Tuesday, March 19, 2024

Các FTA của Việt Nam đang ‘triển vọng’ ra sao?

 

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today News – Chuyến làm việc có vẻ đột ngột của ông Bernd Lange – Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu – tại Hà Nội vào giữa tháng Chín năm 2017 đã khuấy động một chủ đề cũ: vì sao Việt Nam khẩn cấp cần đến Hiệp định Tự do Thương mại EU – Việt Nam (EVFTA) đến thế?

Cho dù Việt Nam vẫn luôn quảng cáo rằng chính thể này có đến 16 FTA (hiệp định thương mại tự do), nhưng hiện trạng các FTA vẫn ngổn ngang, rất tương đồng với tình cảnh Việt Nam đã ký thỏa thuận với chẵn một chục đối tác chiến lược trên thế giới, nhưng trong hai vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 và Bãi Tư Chính năm 2017, đã chẳng có một đối tác chiến lược nào chìa tay giúp Việt Nam để tránh thoát bàn tay lông lá đe dọa của đối tác chiến lược lớn nhất là Trung Quốc.

Đến cuối năm 2016, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 FTA. Trong số này, có 10 FTA đã thực thi (sáu FTA trong số này với tư cách là thành viên ASEAN, bốn FTA còn lại với Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, và EEC). Hai FTA đã kết thúc đàm phán là TPP và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Bốn FTA đang đàm phán là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN – Hồng Kông, FTA với Israel và với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA).

Chỉ có hai FTA của Việt Nam với Mỹ và châu Âu là còn xuất siêu được – lần lượt là 25 tỷ USD và 20 tỷ USD mỗi năm. Còn thặng dư xuất siêu với Nhật bằng 0, trong khi ngay cả Hàn Quốc, tưởng là “dễ ăn”, nhưng Việt Nam lại phải nhập siêu đến hai chục tỷ USD vào năm 2016.

Còn với Trung Quốc thì khỏi nói: con số nhập siêu chính ngạch lên đến 20 – 30 tỷ USD/năm, chưa kể phần tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD nữa, tổng cộng đến 40 – 50 tỷ USD nhập siêu mỗi năm dành cho Việt Nam.

Thói quen phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc đã trở nên quá khó bỏ. Nó không chỉ cột chặt giới doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn xiềng xích giới quan chức “ăn dầy” của Việt Nam – những người có thẩm quyền ký hạn ngạch nhập hàng từ Trung Quốc. Tình thế càng trở nên nên khốn quẫn khi tại một số cuộc hội thảo về đầu tư, người ta cho biết giới doanh nghiệp Trung Quốc có thói quen chi dưới gầm bàn “thoáng nhất”!

Không cần nhắc lại, ai cũng biết giới quan chức Việt thuộc loại “ăn đủ” nhất trên thế giới.

Trong lịch sử buôn bán hai chiều với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam lại bị phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Còn nhớ sau khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2014, giới chuyên gia kinh tế Việt Nam bắt đầu phải bàn luận đến khía cạnh “kinh tế Việt Nam sẽ sống được bao lâu nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc”. Trả lời câu hỏi này là lời tường thuật rất thành thật của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may: nếu không được nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc, nhà máy của họ chỉ tồn tại được vài ba tháng!

Giờ đây, sau cú đổ vỡ của Hiệp định TPP mà đã khiến Bộ Chính trị Việt Nam choáng váng, EVFTA là niềm hy vọng cuối cùng để Việt Nam duy trì được số xuất siêu hơn hai chục tỷ USD hàng năm vào thị trường châu Âu, cũng như cứu vãn nền kinh tế Việt Nam và do đó cả chân đứng thể chế chính trị vốn đang tích tụ rất nhiều dấu hiệu của suy thoái và khủng hoảng.

Không thể ngồi chờ EVFTA từ trên trời rơi xuống, trong năm 2017 giới chóp bu Việt Nam đã phải tự thân lặn lội đi các nước châu Âu để “dân vận” nhằm thúc đẩy nhanh việc thông qua EVFTA. Trùng thời gian ông Bernd Lange đến Hà Nội, một quan chức Việt Nam của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi Thụy Sĩ, với kết quả “các quan chức Việt Nam và Thụy Sĩ đồng ý với nhau rằng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn tất việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và khối bốn quốc gia châu Âu bao gồm Thụy sĩ, Na Uy, Băng Đảo, và Lichteinsten”.

Trước chuyến đi châu Âu của Vương Đình Huệ, Bộ Chính trị Việt Nam cũng đã cử hai phái đoàn đi “dân vận” ở châu Âu: đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội, và đoàn của ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng. Tuy nhiên, cả hai đoàn này đều chỉ có được kết quả hết sức mờ nhạt. Chẳng có một hứa hẹn nào, càng không có cam kết cụ thể nào từ phía các “nước bạn”.

Vậy thì làm thế nào để “triển vọng phát triển còn tốt lắm” – như lời tuyên ngôn của Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng sau khi TPP gần như tan vỡ, để “đất nước đi tới không gì cản nổi” – như một thể loại “tự sướng” từng ra rả vào thời chiến tranh, trong khi tình hình các FTA với đa số các nước vẫn rơi vào tình thế bất lợi, còn EVFTA vẫn chưa đâu vào đâu?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img