Thursday, March 28, 2024

Nhân Ngày Hiền Phụ, bàn về vai trò NGƯỜI CHA TRONG TRUYỀN THỐNG TAM CƯƠNG

Cali Today News – Trong suốt giòng lịch sử đầy biến động, người Việt Nam vẫn gắn bó với nhau qua các qui tắc đạo đức gọi là “Luân thường đạo lý” (Ethical norms and moral codes). Luân thường đạo lý thường được gọi tắt là Luân Lý.

LUÂN LÝ là những qui tắc giúp cho con người hành xử, sinh hoạt đúng với vai trò và vị trí của con người trong tương quan với người khác. Theo nguyên ngữ LUÂN là “cái mà con người phải noi theo.” Ví dụ: “Nhân luân” là những qui tắc làm người. Tượng hình bằng một vòng tròn.
THƯỜNG là sự việc, là cái không biến đổi theo thời gian và không gian và hoàn cảnh; Cái “Thường” là cái hằng có, cái luôn luôn xảy ra giống nhau trong mọi thời điểm và khung cảnh. Chẳng hạn, trong xã giao khi chào nhau, người ta thường hỏi:”Thế nào, có gì lạ không?” Câu trả lời được nghe là:”Vẫn thường” hoặc “Cũng thường” hoặc “Thường thôi” cả ba câu đều có nghĩa là không có gì thay đổi.

ĐẠO LÝ có thể hiểu là “con đường do lý trí vạch ra xứng hợp trật tự và tương quan giữa người với người, giữa người với vật…” Trong nền đạo lý truyền thống, người Việt Nam thường nghe nhắc đến hai chữ Cương Thường (hay Cang Thường).

CƯƠNG THƯỜNG là tiếng gọi chung của: TAM CƯƠNG và NGŨ THƯỜNG. Đây là nền đạo đức chịu ảnh hưởng của Khổng Tử. Cụ Nguyễn Công Trứ, một danh tướng của Việt Nam thế kỷ thứ 19 đã viết: “Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường”

TAM CƯƠNG, NGŨ THƯỜNG là gì?

Tam Cương là ba giường mối, ba giới hạn (1) phải tôn trọng, phải gìn giữ để duy trì trật tự xã hội. Ngũ Thường là năm điều hằng có (2), năm điều không biến đổi theo không gian, thời gian và hoàn cảnh.

I. Tam Cương gồm có:

1) Quân: Người đứng đầu Quốc Gia (Vua, Quốc Trưởng, Tổng Thống, Chủ Tịch “nước”…)
2) Sư: Người đãm trách việc giáo dục, dạy dỗ (Thầy), rèn luyện.
3) Phụ: Người Cha trong gia đình, chủ gia đình.

Đây là ba giới hạn, ba cấp bậc trong một xã hội, mà con người phải tôn trọng để xã hội được ổn định. Trật tự Quân, Sư, Phụ này từ xưa đã đặt ra rất nhiều vấn đề khó giải quyết đối với con người khi phải lựa chọn một thái độ, khi quyết định một bổn phận trong các trường hợp cấp bách. Chẳng hạn: Người ta đặt ra vấn đề: “Trên một chiếc thuyền giữa sông sâu, biển rộng, chở một lúc vừa Quân (Vua) vừa Sư (Thầy dạy) vừa Phụ (Cha ruột) và người con cũng ở trên thuyền; nếu xảy ra tai nạn chìm thuyền mà chỉ có thể cứu được một người thôi, thì người con sẽ phải cứu người nào trong ba vị ấy? Vua, Thầy dạy hay Cha mình? Vấn đề này cũng từng là đề tài ra cho sĩ tử trong kỳ thi chọn người hiền tài ngày trước. Đề ra như sau: “Quân, Sư, Phụ tam cang giả Qua chuyến đò đầy,đò ngã, cứu ai?”

PHẢI CỨU AI CHO ĐÚNG ĐẠO?

Sự lựa chọn ở đây gặp phải nhiều bối rối và nan giải. Vì thứ tự ưu tiên của ba vị đã được qui định rạch ròi: nhất vua, nhì thầy, ba cha! 1) Đối với Vua thì phải giữ chữ Trung 2) Đối với Thầy dạy thì phải giữ chữ Nghĩa 3) Đối với Cha thì phải giữ đạo Hiếu.

