Friday, March 29, 2024

Nhật Ký Biển Đông: Mỹ Có Nên Tiến Vào Bãi Lầy Syria?

Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Tư ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình thế giới:

-YahooNews ngày 2/4/2017: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis khi còn lãnh đạo Bộ Chỉ Huy Trung Ương Hoa Kỳ giám sát những cuộc hành quân ở Trung Đông, nhắc đi nhắc lại rằng ba đe dọa nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ là Ba Tư, Ba Tư và Ba Tư. Nhưng nay trong một cuộc họp báo tại Luân Đôn ngày 31/3/2017 ông lại nói rằng Bắc Triều Tiên với hỏa tiễn đạn đạo và chương trình hạt nhân lại trở nên mối đe dọa hàng đầu.”

Như vậy ông tướng này “tiền hậu bất nhất”. Một vị tư lệnh chiến trường phải lượng định được đâu là hướng nguy hiểm nhất mà kẻ địch có thể tấn công. Nếu lượng giá sai, chắc chắn sẽ thảm bại. Sở Bá Vương trúng kế “Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương” cho nên đem hết quân phòng thủ Sạn Đạo, bỏ trống Trần Thương. Hàn Tín cho quân tiến vào Sở bằng con đường này và Sở Bá Vương không kịp trở tay. Còn đối với một quốc gia, phải lượng định được đâu là kẻ thù chính, ví dụ: Đối với Việt Nam, Hoa Lục là kẻ thù nguy hiểm nhất chứ không phải Thái Lan, Phi Luật Tân hay Hoa Kỳ. Thái Lan, Phi Luật Tân hay Hoa Kỳ cũng có thể trở thành kẻ thù…nhưng chưa phải lúc này. Giả dụ, các chiến lược gia Việt Nam kết luận rằng Phi Luật Tân lả kẻ thù chính, sẽ dồn hết sức mạnh quân sự để đối phó với Phi Luật Tân…thì sẽ chết dưới tay Hoa Lục.

Khi Bắc Triều Tiên chưa có hỏa tiễn liên lục địa và vũ khí nguyên tử thì họ chỉ có khả năng quấy rối Nam Triều Tiên là cùng. Nhưng nay tình hình đã đổi khác. Bắc Triều Tiên thực sự trở thành mối đe dọa về an ninh cho Hoa Kỳ. Nhưng giải quyến vấn đề Triều Tiên không phải dễ. Theo tôi, Hoa Kỳ nên trực tiếp thương thảo với Bình Nhưỡng, cam kết không lật đổ chế độ và khuyến cáo Nam Triều Tiên không nên có thái độ khiêu khích. Nếu cần cũng nên viện trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng và mặc họ muốn cai trị đất nước ra sao thì ra, đừng dính vào. Cũng giống như chính sách “Let Cuba be Cuba” (Cứ để Cuba là Cuba, kệ nó, đừng dính vào) suốt tám năm của Tổng Thống Bill Clinton. Giải pháp duy nhất là: Bán Đảo Triều Tiên tồn tại hai quốc gia với hai thể chế, đường ai nấy đi dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc…miễn là họ không chế tạo vũ khí nguyên tử là được. Bất cứ một giải pháp quân sự nào để đối phó với Bắc Triều Tiên cũng sẽ là thảm họa vì Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ trả đũa. Khi đó Nam Triều Tiên sẽ biến thành đống gạch vụn. Mà Hoa Kỳ và Nam Hàn cũng không thể đem quân vào để “giải phóng” Bắc Triều Tiên vì khi đó Hoa Lục sẽ đem cả triệu quân vào đây để bảo vệ Bình Nhưỡng. Đệ III Thế Chiến sẽ nổ ra. Chính vì thế mà mới đây bộ tham mưu của Ô. Trump mi mí có thể có cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng. Theo tôi, biện pháp thương thảo với Bình Nhưỡng là tối hảo. Do đó, vào ngày 8/4/2017, chỉ một ngày sau cuộc họp thượng đỉnh với Ô. Tập Cận Bình, Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Kỳ và Trung Quốc mưu tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.

