Thursday, March 28, 2024

Số phận Bộ trưởng thông tin Trương Minh Tuấn sẽ ra sao?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today News – Từ khoảng giữa năm 2017, trên mạng xã hội bắt đầu rộ lên những thông tin về vụ “Mobifone mua AVG”, nhưng không chỉ quy kết “trách nhiệm hình sự” đối với bộ trưởng thông tin và truyền thông thời những năm trước là Nguyễn Bắc Son, mà còn “bắn ý” đến trường hợp ông Trương Minh Tuấn – khi đó là thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông.

Không hiểu vô tình hay hữu ý, ngay sau vụ “Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” dẫn đến vụ bắt đại gia ngân hàng Trầm Bê vào cuối tháng Bảy năm 2017, đến tháng Tám năm nay một số “mạng xã hội mang màu sắc phe phái” tiếp tục đưa tin về việc khi còn là thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, ông Trương Minh Tuấn đã ký quyết định phê duyệt để ông Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG. Trong khi giá trị thực sự của AVG là 8.900 tỷ đồng, hợp đồng mua AVG chỉ có 300 tỷ đồng. Vậy số tiền còn lại chạy đi đâu, và ai được “lại quả” từ số tiền đó?

Đặc biệt hơn, thông tin trên mạng xã hội còn được điểm xuyết bằng những công kích của blogger Huy Đức đối với ông Trương Minh Tuấn, cũng liên quan mật thiết đến vụ “Mobifone mua AVG”.

Ảnh Zing.vn

Quan chức “chống tham nhũng trong báo chí” Trương Minh Tuấn phải đối mặt với vụ “Mobifone mua AVG”, nhất là khi “cây bút điềm gở” Huy Đức đã “gọi tên ông”.

Dù chỉ là một nhà báo, một blogger bình thường như bao nhà báo và blogger khác, nhưng Huy Đức đang nổi lên như một “cây bút tín hiệu” lẫn “điềm báo” cho những sự kiện, vụ việc liên quan mật thiết đến những nhân vật chính trị cao cấp và một vài nhóm lợi ích thuộc loại “cá mập” nhất.

Cũng đã thành một thói quen, không ít người quan tâm đến biến động chính trị trong nội bộ đảng và chiến dịch được tuyên truyền là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng ngày càng dựa vào những tin tức, dù được thể hiện rõ ràng hay mơ hồ lấp lửng, của Huy Đức để nhận định và dự đoán về tương quan chính trị cùng những biến động, biến cố có thể xảy ra trong tương lai gần. Đặc biệt là về “ai sắp bị bắt” hay “ai sắp chết”…

Gần đây nhất, Huy Đức đã “báo điềm gở” về Đinh La Thăng bị loại khỏi Bộ Chính trị, Trịnh Xuân Thanh “đã về”, Trầm Bê bị bắt. Mới nhất là nói đến tên Trương Minh Tuấn.

Vụ Mobifone – AVG lại đang được đích thân Nguyễn Phú Trọng xem xét và thúc đẩy. Vụ việc này hứa hẹn sẽ “làm rõ” hàng loạt quan chức cao cấp. Không loại trừ một số quan chức cao cấp sẽ phải ra tòa.

Cần nhắc lại, từ tháng Bảy năm 2016, khi được Bộ Chính Trị đặc cách cho kiêm nhiệm chức vụ phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, quyền lực của Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn đã trở nên “nhất thể hóa” và vượt hơn nhiều so với đa số trong dàn bộ trưởng còn lại của chính phủ. Cũng từ thời điểm đó, báo chí nhà nước như lên cơn co giật trong một cuộc “chỉnh đảng” kinh động chưa từng có từ nhiều năm qua. Trương Minh Tuấn lạnh lùng “chém” những nhà báo nhà nước vượt ra ngoài khuôn khổ định sẵn của đảng.

“Ở Việt Nam, không hề có mâu thuẫn giữa tự do ngôn luận, tự do báo chí với sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước đối với báo chí,” ông Trương Minh Tuấn đã tung ra loạt hai bài trên báo đảng Nhân Dân vào tháng Mười năm 2016 với tựa đề rất “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng:” “Nhận diện nguy cơ ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa’ trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục.”

“Tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” là hai cụm từ được Tổng Bí Thư Trọng đặc cách nhấn mạnh tại hội nghị trung ương 4 hồi tháng Mười năm 2016, như một loại nguy cơ mà có thể khiến đảng cầm quyền của ông biến mất. Ngay lập tức, những cụm từ đặc thù chuyên chính này được ông Tuấn hăng hái lặp lại. Không những thế, ông Tuấn còn phát triển thêm nội hàm của nghị quyết trung ương 4: “Kiên quyết loại bỏ những phần tử có biểu hiện ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa’ ra khỏi chức vụ lãnh đạo các cơ quan báo chí.”

Ông Tuấn còn kiên định: “Sử dụng quyền tự do báo chí để phục vụ các “nhóm lợi ích”… Một số tờ báo, trang tin câu kết với một bộ phận doanh nghiệp và một số cán bộ, công chức để lũng đoạn chính sách, thực hiện chiến dịch truyền thông tạo lợi thế để một số doanh nghiệp làm ăn bất chính, gây bất lợi cho doanh nghiệp khác. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất được một số tờ báo ca ngợi, biến thành địa chỉ kinh doanh lành mạnh, phát đạt, đáng tin cậy,… nhằm thu hút đầu tư, tăng hấp dẫn để bán sản phẩm; tô vẽ thành tích cho một số cá nhân để biến họ thành người thành đạt, kinh doanh giỏi,… Sau một thời gian, tất cả vỡ lở, doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất được ca ngợi chỉ là nơi làm ăn thua lỗ, tài sản của Nhà nước thất thoát nghiêm trọng; cá nhân được tô vẽ thì bị phát hiện là lừa đảo, tham nhũng, có người phải nhận án tù…”.

Ông Tuấn được nhiều người bình luận rằng ông là người có tham vọng chính trị ngùn ngụt, và trong một hoàn cảnh cần thiết, thậm chí ông còn tỏ ra sắt son với đảng hơn nhiều so với các ủy viên Bộ Chính Trị. Theo đó, ông đang được “quy hoạch” để trở thành tân ủy viên Bộ Chính Trị trong tương lai, thậm chí là tương lai gần.

Nhưng lại đang có một bức tường rất cao chặn đứng tương lai đó. Ngay trước mắt, quan chức “chống tham nhũng trong báo chí” Trương Minh Tuấn phải đối mặt với vụ “Mobifone mua AVG”, nhất là khi “cây bút điềm gở” Huy Đức đã “gọi tên ông”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img