Thursday, March 28, 2024

MỘT DÂN TỘC ĐÁNG THƯƠNG NHẤT THẾ GIỚI

Huệ Vũ

LTS: Huệ Vũ là cây bút bình luận thâm niên, sống tại Nam California và viết bài độc lập để cộng tác với một số báo tại Hoa Kỳ. Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm riêng của tác giả, và không nhất thiết thể hiện quan điểm của bổn báo. Tòa soạn đăng tải để rộng đường dư luận và sẵn lòng đăng tải các ý kiến phản biện khác về vấn đề này.

Cali Today news – Dân số Palestine hiện nay khoảng trên 8 triệu người. Số người đang sống ở dải Gaza, West Bank và trong lãnh thổ Do Thái chỉ trên 4 triệu. Hơn một nửa đang sống ở những quốc gia Arab và các nước trên thế giới được coi như người tỵ nạn Palestine. Hiện đang có khoản 5 triệu người Palestine phải sống nhờ vào sự chăm sóc của cơ quan UNRWA (United Nations Relief and Works Agency for Palestine Refugees in the Near East).

Dân tộc Palestine có lẽ là dân tộc đau khổ nhất trên thế giới, trong lịch sử họ chưa từng có quốc gia, và họ rất khó có thể tìm được một quốc gia trong giai đoạn hiện nay khi Chủ nghiã Zionism chủ trương phải lấy lại tất cả “Vùng Đất Hứa” theo Cựu Ước, và người Do Thái gần như thao túng chính sách ngoại giao của nhiều cường quốc Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ. Cùng lúc đó, người Palestine lại cũng là con bài mà thành phần Hồi giáo Sunni cực đoan muốn qua họ, dùng sự đàn áp của Do Thái để kích động tinh thần chống Tây phương, chống chính phủ thế quyền, vua chúa tại các nước Á Rập. Khối Shiite do Iran lãnh đạo cũng muốn dùng sự chiến đấu của người Palestine để cạnh tranh ảnh hưởng và cảm tình trong khối Hồi Giáo.

Photo Credit: AP

Tên gọi Palestine xuất hiện đầu tiên trong Cựu Ước là Philistin. Theo tài liệu của đền thờ cổ Medinet Habu, Palestine là dân Peleset, một dân tộc miền biển, đã xâm nhập Ai Cập dưới triều đại vua Usimare Ramesses III (cũng gọi là Ramses III hay Ramese III), là vị Pharaoh thứ nhì của Triều đại thứ 20. Peleset được dịch qua tiếng Anh là “Philistia”. Hiện cũng không thể xác định người Palestine hiện nay có phải là con cháu người Philistines hay không. Theo lịch sử, vào năm 1000 BC, vua David của Do Thái chinh phục người Philistines. Vào năm 922 BC vương quốc Israel bị chia làm đôi: Israel ở phía bắc và Judad ở phía nam. Năm 721 BC Israel bị rơi vào tay Assyria, đến năm 586 BC Judad bị Babylon chinh phục, thành phố Jerusalem bị phá hủy, người Do Thái bị lưu đày. Theo các nghiên cứu gần đây, người Do Thái và Palestine có cùng huyết thống. Theo họ, trong các đợt bị lưu đày, nhiều người Do Thái đã trốn tránh, cương quyết tiếp tục ở lại quê hương, nhưng theo thời gian cả ngàn năm, họ đã thay đổi ngôn ngữ, phong tục, để thích ứng với nhiều hoàn cảnh cay nghiệt, và cuối cùng họ đã theo Hồi Giáo. Những kết quả nghiên cứu trên hiện cũng chưa được chính thức xác nhận! Như vậy, dù có phải cùng là con cháu ông Abraham hay không, tiên tổ người Palestine và Do Thái cũng đã từng là anh em trong một quốc gia kéo dài trong nhiều trăm năm. Nhưng ngày hôm nay họ bị chính người anh em của mình trước kia ngược đãi, đàn áp dã man. Họ cũng là nạn nhân của tranh chấp giữa Do Thái và Hồi giáo.

Palestine, sau thời kỳ Babylon là đế quốc Ba tư, La Mã cai trị. Tiếp theo đó là người Á Rập Hồi giáo, đế quốc Thổ. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, Palestine lại bị lệ thuộc Anh.

Người Do Thái sau khi bị đế quốc Babylon và Đế quốc La Mã lưu dày, bán làm nô lệ, đã đi sinh sống nhiều nơi trên thế giới không còn hiện diện nhiều ở vùng đất Palestine thuộc Anh (lãnh thổ Do thái hiện nay, Tây Ngạn và Gaza), vào năm 1850 trong toàn vùng chỉ có khoảng 12 ngàn người.