Thế nhưng vào ngày 8/4/2017, Tổng Thống Donald Trump đột nhiên ra lệnh cho một nhóm tàu tấn công dẫn đầu bởi HKMH Carl Vinson di chuyển về Bán Đảo Triều Tiên để làm áp lực với Bình Nhưỡng và vào ngày 12/4/2107 lại gửi thêm máy bay “ đánh hơi nguyên tử” (nuke sniffer plane) tới Nhật Bản. Nhiệm vụ của nhóm tàu tấn công này là bảo đảm sự sẵn sàng và hiện diện tại Tây Thái Bình Dương. Tình hình vô cùng căng thẳng. Bắc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng dùng vũ khí nguyên tử để chống lại bất cứ kiểu chiến tranh nào của Mỹ và Mỹ phải chịu trách nhiệm về hậu quả thảm khốc xảy ra.

Theo Reuters ngày 12/4/2017, trước tình hình căng thẳng đó, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã gọi điện thoại cho Tổng Thống Donald Trump kêu gọi một giải pháp hòa bình cho Bán Đảo Triều Tiên. Giải pháp hòa bình ở đây có thể là Hoa Lục sẽ thuyết phục hoặc áp lực Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình thử nghiệm vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa và rồi thì nhóm tác chiến khổng lồ HKMH Carl Vinson sẽ âm thầm rút lui để “hạ hồi phân giải.” Vậy khó lòng có kiểu chiến hạm Hoa Kỳ từ ngoài khơi bắn hỏa tiễn Tomahaw vào Bắc Triều Tiên để cảnh cáo như đã làm ở Syria. Vào ngày 14/4/2017, Ngoại Trưởng Vương Nghị nói rằng nếu chiến tranh nổ ra, chẳng có ai là kẻ chiến thắng tức hai bên cùng “bại xụi” vì cả hai bên đều có vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn. (There can be no winners in a war between the U.S. and North Korea over Pyongyang’s nuclear weapons and missile programs, Chinese Foreign Minister Wang Yi said Friday.) Còn Nga thì kêu gọi các bên nên tự chế.

-AFP ngày 10/4/2017, -Reuters ngày 4/4/2017: “Trong một bản công bố, Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng Thống Donald Trump đã gọi điện thoại cho Tổng Thống Nga Putin, cực lực lên án cuộc đánh bom khủng bố tại trạm xe điện ngầm ở Mạc Tư Khoa khiến 14 người chết và 48 bị thương. Ô. Trump chuyển lời phân ưu tới nạn nhân, gia đình và nhân dân Nga. Tổng thống hứa Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ đầy đủ cho Nga để chống lại những cuộc tấn công khủng bố và đưa thủ phạm ra trước vành móng ngựa. Hai tổng thống Putin và Doanld Trump đều đồng ý phải dứt khoát và nhanh chóng đánh bại những kẻ khủng bố.”

Giữa bầu không khí chính trị hận thù và chống Nga sôi sục ở Hoa Kỳ, khác với Ô. Obama chỉ gọi điện thoại chia xẻ nếu cuộc tấn công khủng bố xảy ra ở các nước đồng minh Âu Châu và không bao giờ gọi điện thoại phân ưu với Nga. Đây là dấu hiệu cho thấy Ô. Trump đã và đang tìm cách hòa dịu với Nga để giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thế giới nhất là vấn đề tiêu diệt Nhà Nước Hồi Giáo.

-Reuters ngày 11/4/2017: “Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc, Tổng Thống Miến Điện U Htin Kyaw đã hội kiến với Chủ Tịch Tập Cận Bình. Hai bên đã thỏa thuận khởi đầu ngay đường ống dẫn dầu sau một thập niên bị trì hoãn. Dự án sẽ thiết lập một đường ống dẫn dầu trị giá 1.5 tỉ Mỹ Kim, dài 770 cây số vượt qua Miến Điện tới tây nam Trung Hoa, với một tàu chở dầu khổng lồ gần Cảng Kyauk Phyu. Đường ống đã nằm ụ ở đó, không được bơm dầu hơn một thập niên. Đây là kế hoạch nhập cảng dầu của Hoa Lục từ Vịnh Bangal và được bơm mỗi ngày 260,000 thùng tới nhà máy lọc dầu tại Tỉnh Vân Nam.”