LỰA CHỌN THẾ NÀO ĐÂY?

 -Nếu vì chữ TRUNG mà cứu Vua thì mang tội Bất Nghĩa, Bất Hiếu! Rồi làm sao mà sống cho yên với xã hội, với gia đình? – Nếu cứu Thầy thì được NGHĨA mà Bất Trung, Bất Hiếu, cũng khó mà an tâm. – Nếu vì chữ HIẾU mà cứu Cha thì Bất Trung, Bất Nghĩa! Người bất trung, bất nghĩa thì làm sao ngẩng mặt nhìn trời, nhìn đất mà không hổ thẹn! Thật là một hoàn cảnh vô cùng phức tạp, éo le, gay cấn… Một bài toán đời rất khó giải đáp. Ngưòi ta thường quên cái CANG số hai là Thầy. Do đó, con người trong xã hội Việt Nam còn lại hai nhiệm vụ lớn, nặng nề đó là Trung và Hiếu. Ca dao ghi: ”Hai vai gánh nặng trìu trìu Vai mang chữ Hiếu, vai đìu chữ Trung”

Nguyễn Công Trứ viết: “Có Trung Hiếu đứng trong trời đất Không công danh, nát với cỏ cây!”
Nguyễn Đình Chiểu trong phần mở đầu truyện Lục Vân Tiên: “Trai thời Trung Hiếu làm đầu…”
Trở lại với đề thi về “Tam Cang,” mỗi sĩ tử sẽ lập luận để biện minh cho sự lựa chọn của mình. Tại sao mình cứu người này mà không cứu người kia. Có lẽ bài thi loại này cũng là một lối “trắc nghiệm tâm lý” để tìm hiểu tâm tính, khuynh hướng cùng thái độ của con người trong cuộc sống. Người ta đã ghi nhận được các lập luận như sau: – Người chọn giải pháp cứu Vua đã đưa ra các lý lẽ sau đây: 1) Vua là biểu tượng của đất nước, cứu Vua tức là cứu nước. 2) Vua là người giữ phép luật cho dân được trật tự trị an, một ngày không có Vua đời sống nhân dân sẽ bị đe dọa vì loạn lạc: “Nhất nhật vô vương, Thiên hạ đảo huyền.” 3) Cứu được Vua, giữ được nước thì nhà mới yên, cha mẹ, thầy giáo mới tồn tại được. Nếu “nước mất thì nhà tan” lấy đâu mà hiếu, nghĩa. – Người chọn cứu thầy dạy, sẽ lập luận rằng: Cha mẹ sinh ra thân thể, chính Thầy là người chỉ dậy cho biết làm cách nào để “nên người.” Sự khôn ngoan, minh trí, biết phải trái, tốt, xấu, thiện, ác, hiếu, trung… đều nhờ sự giáo dục của Thầy, do đó nếu không cứu thầy thì con người sẽ không biết đạo lý làm người. “Không thầy đố mày làm nên” do đó, ngay cả Vua cũng cần được đào tạo bởi Thầy mới trở thành minh quân! – Người chọn giải pháp cứu Cha lập luận rằng:

Mất Vua này sẽ có Vua khác thay thế được, mất cũng có thể tìm thầy khác, còn nếu mất Cha rồi thì không có ai thay thế được! Vì công sinh thành dưỡng dục chỉ xảy ra một lần. Cha ruột hoàn toàn không thể thay thế một cách đích thực. (Cha nuôi, bố dượng – step father chỉ là cha về mặt xã hội). Tất cả những lập luận trên đây đều có những lý do xác đáng đối với ba giá trị cần yếu của xã hội. Lý do nào cũng chính đáng cả.

Vậy giám khảo hay quan trường phải chấm điểm như thế nào? Làm sao để chọn người hiền tài cho chuẩn xác?

Trung, Hiếu, Nghĩa là ba đức tính đồng hạng. Gặp lúc gian nguy, buộc con người phải lựa chọn một trong ba, thì phản ứng sẽ khác nhau.