Vào năm 1897, người Do Thái hợp đại hội phục quốc đầu tiên ở thành phố Basle, Thụy Sĩ, bàn cách thành lập quốc gia Do Thái. Đại hội trong năm 1904 đề nghị thành lập quốc gia Do Thái ở Á Căn Đình (Argentina), nhưng đại hội năm 1906 đã quyết định quốc gia Do Thái phải là Đất Hứa Palestine. Trong năm 1917, Ngoại trưởng Anh Arthur J. Balfour đã gởi thư cho một lãnh tụ phục quốc Do Thái hứa hẹn sẽ giúp thành lập quốc gia Do Thái. Sau Thế chiến Thứ Nhất, người Do Thái các nơi trên thế giới ồ ạt trở về vùng đất này. Từ năm 1920 tới năm 1945 có khoảng 350 ngàn người Do Thái di cư hợp pháp vào Palestine.

Chủ nghiã phục quốc Do Thái không chỉ đơn giản có một quốc gia Do Thái sống hoà bình bên cạnh quốc gia Palestine hay chấp nhận người Palestine sống chung với Do Thái. Quốc gia Do Thái đối với người Zionists phải là đất của vua David, Salomon, đất mà Chúa Trời hứa hẹn với con cháu ông Abraham sẽ từ sông Ai cập tới sông Euphrates có đất Kenite, Kamonite, Hittite, Perizzite, Rephain, Amorite, Canaanite, Girgashite và Jubesite. (Genesis 15:18-20) chứ không phải biên giới hiện nay.

Họ cắt nghiã giai đoạn 1.000 năm trong sách Khải Huyền (Revelation) rằng thì là.. một khi người Do Thái phục hồi lại cõi bờ vua David, Salomon, sẽ tới thời kỳ mạt thế và thăng thiên khoảng 7 năm, Chúa Jesus sẽ đến từ trời, hiện rực rỡ trong mây đón rước những người tin Chúa lên thiên đàng. Sau giai đoạn này, Chúa Jesus sẽ trở lại trần thế, chọn 144.000 người Do Thái cùng Ngài cai trị các nước trên thế giới trong vòng 1000 năm cho tới ngày phán xét cuối cùng.

Những điều tin tưởng trên của người Zeonist có lẽ hoàn toàn bóp méo kinh điển. Nếu Chúa Trời đã có hứa với ông Abraham thì phải chăng con cháu của ông ta, vua David cũng đã từng nhận đất mà Ngài đã hứa? Kinh Thánh đã xác định Chúa Trời đã chu toàn lời hứa qua các đoạn Joshua 21:43, Kings 8:56. Người Zeonist cũng đã quên, không nhớ rằng tổ tiên của họ đã từng chối từ không công nhận chúa Jesus là con của Chúa Trời. Qua Kings 9:6-9, Chúa Trời đã cảnh cáo nếu con cháu người Do Thái không theo Chúa, không giữ lời Chúa, Ngài sẽ tước bỏ những đất đai mà Ngài đã ban cho. Sự sụp đổ của vương quốc Israel-Juda phải chăng đã là sự trừng phạt của Chúa Trời, và tội chối Chúa Jesus không công nhận Ngài là con Chúa Trời cũng đã làm cho họ bị đế quốc La Mã bán làm nộ lệ khắp thế giới.

Tuy nhiên, không phải chỉ có người Do Thái tin tưởng những điều huyễn hoặc mà các nhà tiên tri Christian Zeonists nêu lên. Nó được rộng rãi tin tưởng ở Anh và Hoa Kỳ. Chính vì những tin tưởng như vậy mà Balfour đã cam kết với người Zeonist ở Anh, và Anh Quốc đã ngầm giúp cho người Do Thái trở về Palestine trong thời gian cai trị vùng Palestine.

Ở Hoa Kỳ, hội Người Thiên Chúa Đoàn Kết cho Do Thái (Christians United for Israel – CUFI) là một hội rất mạnh. Người thành lập CUFI là Mục sư John C. Hagee của Nhà thờ Cornerstone ở San Antonio/Texas có 19 ngàn tín đồ, giám đốc global Evangelism Television, đã công khai tuyên bố quốc gia Do Thái phải gồm Tây Ngạn và Gaza, đây là đất Chúa tuyệt đối dành riêng cho người Do Thái. Trong tháng 7 năm 2007, Mục sư Donald Wagner của đạo Presbyterian nói rằng điều ông lo ngại nhất là Christian Zeonists với trên 1 triệu tín đồ Evangelical trên thế giới đã hết sức cực đoan chống Hồi Giáo và ủng hộ Do Thái có thể tạo thêm hận thù giữa người Christian và người Hồi Giáo. Các nhà thờ Công Giáo (Catholic), Lutheran và Orthodox trong vùng Trung Đông cũng rất lo sợ luận điệu của Evangelicals.

Người phục quốc Do Thái không chỉ tin tưởng quốc gia của họ phải bao gồm những vùng đất Tây Ngạn và dải Gaza, Jerusalem phải là kinh đô của họ mà họ cũng không chấp nhận sống chung với người Palestine.