Trong khi Hoa Kỳ lún sâu vào 5 cuộc chiến và những vấn đề nhân quyền và không có bất dự án đầu tư lớn lao nào tại khu vực Đông Nam Á thì Trung Quốc trở thành nhà đại đầu tư như: Dự án Kênh Đào Kra 28 tỉ, cho Phi Luật Tân vay và đầu tư 3.4 tỉ, xây dựngThành Phố Xanh Lục tại Mã Lai 100 tỉ, Nam Dương 1.6 tỉ và ngày hôm nay tới Miến Điện. Đó là lý do tại sao Đông Nam Á tuy nể sợ Mỹ nhưng không mấy “mặn mà” với Mỹ, ngoại trừ Việt Nam đang rất cần Mỹ.

-AP ngày 13/4/2017: “ Hoa Kỳ ném loại bom không phải nguyên tử nhưng là “mẹ của các loại bom” có tên là GBU-43/B Massive Ordnance Air Blast xuống Achin một mục tiêu thuộc Tỉnh Nangarhar của A Phú Hãn. Loại bom này giống như bom BLU-82 Daisy Cutter từng được sử dụng trong Chiến Tranh Việt Nam để khai quang những khu rừng rậm. Nó có sức tàn phá khủng khiếp và tạo nên một làn khói hình nấm giống như bom nguyên tử.

Tình hình Biển Đông:

-Business Insider ngày 1/4/2017: “Bộ Quốc Phòng Trung Hoa xác nhận chiếc hàng không mẫu hạm tự đóng đã ở vào giai đoạn cuối cùng và dự định sớm hạ thủy vào 23 Tháng Tư là ngày kỷ niệm thành lập hải quân.”
Từ một đất nước nghèo đói, lạc hậu dân phải bỏ đi tứ xứ, mặc quần đùi, cửi trần, sống bằng nghề bán hủ tíu, bánh bao, lợn quay, lạc rang, bò bía và đồ lạc-son (sắt vụn, ve chai) nay trở thành cường quốc hải quân với 2 HKMH, 48 tuần dương hạm, 32 khu trục hạm, 26 hộ tống hạm và 68 tàu ngầm có trang bị vũ khí nguyên tử. Năm 1958 trong cuộc khủng hoảng Kim Môn-Mã Tổ ở Eo Biển Đải Loan, để hỗ trợ cho Tưởng Giới Thạch, Hoa Kỳ đã đem chiến hạm áp sát bờ biển Trung Hoa ba hải lý mà Hoa Lục không có cách nào đối phó. Thế nhưng ngày nay, chiến hạm của Trung Quốc đám đâm húc soái hạm Blue Ridge của Hoa Kỳ tại Biển Đông mà tàu Mỹ phải né qua một bên để tránh đụng độ. Ngoài ra, tàu chiến Hoa Lục thường xuyên bám sát tàu chiến Mỹ đang tuần tra ở Biển Đông. Vậy ai có kế sách gì kiểu “Bát quốc liên quân, liệt cường xâu xé Trung Hoa” xin công bố cho thế giới biết.

-AP (Palm Beach, Florida) ngày 7/4/2017: “Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình mở màn cuộc họp thượng đỉnh đầy khó khăn tại dinh thự nghỉ mát của Ô. Trump giữa đe dọa trước mắt của Bắc Triều Tiên và căng thẳng về mậu dịch giữa hai nước. Cuộc viếng thăm của Ô. Tập Cận Bình bị bao phủ bởi cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Hoa Kỳ vào lãnh thổ Syria để “trả lời” cho việc dùng hơi độc của chính quyền Assad chống lại thường dân trong tuần này mà Hoa Kỳ đổ lỗi cho Tổng Thống Assad. Ô. Trump có vẻ hể hả khi ông gặp Ô. Tập Cận Bình vào sáng 6/4/2017 tại Mar-A-Lago. Ông ca ngợi Bà Bành Lệ Viện hết mình. Cháu nội Ô. Trump hát nhạc Tàu chào mừng. Trước bữa ăn tối, Ô. Trump nói rằng hai bên đã có cuộc thảo luận rất lâu và đã tiến tới mối liên hệ tuyệt vời (outstanding relationship). Xuất hiện trước các phóng viên, Ô. Trump nói rằng hai bên đã đạt được tiến bộ lớn lao trong cuộc gặp gỡ tay đôi lần đầu tiên.”

