI khỏi chính trị hay các chính trị gia mà để giúp bảo vệ lãnh đạo cơ quan khỏi chuyện vượt quá quyền hạn hoặc lạm dụng quyền lực.”

Khi trả lời chất vấn từ Thượng nghị sĩ Ben Sasse (Cộng hoà – Nebraska), ông Wray cũng cho rằng, giám đốc FBI nên bị sa thải nếu người đó có hành vi sai trái.

Photo Credit: AP

2) Wray sẽ từ chức trước nếu mọi việc trở nên “khó chịu”

Ông Trump sa thải cựu Giám đốc Comey vì “vấn đề Nga” khiến các vị nghị sĩ Quốc hội thất vọng, chính vì vậy họ tập trung vào việc có được lời cam kết từ ứng cử viên rằng ông sẽ đẩy lùi áp lực chính trị lên FBI hay không.

“FBI là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất cho tổng thống, và đó là những gì chúng ta đang chứng kiến từ Toà Bạch Ốc, họ có thể đòi hỏi lòng trung thành của ông như Tổng thống từng yêu cầu Giám đốc Comey,” Nghị sĩ Patrick J. Leahy (Dân chủ-Vermont) tuyên bố.

Ứng cử viên Wray cho hay, ông chưa bao giờ bị đòi hỏi phải trung thành và cũng không đưa lời cam kết như ông Trump bị cáo buộc với ông Comey. “Bất cứ ai nghĩ rằng làm giám đốc FBI, tôi sẽ không thẳng tay thì chắc chắn người này không biết rõ về tôi rồi,” ông Wray nhấn mạnh quan điểm.

Quan trọng nhất là ông cho hay, sẽ từ chức nếu Tổng thống buộc làm điều “bất hợp pháp, vi hiến, hay thậm chí trái với tiêu chuẩn đạo đức.” Ông đặc biệt vạch một đường ranh về vấn đề Tổng thống tìm cách can thiệp vào công việc điều ra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller khi băn khoăn, không biết liệu Tổng thống có quyền sa thải ông Mueller hay không.

3) Ông Wray và TT Trump đối lập ở một số vấn đề

TT Trump nghĩ tra tấn có hiệu quả nhưng ông Wray nghĩ ngược lại, tra tấn “sai trái” và “không hiệu quả.”

Tổng thống nghĩ cuộc điều tra ông và ban vận động tranh cử của ông “là chuyện vạch lá tìm sâu lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ, đáng buồn!” trong khi Wray cho rằng, ông “không xem công tố viên đặc biệt Mueller đang bới lông tìm vết.”

Đồng minh của Tổng thống tìm cách giảm uy tín ông Mueller, còn ông Wray cho rằng, công tố viên đặc biệt là người “hết sức trung thực.”

Trong khi ông Trump không tuyên bố liệu chỉ có một mình Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ hay không, thì ông Wray khẳng định, “không có lý do gì để nghi ngờ đánh giá của cộng đồng tình báo” về việc Nga đã nhúng tay can thiệp.

Tổng thống Mỹ gọi Comey là “gã điên khùng,” ông Wray ngược lại. “Theo hiểu biết của tôi, Comey là một luật sư xuất sắc, một công chức tận tâm và một đồng nghiệp tuyệt vời,” ông Wray nói.

Về việc ông Trump chia sẻ thông tin tuyệt mật với Nga, ông Wray bày tỏ, sẽ vô cùng nguy hiểm nếu chia sẻ thông tin tuyệt mật có thể khiến các nguồn tin tình báo của Hoa Kỳ ở ngoại quốc gặp rủi ro.

4) Wray cho rằng chính phủ Trump nên giải quyết các mối quan hệ với Nga khác hơn

Mặc dù ông Wray không đưa ra ý kiến cụ thể về việc Donlad Trump Jr. gặp gỡ luật sư Nga nhằm gây tổn hại bà Hillary Clinton, nhưng có thể hiểu được bất đồng khi ông đưa ra hai điểm: Thứ nhất, “Nga là một quốc gia mà chúng ta phải đối đầu hết sức cẩn trọng,” và “Bất cứ đe doạ hay nỗ lực từ bên ngoài can thiệp vào bầu cử của chúng ta đều là điều mà FBI muốn tìm hiểu.”

5) Có vẻ như ông Wray không gặp khó khăn được phê chuẩn

Một vài giờ sau phiên điều trần, một trong những lãnh đạo Dân chủ, Thượng nghị sĩ Al Franken (Minesota) cho hay, dường như ngay cả những người Dân chủ hoài nghi nhất cũng nghĩ: ông Wray đã vượt qua được kỳ thi. “Tôi nghĩ ông ta có một phiên điều trần khá tốt và tôi chúc ông ta may mắn!” ông Franken nói.

Hương Giang (Theo Washington Post)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img