Thursday, March 28, 2024

Chính Sử Và Ngụy Sử

Cali Today News – Có lẽ ai cũng biết “Chính Sử” là sử biên soạn đúng sự thật còn “Ngụy Sử” là sử biên soạn nhằm mục đích tuyên truyền cho chế độ của mình và miệt thị đối phương. Truyền thông gần đây xôn xao về “Bộ sách Lịch sử Việt Nam” vừa phát hành tại Việt Nam gồm 15 tập, dày cả 10.000 trang, biên soạn từ khi lập quốc đến năm 2000. Bộ sử này đã gây ra hiện tượng xôn xao, xôn xao không hẳn do công phu biên soạn hoặc chiều dày của bộ sử mà do nhóm biên soạn sử đã ghi trong đấy: “Chính thể Việt Nam Cộng hòa” (VNCH). Từ đấy, dấy lên làn sóng bàn tán xôn xao, có kẻ còn hoan nghênh nhóm biên soạn sử hay nhà nước (CSVN) đã đang cởi mở để hòa hợp hòa giải dân tộc?. Người viết thật sự sửng sốt, không muốn bàn về bộ sử này mất thì giờ nhưng không thể làm ngơ vì ngại ngần những ngộ nhận đáng tiếc có thể xảy ra. 

Xin hỏi, nhóm biên soạn sử hay nhà nước (CSVN) lấy tư cách gì để công nhận “Chính thể Việt Nam Cộng hòa”?. Thật ra, nhóm biên soạn sử chép vào bộ sử có chữ “Việt Nam Cộng hòa” là trả lại phần nào sự thật của lịch sử mà thôi và nhóm biên soạn sử đã được nhà nước CSVN cho phép, vì biên đúng sự thật “Việt Nam Cộng hòa” sẽ có lợi thế về chủ quyền ở biển Đông trong đấy có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo hiệp định Genève năm 1954.

Liệu rằng bộ sử này có dám chép sự thật của lịch sử hay không, như:

– Công hàm ngày 14-9-1958 của thủ tướng miền Bắc là Phạm Văn Đồng với sự đồng lõa của chủ nước là Hồ Chí Minh đã dâng cho Trung cộng cả Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đài phát thanh Trung Cộng đã nói: “Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam nhưng công hàm Phạm Văn Đồng đã đồng ý Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng” nếu ai muốn nghe thì vào link video clip (tiếng Việt): www.youtube.com/watch?v=IDjm7lwnl14

– Ngày 30-12-1999, gọi là phân định lại biên giới Việt-Hoa, nhà cầm quyền CSVN đã cắt nhượng khoảng 700 km2 vùng đất biên giới Bắc Việt. Ngày 25-12-2000, CSVN cắt nhượng khoảng 11,000 km2 vùng vịnh Bắc Bộ Việt Nam cho Tàu cộng.

– Ngày 4-12-1953, cái gọi là quốc hội nhất trí thông qua luật “Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) ở miền Bắc”, chính Hồ Chí Minh là chủ tịch miền Bắc đã ký sắc lệnh ban hành luật. Việc CCRĐ đã gây ra khoảng 172.000 người bị quy chụp là thành phần địa chủ và phú nông, họ bị xếp vào loại kẻ thù của nhân dân, bị “đào tận gốc, trốc tận rễ” bị hạ sát tại chỗ hoặc bị án tù để chết dần trong ngục.

– “Thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế” đã làm chấn động cả thế giới, người Anh, Mỹ gọi sự kiện này là “Hue massacre” tức là “Sự tàn sát ở Huế”. Trong 28 ngày Việt cộng chiếm đóng tại thành phố Huế đã sát hại nhiều người rất dã man. Riêng thường dân bị hại khoảng 7.000 người, trong đó có 844 tử thương và khoảng 1.900 bị thương vì bom đạn và số người mất tích đã tìm được khoảng 2.800 tử thi từ các hầm chôn tập thể ở tản mát khắp nơi tại thành phố Huế.

Ngoài ra, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chế độ CSVN, tòa án là nơi thể hiện công lý thế mà chánh án của chế độ như kẻ “Ngồi đồng” mọi phán xét đều do Bộ chính trị của Đảng CSVN quyết định, thế thì nhóm biên soạn sử có khỏi sự dám sát của Đảng CSVN không?.

Những sự thật thượng dẫn, liệu nhóm biên soạn sử hoặc nhà nước CSVN có dám biên đúng các sự thật vào “Bộ sách Lịch sử Việt Nam” không? Người viết nghĩ là không hoặc những kẻ biên sử ấy lại ngụy biện quanh co, thế thì bộ sử này là “Ngụy Sử” vậy.

CSVN đã cố tình xuyên tạc sự thật, gọi chính quyền VNCH là ngụy quyền, gọi quân đội VNCH là ngụy quân. Ngụy quyền là chính quyền tay sai, ngụy quân là quân đội của chính quyền tay sai hay quân đội do nước ngoài thành lập để phản lại nhân dân. Thế nhưng, thử so sánh chính quyền và quân đội miền Bắc Việt Nam với chính quyền và quân đội miền Nam Việt Nam, ai thật tâm bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đồng bào? Rõ ràng vào ngày 19-1-1974, hải quân Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa, QLVNCH đã chống trả quyết liệt, hải quân VNCH đã hy sinh 74 người, trong đấy có hạm trưởng thiếu tá Ngụy Văn Thà. Ngày 14-3-1988, quân Trung cộng xâm chiếm đảo Gạc Ma, khi ấy Đại hèn tướng Lê Đức Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thiếu tướng Lê Mã Lương đã tiết lộ: “Kẻ thủ phạm tiếp tay cho quân Tàu cộng đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam, chính là đồng chí lãnh đạo cấp cao”. Trước khi xảy ra trận Hải chiến Trường Sa, quân đội Việt Nam đã nhận lệnh oái oăm:

“Không được nổ súng trong trường hợp Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma hay bất kỳ một đảo nào ở Trường Sa”. Than ôi, 64 quân nhân Việt Nam bị tử thương rất oan uổng?!.