Theo ý kiến của tôi, cuộc gặp gỡ không đem lại kết quả cụ thể nào, không một cam kết nào mà chỉ là cơ hội để hai bên hiểu biết lẫn nhau. Sẽ còn rất nhiều cuộc gặp gỡ khác và vẫn còn phải chờ đợi xem tình hình diễn biến như thế nào. Theo AP, chính Ô. Trump đã nói rằng, “Thời gian sẽ trả lời” (Trump: Only time will tell’ on improving US-China trade)

Có thể chính sách đối với Hoa Lục của Ô. Trump trong lúc tranh cử nói rất mạnh, nhưng cuối cùng rồi cũng “xìu xìu ển ển” như Ô. Obama. Không phải Ô. Obama hay Ô. Trump kém. Mà tình thế bó buộc phải như thế, dù Bà Clinton có làm tổng thống cũng vậy thôi. Nguyên do chỉ vì hai nền kinh tế Mỹ-Hoa gắn bó với nhau như vợ chồng và Hoa Lục không phải Iraq, Afghanistan, Syria, Libya. Một cuộc đối đầu về quân sự hay kinh tế với Hoa Lục cũng sẽ gây thảm họa cho cả hai bên.

-ABS-CBN News ngày 4/4/2017: “Trong một cuộc phỏng vấn với ANC’s Headstart, Đại Sứ Phi Luật Tân Chito Romana nói rằng việc tàu đánh cá Việt Nam hiện diện tại Bãi Cạn Scarborough Shoal là dấu hiệu tốt. Sự hiện diện của tàu đánh cá Việt Nam tại đây có ý nghĩa là họ đã lấy lại khu vực đánh cá cổ truyền tại vùng biển tranh chấp.”

Có thể sau phán quyết của Tòa Hague, Việt Nam đã thỏa hiệp với Phi Luật Tân để đưa ngư dân tới đánh cá tại vùng này. Nó phù hợp với phán quyết nói rằng Bãi Cạn Scarborough là vùng đánh cá truyền thống của nhiều nước chứ không phải khu đặc quyền kinh tế của Hoa Lục. Với quyết định này, Phi Luật Tân không còn “cô đơn” khi đối đầu với Trung Quốc về chủ quyền của Bãi Cạn Scarborough. Theo RFI (Radio France Internationl) khi ngư dân Việt Nam đánh cá hợp pháp tại vùng này thì việc tranh chấp chủ quyền của Scarborough sẽ là “tay ba” chứ không còn “tay đôi” nữa. Có thể đây là cơ hội “Trời giúp” cho Việt Nam. Bãi Cạn Scarborough gần Phi Luật Tân nhất và chỉ cách Đảo Luzon 220 Km. Đây là chiến lược khôn ngoan của Phi Luật Tân. Khi đối đầu với một cường địch mà mình có nguy cơ trắng tay, nay xuất hiện một “nhân tố thứ ba” (Việt Nam) mà mình có hy vọng chiếm được 1/3 thì dại gì không làm. Ông bà mình nói, “Cá nhỏ còn hơn đĩa không”.

Vào ngày 6/4/2017, Reuters đưa tin, “Tổng Thống Duterte ra lệnh cho quân đội chiếm đóng các đảo hoang và các bãi đá ngầm không xa các đảo nhân tạo của Trung Quốc mà Phi đòi hỏi tại vùng biển tranh chấp, hiển nhiên là sự thay đổi chiến thuật (hòa dịu với Hoa Lục). Ô. Duterte nói rằng các đảo hoang (không người ở) là của chúng tôi, hãy sống ở đó trong chuyến viếng thăm một căn cứ quân sự trên Đảo Palawan gần vùng biển tranh chấp.” Tin tức cuối cùng cho biết Ô. Duterte đã hủy bỏ chuyến viếng thăm Đảo Thị Tứ (Thitu) sau khi có sự phản đối của Bắc Kinh.