Sự khác nhau trong cách lựa chọn bộc lộ cho thấy “Khuynh Hướng Tiềm Ẩn” sâu xa trong mỗi cá nhân. Chính khuynh hướng tiềm ẩn này sẽ chi phối thái độ và hành vi của con người trong cuộc đời, trong công việc làm…

Thật vậy, người chọn lựa cứu Vua, là người quí trọng chữ Trung hơn hết. Đây là loại người (type) có khuynh hướng vị tha, lo cho việc chung, việc lớn trước tình cảm gia đình và ơn nghĩa của thầy dạy.

Họ cứu Vua vì sợ một ngày không có Vua xã hội sẽ mất trật tự, loạn lac, chết chóc, tranh chấp quyền lợi… nhân dân sẽ khốn khổ…

Trái lại, người chọn lựa cứu cha, là người coi chữ Hiếu trọng hơn.

Loại này khuynh hướng vị kỷ, cá nhân mạnh hơn vị tha. Đối với họ nhà phải lo trước, không thể hy sinh tình riêng cho việc chung. Nếu phải chọn lựa giữ “Tình Nhà” và “Nợ Nước” họ sẽ chọn Tình Nhà trước, mặc kệ sự an nguy của xã hội, không quan tâm nhiều đến sự tồn vong của quốc gia.

Người chọn giải pháp cứu Thầy dạy là người có khuynh hướng trung dung, điềm tĩnh, quý trọng trí tuệ và tinh thần. Loại người này tin vào vai trò của giáo dục trong việc đào luyện nhân cách.

Đối với họ, con người sinh ra mà không được giáo dục, không có sự hiểu biết đạo lý thì không thể nên người được.

Tục ngữ nói: “Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư
Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư”

(Nuôi con trai mà không dạy như nuôi lừa, nuôi con gái mà không dạy như nuôi lợn)

Cha mẹ chỉ sinh ra thể xác, Vua chỉ lo trị an, nếu dân chúng không được giáo hóa, gia đình sẽ không ổn định và đất nước khó an hòa thịnh vượng.

Qua những câu giải đáp cho vấn đề đặt ra, người ta suy ra khuynh hướng của con người, từ đó tùy theo nhu cầu công việc mà tuyển lựa.

Người coi trọng đức Trung sẽ là người cần thiết cho việc nước, việc xã hội, thích hợp với công tác phục vụ Tổ Quốc, Nhân Dân.

Người coi trọng chữ Nghĩa sẽ là người cần cho công tác giáo hóa, điều hành và giữ đạo lý làm người.

Người coi trọng đạo Hiếu sẽ được chọn vào những công việc nhỏ trong thôn, xóm, làng họ…
Đây là nguyên tắc “Thân thân hữu thuật, Tôn hiền hữu đẳng” mà sách Khổng Tử đã ghi nhận. “Thân thân hữu thuật” có nghĩa là cách cư xử, đối đãi với người trong gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn hữu đều phải theo một khuôn phép nào đó: có các cấp bậc thân, sơ hay chỉ là xã giao chứ không phải ai cũng được tiếp đãi, đón mừng như nhau.

Chữ Thuật ở đây nguyên nghĩa là phép tắc từ đó suy ra các cách thức làm việc – Thuật có nghĩa là nghề giỏi, rành nghề. Ví dụ “Thuật Xử Thế”.

“Tôn hiền hữu đẳng” nghĩa là thờ kính các bậc tiền bối, các bậc có đức độ hơn người theo những phẩm trật khác nhau, có đẳng cấp trật tự, trên dưới (Tôn ti: tôn=ở trên, ti=ở dưới)
Về vấn đề “Tam Cương” có sách ghi rằng: 1) Quân – Thần Cương (Vua – Tôi) tức là đạo Trung. Sách Luận Ngữ thiên thứ 3: Bát Dật (quyển nhì), Khổng Tử nói với vua Định Công “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung”: Vua phải lấy Lễ khi sai khiến bầy tôi, bề tôi phải lấy Trung mà thờ Vua.

2) Phụ – Tử Cương (Cha – Con) tức là đạo Hiếu. Bổn phận của con là phải thờ kính và phụng dưỡng cha mẹ.

