Thursday, March 28, 2024

Tổng bí thư sắp ‘kiêm thủ tướng’?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today News – Người đứng đầu bên đảng – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – đang làm được và có thể sẽ làm thường xuyên một việc mà các đời tổng bí thư trước đó hiếm khi làm được, còn các đời chủ tịch nước như Trương Tấn Sang khóa 11 đã không làm được và Trần Đại Quang khóa 12 chưa thể làm được: “dự và chỉ đạo họp chính phủ”.

Ngày 14/12/2017, Pháp Luật TP.HCM là tờ báo đầu tiên đưa tin: “Theo thông tin chúng tôi nắm được, cuộc họp trực tuyến của tập thể Chính phủ với các tỉnh, thành cuối tháng 12 này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dự, phát biểu chỉ đạo. Có thể nói đây là việc chưa có tiền lệ trước nay”.

 

Ngay lập tức, BBC đã nêu ra một số bình luận đầy ẩn ý chính trị:

“Sự kiện này không tránh khỏi tạo nên bình luận về quyền lực dường như ngày càng tăng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam”.

“Theo nguyên tắc tổ chức và điều hành quốc gia ở nhiều nơi trên thế giới, các nước theo chế độ tổng thống chế (Hoa Kỳ, Philippines, Indonesia) thì tổng thống cũng là ‘người đứng đầu chính phủ’”.

Nếu vai trò của tổng bí thư có thể sẽ “kiêm thủ tướng” theo một cách nào đó trong tương lai không xa – mà việc “dự và chỉ đạo họp chính phủ” có thể là dấu hiệu đầu tiên của “nhất thể hóa đảng và chính phủ” – ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ “về” đâu?
Ảnh: Reuters

“Nhưng ở các nước có cả hai chức danh thủ tướng và tổng thống thì nguyên thủ quốc gia không chủ trì họp chính phủ vì đó là việc của thủ tướng”.

“Việc nguyên thủ quốc gia chủ trì cuộc họp của chính phủ không phải là chuyện bình thường ở quốc gia vẫn có chức danh thủ tướng”.

“Thường thì tổng thống chỉ chủ trì họp chính phủ khi có sự kiện gì đặc biệt hoặc muốn giám sát công việc của nội các”.

“Riêng tại một số quốc gia còn lại theo mô hình có một đảng cộng sản lãnh đạo, báo chí quốc tế chú ý đến một xu hướng như ở Trung Quốc là ông Tập Cận Bình trở thành ‘chủ tịch của đủ mọi thứ’’.

“Theo New York Times, ông Tập ngoài ba chức to nhất là Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, còn nắm hơn 10 chức vụ, gồm cả chủ tịch nhóm công tác về an toàn mạng internet, ban điều hành về Đài Loan…”.

“Trang The Economist thì trích lời nhà nghiên cứu Úc, Geremie Barmé, nói một cách hình ảnh rằng ông Tập không còn là CEO của China Inc. mà là COE, ‘chairman of everything’ (chủ tịch của tất cả mọi thứ)”.

Ít giờ sau đó, trang báo điện tử Dân Trí đưa tin như thể “nói lại cho rõ”: một văn bản phát đi từ Văn phòng Chính phủ cho biết “Chính phủ mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2017. Tổng Bí thư sẽ có bài phát biểu tại đây”.

Sự kiện Tổng bí thư Trọng “dự và chỉ đạo họp chính phủ” diễn ra sau Hội nghị trung ương 6 vào đầu tháng 10/2017 với một nội dung cốt tủy của hội nghị này: nhất thể hóa chức danh đảng và nhà nước.