Quần Đảo Trường Sa có 100 đảo nhỏ và bãi đá ngầm trong đó 47 đảo đã bị các bên tranh chấp kiểm soát. Việt Nam kiểm soát 20 đá nổi và đảo (có cuộc sống tự nhiên). Hoa Lục kiểm soát 8 đá nổi vừa mới tân tạo (không có cuộc sống tự nhiên). Phi Luật Tân kiểm soát 10 bãi đá ngầm và đảo (có cuộc sống tự nhiên). Đài Loan (Tưởng Giới Thạch) đồng minh chiến lược của VNCH trong Chiến Tranh Việt Nam đã chiếm Đảo Ba Bình là đảo lớn nhất tại Trường Sa năm 1956 và bãi san hô Bàn Than dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm.
Nay ở Hoàng Sa và Trường Sa không còn các “đảo tự nhiên” nữa mà chỉ còn các mỏm đá hay các bãi đá ngầm. Muốn kiểm soát các bãi đá hoang này phải biến cải, tân trang, sau đó xây dựng bến đậu và công sự phòng thủ. Ngoài ra, việc tiếp vận lương thực, nước uống để bảo đảm cuộc sống ổn định cho binh sĩ trên các “tiền đồn” nằm chơ vơ giữa trời nước mênh mông này rất khó khăn, đòi hỏi phải có một tinh thần kỷ luật sắt thép và một tổ chức hải quân hùng mạnh. Lời tuyên bố mạnh mẽ của Ô. Duterte có khi chỉ để kích động tinh thần yêu nước, khó tiến hành trong thực tế.

Ô. Duterte mới đầu bị thế giới coi như “phổi bò” , “nay rày mai khác” khó tiên đoán (unpredictable) và có thể ngả theo Trung Quốc. Nhưng nay thì rõ ràng ông theo chính sách “đu dây”, hòa dịu với Trung Quốc để phát triển kinh tế nhưng cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Chưa biết Phi Luật Tân hợp tác với Việt Nam ở mức độ nào. Nhưng Phi Luật Tân dần dần hiểu rằng, một sự hợp tác chặt chẽ với Việt Nam chỉ có lợi cho Phi Luật Tân và tạo thế liên kết để đối phó với Trung Quốc. Tôi vẫn duy trì quan điểm cho rằng Việt Nam có thể thỏa hiệp với Phi Luật Tân trong các lãnh vực như đánh cá, chia xẻ tài nguyên, nhờ Tòa Án Trọng Tài Về Luật Biển phân định chủ quyền các hòn đảo còn đang tranh chấp, nhưng khó lòng thỏa hiệp với Hoa Lục về những vấn đề này.

Việc Hoa Lục chấp nhận thương thảo về bộ Quy Tắc Hành Xử (Code of Conduct) trong vùng tranh chấp tại Biển Đông cho thấy Hoa Lục đang ở vào thế hạ phong sau khi có phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Về Luật Biển Tháng 7, 2016. Nhưng sự hiện diện hải quân thường trực của Hoa Kỳ tại Biển Đông là nhân tố quan trọng tạo ổn định trong vùng. Và có lẽ cũng chưa cần sự hiện diện hải quân của Nhật Bản và Úc Châu trong lúc này. Hy vọng Phi Luật Tân đã nhìn thấy vấn đề.

Nhận Định:

Tình hình Syria biến chuyển quá bất ngờ khi hình ảnh và tin tức về nạn nhân của vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở một tỉnh phía bắc Idlib do phiến quân kiểm soát được loan tải. Truyền thông Tây Phương nói rằng Ô. Assad đã sử dụng hơi ngạt, trong khi Nga và chính quyền Syria nói rằng không quân Syria đã không kích vào một kho vũ khí hóa học của phiến quân.