3) Phu – Phụ hay Phu – Thê Cương (Vợ – Chồng) tức là đạo Tiết Nghĩa, vợ đối với chồng phải giữ Tiết, chồng đối với vợ phải giữ Nghĩa. Giữ Tiết là phải trong sạch về tâm hồn và thể xác, một lòng trung thành với chồng, giữ nghĩa tức là luôn luôn làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, giữ lòng chung thủy.

Thật ra, Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa là sự thể hiện của hành vi trong Ngũ Luân là năm mối tương quan xã hội:

a/ Quân-Thần, b/ Phụ-Tử, c/ Phu-Phụ, d/ Huynh-Đệ, đ/ Bằng-Hữu, mà con người phải thực hiện để xứng đáng làm người.

Cha là một trong “tam cang” nên xã hội Á đông đã vô cùng coi trọng người cha.

Cha trở thành mực thước, khuôn mẫu trong việc đào tạo con cái.

Vì là mực thước cho nên cha có tính chất nghiêm khắc, thiên về lý trí; còn mẹ thì hiền hậu, thiên về tình cảm, cho nên mới có Sự Dạy Dỗ. Vừa dạy vừa dỗ mới thành công trong đào tạo con người.

Trong việc đào tạo con người điều kiện cần và đủ là phải có cả Nghiêm lẫn Từ, cương nhu tương tác thì gia đình mới vững vàng. Trong sách xưa hai chữ Nghiêm Từ chỉ Người Cha. Do đó, người cha tiếng Hán Việt gọi là TỪ PHỤ (Cha Lành) chứ không phải là Hiền Phụ như một số người nhầm lẫn. Lễ Vinh Danh Cha là NGÀY TỪ PHỤ. (“Hiền phụ” là “Vợ hiền”).

Nhiều người cho rằng người cha truyền thống Á Đông thường độc tài độc đoán trong việc giáo dục con cái và điều khiển gia đình. Bị đánh giá là “thói gia trưởng” áp chế các thành viên trong gia đình.

Kinh nghiệm xã hội đã ghi nhận là hiện tượng này đã từng xảy ra trong xã hội cũ và mới, tại quê nhà và ngay cả tại Hoa Kỳ hôm nay. Sự kiện này trên nguyên tắc không phải là do truyền thống đặt ra, cũng không phải do sách vở của Nho giáo mà là do con người chưa hiểu thấu triệt vấn đề.

Thật vậy, theo sách vở thì khi đưa ra TAM CƯƠNG QUÂN – SƯ – PHỤ, người ta cũng đã nêu ra phương thức thực hiện cho đúng đạo, đó là sự quân bình, song phẳng giữa các hành vi và thái độ, không cho phép sự lạm quyền.

Sách ghi rằng: “Quân quân, Thần thần, Phụ phụ, Tử tử…” Câu này có dạng một nguyên lý đồng nhất (principle of Identity) có thể viết lại như sau cho dễ thấy: ”Quân quân” tức là: Quân = Quân, vua phải ra vua Thần thần tức là: Thần = Thần, tôi phải ra tôi Phụ phụ tức là: Phụ = Phụ, cha phải ra cha Tử tử tức là: Tử = Tử, con phải ra con

Nghĩa là ai ở vị trí nào thì phải cư xử và ăn ỏ đúng vị trí của mình, mình phải đồng nhất với mình. Sách đã qui định thêm: “Quân minh >Thần trung”, “Phụ Từ>Tử hiếu” “Quân bất minh>Thần bất trung”, “Phụ bất từ>tử bất hiếu”, “Thượng bất chính>hạ tắc loạn…”

Đây là luật công bằng trong cuộc sống. Quy luật này dường như đều được áp dụng khắp nơi trong xã hội loài người Đông, Tây không khác nhau trên nguyên lý, chỉ khác nhau trong cách thể hiện mà thôi.

Có một luật trừ cũng cần nêu ra đó là trong lịch sử đã xảy ra nhiều trường hợp: Quân bất minh mà thần vẫn tận trung, phụ bất từ mà con vẫn chí hiếu. Đây thuộc lãnh vực tình cảm đặc biệt, không thể bàn cải theo duy lý.

NGUYỄN CHÂU (trích từ Những Đặc Trưng Của Gia Đình Việt Nam)

Previous article
Next article
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img