Thursday, March 28, 2024

Vì sao Tập Cận Bình ‘thăm’ Việt Nam ngay sau Đại hội 19?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today news  – Tập Cận Bình “thăm” Việt Nam hai lần chỉ trong vòng 2 năm là một dấu hỏi lớn về quan điểm và cách thức ứng xử của “thiên triều” với giới quan chức Việt luôn bị xem là quá cúi đầu trước ý chỉ phương Bắc.

Không chỉ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng vào hai ngày 10 và 11/11 năm 2017, mà “theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lựa chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đi thăm sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân đồng chí Tập Cận Bình coi trọng cao độ việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam” – như báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin.

Vào lần trước, “đồng chí Tập Cận Bình” đã đến Việt Nam cuối năm 2015, 4 tháng sau khi Nguyễn Phú Trọng đi Washington gặp Obama và khi trở về, ông Trọng đã rất hể hả và cũng rất thật “mình phải thế nào người ta mới tiếp như thế chứ”.

“Đồng chí Tập Cận Bình” đã đến Việt Nam cuối năm 2015.
Ảnh: Người Lao Động

Còn vào năm 2017, ông Trọng không đi Mỹ mà chỉ đi Campuchia – một quốc gia đang bất ngờ ngả hẳn về Bắc Kinh và gần đây còn đột ngột tuyên bố sẽ “đẩy đuổi” 70.000 người Việt sinh sống tại đất nước này về Việt Nam.

Bàn cờ Việt – Trung – Mỹ mà Việt Nam tưởng như “kiên định đu dây” trước đây chợt có nhiều dấu hiệu bấn loạn vào tháng Bảy năm 2017, khi nổ ra vụ Bãi Tư Chính.

Đó là một đòn quá đau đối với chóp bu Hà Nội, về kinh tế lẫn thể diện. Ngay trong vùng biển mà luôn tuyên bố là thuộc chủ quyền không tranh cãi của mình, Việt Nam đã không thể khai thác dầu khí mà bị Trung Quốc cho vài trăm tàu vây bọc. Thậm chí Bắc Kinh còn đe dọa sẽ tấn công những căn cứ quân sự của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Cuối cùng, giàn khoan của hãng Repsol (Tây Ban Nha) liên doanh với Việt Nam đã phải phủ phục rút lui.

Nhưng cũng từ đó, mối quan hệ “thắm tình hữu nghị Việt – Trung” không còn cơm lành canh ngọt nữa.

Mới đây, Hải quân Việt Nam đã từ chối tham gia một chiến dịch cứu hộ do Trung Quốc chủ trì tổ chức cùng với một số nước ASEAN. Thay vào đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đang tỏ ra một cách lộ liễu hướng đến và tìm kiếm sự hỗ trợ của Hải quân Hoa Kỳ. Ngay sau biến cố Bãi Tư Chính vào tháng 7/2017, tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam – đã di Mỹ và sau đó nhận được hứa hẹn của Mỹ về sẽ điều một tàu sân bay đến thăm Việt Nam vào năm 2018. Sau chuyến đi của tướng Lịch, đến lượt tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam – cũng đi Mỹ. Thậm chí ông Vịnh còn thể hiện tình cảm một cách “ve vãn” với Thượng nghị sĩ John McCain – người phụ trách Ủy ban quân vụ của Quốc hội Mỹ.

Cũng mới đây, báo chí Việt Nam tường thuật về “đối thoại thẳng thắn” tại Hà Nội giữa Phạm Bình Minh – Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, với Vương Nghị – Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc. Trong lịch sử quan hệ Việt – Trung, “đối thoại thẳng thắn” thường được dùng vào những lúc “chó mèo cắn nhau”.

Có lẽ Tập Cận Bình – nhân vật vừa được đưa tên vào điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc và còn được nâng lên thành “tư tưởng Tập Cận Bình” như một cách ngang bằng và thậm chí còn soán chỗ “tư tưởng Mao Trạch Đông”, đang cảm thấy tín hiệu xấu về “đồng chí tốt” ở phương Nam.

Sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 quậy phá tưng bừng ở Biển Đông vào năm 2014, đến năm 2015 không khí Việt – Trung đã đổi khác. Còn sau vụ Bãi Tư Chính năm 2017, hẳn giới chóp bu Việt càng bội phần nhục nhã không thể nói ra và càng ý thức rõ rệt thân phận của mình nếu phải trở thành “ngựa xe bất quá một cỗ, quân hầu bất quá vài tên” nếu để cho Trung Quốc “nuốt” Việt Nam.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ở Đà Nẵng có thể là một cơ hội cho giới chóp bu Việt đón tiếp người Mỹ, cùng một mục đích không kém quan trọng là Việt Nam phải cố gắng duy trì được số xuất siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm vào thị trường Mỹ để cân bằng với số phải nhập siêu cũng gần ba chục tỷ USD mỗi năm từ thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, người ta hầu như không còn hoài nghi về vị thế độc tôn tuyệt đối của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Độc tôn quyền lực lại dẫn đến độc trị về Biển Đông theo cách riêng của Trung Quốc. Nguy cơ xung đột vũ trang do Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông là không hề nhỏ trong tương lai trung hạn.

Một lần nữa kể từ năm 2015, Tập Cận Bình “thăm” Việt Nam có lẽ không ngoài ý định lôi kéo “đứa con hoang đàng” – cụm từ xấc xược rất đặc trưng mà tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đã dùng để chỉ Việt Nam – về lại quỹ đạo của Bắc kinh, đồng thời chuyến đi này có ý nghĩa như một sự cân bằng tạm thời với sự hiện diện đang có chiều hướng gia tăng của người Mỹ ở Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img