Tình hình trở nên sôi động từ trong nước đến diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Trước áp lực nặng nề, Tổng Thống Doanld Trump đã ra lệnh cho hai chiến hạm ở Địa Trung Hải phóng hơn 59 hỏa tiễn Towmahaw vào căn cứ không quân Shayrat, đông nam của Tỉnh Homs làm 21 người chết trong đó có một vị tướng, 3 binh sĩ và 18 thường dân đồng thời phá hủy một số máy bay. Theo hãng thông tấn SANA của chính phủ Syria, một hỏa tiễn đã rơi vào làng Al-Hamrat, giết chết 4 thường dân tại đây. Ngoại Trưởng Tillerson còn nói rằng một liên minh quốc tế đang được hình thảnh để lật đổ Ô. Assad. Hành động này đảo ngược hoàn toàn lập trường của Ô. Trump cách đây vài hôm là không tìm cách lật đổ Ô. Assad. Nga và Syria gọi đây là cuộc xâm lăng một quốc gia có chủ quyền và vi phạm luật pháp quốc tế (aggression against a sovereign state in violation of international law). Tổng Thống Putin nói rằng cuộc tấn công đã làm thiệt hại thêm mối bang giao Nga-Mỹ vốn đã tan nát và đang được hai bên tìm cách hàn gắn.

Có thể Ô. Trump chỉ “ra oai” để cảnh cáo Syria trước áp lực quá nặng nề của các chính trị gia chủ chiến, nhất là các “siêu diều hâu” John McCain và Lindsey Graham trong Đảng Cộng Hòa và cũng vì chính ông đã lên án Ô. Obama trước đây đã không làm gì cả để giải quyết vấn đề Syria. Có điều lạ là cuộc tấn công Syria diễn ra sau khi Ô. Donald Trump và Ô. Tập Cận Bình tiệc tùng vui vẻ tại dinh thự nghỉ mát Mar-a-Lago để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh vào ngày hôm sau. Phản ứng của các chính trị gia Hoa Kỳ về cuộc tấn công hoàn toàn khác nhau. Một số ủng hộ, một số chống đối. Mối lo vẫn là Hoa Kỳ có thể sẽ lún sâu vào cuộc chiến mà chính Hoa Kỳ muốn sớm giải quyết. Cùng lúc có tin tuần dương hạm Admiral Grigorovich của Nga trang bị hệ thống chống hỏa tiễn đã tiến vào Địa Trung Hải và đang hướng tới Cảng Tartus và Nga cũng đang nghiên cứu những biện pháp giúp Syria tăng cường khả năng phòng không để bảo vệ một số những hạ tầng cơ sở trọng yếu. Theo AP, Tổng Thống Putin tỏ dấu hiệu sẵn sàng chấp nhận đối đầu với Hoa Kỳ và bỏ qua hy vọng hàn gắn bang giao với Mỹ dưới thời Tổng Thống Donald Trump chứ không chấp nhận tủi nhục đứng đó nhìn đồng minh của mình bị đánh bom. (President Vladimir Putin signaled he was ready to risk a clash with the U.S. and abandon hopes for mending ties with the U.S. under President Donald Trump, rather than accept the humiliation of standing by while his ally is bombed.) Theo Reuters, Nga đã yêu cầu triệu tập một phiên họp khẩn cấp vào ngày hôm nay tại Genève của ủy ban đặc nhiệm LHQ về cuộc ngưng bắn tại Syria để thảo luận về cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Hoa Kỳ vào Syria.

Câu hỏi đặt ra là sau vụ phóng hỏa tiễn này Hoa Kỳ sẽ làm gi? Bà Haley – Đại Sứ của Hoa Kỳ tại LHQ nói với Hội Đồng Bảo An rằng, “Chúng tôi chuẩn bị có hành động tiếp theo nhưng hy vọng điều đó không cần thiết.” (We are prepared to do more,” Haley told the U.N. Security Council. “But we hope that won’t be necessary.) Tuy nhiên các nhà luật pháp nói rằng tổng thống muốn có hành động tiếp theo tại Syria cần phải điều trần trước Quốc Hội.