Có lẽ sự thật của lịch sử cận đại như vậy nên hầu hết người Việt lại mến mộ quân đội VNCH dù bị xuyên tạc là “ngụy quân”. Điều này đã thể hiện vào khoảng tháng 2 năm 1976, tại trại tù 53 Ngân Điền thuộc tỉnh Phú Yên. Một hôm, cán bộ quản giáo Việt cộng tuyên bố với tù binh: “Tội ác các anh to nớn nắm (lớn lắm) nên chúng tôi phải giam giữ các anh ở đây và khi các anh ra ngoài nao (lao) động, chúng tôi phải cho vệ binh theo bảo vệ các anh, nếu không dân chúng sẽ đánh đập hay giết các anh chết”. Thế nhưng, hôm sau khoảng 20 tù binh đi đào mì (sắn) để đem về nấu cơm độn cho tù binh ăn, do một vệ binh đi trước dẫn đường, nhóm tù binh di chuyển trên liên tỉnh lộ 7, có một bà cụ khoảng 70 tuổi, mặc áo vá nhiều chỗ đi ngược chiều nhóm tù binh đang đi, bà cụ lén đưa cho mỗi tù binh một gói thuốc lá hiệu Điện Biên, khi hết thuốc lá, cụ lấy tiền cho các tù binh khác tương đương bằng giá trị gói thuốc lá. Dù số tiền ít oi và có tù binh không hút thuốc lá nhưng nghĩa cử “bát cơm Phiếu Mẫu” cảm kích khó quên (Ai ở tù trại 53 Ngân Điền vào thời gian này đều biết)!. Thật vậy, dù từ “ngụy quyền, ngụy quân” không đẹp mà khi đồng bào nghe lại lưu luyến, còn chữ “cách mạng, giải phóng” vốn có ý nghĩa tốt đẹp nhưng khi đồng bào nghe thì ái ngại là do đâu vậy?.

Dùng từ ngữ xuyên tạc không thể thay đổi sự thật, lịch sử đã chứng minh rằng sau khi vua Gia Long lên ngôi, gọi La Sơn Phu Tử (Nguyễn Thiếp) đến hỏi: “Ngụy Tây Sơn mời Tiên sinh làm thầy, vậy Tiên sinh dạy nó ra sao?”. Ông thản nhiên trả lời: “Có tám điều trong sách Đại Học, có chín điều trong sách Trung Dung, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được”. Ông lấy cớ đã già yếu không giúp Gia Long, trở về vùng núi Thiên Nhẫn làm một ẩn sĩ (1). Việt Sử Toàn Thư viết: “Chính sách nhân hậu của triều đại vua Quang Trung được nhiều người ngoại quốc tìm hiểu và ca ngợi, trong đó có nhà du hành người Anh là ông Crawford đến viếng nước ta vào năm 1822, là năm vua Gia Long đã mất và Minh Mạng đang trị vì. Ông phản bác những lời phê bình bất công của một số sử gia Tây phương đối với nhà Tây Sơn”. Ông Crawford viết: “Bảo rằng nhân dân khao khát dòng vua chính thống, được khôi phục như một số người Tây phương chỉ biết có tán tụng vua Gia Long, chưa chắc đã đúng và triều Tây Sơn đâu có thất nhân tâm như thế. Tôi được một số nhà buôn Trung Hoa đã sinh sống lâu năm tại xứ này, dưới quyền vua chúa nhà Nguyễn và cả dưới quyền nhà Tây Sơn, đoan chắc với tôi rằng các nhà cầm quyền Tây Sơn cai trị dân chúng còn công bằng và khoan hòa hơn nhà vua hiện tại (vua Gia Long và vua Minh Mạng)…” Đáng tiếc, kẻ chiến thắng viết lịch sử nên nhà Tây Sơn: Vua Quang Trung và các tướng lãnh đã chống ngoại xâm và lo nước thương dân, vẫn bị các sử gia triều Nguyễn xuyên tạc?!. Cũng vậy, “Chính thể Việt Nam Cộng hòa” bị nhà nước CSVN xuyên tạc là điều khó tránh!.

Kết thúc bài này, người viết xin mượn lời của nhà triết học Trần Đức Thảo (1917-1993) đã trối trăn vào cuối đời như kim chỉ nam: “Nếu không dám khui ra những sai trái lịch sử của “ông cụ” (HCM), không dám đưa ra ánh sáng tội lỗi của Marx thì không bao giờ thoát ra được tình trạng bế tắc chính trị độc hại như hiện nay ở nước ta”.

Ngày 28-8-2017
Nguyễn Lộc Yên
__________________
Tài liệu tham khảo:
(1)- https://vietbao.com/a244487/trang-su-viet-nguyen-thiep

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img