Thursday, March 28, 2024

Vì sao Quốc hội ‘gật thiểu năng’ với bội chi ngân sách 2018 chỉ 3,7%?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today News – Rốt cuộc, Chính phủ cũng ép được tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2017 chỉ vào khoảng 3,5% GDP. Và cuối cùng, Quốc hội cũng “gật thiểu năng” theo báo cáo của Chính phủ để dự toán bội chi ngân sách năm 2018 “thừa thắng xông lên” là 3,7% GDP.

Thậm chí, tổng số chi ngân sách nhà nước năm 2018 còn vọt lên đến hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tức được phóng khoảng 10% so với dự toán chi năm 2017.

Nhưng liệu số báo cáo tỷ lệ bội chi ngân sách 3,5% năm 2017 của Chính phủ có đáng tin cậy?

Ảnh: Ongbachau.vn

Chính Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia – một cơ quan trực thuộc Chính phủ – đã xác nhận cho mối nghi ngờ của công luận và giới chuyên gia về thực chất tỷ lệ bội chi: bội chi của 10 tháng đầu năm 2017 được báo cáo giảm là do không tính chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách nhà nước từ năm tài khóa 2016 và do tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển chậm.

Cần nhắc lại, kế hoạch của chính phủ chi trả nợ gốc và lãi năm 2017 là khoảng 260 ngàn tỷ đồng, trong đó phần nợ gốc có thể chiếm khoảng 2/3 trong số đó, tức khoảng 170 ngàn tỷ đồng.

Một số chuyên gia kinh tế cũng phân tích theo một chiều kích phản ngược: bội chi 10 tháng đầu năm 2017 “giảm hẳn” là do xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước.

Từ những con số và nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia và giới chuyên gia, sẽ không khó nhận ra rằng nếu thực tế giải ngân vốn đầu tư phát triển diễn ra theo đúng kế hoạch của Chính phủ, bội chi ngân sách trong 10 tháng đầu năm 2017 sẽ là con số bằng với số bội chi hiện hữu 40.000 tỷ đồng cộng với số chi đầu tư phát triển còn lại khoảng 120.000 tỷ đồng, tức khoảng 160.000 tỷ đồng, cộng với 170 ngàn tỷ đồng nợ gốc mà đúng ra phải được tính vào bội chi ngân sách, để ra con số khoảng 330 ngàn tỷ đồng – tương đương với tỷ lệ bội chi lên đến ít nhất 7% GDP, còn cao hơn cả mức bội chi kỷ lục “thời Nguyễn Tấn Dũng” vào năm 2013 là 6,6% GDP.

Cũng cần nhắc lại, mức bội chi bị xem là nguy hiểm theo quy định của Liên hiệp quốc là 5% GDP. Nếu một quốc gia vi phạm quy định này thì sẽ bị xem là một trong một số tiêu chí để không được Liên hiệp quốc công nhận là “nền kinh tế thị trường” và sẽ không được hưởng những ưu đãi về thuế quan và cho vay tín dụng. Mà Việt Nam lại đang rất cần được “linh hoạt công nhận quy chế thị trường” – như đề nghị của các đời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây và Nguyễn Xuân Phúc hiện thời.

Hẳn đó là lý do tại sao từ năm tài khóa 2016, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quyết định “giấu” mà không đưa phần chi trả nợ gốc vào mục bội chi ngân sách, cố “ép” tỷ lệ bội chi/GDP giảm xuống để làm đẹp báo cáo.

Hơn nữa, tiến độ giải ngân chậm cho đầu tư phát triển lại được xem là một thành tích của Chính phủ, lồng trong khung cảnh Thủ tướng Phúc đang có khuynh hướng đi vào lối mòn của Thủ tướng Dũng về “thành tích điều hành kinh tế”, chẳng hạn như gần đây ông Phúc đã khoe khoang tốc độ tăng trưởng GDP lên đến 7,46% vào quý 3 năm 2017 và bình quân 6,7% cho cả năm 2017.

Công bằng mà xét, Thủ tướng Phúc đã có một số cố gắng kéo giảm mức bội chi ngân sách bằng chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên (phần chi lương và phụ cấp cho đội ngũ công chức gần 3 triệu người), tiết giảm chi đầu tư phát triển, giảm biên chế…

Tuy thế, thực tế lại như ngược phản ông Phúc. Sau một thời gian đủ dài và cho tới nay, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách vẫn chiếm đến 70 – 80 % mà không hề thuyên giảm, bất kể số thu ngân sách đang có chiều hướng sụt giảm nhanh mà đã khiến đảng cầm quyền lẫn chính phủ cuống quýt tìm cách đè đầu dân tăng nhiều loại thuế như VAT (giá trị gia tăng), thuế sử dụng đất… Trong khi đó, đội ngũ công chức không những không giảm mà còn phình to hơn đến 11 ngàn người từ thời ông Phúc trở thành thủ tướng, còn nếu cộng với cả thời Nguyễn Tấn Dũng thì con số phình to phải lên đến hơn 100 ngàn người.

Bấm vào đây để xem những videos cần xem

Bội chi ngân sách 2018 được tuyên bố kéo giảm cũng có nghĩa là chi ngân sách năm 2018 vẫn được duy trì và con tăng hơn cả năm 2017, đồng nghĩa với chế độ “thu cùng diệt tận” ngày càng đày đọa đôi vai gày guộc của các tầng lớp dân chúng nghèo. Cũng ngày càng nhiều sắc thuế mới được “phát minh” và được “nâng lên một tầm cao mới”, khiến nhiều người dân đã phải rên siết về một chế độ “công bằng xã hội chủ nghĩa” còn tồi tệ hơn cả thời thực dân áp bức hơn bảy chục năm về trước.

Thiền Lâm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img