Theo tôi, tình hình Syria khác xa với Iraq, Afghanistan và Libya bởi vì nơi đây có sự hiện diện quân sự của Nga và chí nguyện quân Ba Tư, vừa trên bộ vừa trên biển. Trong tương quan lực lượng hiện tại, cho dù Hoa Kỳ có “lùi bước” ở Syria thì Hoa Kỳ vẫn là siêu cường Số Một. Nhưng nếu mất Syria thì Nga sẽ “không còn chỗ đứng trên chốn giang hồ”. Cho nên nếu Hoa Kỳ tiếp tục tấn công các cơ sở quân sự và hệ thống tiếp vận, đài chỉ huy của Syria vừa bằng hỏa tiễn vừa bằng phi cơ, thì buộc lòng Nga sẽ viện trợ ồ ạt hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn cho Syria và cũng có thể hỏa tiễn S-300 và S-400 của Nga sẽ bắn hạ các hỏa tiễn và máy bay Mỹ. Khi đó cuộc chiến rẽ sang một lối khác. Đó là cuộc đối đầu trực tiếp Nga-Mỹ và cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo sẽ sẽ bị lãng quên, bỏ rơi hay không còn quan trọng nữa. Liệu Hoa Kỳ có dám liều lĩnh mở một cuộc chiến có thể gọi là “đáng sợ” với Nga trong lúc đang phải đối phó với Bắc Triều Tiên và “tình bạn tuyệt vời” với Trung Quốc (lời ca ngợi của Ô. Trump) “ông bạn” lúc nào cũng lăm le đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Đông Nam Á?

Cứ theo lởi Ô. Tillerson, nếu Hoa Kỳ thành lập một liên minh để lật đổ chế độ của Ô. Assad. Trong liên minh này, là lãnh đạo cho nên Hoa Kỳ phải đóng góp ít ra cả trăm ngàn quân. Nếu tình hình cứ cù nhầy, ba năm nữa là tới kỳ bầu cử. Đối thủ của ông sẽ tấn công ông và họ sẽ nói “ Middle East is a mess” đúng như lời ông đã dùng để tấn công Ô. Obama và giúp ông đắc cử. Lúc đó, chắc chắn ông khó ăn khó nói. Giả dụ ông chỉ làm tổng thống một nhiệm kỳ và để Ô. Pence ra tranh cử thì Ô. Pence cũng sẽ lãnh đủ di sản nhức nhối mà ông để lại và cũng có nguy cơ thất cử. Do đó, một giải pháp quân sự cho Syria tính đi tính lại hết sức hiểm nguy cho sự nghiệp chính trị của Ô. Trump trong khi Nhà Nước Hồi Giáo vẫn còn đó. Ngày 12/4/2107 đã xuất hiện bài báo của cựu bộ trưởng ngoại giao Gareth Evans và cựu thủ tướng Úc Paul John Keating khuyên Úc Đại Lợi nên lánh xa cuộc chiến chống ISIS do Hoa Kỳ lãnh đạo và các cuộc chiến “thiếu nhận thức” (ill perceived) do Hoa Kỳ phát động ở Trung Đông (qua hai đời tông thống Bush Con và Obama).

Xin nhớ, các cuộc chiến Afghanistan và Iraq và Libya – Mỹ tiến vào dễ dàng như trở bàn tay, nhưng A Phú Hãn 16 năm và Iraq 14 năm gỡ mãi vẫn chưa ra. Việc phải dùng bom khổng lồ “mẹ của các loại bom” vừa rồi cho thấy tình hình A Phú Hãn tồi tệ đi và Ô. Trump phải dùng tới “vũ khí chiến lược” thay vì tăng quân theo yêu cầu của các ông tướng khi điều trần trước Quốc Hội.

Chính vì đang phải lún sâu vào hai cuộc chiến Iraq và A Phú Hãn mà các giới chức ở Toà Bạch Ốc vội nói rằng, “Cuộc bắn phá bằng hỏa tiễn vào Syria không phải là dấu hiệu chuyển dịch rộng hơn về chính sách của Hoa Kỳ.” (White House officials cautioned that the strikes did not signal a broader shift in U.S. policy). Đây chính là chính sách không can thiệp và lật đổ mà Ô. Trump nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong lúc tranh cử. Tin tức mới nhất cho biết, ngay sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, không quân Syria tiếp tục oanh kích khu vực của phiến quân, nơi mà truyền thông Tây Phương loan tin là Ô. Assad đã dùng vũ khí hóa học. Cũng theo Business Insider ngày 11/4/2017, Nga vừa điều thêm hai chiến hạm tới Địa Trung Hải. Theo Rerters ngày 11/4/2016, xuất hiện chung với Tổng Thống Sergio Mattarella của Ý Đại Lợi tại Mạc Tư Khoa, Tổng Thống Putin nghĩ rằng Tây Phương đã ngụy tạo (fabrication) vụ sử dụng hơi ngạt để triệt hạ uy tín Tổng Thống Assad (Putin says expects ‘fake’ gas attacks to discredit Syria’s Assad).