Hội nghị trung ương 6 đã “định hướng” một số giải pháp như: phải sắp xếp lại theo hướng sáp nhập những bộ phận có cùng chức năng lại với nhau. Ví dụ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể sáp nhập với Thanh tra Chính phủ; Ban Tổ chức Trung ương có thể nhập với Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch Đầu tư có thể gắn với Bộ Tài chính. Hay các đảng ủy khối từ trung ương đến tỉnh, thành, các đảng ủy khối doanh nghiệp, khối cơ quan, khối Dân chính đảng, Đảng ủy khối doanh nhiệp tư nhân cũng là tầng nấc trung gian, nếu không có tổ chức này, hoạt động của Đảng vẫn tồn tại và phát triển. Hoặc Bí thư giữ chức Chủ tịch một địa phương; người đứng đầu một đơn vị của Nhà nước phải là Bí thư Đảng ủy của cơ quan ấy. Nhất thể hóa như vậy, một người làm việc của hai người, quyền lực sẽ tập trung hơn và sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước…

Chủ trương nhất thể hóa trên lại được hỗ trợ đắc lực bởi một quy định về “luân chuyển cán bộ” do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 7/10/2017.

Nếu trước đây đảng chỉ “lãnh đạo đường lối” thì trong thời gian tới, hàng loạt nhân sự của đảng sẽ được cho kiêm chức bên chính quyền địa phương và cả chính quyền trung ương, lấy đó làm cơ sở để “người của đảng” kiêm việc điều hành chính quyền, và từ đó sẽ xuất hiện một cơ chế “chính ủy trong chính quyền”.

Theo đó, sẽ có nhiều nhân vật chủ tịch tỉnh/thành sẽ phải hoặc tự giác, hoặc bị bắt buộc nhường ghế chính quyền cho các “chính ủy”. Đặc biệt những địa phương nằm trong “tầm ngắm” của cánh đảng đương nhiên sẽ được cho “thí điểm nhất thể hóa” đầu tiên. Vụ xáo xào Nguyễn Xuân Anh tại Đà Nẵng vào tháng 9 – 10 năm 2017 là một trong ví dụ mang tính khởi động.

Có thể xem Hội nghị trung ương 6 là cuộc họp mở màn chính thức cho chiến dịch “nhất thể hóa” cùng những xáo trộn chưa từng có về nhân sự đầu tỉnh và kể cả nhân sự “tứ trụ” trong ít nhất 2 năm tới.

Trong khi đó, “đảng tràn sang chính quyền” là một cụm từ mà dân gian ví von với chiến dịch “nhất thể hóa”.

Nếu đà nhất thể hóa thuận lợi, lẽ đương nhiên bên đảng và do đó tổng bí thư sẽ “nắm” hết. Mô hình “đảng quản lý” thay cho “đảng lãnh đạo” sẽ ứng với hai chức danh chính là tổng bí thư và thủ tướng mà không quá cần thiết vai trò chủ tịch nước.

Khó mà hiểu khác hơn, logic của phương án “bí thư kiêm chủ tịch tỉnh” sẽ hầu như phải dẫn đến đến kết quả vai trò của tổng bí thư được “nâng lên một tầm cao mới”, cao đến mức mà hiểu theo cách nào đó có thể so sánh với mô hình “cộng hòa tổng thống” của phương Tây, tức tổng thống mới là người có quyền lực thực sự và cất tiếng nói cuối cùng để giải quyết các vấn đề quốc gia, chứ không phải thủ tướng.

Nhưng ở Trung Quốc thì lại chẳng cần đến “cộng hòa tổng thống”. Một số nhà phân tích phương Tây đã nhận ra Tập Cận Bình đã trở thành chủ nhân của khối chính quyền từ vài năm qua. Bên cạnh Tập, Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ là cái bóng.

Bấm vào đây để xem những videos cần xem

Còn Việt Nam, nếu vai trò của tổng bí thư có thể sẽ “kiêm thủ tướng” theo một cách nào đó trong tương lai không xa – mà việc “dự và chỉ đạo họp chính phủ” có thể là dấu hiệu đầu tiên của “nhất thể hóa đảng và chính phủ” – ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ “về” đâu?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img