Thursday, March 28, 2024

‘Giảm một số phí’: Lùi một bước để tiến nhiều bước!

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today news – Bộ Tài chính và Chính phủ đang mưu tính gì khi cho báo nhà nước “PR” chủ trương giảm một số loại phí và lệ phí cho doanh nghiệp, trong lúc vẫn đang âm thầm thúc đẩy cơ chế triển khai thuế VAT (giá trị gia tăng)?

Sau khi bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt về hành vi “thu cùng diệt tận” đối với dân chúng, từ cuối tháng Tám, đầu tháng Chín năm nay, Bộ Tài chính bất ngờ tỏ ra “thiện ý” khi nêu ra đề xuất giảm một số phí, như phí cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu. Bộ này cũng kiến nghị miễn phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu; giảm phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi; giảm phí thẩm định nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm từ 1,8 triệu đồng xuống 1,6 triệu đồng/hồ sơ, giảm phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền; giảm mức thu lệ phí đăng ký thành lập, thay đổi nội dung đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh.

Cần ghi nhận là đã lâu lắm rồi, một cơ quan được người dân đặt cho biệt danh là “sát thủ thuế má” như Bộ Tài chính mới chịu giảm phí. Nhưng một câu hỏi rất lớn là tại sao trong nhiều năm qua, kể cả nhiều lần báo chí phản ảnh “doanh nghiệp đã kiệt sức vì phải đóng thuế”, Chính phủ và Bộ Tài chính lại không hề giảm thuế phí mà lại càng tăng lên?

Các số liệu thống kê gần đây về tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay vẫn cho thấy mức bình quân khoảng 20%, cao hơn hẳn so Thái Lan 16,1%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaysia 14,3%…

Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức trung bình của khu vực, thì tỷ lệ thu cao hơn hẳn, khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp từ 1,4 -3 lần so với các nước.

Theo báo cáo môi trường kinh doanh 2016, Ngân Hàng Thế Giới công bố tỷ lệ huy động thuế phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận. Tức làm được 10 đồng thì phải nộp thuế gần 4 đồng…

Một hiện tượng đáng mổ xẻ là song trùng với làn sóng PR giảm phí của Bộ Tài chính, Thủ tướng Phúc cũng nêu ra một chỉ đạo vào cuối tháng 8/2017 về “chưa tăng thuế trong năm 2017”. Nhiều dư luận đánh giá về động thái này của ông Phúc giống hệt như việc thủ tướng này đã phải quyết định “tạm ngừng” dự án Thép Cà Ná – Hoa Sen tại khu vực Ninh Thuận, sau khi dự án này – được “bảo kê” bởi Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh, cũng là anh em cọc chèo với Lê Phước Vũ chủ Tập đoàn Hoa Sen – bị dư luận xã hội phản ứng dữ dội về tương lai trở thành “Formosa thứ hai” của nó.

“Thủ phạm” tăng thuế VAT và “thả con săn sắt, bắt con cá rô”: Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Phạm Viết Đào

Một lý do khác để thủ tướng Phúc buộc phải chỉ đạo tạm ngưng chính sách tăng thuế trong năm 2017, sâu xa hơn và tất nhiên không thể công bố, là nếu tăng thuế và tiếp tục bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, ông Phúc sẽ vừa có khả năng tiếp gót cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kỷ lục làm mất lòng dân, đồng thời sẽ tạo nhiều cơ hội cho các đối thủ chính trị của ông Phúc khai thác triệt để “gót chân Asin” về tăng thuế má nhằm gạt ông Phúc khỏi danh sách ứng viên tổng bí thư đảng một khi ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “hạ cánh”.

Cũng có thêm một nguyên do khác để “giảm một số phí”. Một số chuyên gia tài chính phân tích rằng những loại phí và lệ phí mà Bộ Tài chính đang kiến nghị giảm thực ra chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số khoảng 430 loại phí, lệ phí ở Việt Nam hiện thời, và những loại phí được đề nghị bởi Bộ tài chính có mức giảm dù có vẻ hấp dẫn về tỷ lệ phần trăm, nhưng sẽ hầu như không có tác động lớn nào đối với số thu ngân sách, xét về con số tuyệt đối. Khi thực hiện chính sách giảm phí này, Bộ Tài chính và Chính phủ sẽ đạt được ít ra hai mục tiêu lớn: làm dịu cơn phẫn nộ của dân chúng, lấy lòng dân; đồng thời “thả con săn sắt bắt con cá rô”.

“Con cá rô” ấy chính là thuế VAT. Dù Thủ tướng Phúc vẫn chưa hề đề cập đến việc tăng loại thuế này, nhưng một số tin tức từ những tờ báo phản biệt cho biết “Bộ Tài chính vẫn bảo lưu ý kiến nâng mức thuế suất thuế VAT theo hai phương án tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1.1.2019 hoặc tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1.1.2019 và 14% từ ngày 1.1.2021, bất chấp nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc tăng thuế VAT sẽ tăng thêm gánh nặng cho người nghèo”.

Thói vô tâm, vô cảm và vô trách nhiệm của giới quan chức Bộ Tài chính đã tích tụ từ nhiều năm qua và mang tính hệ thống.

Ngay trước mưu đồ tăng thuế VAT, Bộ Tài chính đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.

Có rất nhiều bài học kinh nghiệm về việc Chính phủ và Bộ tài chính đã “lùi một bước để tiến nhiều bước” trong các chiến dịch tăng thuế. Chứng cứ mới nhất là chiến dịch tăng “thuế bảo vệ môi trường” từ 3000 đồng/lít xăng lên 8000 đồng/lít xăng do Bộ Tài chính “bảo kê” và phát động. Bất chấp phản ứng dữ dội của dư luận xã hội, bộ này vẫn âm thầm “dùi” Chính phủ và Quốc hội để mau chóng thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), để nếu mọi chuyện trót lọt thì giá xăng đang từ khoảng 17 ngàn đồng/lít sẽ tăng vọt lên đến 25 ngàn đồng/lít.

Sói vẫn hoàn sói, cho dù có đội lốt cừu.

Tất cả vẫn chỉ nhằm bù sắp cho một ngân sách đang lao nhanh đến cạn kiệt và rất có thể sẽ vỡ nợ trong ít năm tới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img