Thursday, March 28, 2024

Khởi tố quan chức Sơn La: Ông Trọng bỏ hổ đập muỗi?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today News – Trong lúc đang nổi lên nhiều dư luận về tâm thế “chống tham nhũng” sa sút của Tổng bí thư Trọng cùng nhiều ví von như “đánh trống bỏ dùi”, “đập chuột sợ vỡ bình” hay “chống tham nhũng một phe”…, Cơ quan An ninh Công an tỉnh Sơn La vừa bất ngờ ra quyết định khởi tố bị can đến 17 quan chức ở tỉnh này vềvụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án Nhà máy thủy điện Sơn La. Đáng chú ý là trong số người bị khởi tố có cả những quan chức đương chức cấp giám đốc và phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường và Sở Tài chính.


Inline image 2

Cơ quan an ninh điều tra đọc lệnh bắt tạm giam ông Trương Tuấn Dũng – phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sơn La – Ảnh: L.HOÀNG

Sơn La là một tỉnh vùng biên giới phía Bắc và giáp với Trung Quốc. Đây cũng là một tỉnh bị xem là thuộc loại nghèo nhất Việt Nam, nơi đã diễn ra cảnh học sinh quần áo tơi tả trong giá lạnh và phải bắt chuột ăn trừ bữa. Nhưng Sơn La cũng là một địa phương mà mật độ quan chức bị tai tiếng vì tham nhũng và ăn chơi thuộc loại không tệ trong bảng xếp hạng mức “suy thoái chính trị” của giới quan chức Việt Nam từ trung ương xuống các tỉnh thành.

Từ trước tới nay, Sơn La cũng không phải là địa phương có “bề dày chống tham nhũng”. Nhiều đơn thư của dân tố cáo quan chức vi phạm đã bị cuốn theo chiều gió.

Với những “thành tích” như thế, thật khó có thể tưởng tượng việc cơ quan công an Sơn La lại dám khơi mào một vụ án không nhỏ dính đến quan chức cấp sở và còn có thể lên đến quan chức cấp tỉnh, nếu không được “trung ương” bật đèn xanh.

Báo chí nhà nước một lần nữa lao vào làm tin bài vụ Sơn La. Một lần nữa lại nổi lên vài ba ý kiến của “quần chúng cán bộ” trên mặt báo về “đảng ta kiên quyết chống tham nhũng” và “chống tham nhũng không có vùng cấm”. Cũng bắt đầu phảng phất ý kiến có ý ca ngợi Tổng bí thư Trọng đang triển khai quyết liệt hành động “đả hổ” ở Sơn La…

Dường như Tổng bí thư Trọng đang muốn lấy lại uy tín sa sút của mình bằng một sự kiện. Nhưng nhiều dư luận lại nghi ngờ rằng chưa biết ông có theo đuổi sự kiện này đến cùng hay không.

Trong thực tế, ai cũng hiểu rằng những quan chức thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La bị khởi tố chỉ thuộc loại “ruồi’, thậm chí còn là “muỗi”. Mà ngay cả quan chức cấp phó chủ tịch hay chủ tịch tỉnh Sơn La, nếu có bị khởi tố liên quan đến vụ án Nhà máy thủy điện Sơn La, cũng chỉ thuộc loại “ruồi” mà chưa thể là “hổ”.

“Con hổ” theo đúng nghĩa là Đinh La Thăng – cựu chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia và bị nghi ngờ đã “ném” hàng trăm ngàn tỷ đồng vào túi quan tham, đã không hề bị ông Trọng xử lý kỷ luật tại Hội nghị trung ương 6 vào đầu tháng 10/2017.

Dù trước Hội nghị trung ương 6 vài tuần lễ, khi phiên tòa xử Hà Văn Thắm kết thúc với án chung thân cho nhân vật này, Hội đồng xét xử còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của người chỉ đạo gửi 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) vào Ngân hàng Đại Dương để sau đó số tiền này hoàn toàn biến mất. Cũng đã lộ ra một văn bản chứng minh rõ sự chỉ đạo của Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN về yêu cầu các đơn vị thành viên mở tài khoản và giao dịch với ngân hàng Đại Dương. Thậm chí khi đó đã dậy lên một luồng đồn đoán về khả năng Đinh La Thăng có thể bị Bộ Công an bắt trước Hội nghị trung ương 6…

Vào buổi sáng 12/10/2017 – chỉ một ngày sau Hội nghị trung ương 6, ông Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội). Trước nhiều bức xúc của cán bộ lãnh thành, trong đó “khen vụ Đà Nẵng, chê vụ Yên Bái” và nhiều cử tri hỏi tại sao cho đến giờ Thanh tra chính phủ vẫn chưa công bố kết luận thanh tra biệt phủ của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái, ông Trọng cho rằng phải bình tĩnh xem xét toàn diện các mặt để tìm nguyên nhân, khi xử lý thì “không phải dập cho người ta không thể ngóc đầu dậy được, Bác Hồ dạy cốt để cán bộ sửa sai, để tiến bộ trưởng thành…”.

Nếu so sánh “Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” – một phát ngôn cảm xúc cao độ của ông Trọng vào đầu tháng Tám năm 2017 khi nổ ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “theo cáo buộc của Chính phủ Đức, còn phía Việt Nam thì công bố trên truyền hình “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về đầu thú”, với “Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa”, và “Từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý nghiêm” – những phát ngôn của Tổng bí thư Trọng trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị 6, thì khẩu khí lúc này của ông Trọng đã xuống dốc hẳn. Cho đến nay, không còn thấy cụm từ “củi – lửa – lò” dày đặc trên mặt báo chí như trước, cũng không còn thấy tổng bí thư phát ngôn lẫm liệt về chống tham nhũng để tương xứng với những tung hô trước đó của những tác giả nào đó như “Sỹ phu Bắc Hà”, “Minh Quân” và thậm chí “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”…

Một kịch bản có thể là do không thể xử lý được “con hổ” nào, Tổng bí thư Trọng đành chuyển sang phương án “đánh” từ cấp địa phương, chấp nhận kết quả nhỏ nhoi với những vụ “diệt ruồi” như ở Sơn La.

Tuy nhiên loại vụ việc tiêu cực như Sơn La thì lại đầy rẫy trên mảnh đất Việt Nam quằn quại bởi nạn tham nhũng và bóc lột đàn áp nhân dân. Nếu ông Trọng không có hẳn một chiến lược cùng những sách lược hiệu quả, đặc biệt là sách lược về nhân sự chủ chốt để “đánh từ cấp cơ sở”, và nhất là không chịu thừa nhận “đập chuột phải nứt bình”, vụ Sơn La cũng chỉ tựa như “ném đá ao bèo”, chỉ giải quyết được phần ngọn để sau đó đâu lại vào đấy. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img