Trong năm 1895, ông Theodor Herzl được coi là nhà tiên tri của Zeonism đã viết: “ Hãy tước đoạt nghị lực của dân tộc không đáng một xu trong nước chúng ta bằng cách tước đoạt tài sản và xua đuổi chúng một cách vô cùng thận trọng.” Người lãnh đạo Do Thái đầu tiên là ông David Ben Gurion đã triệt để thực hiện chủ trương của Herzl ngay từ lúc làn sóng di dân Do Thái mới bắt đầu trở về “Đất Hứa” với 2 chính sách là “Mua đất của người Palestine” và “chỉ dùng công nhân Do Thái”. Người Do Thái đã thực sự bắt tay bí mật thực hiện chính sách thanh lọc chủng tộc ngay từ năm 1937. Sau khi Ủy ban do ông Earl Peel cầm đầu đưa ra kế hoạch phân chia Palestine, ông Ben Gurion đã tuyên bố: “không thể có một quốc gia Do Thái trong đó có một thiểu số người Á Rập nguy hiểm” và “Không thể có quốc gia Do Thái nếu người mọi rợ điạ phương vẫn còn hiện diện trong biên giới.”

Thế chiến Thứ 2 kết thúc, người Do Thái vẫn còn kinh hoàng với thảm trạng Holocaust, nhưng ngay sau đó họ lại không có một chút lòng nhân đạo nào đối với dân tộc Palestine, để mỗi năm người Do Thái tưởng niệm Holocaust, thì người Palestine cũng mỗi năm mỗi tưởng niệm thảm trạng al-Nakba.

Thảm trạng al-Nakba không có giết người tập thể bằng hơi ngạt như Holocaust, nhưng hàng trăm, hàng ngàn người dân vô tội bị xua đuổi khỏi nhà cửa, khỏi làng mạc mà ông cha, tổ tiên của họ đã sống từ bao ngàn năm trước.

Ngày 14 tháng 5 năm 1948 là ngày Anh chấm dứt sự cai trị Palestine cũng là ngày Do Thái tuyên bố độc lập, thì từ nhiều tháng trước, Ben Gurion đã ra lệnh cho lực lượng dân quân Haganah phải dùng mọi cách từ đe doạ tới khủng bố để làm cho người Palestine phải đi khỏi lãnh thổ càng nhiều càng tốt. Nhà sử học Edgar O’balance đã viết lại thảm trạng: “ Xe Do thái với máy phóng thanh ra lệnh cho người Á Rập phải nhanh chóng di tản.. những làng xã người Palestine bị bao vây buộc phải ra đi trong vòng 2 hay 3 ngày .. xe ũi đất Do Thái tới dỡ nhà cửa ngay trước mắt họ.”

Từ cuối năm 1947 tới tháng 3 năm 1949, Do Thái đã hệ thống xua đuổi người Palestine trong 4 đợt, số người bị buộc phải ra đi trên 800.000 người. Dọn sạch khoảng 500 thị trấn, làng mạc và bộ lạc Palestine. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc chỉ có 150 ngàn trong số 950 ngàn người Palestine lúc bấy giờ nhất định ở lại với quê hương của họ. Qua cuộc chiến 1967 giữa Ai Cập và Do Thái, trên 300 ngàn người Palestine nữa đã phải trở thành người tạm trú ở những nước lân cận.

Mỹ có thể tấn công Bắc Hàn vào mùa Xuân 2018?

Đức Chúa Trời chắc chắn phải là đấng nhân từ, nếu người Do Thái xua đuổi người Palestine để lập lại vương quốc David, Solomon, Ngài sẽ cho Chúa Jesus xuống trần để cùng người Do Thái cai trị thế giới hình như nghe cũng chẳng thuận tai chút nào. Thế nhưng, đây là sự tin tưởng của Christian Zeonists, của Evangelicals, của hàng triệu người có thế lực chính trị tại nhiều cường quốc, cho nên người Palestine có lẽ khó tìm được những ngày bình an, dù họ có từ bỏ những chiến thuật đấu tranh sai lầm của họ hiện nay hay không.

Xin cầu nguyện cho người Palestine, cầu nguyện cho họ sớm thấy rằng hình thức đấu tranh của họ không thích hợp, chỉ phản lại chính nghiã của họ. Nhưng cũng xin cầu nguyện cho những người Zeonists sớm thấy rằng Chúa Trời là đấng nhân từ. Ngài có ban đất cho Do Thái thì chắc chắn cũng chọn lựa một cách nhân từ, tự nhiên chứ không phải xua đuổi, tước đoạt quyền sống, đàn áp, một dân tộc khác. Cầu nguyện cho thảm trạng chiếm đóng trong thế kỷ thứ 21 sớm chấm dứt, dân tộc Palestine có thể sống bình an, mưu cầu hạnh phúc cho chính họ như các dân tộc khác trên thế giới. Cầu nguyện cho trẻ em Palestine không còn ngồi tù, không còn đi ném đá quân nhân, cảnh sát Do Thái để bị bắn chết. Cầu nguyện cho chúng có thể cắp sách tới trường như trẻ em các dân tộc khác trên thế giới.

Huệ Vũ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img