Ngoại Trưởng Tillerson sau đó cũng đã gọi điện thoại và lên đường đi Mạc Tư Khoa để gặp Ngoại Trưởng Lavrov và với Tổng Thống Putin vào ngày 12/4/2017. Trong cuộc gặp gỡ, Ô. Lavrov đã trách cứ Hoa Kỳ về cuộc bắn phá và nói rằng Nga sẽ không chấp nhận bất cứ một cuộc tấn công như vậy trong tương lai. Thế nhưng ngoại trưởng Nga lại bày tỏ mong muốn được hợp tác với Hoa Kỳ trong lãnh vực chống khủng bố mà bộ tham mưu của Ô. Trump vẫn coi đó là ưu tiên hàng đầu. Hai bên cũng đồng ý tiến hành cuộc điều tra quốc tế về việc Syria sử dụng hơi ngạt vừa qua. Nga đã phủ quyết một nghị quyết của Hội Đống Bảo An LHQ lên án Syria về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Hiện nay tình hình chính trị Hoa Kỳ vô cùng bất ổn, chia rẽ. Đảng Dân Chủ chưa nguôi ngoai hận thù vì đã thất bại trong cuộc bầu cử. Trong khi Ô. Trump và các cố vấn thân cận đang bị quốc hội điều tra về cáo buộc cấu kết với Nga – tức cấu kết với ngoại bang trong cuộc bầu cử. Để cứu nguy cho bản thân mình, Ô. Trump khó lòng có một chính sách hòa hoãn với Nga. Do đó, một cuộc can thiệp quân sự vào Syria vẫn có thể xảy ra – không phải vì Ô. Trump muốn – mà phải “cuốn theo chiều gió” để chứng tỏ “Tôi đây không phải công cụ của Nga”. Theo tôi, Ô. Trump phải thành công trong hai chương trình lớn là bảo hiểm y tế và giảm thuế thì lúc đó mới có đủ uy thế để chủ động trong chính sách ngoại giao. Gần 100 ngày qua, ông chưa hoàn tất được bất cứ điều gì mà ông đã hứa với cử tri.

Cho nên chúng ta phải chờ xem, chưa biết tình hình Syria và thế giới diễn biến như thế nào vì Ô.Trump là người bất định (unpredictable) nay rày mai khác. Hiện nay Ô.Trump đã đảo ngược rất nhiều lập trường mà ông khẳng định như đinh đóng cột trong lúc tranh cử đó là : “NATO đã lỗi thời” nay trở thành “NATO không còn lỗi thời nữa” khi tiếp Tổng Thư Ký khối NATO, và Trung Quốc không còn là kẻ nhào nặn hối xuất đồng bạc để thủ lợi trong ngoại thương với Hoa Kỳ (Trump Flip-Flops on Calling China a ‘Currency Manipulator‘) mà chính ông đã lên án trong suốt thời gian tranh cử.

Theo tôi, sự nghiệp chính trị của Ô. Trump sẽ tiêu tan nếu ông tiến vào Syria – một chiến trường không đem lại bất cứ chiến thắng hay vinh quang nào cho Hoa Kỳ mà chỉ có thương vong, tốn kém. Vào Tháng 11, 2016 người dân bỏ phiếu cho ông là mong ông giải quyết nhanh gọn “cục xương” ISIS mắc trong cổ họng Hoa Kỳ như ông đã hứa, chứ không phải ông lại lún sâu thêm vào bãi lầy này thêm năm, mười năm nữa. Chính vì thế mà trong cuộc phỏng vấn với New York Post ngày 12/4/2017, Ô. Trump đã nói Hoa Kỳ sẽ không tiến vào Syria. (We’re not going into Syria,” Trump told New York Post columnist Michael Goodwin in one of two new interviews published Wednesday.)

Bản lĩnh ngoại giao và tài lãnh đạo của Ô. Trump là giai đoạn này đây.

Đào Văn Bình
(California ngày 15/4/2017)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img